Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Vấn đề ma túy đang rất nhức nhối

Tại phiên họp Chính phủ trực tuyến với các địa phương ngày 4/7, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung đã bày tỏ trăn trở về tình hình ma túy hiện nay và cho rằng đây là vấn đề hết sức nhức nhối, đòi hỏi thực hiện đồng bộ các giải pháp.

Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung tại phiên họp trực tuyến Chính phủ với địa phương, ngày 4/7. Ảnh: Quang Hiếu
Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung tại phiên họp trực tuyến Chính phủ với địa phương, ngày 4/7. Ảnh: Quang Hiếu

Đặc biệt trong công tác cai nghiện, tùy theo tình hình địa phương để vận dụng cho phù hợp, bởi không có một mô hình nào là khả thi nhất trong tình hình hiện nay.

Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung tại phiên họp trực tuyến Chính phủ với địa phương, ngày 4/7. Ảnh: Quang Hiếu

Gần 1.500 điểm phức tạp về ma túy

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, qua kiểm tra của Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm và của Bộ LĐTB&XH cho thấy xuất hiện ngày càng nhiều và đa dạng các tổ chức tội phạm xuyên quốc gia về ma túy, với quy mô ngày càng lớn hơn, tinh vi hơn và phức tạp hơn. Trong nước tiềm ẩn nhiều tổ chức manh động, phức tạp và tinh vi.

Hiện nay, trong nước đang có 80 tụ điểm và gần 1.500 điểm phức tạp về ma túy. Tổng số người nghiện có hồ sơ quản lý là khoảng 240.000 người, tăng 30% so với năm 2018, và trong thực tiễn thì có thể tăng gấp nhiều lần. Cá biệt qua kiểm tra có tỉnh tăng gấp 3 lần so với năm 2017, đây là vấn đề rất nhức nhối. Điều đáng nói là xu hướng người sử dụng ma túy tổng hợp tăng nhanh, đang dần dần thay thế thuốc phiện, heroin, ước tính có đến 40-50% người sử dụng ma túy tổng hợp, cá biệt một số tỉnh lên đến 90%.

Cũng theo Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH, hiện nay, có khoảng 67,5% người nghiện ma túy đang sống ngoài các khu dân cư, gần 30% đang trong các Cơ sở cai nghiện và các cơ sở do Bộ Công an quản lý. Thời gian gần đây, đáng lo ngại là người mới sử dụng ma túy chủ yếu là thanh niên và chủ yếu sử dụng ma túy tổng hợp. Từ hình thức sử dụng ma túy dạng opioid truyền thống chuyển sang chủ yếu sử dụng ma túy dạng ATS tổng hợp.

Ngoài ra, có khoảng 30 loại chất ma túy mới chúng ta chưa có danh mục đã vào Việt Nam. Các chất ma túy như: Cỏ mỹ, tem giấy, nấm thức thần thần… gây ra tình trạng ảo giác, ảo thanh, rối nhiễu tâm trí, rối loạn tâm thần, ngáo đá…cao gấp 9-10 lần ma túy bình thường.

Bám sát 3 mục tiêu

Trước tình hình trên, Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm, Bộ LĐTB&XH đề nghị các bộ ngành, địa phương quan tâm chỉ đạo, kiểm tra và kiên trì bám sát 3 mục tiêu: Giảm cung, giảm cầu và giảm tác hại; tăng cường quản lý, giáo dục giới trẻ; tăng cường triển khai đồng bộ các giải pháp theo chỉ đạo của Thủ tướng và Chính phủ.

Đồng thời thực hiện đồng bộ 3 nhóm cai nghiện, kể cả cai nghiện gia đình, cộng đồng, cai nghiện tự nguyện và cai nghiện bắt buộc.

 “Không nên quá nhấn mạnh giải pháp, mô hình cai nghiện nào, tùy theo tình hình địa phương để vận dụng cho phù hợp, bởi vì chúng ta không có một mô hình nào là khả thi nhất trong tình hình hiện nay”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.

Cũng tại phiên họp, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đánh giá vấn đề ma túy là vấn đề quốc tế và đáng báo động hiện nay. Qua những vụ án lớn về ma túy mà lực lượng chức năng triệt phá được trên phạm vi toàn quốc cả Hà Nội, TPHCM, Tây Nguyên, Tây Bắc… vừa qua cho thấy rõ đây là hoạt động có tổ chức, xuyên quốc gia, đối tượng trong - ngoài nước cấu kết với nhau, mua bán, vận chuyển ma túy để trung chuyển ra nước ngoài và tiêu thụ ở trong nước, gây ra những hậu quả hết sức nặng nề, phát sinh ra nhiều loại tội phạm khác.

Theo Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, cần có nghiên cứu, tổng kết, đánh giá thật kỹ về tình hình ma túy. Sắp tới có thể tổ chức hội nghị chuyên đề về vấn đề này để đề ra giải pháp phòng chống thật hiệu quả vừa là đấu tranh vừa là quản lý, kiểm soát ma túy thật tốt cũng như công tác cai nghiện, thuốc điều trị thay thế…hiệu quả.

Theo tiengchuong.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Học sinh Trường THPT Nguyễn Khuyến (Bình Phước) tham gia chương trình hướng nghiệp do Trường Đại học Gia Định tổ chức. Ảnh: M.Ngọc

Rút gọn phương thức tuyển sinh

GD&TĐ - Nhiều trường ĐH dự kiến rút gọn số lượng phương thức tuyển sinh, chú trọng đánh giá năng lực đầu vào trong mùa tuyển sinh 2025 sắp tới.