Hồi sinh voi ma mút đã tuyệt chủng

GD&TĐ - Các nhà khoa học kêu gọi vốn đầu tư để thực hiện dự án hồi sinh voi ma mút sau hàng chục nghìn năm tuyệt chủng trên Trái đất.

DNA của voi châu Á có nhiều điểm chung với voi ma mút.
DNA của voi châu Á có nhiều điểm chung với voi ma mút.

Ý tưởng này đã nhiều lần được công bố trong hơn 10 năm qua nhưng gần đây, dự án mới bắt đầu được triển khai.

Thí nghiệm lai tạo

Ý tưởng hồi sinh voi ma mút đến từ ông George Church, Giáo sư di truyền học tại Trường Y thuộc ĐH Harvard, Mỹ, phối hợp cùng Công ty sinh học và di truyền Colossal của doanh nhân Ben Lamm. Ước tính, dự án đã nhận được 15 triệu USD vốn đầu tư.

Cụ thể, các nhà khoa học sẽ tạo ra loài voi lai giữa voi châu Á và voi ma mút bằng cách phát triển phôi thai chứa ADN của voi ma mút trong phòng thí nghiệm. Với voi châu Á, các nhà khoa học lấy tế bào da rồi chỉnh sửa thành tế bào chứa ADN voi ma mút.

Các gene này sẽ hình thành nên bộ lông, lớp mỡ cách nhiệt và những đặc điểm thích nghi với khí hậu lạnh như voi ma mút đã tuyệt chủng. Để làm được điều này, các nhà khoa học đã nghiên cứu kỹ càng gene của voi ma mút lấy từ hoá thạch khai quật dưới lấp đất đóng băng vĩnh cửu tại Bắc Cực.

Sau khi phôi thai cứng cáp, nó sẽ được đưa vào cơ thể voi mẹ để mang thai hộ hoặc sử dụng tử cung nhân tạo. Dự án của Colossal có thể mất 6 năm để hình thành con non đầu tiên và mất nhiều thập kỷ để xây dựng một bầy đàn có thể tự duy trì sự sống.

Các nhà khoa học lựa chọn lai tạo giữa hai giống voi này vì voi ma mút và voi châu Á đã cùng nhau sống cách đây 6 triệu năm. Qua thời gian, hai loài này vẫn có chung 99,9% DNA. Nhưng bộ gene của voi gồm 3 tỷ cặp cơ sở nên bộ gen của voi châu Á và voi ma mút có hơn một triệu khác biệt. Vì vậy, các nhà khoa học phải sàng lọc.

Đến nay, nhóm Colossal đặt mục tiêu phát triển tối thiểu 60 gene của loài voi ma mút, bao gồm cả đặc tính lông xù xì đặc trưng của chúng. Việc chèn gene của voi ma mút vào DNA của voi châu Á đòi hỏi phải thực hiện nhiều chỉnh sửa gene cùng lúc.

Các nhà nghiên cứu tại Colossal đã thực hiện nhiều thí nghiệm chỉnh sửa gene trên động vật như lợn, chuột nhưng kết quả chỉnh sửa phụ thuộc vào thời điểm, vị trí mà mức độ gene được đưa vào ADN. Điều này có thể có rủi ro cao hơn trong lai tạo voi ma mút vì loài này còn một số đoạn ADN chưa được nghiên cứu rõ.

Tuy nhiên với Colossal, đây chưa phải khó khăn lớn nhất. Một thách thức khác là phương pháp phát triển phôi thai. Hiện nay, loài voi châu Á đang nằm trong nhóm có nguy cơ tuyệt chủng nên các nhà khoa học khó có thể sử dụng voi mẹ mang thai hộ. Họ sẽ phải phát triển tử cung voi nhân tạo và đưa phôi thai vào.

Các thí nghiệm trước đây trên cừu, chuột chỉ ra rằng tử cung nhân tạo có thể khiến thai nhi sinh non 4 tuần. Hơn nữa, đến nay, chưa có tử cung nhân tạo nào được thí nghiệm trên động vật có vú.

Ý tưởng sử dụng công nghệ sinh học để duy trì các loài có nguy cơ tuyệt chủng, thậm chí đã tuyệt chủng, không phải mới. Năm 2009, các nhà nghiên cứu đã nhân bản thành công một con dê núi Pyrenean đã tuyệt chủng từ năm 2000. Tuy nhiên, con non chỉ sống được vài phút.

Tháng 4 năm nay, Sở thú San Diego, Mỹ, phối hợp với tổ chức phi lợi nhuận Revive & Restore nhân bản loài chồn chân đen có nguy cơ tuyệt chủng. Mục tiêu nhằm bổ sung sự đa dạng di truyền cho các chương trình nhân giống động vật nuôi nhốt.

Hoá thạch của loài voi ma mút.

Hoá thạch của loài voi ma mút.

Tái tạo môi trường

Ngoài hồi sinh voi ma mút, mục tiêu dài hạn của dự án là chuyển đổi các vùng lãnh nguyên đầy rêu ngày nay thành các thảo nguyên như chúng đã từng trong kỷ Pleistocen. Đây cũng là thời kỳ các tảng băng mở rộng diện tích, hình thành các sông băng nên còn được gọi là kỷ băng hà lớn.

Theo nghiên cứu, cách đây hàng chục nghìn năm trong kỷ Pleistocen, phần lớn châu Âu, châu Á và Bắc Mỹ được bao phủ bởi những thảo nguyên mênh mông, tập trung nhiều loài động vật ăn cỏ.

Nhưng cách đây khoảng 10 nghìn năm, những loài này, bao gồm voi ma mút, đã tuyệt chủng. Khi chúng không còn tồn tại, những đồng cỏ đã nhường chỗ cho bụi cây, rêu, tạo ra lãnh nguyên và rừng taiga như ngày nay.

Các nhà khoa học nghi ngờ rằng voi ma mút giúp duy trì các đồng cỏ tại Bắc Cực. Chúng đánh đổ cây cối, giẫm đạp lên đất và “bón phân” từ chất thải của mình khiến các đồng cỏ phát triển mạnh mẽ.

Những cú đạp chân nặng nề của chúng xuyên qua lớp băng tuyết khiến cái lạnh ở Bắc Cực thấm sâu hơn vào lớp băng vĩnh cửu. Nhờ đó, lớp băng này càng thêm phần chắc chắn.

Một số nhà khoa học đặt ra giả thuyết rằng ở quy mô lớn, việc hồi sinh ma mút có thể làm giảm biến đổi khí hậu trong tương lai bằng cách làm chậm quá trình tan băng của lớp băng vĩnh cửu ở Bắc Cực. Đồng thời, công nghệ sinh học tân tiến có thể bổ sung cho phương pháp bảo tồn sinh vật truyền thống.

Tuy nhiên bất kỳ thí nghiệm nào liên quan đến động vật đều đi kèm những thách thức về mặt đạo đức. Nghiên cứu của Colossal khiến giới khoa học đặt ra câu hỏi, con lai giữa voi ma mút và voi châu Á sẽ được chăm sóc như thế nào? Tiếp đó, làm thế nào để đàn con lai học cách sống sót tại Bắc Cực và tái thiết nền văn hóa voi ma mút một cách hiệu quả?

“Không chỉ giúp loài voi này tồn tại, khoa học phải đảm bảo chúng có thể phát triển và sống một cách thuận lợi, tốt đẹp. Nếu không, các bạn đang đối xử tàn nhẫn với chúng”, Liao - nhà sinh vật học tại Trường ĐH New York, bày tỏ.

Theo NatGeo

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ