Hồn cốt hương trầm Quỳ Châu

GD&TĐ - Những ngày cuối năm, các cơ sở sản xuất hương trầm truyền thống ở thị trấn Tân Lạc (huyện Quỳ Châu, Nghệ An) phải huy động hàng trăm nhân công, chạy đua với thời gian để hoàn thành đơn hàng.

Cơ sở sản xuất hương trầm Hòa Ninh (khối 1, thị trấn Tân Lạc, huyện Quỳ Châu, Nghệ An).
Cơ sở sản xuất hương trầm Hòa Ninh (khối 1, thị trấn Tân Lạc, huyện Quỳ Châu, Nghệ An).

Nức tiếng hương trầm Quỳ Châu

Những ngày cuối năm, mọi con đường, góc phố ở thị trấn Tân Lạc (huyện Quỳ Châu, Nghệ An) đều phảng phất hương thơm nhẹ nhàng, dễ chịu của hương trầm. Từ đầu tháng 10 cho đến Tết là thời điểm “nước rút” để các cơ sở sản xuất hương trầm hoàn thành đơn hàng. Hương trầm Quỳ Châu có công thức và bí quyết riêng, xuất phát từ một giống cây mọc dưới tán rừng.

Theo người dân địa phương, nghề làm hương trầm ở Quỳ Châu có cách đây khoảng 60 năm trước. Trong quá trình đốt cây rừng để khai hoang đất sản xuất, người dân đã phát hiện ra một loại rễ cây khi cháy có mùi thơm đặc biệt. Về sau, loại cây này được đặt tên là “cây rễ hương” và thương hiệu hương trầm Quỳ Châu cũng bắt đầu bén duyên từ đó.

Ban đầu, cây rễ hương mọc trong tự nhiên, được người dân khai thác dưới những tán cây rừng. Tuy nhiên, do nhu cầu sản xuất hương ngày càng lớn nên loại cây này được người dân nhân giống mang về trồng trên nương, rẫy. Đến nay, trên địa bàn huyện Quỳ Châu đã có gần 100ha cây rễ hương được trồng, tập trung nhiều ở các xã như Châu Thuận, Châu Hoàn, Châu Hội...

Là chủ cơ sở sản xuất hương trầm Hà Loan (khối 2, thị trấn Tân Lạc, huyện Quỳ Châu) lớn nhất nhì ở Quỳ Châu, ông Đậu Công Hà cho biết, để cung ứng đủ nhu cầu cây hương bán vào dịp Tết, các nguyên vật liệu như bột hương, chu hương (lõi của cây hương), bao bì sản phẩm... phải được chuẩn bị từ những tháng đầu năm.

Theo kinh nghiệm của ông Hà, cây rễ hương càng già thì càng nhiều tinh dầu, hương càng đậm đặc ngát thơm. Sau khi thu hoạch, rễ hương được rửa sạch, phơi khô pha trộn với một ít hương liệu thảo dược tự nhiên khác như: Trầm, thảo quả, quế chi, hoa hồi, bã mía... rồi tán nhỏ thành bột theo tỉ lệ gia truyền. Nếu bột pha đúng tỉ lệ thì khi cháy khói hương tạo nên một mùi thơm ngát, đặc trưng riêng của hương trầm Quỳ Châu mà không lẫn vào đâu được.

Ngoài pha bột, công đoạn làm chu hương cũng rất quan trọng. Chu hương được làm từ cây nứa, cây lùng rồi cắt thành từng ống dài khoảng từ 50 - 200cm ứng với kích thước dài ngắn của từng loại hương.

Sau khi những ống này được chẻ nhỏ, vót đều thành chu thì đem ngâm nước vài tháng rồi vớt lên phơi khô. Nhờ quá trình ngâm nước, tẩy rửa mà chu hương cháy đượm, tàn hương không bị rụng mà uốn thành hình xoắn cong.

“Công tác chuẩn bị suốt cả năm nhưng thời gian quấn hương phải vào 3 tháng cuối năm. Bởi vì nếu quấn sớm cây hương sẽ bị ẩm mốc, đốt không cháy hoặc mùi hương không còn thơm. Cơ sở của tôi đang thuê 30 nhân công làm việc. Mỗi ngày 1 người có thể cuốn được trên dưới 3.000 cây hương trầm, tiền công khoảng 200.000 đến 300.000 đồng”, ông Hà nói.

Ngoài các sản phẩm truyền thống như hương thẻ, cơ sở của ông Hà còn sản xuất một số sản phẩm mới như hương nụ, hương vòng… Để chống hàng giả, hàng nhái kém chất lượng, cơ sở này cũng đã dán mác đăng ký mã số, mã vạch lên sản phẩm để người tiêu dùng có thể truy xuất được nguồn gốc nơi sản xuất.

“Năm nay, chúng tôi dự kiến sản xuất được 5 triệu que hương các loại, cho doanh thu khoảng 2,5 tỷ đồng. Dù đang ảnh hưởng dịch Covid-19 nhưng lượng tiêu thụ hàng vẫn không giảm, ít hôm nữa xe tải sẽ đến chở hàng đi. Khách hàng mua hương trầm của chúng tôi ở khắp các tỉnh như: Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Hà Nội và các tỉnh phía Bắc”, ông Hà chia sẻ.

Cần mẫn quấn nhưng que hương trầm, bà Trần Thị Hòa – Chủ cơ sở sản xuất hương trầm Hòa Ninh (khối 1, thị trấn Tân Lạc) - cho biết, cơ sở sản xuất hương của bà đang thuê 12 nhân công, thay nhau quấn hương từ sáng đến tận đêm để kịp cho đơn hàng.

“Đây là nghề gia truyền nên tôi phải tận dụng mọi nhân lực trong gia đình. Ngoài tôi và 2 con gái thì còn có 12 công nhân làm việc. Năm nay, cơ sở chúng tôi làm gần 1 triệu que hương, sau khi trừ đi chi phí gia đình còn lãi vài trăm triệu đồng. Làm hương cũng là nghề tâm linh cho nên tôi vẫn thường căn dặn các cháu phải làm cẩn thận, bài bản để cây hương làm ra được sạch sẽ và tinh khiết nhất”, bà Hòa tâm sự.

Quấn hương là công đoạn cuối cùng để tạo nên một que hương.
Quấn hương là công đoạn cuối cùng để tạo nên một que hương.

Hướng phát triển nghề truyền thống

Ông Võ Thái Tịnh - Chủ tịch UBND thị trấn Tân Lạc - cho biết, hiện nay địa phương có 40 cơ sở sản xuất và kinh doanh hương trầm, trong đó có 10 cơ sở sản xuất lớn, tập trung chủ yếu ở khối 1 và khối 2. Năm nay, làng nghề hương trầm ở thị trấn sản xuất được 40 triệu que hương các loại, doanh thu đạt khoảng 18 tỷ đồng.

Ngoài việc được UBND tỉnh Nghệ An công nhận làng nghề, các sản phẩm hương trầm Quỳ Châu cũng được Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh bảo hộ nhãn hiệu và tài sản sở hữu trí tuệ.

“Không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao và công việc cho người lao động, nghề làm hương trầm ở Quỳ Châu còn là cơ hội để địa phương quảng bá hình ảnh lịch sử, văn hóa và con người. Trong định hướng phát triển làng nghề tiểu thủ công nghiệp, địa phương sẽ mở rộng quy mô sản xuất, đưa các hộ vào sản xuất phát triển theo chuỗi giá trị sản phẩm”, ông Tịnh thông tin.

Ông Lô Văn Thế, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Quỳ Châu, cho biết, hiện nay có 3 làng nghề và 1 làng có nghề sản xuất hương trầm được UBND tỉnh công nhận, tập trung ở thị trấn Tân Lạc, các xã Châu Hạnh, Châu Bình và Châu Tiến.

“Hương trầm là sản phẩm chủ lực, mang lại giá trị kinh tế cao và giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương. Sản lượng hương hàng năm đạt khoảng 80 - 90 triệu que với doanh thu hàng chục tỷ đồng. Có 220 cơ sở sản xuất hương trầm, tạo công ăn việc làm ổn định cho hàng trăm lao động của địa phương, góp phần xóa đói, giảm nghèo”, ông Thế thông tin.

Theo vị trưởng phòng, để phát triển nghề làm hương trầm truyền thống, huyện Quỳ Châu đang triển khai các giải pháp như phát triển theo chuỗi giá trị sản phẩm, quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu trồng cây rễ hường, lùng, nứa.

Cùng với đó, tiếp tục quan tâm công tác đào tạo nghề làm hương trầm, tổ chức cho các làng nghề, hộ sản xuất tham gia các hội chợ trong và ngoài tỉnh.

Ngoài ra, huyện Quỳ Châu cũng khuyến khích các hộ sản xuất hương trầm có quy mô lớn, cần phải đầu tư thêm các công cụ, áp dụng khoa học công nghệ vào các khâu sản xuất để giảm bớt công đoạn sản xuất thủ công. Đồng thời tìm tòi, đa dạng sản phẩm hương, gồm hương thẻ, hương nụ, hương vòng…

Ngày nay, hương trầm Quỳ Châu là một sản phẩm truyền thống nổi tiếng, có thương hiệu, có hồn cốt của vùng đất Phủ Quỳ. Đông đảo khách hàng trong nước và cả kiều bào ở nước ngoài xem hương trầm xứ Quỳ như một món quà tâm linh ý nghĩa mỗi dịp Tết đến xuân về.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ