Vĩnh Phúc: Làng nghề truyền thống khẳng định vị thế trên thị trường

GD&TĐ - Thông qua Chương trình khuyến công, ngân sách tỉnh Vĩnh Phúc đã hỗ trợ hàng chục tỷ đồng đào tạo, truyền nghề, xây dựng các mô hình trình diễn, giúp các làng nghề bảo tồn và phát triển.

Làng nghề mộc ở Bích Chu, xã An Tường, huyện Vĩnh Tường đã khẳng định được vị thế trên thị trường
Làng nghề mộc ở Bích Chu, xã An Tường, huyện Vĩnh Tường đã khẳng định được vị thế trên thị trường

Trong nhiều khóa Đại hội Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc đều kiên định chủ trương lấy công nghiệp làm nền tảng và với phương châm “Tất cả các nhà đầu tư đến Vĩnh Phúc đều là công dân của Vĩnh Phúc”.

Trên cơ sở đó,tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành và thực hiện nhiều chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp như: chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ; lựa chọn các nhà đầu tư đủ năng lực để đầu tư hạ tầng khu công nghiệp; giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn tín dụng ưu đãi; giảm giá thuê đất và gia hạn nộp thuế đất; huy động nguồn kinh phí ứng trước từ doanh nghiệp để giải phóng mặt bằng nhanh; đẩy mạnh cải cách hành chính nhất là cải cách các thủ tục hành chính; hoàn thiện hạ tầng trong và ngoài khu công nghiệp, ... thường xuyên cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh.

Với những quyết tâm và nỗ lực của tỉnh Vĩnh Phúc, số lượng khu công nghiệp trên địa bàn đã phát triển mạnh, thời điểm tái lập tỉnh mới chỉ có 1 khu công nghiệp Kim Hoa với quy mô 50ha và ước đến hết năm 2021 trên địa bàn tỉnh có 14 KCN đã thành lập, được quyết định chủ trương đầu tư, trong đó có 8 KCN đi vào hoạt động với tổng diện tích đất công nghiệp đã cho thuê, đăng ký thuê 893,47 ha, tỷ lệ lấp đầy đạt 50,72%.

Vĩnh Phúc đã thu hút được một số tập đoàn, doanh nghiệp lớn vào đầu tư và sản xuất ra những sản phẩm chủ lực, tạo công ăn việc làm cho hàng vạn lao động, đóng góp chủ yếu cho ngân sách tỉnh, gia tăng kim ngạch xuất khẩu cho tỉnh như: tập đoàn Toyota Việt Nam, Honda Việt Nam, Piaggio, Deawoo bus, tập đoàn Prime, thép Việt Đức, một số doanh nghiệp sản xuất linh kiện điện tử,... quy mô giá trị tăng thêm theo giá hiện hành năm 2020 ngành công nghiệp của tỉnh đứng thứ 15 cả nước, chiếm tỷ trọng 2% giá trị công nghiệp cả nước. 

Cùng với phát triển các KCN sản xuất tập trung, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề được quan tâm đầu tư phát triển. Thông qua Chương trình khuyến công, ngân sách tỉnh đã hỗ trợ hàng chục tỷ đồng đào tạo, truyền nghề, xây dựng các mô hình trình diễn,.. giúp các làng nghề bảo tồn và phát triển. Đến  nay, hầu hết các làng nghề đều phát triển mạnh, phát huy tiềm năng, không ngừng cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm. Nhiều làng nghề truyền thống đã khẳng định được vị thế trên thị trường như: làng nghề rắn Vĩnh Sơn; làng nghề đá Hải Lựu; các làng nghề mộc ở Thanh Lãng, Bích Chu, Thủ Độ; làng nghề mây tre đan Cao Phong... Sự phát triển của các làng nghề đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp, xóa đói giảm nghèo và giải quyết việc làm cho một lượng lớn lao động ở nông thôn, chuyển từ lao động nông nghiệp sang làm nghề với mức thu nhập tăng cao.

Có thể khẳng định, sau 25 năm tái lập tỉnh Vĩnh Phúc, với đường lối, chủ trương, quan điểm phát triển đúng đắn; sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất, chặt chẽ, đồng bộ của các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp đã tạo cho ngành công nghiệp có tốc độ tăng trưởng cao trong nhiều năm liền sau khi tách tỉnh và trở thành nền tảng của nền kinh tế.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.