Hơn 300 cơ sở giáo dục đại học được tập huấn phần mềm HEMIS

GD&TĐ - Hơn 300 đại học, trường đại học, bao gồm các trường thành viên, học viện và viện nghiên cứu có đào tạo trình độ tiến sĩ được tập huấn về HEMIS.

Hệ thống cơ sở dữ liệu về giáo dục đại học
Hệ thống cơ sở dữ liệu về giáo dục đại học

Đợt tập huấn kéo dài từ ngày 1/12 - 9/12 do Bộ GD&ĐT tổ chức theo hình thức trực tuyến. Trong thời gian trên, các đơn vị tương tác với ban tổ chức, cán bộ tập huấn qua kết nối nhóm Zalo. Các vấn đề vướng mắc của đơn vị sẽ được giải đáp.

Phát biểu tại buổi tập huấn, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh, phần mềm hệ thống cơ sở dữ liệu giáo dục đại học (HEMIS) được Bộ GD&ĐT triển khai bài bản trong những năm qua. Đây là hệ thống phần mềm lớn về cơ sở dữ liệu cũng như quản lý cơ sở dữ liệu của giáo dục đại học.

Bộ GD&ĐT đã ban hành các văn bản quy định về cơ sở dữ liệu này như: Thông tư số 42/2021/TT-BGDĐT ngày 30/12/2021 quy định về cơ sở dữ liệu giáo dục và đào tạo. Quyết định số 4998/QĐ-BGDĐT ngày 31/12/2021 quy định kỹ thuật về dữ liệu của cơ sở dữ liệu giáo dục và đào tạo, trong đó có giáo dục đại học.

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn phát biểu tại buổi khai mạc tập huấn.

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn phát biểu tại buổi khai mạc tập huấn.

Theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, cơ sở dữ liệu này rất quan trọng, trong đó có dữ liệu về người học và đội ngũ. Mỗi cơ sở giáo dục đại học đều thấy hiệu quả và yêu cầu phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu, cũng như phần mềm quản trị nhà trường.

Bộ đã xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu nhưng hệ thống này chỉ có thể phát huy tác dụng khi tất cả cơ sở giáo dục đại học có tham gia đào tạo trình độ đại học sử dụng. Do đó, các trường cần thường xuyên cập nhật dữ liệu chính xác lên hệ thống; Đặc biệt là dữ liệu về người học, từ tuyển sinh, đào tạo cho đến cấp bằng.

Thứ trưởng khẳng định, Bộ GD&ĐT sẽ tạo điều kiện để kết nối cơ sở dữ liệu ngành, với cơ sở dữ liệu phần mềm quản trị của các cơ sở đào tạo. Đồng thời, kết nối hệ thống này với cơ sở dữ liệu quốc gia khác như: Cơ sở dữ liệu về dân cư, bảo hiểm, y tế… Qua đó, xây dựng cơ sở dữ liệu liên thông trong toàn hệ thống. Tất nhiên phải bảo đảm nguyên tắc tôn trọng yêu cầu về bảo mật dữ liệu cá nhân, sử dụng và chia sẻ dữ liệu.

Đợt tập huấn diễn ra theo hình thức trực tuyến.

Đợt tập huấn diễn ra theo hình thức trực tuyến.

Tại buổi tập huấn, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy – Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) cho hay: Những thông tin từ phần mềm này sẽ được sử dụng trong quản lý Nhà nước về giáo dục đại học. Chẳng hạn như: Hậu kiểm về kết quả tuyển sinh, mở ngành đào tạo, hoạch định chính sách...

“Hiện chúng ta có nhiều báo cáo từ các cơ sở giáo dục đại học. Chúng tôi hy vọng, với sự vận hành phần mềm này sẽ giảm thiểu số lần báo cáo” - PGS.TS Nguyễn Thu Thủy bày tỏ và đề nghị: Các cơ sở giáo đại học nghiêm túc triển khai việc cập nhật dữ liệu lên phần mềm hệ thống HEMIS.

Theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, trong thời gian gần, các phần mềm hiện có được tích hợp vào hệ thống duy nhất và thống nhất. Theo đó, những quyết định về quản lý giáo dục đại học sẽ ngày càng có hiệu lực và hiệu quả hơn. Vụ Giáo dục đại học sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan để xây dựng cơ chế quản lý, vận hành phần mềm.

Ông Michael Drabble - Trưởng nhóm dự án SAHEP của Ngân thế giới nhìn nhận: Sau nhiều năm phát triển và hoàn thiện, đây là thời điểm quan trọng đối với việc triển khai và đưa phần mềm HEMIS vào thực tế.

Sau đợt tập huấn này có thể đưa những hướng dẫn mang tính “cầm tay chỉ việc” để các trường cảm thấy dễ dàng vận hành cũng như cập nhật thông tin trên Hệ thống này.

“Hệ thống HEMIS là kết quả đầu tư của giáo dục đại phục vụ cho cộng đồng giáo dục. Tôi hy vọng, người dùng sẽ phát huy tối đa những lợi ích của nó” - ông Michael Drabble bày tỏ và mong muốn Hệ thống sẽ mang lại những thay đổi căn bản trong việc cập nhật thông tin dữ liệu và giảm “gánh nặng” báo cáo cho các cơ sở giáo dục đại học.

Nhắc lại thông điệp, Hệ thống HEMIS chỉ thực sự hữu ích nếu được sử dụng bởi mỗi chúng ta, ông Michael Drabble nhấn mạnh: Có thể coi Hệ thống này là hàng hóa công phục vụ cho lợi ích của tất cả cá nhân thuộc lĩnh vực giáo dục đại học nói riêng và giáo dục nói chung. “Tôi mong sớm nhìn thấy Hệ thống HEMIS được sử dụng ở các trường” - ông Michael Drabble nói.

Cũng theo ông Michael Drabble, lợi ích của hệ thống mang lại ở nhiều cấp độ. Với cơ quan quản lý Nhà nước như Bộ GD&ĐT, Hệ thống sẽ phục vụ cho quá trình hoạch định chính sách và đưa ra hỗ trợ phù hợp nhất cho trường đại học. Đối với các trường, đây sẽ là quá trình để lập kế hoạch tốt hơn cũng như theo dõi các kết quả và hoạt động những thông tin dữ liệu của mình. Ở cấp cá nhân là thầy, cô giáo và người học, Hệ thống là nơi lưu trữ tất cả thông tin dữ liệu và tư liệu cần thiết để chúng ta có thể sử dụng khi cần.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.