PGS. TS Lê Trọng Hùng, Giám đốc dự án SAHEP, đánh giá: Hệ thống thông tin quản lý giáo dục đại học tại Việt Nam” (HEMIS) thuộc dự án SAHEP phải là hệ thống mở để bổ sung các chức năng khi cần thiết. Trước mắt, cần tập trung các chỉ số thông tin cơ bản về giáo dục đại học nhằm đảm bảo vận hành HEMIS một cách suôn sẻ.
Trong quá trình xây dựng HEMIS, Bộ GD&ĐT cần đảm bảo đủ nguồn lực cho việc kết nối thông tin với các trường, chú ý xây dựng cơ chế để các trường cung cấp thông tin nhanh chóng cho HEMIS.
Đối với hoạt động nâng cao năng lực kiểm định chất lượng giáo dục đại học và hoạt động phân tích chính sách, Bộ GD&ĐT cần cung cấp đủ kinh phí để triển khai trong năm 2021. Các đơn vị thụ hưởng dự án cần tập trung đánh giá tác động của dự án thành phần đối với mục tiêu của dự án SAHEP.
Chia sẻ về dự án SAHEP, bà Stefanie Stallmeister, Giám đốc Điều hành Hoạt động Dự án, văn phòng Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, nhận xét, vể tổng thể, dự án đã đạt được nhiều thành tựu. Tuy nhiên, trong thời gian tới, các trường đại học được thụ hưởng gồm Trường ĐH Kinh tế quốc dân, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội và Học viện Nông nghiệp Việt Nam cần kết hợp với Bộ GD&ĐT đôn đốc sát sao công tác triển khai thực hiện dự án để đảm bảo tiến độ đề ra.
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn đề nghị Ban quản lý dự án SAHEP, các trường đại học thụ hưởng làm rõ bốn nhiệm vụ chính, đó là: đảm bảo tiến độ dự án; đảm bảo an toàn xã hội, an toàn môi trường trong quá trình xây dựng, lắp đặt thiết bị tại các trường đại học; đảm bảo chất lượng trong triển khai trang thiết bị nghiên cứu, đào tạo; đảm bảo hiệu quả sử dụng.
Thứ trưởng cho rằng, BQL dự án, lãnh đạo các trường đại học thụ hưởng và các đơn vị thuộc Bộ GD&ĐT phải ưu tiên giải quyết vấn đề về kế hoạch tài chính, vốn vay lại và tái cấu trúc dự án. Đồng thời, BQL dự án phải phối hợp chặt chẽ với Cục Công nghệ Thông tin, Bộ GD&ĐT, để xây dựng dự án thành phần HEMIS.