(GD&TĐ)- Sáng nay 18/2 (tức ngày 16 tháng Giêng), tại Di tích quốc gia chùa Côn Sơn ở phường Cộng Hòa, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương đã diễn ra lễ khai hội truyền thống mùa Xuân Côn Sơn-Kiếp Bạc năm 2011 và tưởng niệm 677 năm ngày viên tịch của Đệ Tam Tổ Huyền Quang tôn giả (1334 - 2011).
Lễ rước kiệu trong màn khai hội truyền thống mùa xuân Côn Sơn-Kiếp Bạc |
Ngay từ khi trời còn mờ hơi sương, tại sân lễ hội đã tấp nập người chuẩn bị cho lễ rước nước từ Hồ Côn Sơn về chùa Côn Sơn để tắm tượng - một trong những nghi lễ truyền thống không thể thiếu.
Khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc thuộc huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương, có lịch sử xây dựng từ đầu thế kỷ thứ XIV. Đây là một quần thể di tích quốc gia quan trọng bao gồm, di tích lịch sử văn hoá, danh thắng Côn Sơn và khu di tích lịch sử văn hoá Kiếp Bạc. Hơn 7 thế kỷ qua trong tâm thức của người dân Việt Nam, Côn Sơn - Kiếp Bạc là nơi gắn bó mật thiết với cuộc đời của 2 danh nhân kiệt xuất: Anh hùng dân tộc Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn (1228 - 1300); Anh hùng dân tộc, danh nhân văn hoá thế giới - Nguyễn Trãi (1380 - 1442) và là nơi tu hành, nơi viên tịch của thiền sư Huyền Quang (1254 - 1334) - vị tổ thứ 3 của thiền phái Trúc Lâm. Hàng năm cứ vào ngày mất của Trần Hưng Đạo, của Nguyễn Trãi và của thiền sư Huyền Quang nhân dân thập phương từ mọi miền nô nức về đây thắp hương tưởng niệm, tạo lên lễ hội Côn Sơn - Kiếp Bạc. |
Lễ rước nước được tổ chức với quy mô lớn, huy động kiệu của ba xã Cộng Hòa, Lê Lợi và Hưng Đạo đã trở thành nét đẹp văn hóa đặc trưng của Lễ hội Cơn Sơn, thể hiện tập quán cư dân nông nghiệp lúa của người Việt.
Bên cạnh phần lễ là phần hội rất náo nhiệt, tưng bừng với các hoạt động văn hóa, thể thao như đấu vật, chọi gà, cờ tướng, rối nước, hát quan họ, đu tiên, viết thư pháp và các trò chơi dân gian khác.
Đây là lễ hội lớn, đặc sắc của địa phương, mang đậm vẻ linh thiêng của vùng đất phát tích Phật giáo Trúc Lâm.
Di tích Côn Sơn là một trong những cơ sở phát tích Thiền phái Phật giáo Trúc Lâm thời Trần, cũng là địa danh gắn bó cuộc đời của Danh nhân Văn hóa thế giới Nguyễn Trãi. Quần thể di tích Côn Sơn gồm khu vực núi Kỳ Lân, núi Ngũ Nhạc, hồ Côn Sơn, bãi rễ tự nhiên với cảnh trí “sơn thủy hữu tình,” tươi sáng mà u tịch như thực như mơ.
Nơi đây còn có chùa Côn Sơn cổ kính từ thời Lý, đền thờ Trần Nguyên Đán, đền thờ Nguyễn Trãi mới dựng như một tòa ngọc giữa thảm rừng xanh bạt ngàn thông reo vi vút... Đến với Côn Sơn du khách không chỉ tìm về cõi tâm linh để suy ngẫm "nhân tình thế thái," hướng thiện mà còn để thưởng ngoạn phong cảnh kỳ thú do thiên nhiên ban tặng.
Trong tiết trời mưa nhỏ, ngay từ sáng sớm khi bầu trời còn mờ hơi sương, tại sân chùa Côn Sơn đã tấp nập từng đoàn người “đổ” về chiêm bái và xem hội.
Lễ hội mùa Xuân Côn Sơn năm nay được tỉnh Hải Dương tổ chức “gọn nhẹ” nhưng rất trang trọng với các nghi lễ như diễn văn khai hội, cung tuyên thân thế và sự nghiệp của Đệ Tam Tổ Huyền Quang tôn giả và lễ dâng hương.
Ngày 19/2, tại di tích Côn Sơn sẽ diễn ra lễ tế trên núi Ngũ Nhạc và lễ cúng đàn Mông Sơn thí thực, mới được phục dựng sau ba thế kỷ. Đây là hai nghi lễ mang đậm nét văn hóa truyền thống với ý nghĩa cầu cho quốc thái dân an, mùa màng tươi tốt, vạn vật sinh sôi, nảy nở, nhân dân ấm no, hạnh phúc.
Ngoài các giá trị to lớn về lịch sử - văn hoá, khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc còn là miền đất có cảnh quan thiên nhiên đặc sắc, hấp dẫn làm say đắm lòng người. Kiếp Bạc có dãy núi Trán Rồng hùng vĩ bao quát cả một miền sông nước Lục Đầu giang, trên bến có làng xóm trù phú, dưới sông thuyền bè tấp nập ngược xuôi, phong cảnh sơn thuỷ hữu tình. Côn Sơn có núi Kỳ Lần thơ mộng, trên núi thông reo, chim hót, hoa lá tốt tươi; dưới núi có suối Côn Sơn nước chảy rì rầm; mai, trúc mọc xanh biếc. Trong mầu xanh đại ngàn thấp thoáng dáng vóc những công trình kiến trúc cổ kính, trầm tư. Tất cả như hoà quyện vẽ nên phong cảnh Côn Sơn lung linh huyền diệu. Vì thế, trẩy hội truyền thống Côn Sơn - Kiếp Bạc còn là một dịp đi du lịch tham quan danh lam thắng cảnh bổ ích và lý thú.
Nguyên Phương