Sự kiện kéo dài đến ngày 26/1, với sự tham dự của 55 đơn vị gồm: 10 phòng GD&ĐT, 45 trường THPT. Trong đó có 72 sản phẩm thuộc dự án STEM và 87 sản phẩm thuộc dự án khoa học kỹ thuật, tập trung vào 4 nhóm lĩnh vực: Toán - Tin học và điều khiển (9 dự án); Kỹ thuật cơ khí - Vật lý (30 dự án); Khoa học xã hội và hành vi (38 dự án); Hóa - Sinh - Y học - Môi trường (10 dự án).
Dự thi với đề tài “Cơ sở phân tích từ tính đối kháng của chủng xạ khuẩn VNUA 116 với nấm gây bệnh héo vàng lá trên cây chuối tại Nam Định nhằm nâng cao hoạt tính sinh học trong chế phẩm sinh học”; dự án của Đặng Quang Hưng – lớp 11 A2, Bùi Gia Anh – lớp 10A4, Trường THPT Trần Hưng Đạo (Nam Định) đã được hội đồng giám khảo ghi nhận, đánh giá cao về tính thực tiễn và có thể triển khai áp dụng vào sản xuất.
Các đại biểu tham quan một số sản phẩm của các đội dự thi. |
Chia sẻ về lý do lựa chọn đề tài, Bùi Gia Anh bộc bạch, hàng ngày, chúng em quan sát nhiều cây chuối ở vườn nhà và khu vực lân cận bị héo vàng lá. Kiểm tra kỹ hơn, chúng em thấy thân, rễ cây bị đen và thối. Chúng em muốn tìm hiểu nguyên nhân và “bắt bệnh” giúp bà con nông dân phòng trừ, nhằm mang lại hiệu quả, năng suất cao trong trồng trọt.
Từ đây, Đặng Quang Hưng và Bùi Gia Anh quyết định “bắt tay” vào thực hiện đề tài trên. Quá trình thực hiện đề tài, 2 nam sinh nhận được sự hỗ trợ, hướng dẫn của thầy giáo Lê Huy Thưởng và PGS.TS Nguyễn Xuân Cảnh – Trưởng Khoa Công nghệ Sinh học, Học viện Nông nghiệp Việt Nam.
“Các mẫu chúng em thu thập được đều được chuyển lên Học viện để phân tích và định danh bằng các thiết bị công nghệ tiến tiến” - Đặng Quang Hưng cho hay.
Các đại biểu và đông đảo giáo viên, học sinh tham sự kiện. Ảnh: Anh Đức. |
Khi bắt tay vào thực hiện đề tài, Đặng Quang Hưng và Bùi Gia Anh đã thu thập mẫu về để phân lập. Sau đó, dưới sự hướng dẫn của PGS.TS Nguyễn Xuân Cảnh, nhóm đã nghiên cứu đặc điểm hình thái và định danh bằng sinh học phân tử.
Tiếp đến nhóm đã nghiên cứu khả năng đối kháng của chủng xạ khuẩn với nấm gây bệnh héo vàng lá trên cây chuối ở Nam Định. Cuối cùng, nhóm đã phân tích cấu trúc hệ gennome của xạ khuẩn VNUA 116.
Sự kiện thu hút một số gian hàng của cơ sở giáo dục đại học. Ảnh: Anh Đức. |
“Từ kết quả nghiên cứu, nhóm đã phân lập, định danh hình thái chủng nấm FOC gây bệnh héo vàng lá trên cây chuối ở Nam Định; đồng thời phân lập, định danh hình thái chủng xạ khuẩn ở các vùng đất quanh gốc chuối tại địa phương này” - Bùi Gia Anh chia sẻ và khuyến cáo, nếu không phát hiện nguyên nhân, “bắt bệnh” để đề phòng căn bệnh trên thì sẽ gây thiệt hại lớn cho người nông dân, vì bệnh này có thể lây lan.
Theo Đặng Quang Hưng và Bùi Gia Anh, đến với Cuộc thi Khoa học kỹ thuật và Ngày hội STEM cấp tỉnh, là cơ hội để 2 nam sinh giới thiệu kết quả nghiên cứu, sáng tạo về khoa học kỹ thuật của mình. “Đây cũng là dịp chúng em được trao đổi, giao lưu học tập kinh nghiệm từ các bạn học sinh của trường khác” - Bùi Gia Anh bộc bạch.
Ông Cao Xuân Hùng phát biểu tại sự kiện. |
Theo ông Cao Xuân Hùng – Giám đốc Sở GD&ĐT Nam Định, Cuộc thi Khoa học kỹ thuật và Ngày hội STEM được tổ chức hàng năm. Đây là sân chơi trí tuệ bổ ích, tạo cơ hội để học sinh thể hiện năng lực, phẩm chất và rèn luyện các kỹ năng nghiên cứu, thuyết trình, hùng biện.
Cuộc thi cũng nhằm góp phần đổi mới hình thức tổ chức dạy học; đổi mới hình thức và phương pháp đánh giá kết quả học tập. Đồng thời, thúc đẩy giáo viên tự bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ; nâng cao chất lượng dạy và học trong các cơ sở giáo dục trung học. Qua đó, góp phần thành công việc thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
Lãnh đạo Sở GD&ĐT tỉnh Nam Định tặng quà kỷ niệm cho đại diện các trường tham dự chương trình. |
Ban tổ chức cho biết, các dự án khoa học kỹ thuật và STEM xuất sắc sẽ được trao giải và giấy chứng nhận tại Lễ tổng kết diễn ra chiều 26/1. Từ kết quả cuộc thi cấp tỉnh, Ban tổ chức sẽ lựa chọn các đề tài, dự án có chất lượng, đoạt giải cao tham dự Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia năm học 2023-2024, dự kiến tổ chức vào tháng 3/2024.