Trên tạp chí “Scientific Report” (Mỹ), họ đã mô tả các kết quả thí nghiệm, trong đó các nhân tế bào lấy từ hóa thạch voi ma mút cái Yuka (khai quật năm 2011 tại vùng Siberia băng giá) được đưa vào noãn (tế bào trứng) của chuột.
Một số nhân tế bào đó đã “thức tỉnh” và đưa noãn chuột vào trạng thái trước khi phân chia. Tuy nhiên, sau đó không xảy ra hiện tượng phân chia tế bào trứng.
Các nhà nghiên cứu đã lấy nhân tế bào từ xác con voi cái Yuka rồi đặt vào tế bào trứng (đã bị lấy mất nhân) của chuột. Trong số 43 nhân tế bào voi ma mút, có 5 nhân phát triển đến giai đoạn trước phân chia tế bào (giai đoạn tiền phân bào).
Các nhà khoa học biết rằng, các tế bào trứng của chuột có thể điều chỉnh, sửa chữa một số lỗi DNA, hình thành do bị đông lạnh quá lâu. Kết quả là một số nhân tế bào voi ma mút bắt đầu “sống dậy”. Tuy nhiên sau đó quá trình này tự dừng lại và hiện tượng phân chia tế bào không diễn ra.
“Nhân tế bào voi Yuka bị phá hủy nhiều hơn so với dự đoán và trong tình cảnh ấy rất khó để nghĩ tới việc nhân bản voi ma mút - ông Kei Miyamoto ở ĐH Kendai nói - “Có thể coi công trình nghiên cứu này là bước đi đầu tiên để hiện thực hóa ước mơ tái tạo các loài động vật thời tiền sử đã tuyệt chủng”.