Theo Khảo sát đầu kỳ của Dự án tăng cường hoạt động Đường dây nóng Phòng, chống mua bán người (PCMBN) tại Việt Nam, với việc phỏng vấn 300 người dân được lựa chọn có chủ đích tại các tỉnh Cao Bằng, Hà Tĩnh và Tây Ninh về mức độ nhận thức về Đường dây PCMBN, tổng đài 111 và mức độ nhận thức về nạn mua bán người, ý tưởng về các hoạt động quảng bá hình ảnh. Kết quả cho thấy 87,7% người dân được phỏng vấn đều chưa từng nghe đến Đường dây nóng PCMBN. Chỉ có 37 người (12,3%) là đã từng nghe. Cao Bằng là tỉnh có tỉ lệ người dân biết đến Đường dây nóng nhiều nhất (23%); 11% tại Hà Tĩnh và Tây Ninh là tỉnh có tỉ lệ biết ít nhất, chiếm 3%.
Kết quả khảo sát cho thấy người dân biết tới Đường dây nóng chủ yếu qua các hình thức như: Truyền thông đại chúng như truyền hình, báo, đài,… mạng xã hội, nhân viên nhà nước và truyền thông tại xã, thôn, bản, bạn bè và họ hàng, truyền thông tại trường học, tờ tơi, áp phích và lịch về PCMBN. Bên cạnh đó, 42% người được phỏng vấn trả lời “Không biết” về các rủi ro, nguy hiểm có thể xảy ra đối với người di cư đi làm việc hoặc kết hôn.
Theo ông Nguyễn Công Hiệu, Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn và dịch vụ truyền thông (Cục Bảo vệ -Chăm sóc trẻ em – Bộ LĐ-TB&XH), từ kết quả khảo sát đầu kỳ, các nghiên cứu viên đã đưa ra các khuyến nghị cho Dự án trong thời gian tới như: Tăng cường các điều kiện vận hành cho Đường dây nóng; Hoàn thiện cơ cấu tổ chức và cán bộ; Tăng cường hệ thống chuyển tuyến của Đường dây nóng; Tăng cường các hoạt động truyền thông về Đường dây nóng theo hướng hiệu quả và chuyên nghiệp; Nâng cao nhận thức của người dân về phòng, chống mua bán người và Đường dây nóng.
Bên cạnh đó, một số kết quả hữu ích khác cũng được đưa ra như: Thời gian thích hợp để tổ chức các hoạt động truyền thông: “Tháng cao điểm PCMBN” từ tháng 7 đến tháng 12 hàng năm, “Mùa cao điểm PCMBN” từ tháng 7 đến tháng 9 hàng năm; Có tới 91% người được phỏng vấn sử dụng điện thoại di động, trong đó có 57,7% đang sử dụng điện thoại thông minh để tham gia vào các trang mạng xã hội, chủ yếu là Facebook, YouTube, Zalo.
Cũng theo ông Nguyễn Công Hiệu, trong khảo sát đánh giá đầu kỳ chưa có hoạt động truyền thông về Đường dây nóng được thực hiện trước khi có Dự án. Do vậy, trong chỉ số mới đề xuất có 20 biện pháp truyền thông được thực hiện bởi Bộ LĐ-TB&XH và các cơ quan liên quan. Bên cạnh đó cần tăng lượng người biết đến Đường dây nóng. Với thực tế hiện nay sau 3 năm Dự án sẽ đánh giá ở cùng một địa phương đã được đánh giá ở đầu kỳ và dự kiến có khoảng 50% người dân biết về Đường dây nóng. Việc hạ số lượng xuống để phù hợp với thực tiễn của dự án, đầu tư truyền thông cũng như thời gian thực hiện.