Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Bộ GD&ĐT mong muốn Đại học Huế thành Đại học Quốc gia

GD&TĐ - Làm việc với lãnh đạo chủ chốt ĐH Huế nhân chuyến làm việc với tỉnh Thừa Thiên – Huế, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã định hướng nhiều vấn đề nhằm phát triển ĐH Huế thành ĐH Quốc gia trong thời gian tới.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Bộ GD&ĐT mong muốn Đại học Huế thành Đại học Quốc gia

Ngày 6/7, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn và lãnh đạo một số đơn vị của Bộ GD&ĐT đã có cuộc làm việc với lãnh đạo chủ chốt Đại học (ĐH) Huế về nhiệm vụ phát triển ĐH Huế trong giai đoạn tới. Tại buổi làm việc, nhiều ý kiến phát biểu của lãnh đạo ĐH Huế và các trường thành viên tập trung vào việc kiến nghị Bộ GD&ĐT quan tâm, tạo điều kiện để phát triển ĐH Huế thành ĐH Quốc gia và tăng cường đầu tư các nguồn lực để phát triển ĐH Huế thành một trung tâm đào tạo chất lượng cao của vùng và của đất nước.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đánh giá cao những kết quả của ĐH Huế đã đạt được, những truyền thống và bản sắc mà ĐH Huế đã xây dựng được qua nhiều thời kỳ, những tâm tư nguyện vọng của đội ngũ trí thức, nhà khoa học của ĐH Huế nói riêng và của Thừa Thiên - Huế nói chung. Lãnh đạo Bộ GD&ĐT luôn ủng hộ và tạo điều kiện để ĐH Huế phát triển thành ĐH Quốc gia theo tinh thần Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 83 của Chính phủ.

Bộ trưởng nhấn mạnh việc lựa chọn mô hình, thể chế, phương tiện và công cụ như thế nào để Đại học Huế lớn mạnh, đóng góp nhiều nhất cho sự phát triển của đất nước, giải quyết các vấn đề quốc gia; cần phát triển ĐH Huế có bản sắc dựa trên thế mạnh và tiềm lực sẵn có, có chiến lược phát triển nhân tài.

GD-ĐT Việt Nam đang trong giai đoạn chuyển đổi, trong đó chuyển đổi lớn là thực hiện tự chủ đại học, cần thực hiện tự chủ đại học một cách thực chất nhất, có chiều sâu nhất, tự chủ không chỉ thể hiện ở việc thành lập hội đồng đại học, lên phương án tự chủ tài chính… mà quan trọng là quyền lực, sự vận hành đại học phải được xây đắp từ quyền lực chuyên môn, để quyền cao nhất của tự chủ đại học phải là tiếng nói chuyên môn.

Nhiều ý kiến của lãnh đạo các trường ĐH thành viên thuộc ĐH Huế kiến nghị Bộ GD&ĐT quan tâm, tạo điều kiện để phát triển ĐH Huế thành ĐH Quốc gia sớm.

Nhiều ý kiến của lãnh đạo các trường ĐH thành viên thuộc ĐH Huế kiến nghị Bộ GD&ĐT quan tâm, tạo điều kiện để phát triển ĐH Huế thành ĐH Quốc gia sớm.

Vấn đề kết nối giữa các trường thành viên, Bộ trưởng cho rằng, nói tới một đại học đa ngành, đa lĩnh vực cần thiết phải có sự kết nối, chia sẻ, có tính hệ thống cao thì đa ngành, đa lĩnh vực đó mới có giá trị và tạo ra sức mạnh, nếu không sẽ chỉ dừng lại như một trường đại học nhiều ngành.

Đặc biệt, cần phải phát triển một ĐH Huế có bản sắc, có thế mạnh riêng; trong đó lưu ý tập trung vào một số ngành khoa học cơ bản, khoa học sư phạm, khoa học xã hội và nhân văn, nghệ thuật, khoa học sự sống... Và lưu ý, cần đặt nhiệm vụ của ĐH Huế trong vấn đề phát triển nhân tài; hiện nay trong đề án phát triển ĐH Huế chưa nói đến chiến lược phát triển nhân tài. Bộ trưởng gợi mở một số nhóm, lĩnh vực là thế mạnh của ĐH Huế có thể quan tâm đào tạo nhân tài như nghệ thuật, thi ca, âm nhạc…

Một số vấn đề khác ĐH Huế quan tâm như đầu tư tăng cường hạ tầng cơ sở vật chất, các nhóm nghiên cứu, phòng thí nghiệm, phát triển đội ngũ… Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết thêm, trong 11 nhóm nhiệm vụ trọng tâm của ngành Giáo dục đã đề cập tới những vấn đề này. Đồng thời khẳng định, thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ quan tâm, tạo điều kiện để gia tăng nguồn lực đầu tư hạ tầng, hiện đại hóa giáo dục đại học. Tuy nhiên, đây là việc cần phải có thời gian để thực hiện được.

Đoàn làm việc chụp ảnh lưu niệm cùng lãnh đạo chủ chốt ĐH Huế.

Đoàn làm việc chụp ảnh lưu niệm cùng lãnh đạo chủ chốt ĐH Huế.

ĐH Huế tiền thân là Viện ĐH Huế được thành lập năm 1957. Trải qua 65 năm xây dựng và phát triển, ĐH Huế ngày nay là cơ sở giáo dục đại học đóng vai trò tiên phong, nòng cốt trong sự nghiệp đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của miền Trung - Tây Nguyên và cả nước. ĐH Huế hiện có 9 đơn vị thành viên; 152 ngành/chương trình đào tạo đại học, 102 ngành đào tạo thạc sĩ và 55 ngành đào tạo tiến sĩ. Có 9 chương trình liên kết đào tạo đại học và sau đại học và trên 10 chương trình đào tạo bằng tiếng Anh. Giai đoạn 2016 - 2021, ĐH Huế đã đào tạo trên 40.000 cử nhân, bác sĩ, kỹ sư, kiến trúc sư; khoảng 7.000 thạc sĩ, hơn 200 tiến sĩ và khoảng 6.000 bác sĩ chuyên khoa cấp I, II. Số lượng giảng viên của ĐH Huế tổng là 2.635 người, trong đó có 297 GS và PGS, 887 tiến sĩ; tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ đạt 33%. Xếp hạng QS Asia - top các trường đại học Châu Á (top 350 các năm 2016, 2017; top 400 năm 2018 và top 500 năm 2019, 2020, top 401-450 ASIA năm 2021).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ