Ken dày hoạt động
Hội sách Hà Nội lần thứ VI - năm 2019 được khai mạc tại Hoàng thành Thăng Long, 19C phố Hoàng Diệu, Hà Nội vào sáng ngày 2/10.
Theo Ban tổ chức, Hội sách năm nay có quy mô lớn hơn so với 5 kỳ hội sách trước đây. Ví như, nếu năm 2018, hội sách quy tụ 120 gian hàng thì năm nay thu hút khoảng 200 gian hàng của các đơn vị xuất bản, phát hành uy tín trong nước và ngoài nước.
Trong đó, mỗi gian hàng đem đến cho độc giả nhiều thể loại sách như văn học, thiếu nhi, kinh tế, văn hóa xã hội, khoa học kỹ thuật, sách ngoại văn, sách điện tử và thiết bị số…
Đặc biệt, với chủ đề “Hà Nội - Thành phố vì hòa bình”, hội sách còn có sự tham gia của một số cơ quan ngoại giao tại Hà Nội. Các Đại sứ quán Ấn Độ, Indonesia, Pháp, Italia và Cộng hòa Séc cùng những Hiệp hội Xuất bản các nước Đông Nam Á, Phillippines, Myanmar; Tổ chức Thành phố Sách Kota Buku (Malaysia) và 14 nhà xuất bản đến từ Nhật Bản, Malaysia, Indonesia, Singapore cùng có gian hàng, hoạt động tại hội sách.
Cùng với đó, hội sách còn có một không gian chuyên đề đặc biệt với chủ đề “Hà Nội - 20 năm Thành phố vì hòa bình”. Ở không gian này, câu chuyện về Hà Nội với truyền thống văn hiến Thăng Long - Hà Nội, truyền thống Thủ đô anh hùng - Thành phố vì hòa bình được kể qua sách, tư liệu quý trong nước cũng như của các cơ quan ngoại giao, các hiệp hội và nhà xuất bản nước ngoài; được kể qua tranh thiếu nhi quốc tế với chủ đề “Em yêu Hà Nội - Thành phố hòa bình”.
Đón độc giả trong suốt 5 ngày (từ ngày 2 đến ngày 6/10), hội sách luôn ken dày hoạt động. Mỗi ngày, hội sách có ít nhất 2 cuộc giao lưu, tọa đàm với các tác giả, diễn giả; giới thiệu sách… của các đơn vị xuất bản, phát hành. Trong đó, nổi bật như cuộc trò chuyện cùng nhà văn Chu Lai - một đời lính, một nghiệp văn;
Buổi tọa đàm về 2 tựa sách của PGS.TS Hoàng Anh Tuấn (trong Dự án Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến): “Tuyển tập tư liệu Công ty Đông Ấn Anh về Kẻ chợ - Đàng Ngoài (1672 - 1697)” và “Tư liệu Công ty Đông Ấn Hà Lan về Kẻ chợ - Đàng Ngoài (1637 - 1700)”;
Tọa đàm “Nuôi dưỡng một người đọc tí hon” của Công ty Cổ phần Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam; chương trình giao lưu “Sống không rác” của diễn giả TS Nguyễn Mạnh Hùng - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Sách Thái Hà; giao lưu: Nhóm ký họa đô thị Hà Nội, tác giả sách “Phố cổ Hà Nội - Ký họa và hồi ức”; chương trình “Hà Nội, một thời để nhớ” và ra mắt sách “Hà Nội, mũ rơm và tem phiếu”...
Riêng các đơn vị quốc tế cũng có những chương trình đặc biệt như “Thông điệp về Sử thi Mahabharata đối với thế kỷ 21” (Đại sứ quán Ấn Độ), tọa đàm về sách Italia (Đại sứ quán Italia), chương trình gặp gỡ, ký tặng sách của tác giả Marko Nikolic, một người nước ngoài yêu Hà Nội đã viết cuốn “Phố Nhà thờ” bằng tiếng Việt…
Ngoài ra, hội sách còn có những đêm thơ nhạc “Tình yêu Hà Nội”, giao lưu “Xu hướng xuất bản tại các nước ASEAN”, “Ngày hội Tiếng Anh”…
Và, điểm nhấn của chuỗi hoạt động này là chương trình “Ký ức mùa thu” kỷ niệm 65 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 -10/10/2019).
Chương trình sẽ tái hiện lễ chào cờ đầu tiên trong ngày Hà Nội được giải phóng; giao lưu nhân chứng lịch sử và ra mắt cuốn sách ảnh “Chúng ta đem vinh quang sức dân tộc trở về”, trưng bày tư liệu theo chủ đề “Hà Nội mùa thu năm ấy”.
Tiếp tục lan tỏa tình yêu với sách
Đây là năm thứ 6 Hội sách Hà Nội được TP Hà Nội tổ chức với mong muốn tạo cơ hội để các đơn vị giao lưu, hội nhập trong lĩnh vực xuất bản quốc tế và có các hoạt động giao dịch, ký kết, hợp tác liên kết xuất bản và mua bán, trao đổi bản quyền.
Cùng với đó, ban tổ chức cũng kỳ vọng từ đây sẽ tiếp tục lan tỏa tình yêu với sách trong cộng đồng. Cũng bởi lẽ, những năm qua, hội sách luôn thu hút được sự quan tâm đặc biệt của công chúng.
Ngày khai mạc hội sách thường là ngày độc giả len chân tìm cho mình những cuốn sách yêu thích, săn tìm những đầu sách giảm giá sâu… cũng như hòa vào các cuộc giao lưu, tọa đàm về sách.
“Đã hai lần tôi đi xe buýt để đến với Hội sách Hà Nội và lần nào cũng trở về nhà với túi sách khệ nệ. Ngoài việc chọn mua những cuốn sách cần cho mình, tôi tranh thủ mua những cuốn sách được giảm giá sâu để mang về quê tặng cho các cháu trong làng, trong xóm.
Hội sách năm nay tôi cũng rất quan tâm vì được biết có nhiều nước tham gia mà tôi đang muốn tìm kiếm những cuốn sách về văn hóa nước ngoài. Vì vậy, nhất định tôi sẽ dành một ngày để đến với hội sách”, ông Nguyễn Tiến Sửu nói.
Nhà lý luận phê bình văn học Bùi Việt Thắng cũng bày tỏ niềm vui trước câu chuyện dường như càng ngày cộng đồng càng quan tâm đến sách nên không riêng gì Hội sách Hà Nội mà hầu như hội sách nào cũng thu hút công chúng, đặc biệt là các độc giả trẻ.
Tuy nhiên, ông còn nêu những trăn trở mà cũng rất đáng lưu tâm như: Liệu rằng có bao nhiêu người đọc hết những cuốn sách được mua từ hội sách hay chỉ mua theo phong trào rồi về nhà… xếp kho? Liệu rằng, tình yêu với sách đã đi vào thực chất chưa hay mới chỉ là bề nổi khi con số thống kê gần đây nhất cho thấy trung bình mỗi người Việt Nam chỉ đọc một cuốn sách trong năm?