Hội thi giảng viên giỏi nghiệp vụ sư phạm: Nghiêm túc, trách nhiệm và công bằng

GD&TĐ - Chiều 11/11, tại Trường Đại học Hùng Vương, tỉnh Phú Thọ, Hội thi giảng viên giỏi nghiệp vụ sư phạm toàn quốc lần thứ nhất năm 2020 chính thức được khai mạc.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng phát biểu khai mạc hội thi.
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng phát biểu khai mạc hội thi.

Dự và chỉ đạo lễ khai mạc có Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng; đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ; đại diện 24 đơn vị dự thi đến từ các trường Đại học, Cao đẳng trong cả nước...

Phát biểu tại lễ khai mạc, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng thay mặt lãnh đạo Bộ GD&ĐT gửi lời chúc tới các thầy cô giáo nhân dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 và chúc cuộc thi thành công tốt đẹp.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng trao cờ lưu niệm cho các đơn vị dự hội thi.
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng trao cờ lưu niệm cho các đơn vị dự hội thi.

Thứ trưởng khẳng định, đối với công tác giáo dục nói chung và người làm công tác giảng dạy nói riêng, nghiệp vụ sự phạm đóng vai trò quan trọng trong việc truyền thụ kiến thức, “truyền lửa” và hướng dẫn kỹ năng.

“Trình độ chuyên môn hết sức cần thiết nhưng nếu không có trình độ về nghiệp vụ sư phạm để truyền tải chuyên môn, để nắm bắt tâm tư, tình cảm, tâm lý người học, không có khả năng xử lý tình huống sư phạm, thì trình độ chuyên môn đó không thể lan toả được hết. Để truyền thụ được kiến thức tới được với người học, một giáo viên, giảng viên giỏi cần hài hoà trình độ chuyên môn và nghiệp vụ sư phạm, có kiến thức tâm lý chung và tâm lý sư phạm, để ứng xử phù hợp”, Thứ trưởng nói.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng đề nghị Ban giám khảo làm việc một cách khoa học, công tâm, chính xác để lựa chọn được những đội, cá nhân xứng đáng được tôn vinh. Đối với các đội và thí sinh tham dự thi, luôn thể hiện tinh thần đoàn kết, vui vẻ và quyết tâm cao nhất để đạt kết quả cao tại hội thi. Qua hội thi, Ban tổ chức cũng cần lắng nghe ý kiến đóng góp của các đội về nội dung, hình thức, làm cơ sở để hội thi năm sau Bộ sẽ tổ chức tốt hơn.

Theo điều lệ, hội thi có 2 hình thức thi là thi theo đội và thi cá nhân. Mỗi đội dự thi, thực hiện đủ 2 phần thi bắt buộc do Ban tổ chức quy định và 1 phần thi do đội dự thi tự chọn. Mỗi cá nhân dự thi thực hiện 1 phần thi bắt buộc do BTC quy định và 1 phần do giảng viên dự thi tự chọn. Cụ thể:

Thi theo đội gồm: Hiểu biết sư phạm; xử lý tình huống sư phạm. Phần thi tự chọn, các đội chọn thi chào hỏi hoặc năng khiếu.

Thi cá nhân, nội dung thi bắt buộc là Hùng biện; Phần thi tự chọn là thi Năng khiếu hoặc tư vấn, hướng dẫn sinh viên học tập, rèn luyện hoặc thiết kế hoạt động giáo dục.

Sau phần khai mạc, các đội bước vào phần thi Chào hỏi.
Sau phần khai mạc, các đội bước vào phần thi Chào hỏi.

Mục đích của hội thi nhằm nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của giảng viên; đổi mới phương pháp, hình thức giảng dạy và kiểm tra đánh giá, nâng cao chất lượng giảng dạy trong các cơ sở giáo dục đại học; tạo điều kiện giảng viên học tập, trải nghiệm và trao đổi kinh nghiệm về chuyên môn, nghiệp vụ, tăng cường đoàn kết, hợp tác và cùng phát triển nhằm nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo.

Thông qua các hoạt động của hội thi giúp phát hiện, công nhận, tuyên dương và tổng kết, phổ biến kinh nghiệm thực tiễn, bổ ích của các điển hình, mô hình tiên tiến; phát hiện, tổng kết, phổ biến những phương pháp giảng dạy và giáo dục hiệu quả, các kinh nghiệm thiết thực và bổ ích trong các hoạt động giáo dục đại học.

Các đội đều thể hiện quyết tâm cao ngay từ tiết mục thi đầu tiên
Các đội đều thể hiện quyết tâm cao ngay từ tiết mục thi đầu tiên

Ban tổ chức Hội thi đã mời và thành lập Ban giám khảo hội thi là những nhà giáo, cán bộ quản lý và các chuyên gia giàu kinh nghiệm, đủ điều kiện theo quy định để chấm các phần thi, đảm bảo hướng tới một hội thi nghiêm túc, trách nhiệm và công bằng cho tất cả các đội thi.

Ngay sau lễ khai mạc, các đội bước vào phần thi Chào hỏi. Ở phần thi này, các đội tham gia đã mang đến nhiều tiết mục đặc sắc giới thiệu về trường và văn hóa địa phương, được ban giám khảo và khán giả đánh giá cao.

Trước đó, vào sáng 11/11, Đoàn của hội thi đã tổ chức lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Khu di tích lịch sử đặc biệt quốc gia Đền Hùng.

Đoàn của Hội thi thành kính dâng hương tại Đền Hùng vào sáng 11/11.
Đoàn của Hội thi thành kính dâng hương tại Đền Hùng vào sáng 11/11.

Trước anh linh các Vua Hùng, Đoàn đại biểu hội thi giảng viên giỏi nghiệp vụ sư phạm toàn quốc lần thứ nhất, hứa: Tiếp nối truyền thống Tiên Rồng, ra sức rèn luyện, nâng cao trí tuệ, năng lực công tác để đảm nhiệm trọng trách được giao, phấn đấu hết mình vì sự nghiệp dựng nước và giữ nước của cha ông, nguyện một lòng cùng nhau đoàn kết, đóng góp công sức và trí tuệ để xây dựng đất nước ngày càng phát triển, góp phần xây dựng bảo vệ Tổ quốc Việt Nam vững mạnh, hùng cường.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.