Hội thảo khoa học Quốc gia về Công nghệ thông tin và Ứng dụng các lĩnh vực

GD&TĐ - Ngày 23/7, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế đã tổ chức Hội thảo Khoa học Quốc gia về Công nghệ thông tin và Ứng dụng trong các lĩnh vực lần thứ 11 (CITA 2022).

Hội thảo Khoa học Quốc gia về Công nghệ thông tin và Ứng dụng trong các lĩnh vực lần thứ 11 (CITA 2022) tại TP Huế ngày 23/7.
Hội thảo Khoa học Quốc gia về Công nghệ thông tin và Ứng dụng trong các lĩnh vực lần thứ 11 (CITA 2022) tại TP Huế ngày 23/7.

Hội thảo được chủ trì tổ chức bởi Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt Hàn (VKU), Đại học Đà Nẵng, sự phối hợp và đăng cai tổ chức của Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế cùng với sự đồng hành của các đơn vị nghiên cứu, đào tạo trong lĩnh vực công nghệ thông tin và kinh tế số tại miền Trung – Tây Nguyên (FISU miền Trung – Tây Nguyên) và Hội Tin học TP Đà Nẵng. Đặc biệt, lần đầu tiên CITA được đăng cai địa điểm tổ chức bên ngoài TP Đà Nẵng bởi một thành viên của FISU miền Trung – Tây Nguyên.

Quang cảnh của Hội thảo CITA 2022 tại TP Huế.

Quang cảnh của Hội thảo CITA 2022 tại TP Huế.

Tại phiên Khai mạc của chuỗi sự kiện, PGS.TS. Huỳnh Công Pháp – Hiệu trưởng Trường đại học VKU, Trưởng Ban Tổ chức Hội thảo CITA 2022 đã cảm ơn FISU Việt Nam, cộng đồng các nhà khoa học, mạng lưới các đơn vị đào tạo, nghiên cứu, các doanh nghiệp, tổ chức trong nước và quốc tế đã đồng hành, ủng hộ Nhà trường cũng như quá trình 11 năm hình thành và phát triển Hội thảo CITA, đồng thời nhấn mạnh vai trò, vị thế, trách nhiệm của Trường Đại học VKU đối với cộng đồng và sự phát triển khoa học, công nghệ, đào tạo về công nghệ thông tin và chuyển đổi số của miền Trung – Tây Nguyên và đất nước.

PGS.TS. Huỳnh Công Pháp – Hiệu trưởng Trường Đại học VKU, Trưởng Ban tổ chức Hội thảo CITA 2022 phát biểu khai mạc.

PGS.TS. Huỳnh Công Pháp – Hiệu trưởng Trường Đại học VKU, Trưởng Ban tổ chức Hội thảo CITA 2022 phát biểu khai mạc.

VKU là 1 trong 3 trường đại học công lập lớn trên cả nước và duy nhất tại khu vực Miền Trung – Tây Nguyên đào tạo, nghiên cứu chuyên sâu về công nghệ thông tin, truyền thông và kinh tế số với định hướng hoạt động theo mô hình đại học quốc tế, quản trị tiến tiến nhằm cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và hội nhập quốc tế, bao gồm: (1) Kỹ thuật phần mềm; (2) Khoa học dữ liệu & AI; (3) IoT & Robotics; (4) An toàn thông tin; (5) Thương mại điện tử; (6) Marketing số; (7) Tài chính - Kế toán số; (8) Truyền thông đa phương tiện; (9) Mỹ thuật số.

Cũng tại Hội thảo, PGS.TS. Lê Anh Phương, Giám đốc Đại học Huế cho biết: “Bản thân tôi rất muốn chương trình Hội nghị CITA ngày càng lớn mạnh và đặc biệt là diễn đàn cho tất cả thầy, cô công nghệ thông tin ở Miền Trung – Tây Nguyên gặp nhau để được chia sẻ, trao đổi về mặt học thuật cũng như đào tạo ngành Công nghệ thông tin. Hy vọng rằng qua Hội thảo này chúng ta sẽ gặt hái được nhiều thành công và đặc biệt để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp cho tất cả mọi người".

PGS.TS. Lê Anh Phương, Giám đốc Đại học Huế, kiêm Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế.
PGS.TS. Lê Anh Phương, Giám đốc Đại học Huế, kiêm Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế.

CITA 2022 lần thứ 11 với nhiều điểm nổi bật như đã có 110 bài báo khoa học của gần 400 tác giả trong và ngoài nước, trong đó có gần 50% bài báo được viết hoàn toàn bằng tiếng Anh gửi nộp vào hội thảo. Tất cả các bài báo đều được phản biện nghiêm túc, chặt chẽ và kỹ lưỡng bởi ít nhất 2 thành viên phản biện với sự cố vấn chuyên môn của các nhà khoa học uy tín trong lĩnh vực công nghệ thông tin và kinh tế số như GS.TSKH Nguyễn Ngọc Thành (Ba Lan), GS.TS Nguyễn Thanh Thủy (Việt Nam), GS.TS Dosam Hwang (Hàn Quốc), PGS.TS Lê Minh Hòa (Anh Quốc),…

Kết quả, có 60 bài báo được lựa chọn để xuất bản trong Kỷ yếu Hội thảo CITA 2022 có chỉ số ISBN và tham gia báo cáo tại các phiên của Hội thảo CITA 2022 với tỷ lệ bài báo được chấp nhận là 54%. Đặc biệt, đã có 4 bài báo chất lượng tốt được lựa chọn để xuất bản trong Số dành riêng cho CITA 2022 của Chuyên san Các công trình nghiên cứu, phát triển và ứng dụng CNTT và truyền thông (ISSN 1859-3526), Tạp chí Thông tin và Truyền thông uy tín của Bộ Thông tin và Truyền thông. Ngoài ra, Ban tổ chức và Ban chương trình đã quyết định lựa chọn thêm 09 bài báo để trình bày với hình thức “Poster Presentation” tại hội thảo, được xuất bản trong Kỷ yếu Hội thảo CITA 2022 không có chỉ số ISBN.

Bên cạnh đó, Hội thảo CITA cũng nhận được sự đồng hành và bảo trợ chuyên môn từ các Tạp chí có uy tín quốc tế như Tạp chí “Journal of Information and Telecommunication” (Scopus, eSCI) của Nhà xuất bản Taylor and Francis (https://www.tandfonline.com/toc/tjit20/current) và Tạp chí “Vietnam Journal of Computer Science” (Scopus, eSCI) của Nhà xuất bản World Scientific Publishing. Theo đó, sẽ có thêm nhiều bài báo chất lượng tốt được lựa chọn tại các phiên báo cáo của CITA để mở rộng và xuất bản trong các số đặc biệt của các Tạp chí trên.

GS.TS Nguyễn Ngọc Thành – Trường Đại học Bách khoa Wroclaw, Ba Lan báo cáo đề dẫn về các vấn đề và xu hướng phát triển trong lĩnh vực công nghệ thông tin, truyền thông và kinh tế số trên thế giới hiện nay với chủ đề “Phân tích tình cảm trên mạng xã hội sử dụng các phương pháp AL” tại Hội thảo.

GS.TS Nguyễn Ngọc Thành – Trường Đại học Bách khoa Wroclaw, Ba Lan báo cáo đề dẫn về các vấn đề và xu hướng phát triển trong lĩnh vực công nghệ thông tin, truyền thông và kinh tế số trên thế giới hiện nay với chủ đề “Phân tích tình cảm trên mạng xã hội sử dụng các phương pháp AL” tại Hội thảo.

Hội thảo sẽ diễn ra 11 phiên với nhiều chủ đề hay và phát triển mạnh hiện nay trong công nghệ thông tin, truyền thông và kinh tế số gồm: Khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo; Xử lý ảnh và ngôn ngữ tự nhiên; Công nghệ phần mềm và Hệ thống thông tin; Kinh tế số; Mạng truyền thông; Chuyển đổi số và Đô thị thông minh.

Hội thảo Khoa học Quốc gia về Công nghệ thông tin và Ứng dụng trong các lĩnh vực (CITA 2022 – Lần thứ 11) một lần nữa đã khẳng định được uy tín và chất lượng chuyên môn, là cầu nối giữa các nhà khoa học trong và ngoài nước cùng nhau đóng góp trí tuệ, khoa học công nghệ trong lĩnh vực công nghệ thông tin, truyền thông và kinh tế số thúc đẩy sự phát triển khoa học và chuyển đổi của khu vực Miền Trung – Tây Nguyên nói riêng và cả nước nói chung.

Các đại biểu cùng toàn thể các thầy, cô và các nhà khoa học cùng chụp hình lưu niệm.

Các đại biểu cùng toàn thể các thầy, cô và các nhà khoa học cùng chụp hình lưu niệm.

Được khởi xướng vào năm 2012, CITA (Conference on Information Technology and its Applications) là chuỗi hội thảo khoa học quốc gia về công nghệ thông tin và ứng dụng trong các lĩnh vực được tổ chức hàng năm bởi Trường đại học VKU. Mục tiêu chính của hội thảo nhằm tạo ra một diễn đàn quy tụ và kết nối các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học, các chuyên gia trong nước và quốc tế tham gia công bố, thảo luận và chia sẻ về các vấn đề mới trong các lĩnh vực công nghệ thông tin và ứng dụng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ