'Hồi sinh' rối cổ, tỏa sáng vẻ đẹp xưa

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Với 450 năm tồn tại, rối cạn làng Tế Tiêu, thị trấn Đại Nghĩa (Mỹ Đức, Hà Nội) đã dần “hồi sinh” sau thời gian dài bị quên lãng.

Nghệ nhân Ưu tú Phạm Công Bằng cho biết, phường rối Tế Tiêu lưu giữ hơn 100 tích trò và hàng nghìn con rối được tạo hình sinh động.
Nghệ nhân Ưu tú Phạm Công Bằng cho biết, phường rối Tế Tiêu lưu giữ hơn 100 tích trò và hàng nghìn con rối được tạo hình sinh động.

Thú chơi truyền đời

Vào năm Hưng Phúc (1573), một vị quan tên là Trần Triệu Đông Hải đã về Tế Tiêu sinh cơ lập ấp, khai khẩn đất hoang và sáng tạo thú chơi rối. Trải qua nhiều thời kỳ gián đoạn, loại hình sân khấu dân gian này đã được tái sinh nhờ sự cống hiến của các nghệ nhân.

Trong lịch sử nghệ thuật rối Việt Nam, Tế Tiêu là ngôi làng hiếm hoi lưu giữ được thú chơi rối cạn. Theo hồ sơ di sản của Sở VH,TT&DL Hà Nội, thành phố có tới 6 di sản múa rối thì có tới 5 di sản rối nước: Rối nước Đào Thục (Đông Anh), rối nước Sài Sơn (Quốc Oai), rối nước làng Ra, rối nước làng Yên, rối nước Chàng Sơn (cùng ở huyện Thạch Thất).

Duy nhất có phường rối Tế Tiêu có nghệ thuật rối cạn, tuy nhiên cũng có kết hợp rối nước vào biểu diễn để tăng thêm sự thu hút và đa dạng.

Ở Tế Tiêu, những người già gọi nghề rối là chơi rối. Sự khác biệt trong cách gọi và quan niệm về rối nơi đây cũng chứng tỏ rằng, múa rối là một thú chơi không chỉ mang tính giải trí, mà còn có giá trị về mặt trí tuệ cũng như văn hóa làng. Thế nhưng thú chơi ấy, dù đã tồn tại rất lâu đời nhưng cũng vì thời cuộc mà dần rơi vào quên lãng.

Trong ngôi nhà khá rộng rãi, khu vườn có cả thủy đình với những chiếc cối đá làm ghế ngồi, Nghệ nhân Ưu tú Phạm Công Bằng - Trưởng phường rối Tế Tiêu nói rằng: “Chính xác thì rối cạn Tế Tiêu có tuổi đời đến nay vừa tròn 450 năm. Sau nhiều thời kỳ gián đoạn thì đến năm 1954 bắt đầu “gượng dậy”. Cho đến nay, rối cạn Tế Tiêu đã học hỏi thêm kỹ thuật rối nước và “trẻ hóa” các tích trò cũng như kỹ thuật biểu diễn để phù hợp với thị hiếu đương đại”.

Trong suốt 450 năm tồn tại, có lúc tưởng thú chơi rối cạn có thể biến mất, nhưng chính những nghệ nhân tâm huyết như Lê Năng Nhượng hay Phạm Văn Bể đã chung sức vực dậy. Cụ Bể cũng chính là thân sinh của anh Bằng, nên những kỹ thuật gia truyền được anh nắm giữ như một báu vật để rối cạn thực sự “hồi sinh” trên mảnh đất làng cổ.

“Hiện nay, phường rối Tế Tiêu lưu giữ hơn 100 tích trò và hàng nghìn con rối được tạo hình sinh động. Trong số này, có hơn 20 tích trò là rối tuồng truyền thống như: “Chém tá” trong tuồng Sơn Hậu, Thoát Hoan chui ống đồng, Thạch Sanh chém trăn tinh, Thánh Gióng đánh giặc Ân... Ngoài rối tuồng, phường rối Tế Tiêu cũng biểu diễn cả rối chèo, ví, kịch và các tích trò về đời sống đương đại”, anh Bằng cho biết.

Theo nghiên cứu của Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, rối Tế Tiêu tích hợp được những trích đoạn tuồng kinh điển, việc chuyển hóa chất tuồng vào nghệ thuật rối được thực hiện một cách nhuần nhuyễn, tự nhiên. Đây là sự khác biệt và cũng rất đặc biệt so với các phường rối cạn khác. Bởi vậy, người dân Tế Tiêu không gọi múa rối là “nghề rối”, mà gọi là “chơi rối” - với ý nghĩa là thú chơi công phu và trí tuệ.

Vì là một thú chơi nên kinh nghiệm và kỹ thuật cứ được truyền đời, từ nghệ thuật xếp trò, tạo hình cho đến kỹ thuật điều khiển con rối. “Chúng tôi thường sử dụng gỗ xoan, gỗ sung để làm rối. Đó là những loại gỗ nhẹ, thuận tiện khi biểu diễn cầm tay. Làm rối cạn phải tinh tế, các cử chỉ phải mềm mại bởi rối cạn không được che bớt như rối nước”, Nghệ nhân Ưu tú Phạm Công Bằng chia sẻ.

Một buổi biểu diễn ngoại khóa của phường rối Tế Tiêu tại trường học.

Một buổi biểu diễn ngoại khóa của phường rối Tế Tiêu tại trường học.

Đem rối đến trường học

Tuy có lịch sử trên 400 năm, nhưng rối cạn Tế Tiêu hiện nay chỉ còn tồn tại trong phạm vi “phường rối gia đình”. Nghệ nhân Phạm Công Bằng cũng là trưởng phường rối gia đình cuối cùng của làng. Để thú chơi rối tồn tại và lan tỏa, đó không chỉ là trăn trở, mà còn là thách thức lớn đối với những người giữ “của báu” cha ông.

May mắn là vào năm 2001, cụ Phạm Văn Bể được địa phương ủng hộ đất để xây dựng thủy đình biểu diễn phục vụ bà con trong làng, và cũng là cách để bảo tồn rối cổ. Năm 2023, khu thủy đình tiếp tục được khởi công, mở rộng cả quy mô lẫn chất lượng nhằm thu hút khách du lịch đến làng.

“Xã hội phát triển và thay đổi nên chúng tôi cũng phải thay đổi để rối cổ sống được với đương đại. Vậy nên gần đây, bên cạnh các vở diễn kinh điển kể chuyện lịch sử, chúng tôi đã sáng tạo những trò diễn mới hiện đại gần gũi với cuộc sống hơn. Đồng thời, thông qua trò diễn nhằm phê phán các thói hư tật xấu, biểu dương tấm gương tốt, chuyển tải thông điệp giáo dục đối với người trẻ”, nghệ nhân Phạm Công Bằng cho hay.

Thủy đình - nơi phường rối Tế Tiêu biểu diễn kết hợp rối cạn với rối nước.

Thủy đình - nơi phường rối Tế Tiêu biểu diễn kết hợp rối cạn với rối nước.

Một trong những cách đem rối cổ đến gần hơn với giới trẻ chính là việc tham gia biểu diễn ngoại khóa tại các trường học. Thời gian qua, anh Bằng cũng như các thành viên của phường rối Tế Tiêu đã tích cực tập luyện và đưa các tiết mục có tính giáo dục cao đến các trường ở địa phương.

Những câu chuyện và những tích trò được kể từ những chú rối không chỉ mang giá trị giáo dục đạo đức, mà còn góp phần giáo dục thẩm mỹ cho học sinh. Để phục vụ cho một buổi biểu diễn múa rối ở trường học, việc khó khăn nhất là di chuyển, lắp ráp sân khấu. Đồng thời, sáng tạo ra câu chuyện và chuyển tải thông điệp sao cho phù hợp với lứa tuổi các em.

Khi tấm màn nhung của sân khấu kéo ra, giọng giáo đầu cất lên: “Xin chào bà con, tôi ra đây có phải xưng danh không nhỉ?”. Tiếng đối đế đồng loạt: “Không xưng danh thì ai biết là ai?”. Thế rồi tiếng sáo, tiếng đàn hòa cùng tiếng người giáo đầu: “Ừ thì lão xưng danh đây, xưng danh đây – Lão đây là lão Trượng/Ở phường rối Tế Tiêu/Lão ra có đôi điều/Cùng bà con cô bác...”.

Và vở diễn bắt đầu, tích trò cũng thế mà mở ra những câu chuyện thật hay. Những chú rối cạn với từng cử điệu mềm mại như thật, hòa cùng giọng nói, âm thanh, “ngôn ngữ cơ thể” rối hòa nhịp cùng nghệ nhân khiến cho vở diễn trở nên chân thật nhưng cũng không kém phần sang trọng.

Qua mỗi vở diễn, các em học sinh không chỉ hiểu sâu giá trị cuộc sống, mà còn thấy rõ những giá trị của văn hóa và nét đẹp truyền thống mà cha ông xưa đã tạo dựng.

“Dù rối cạn Tế Tiêu đã được ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, song để bảo tồn và phát triển thì vẫn là bài toán khó. Ngoài việc đưa múa rối vào trường học, biểu diễn tại thủy đình, trưng bày con rối... thu hút du lịch, chúng tôi còn song hành việc đào tạo, truyền nghề để thế hệ trẻ có thêm tình yêu với văn hóa cổ truyền, để cùng nhau gìn giữ giá trị và vẻ đẹp của người xưa" - Nghệ nhân Ưu tú Phạm Công Bằng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Di Maria có cơ hội tái hợp Messi ở Inter Miami.

Di Maria tái hợp Messi ở Inter Miami?

GD&TĐ - Nguồn tin từ nhà báo Leonardo Paradizo tiết lộ, người đồng đội tại tuyển Argentina của Messi là Di Maria có thể gia nhập Inter Miami vào mùa hè tới.