Bản tình ca tinh tế của múa rối

GD&TĐ - Vở rối cạn 'Bản tình ca trên núi' vừa giành giải Vàng tại Liên hoan Quốc tế sân khấu thử nghiệm lần thứ V - 2022.

Bản tình ca tinh tế của múa rối

Lung linh, sống động, thiết tha… Đó là những sắc màu được nghệ sĩ Nhà hát Múa rối Việt Nam cùng thăng hoa, say đắm dệt nên một “Bản tình ca trên núi” đầy tinh tế. Vở diễn vừa giành giải Vàng tại Liên hoan Quốc tế sân khấu thử nghiệm lần thứ V - 2022.

Lóng lánh sắc hương

Vở rối cạn “Bản tình ca trên núi” kể về chuyện tình trong lành, ngát hương của nàng Gau Dự xinh đẹp có tiếng hát khiến hoa rừng nở, chim rừng ca và chàng Nùng Phai mạnh khỏe, mộc mạc.

Nhưng bỗng một ngày hổ dữ xuất hiện đòi chiếm đoạt nàng Gau Dự, phù phép biến nàng thành hổ và đem phép ma quỷ hòng giết chàng Nùng Phai. Nhưng, tiếng khèn thổn thức của chàng Nùng Phai đã làm thức tỉnh trái tim Gau Dự…

Có thể nói, câu chuyện được kể ở “Bản tình ca trên núi” không mới và khá đơn giản. Thế nhưng bằng thủ pháp dàn dựng hiện đại, ngôn ngữ kể chuyện dí dỏm, tươi mới kết hợp cùng kỹ thuật biểu diễn chuyên nghiệp, chân thực, đạo diễn, NSND Nguyễn Tiến Dũng cùng các nghệ sĩ Nhà hát Múa rối Việt Nam đã đem đến cho “Bản tình ca trên núi” những sắc hương lóng lánh.

Đó là sắc hương của vùng núi Tây Bắc qua tiếng sáo, tiếng khèn, tiếng hát mang tiếng lòng của chàng Nùng Phai, nàng Gau Dự. Tiếng khèn, tiếng hát ấy du dương, bay bổng, âu yếm, dạt dào yêu thương khi hạnh phúc đong đầy; nhưng lúc bị xa cách, chia rẽ thì chứa chan nước mắt khổ đau, nhớ nhung… Và, sắc hương vùng núi Tây Bắc còn lóng lánh trên trang phục thổ cẩm dệt hoa văn của đồng bào dân tộc H’Mông mà nàng Gau Dự và chàng Nùng Phai mặc.

Theo đạo diễn, NSND Nguyễn Tiến Dũng, phần âm nhạc được NSƯT Huỳnh Tú dàn dựng đến lần thứ 3 mới chốt được bản cuối. Còn tấm áo, chiếc váy, cái mũ của Gau Dự và Nùng Phai đều được may từ những tấm thổ cẩm dệt bằng tay của người H’Mông chứ không phải là vẽ hay in.

Chúng cùng hiện diện và “cất tiếng” dưới ánh đèn huyền diệu cũng như sự trình diễn khéo léo, tài hoa của diễn viên để dệt nên một “Bản tình ca trên núi” lãng mạn, thơ mộng và không kém phần huyền ảo…

Chính vì thế, khi đến thưởng thức vở diễn, nhiều khán giả, trong đó có những nhà phê bình, nghiên cứu hay các nghệ sĩ đều dành lời khen cho “Bản tình ca trên núi”.

Theo tác giả Hoàng Thanh Du, người đã từng thưởng thức bản diễn từ năm 1962 thì phiên bản mới này đã “hút hồn” và đưa ông đi từ “kinh ngạc này đến kinh ngạc khác” “bằng những chiêu trò, miếng võ” trong việc xử lý không gian sân khấu, trang trí, âm thanh, ánh sáng, nghệ sĩ biểu diễn “không thể tách rời”… của đạo diễn.

“Tôi không tưởng tượng nổi nếu không có trang trí này hay âm nhạc này và cả tạo hình này thì cảnh diễn vở diễn sẽ ra sao? Theo tôi, đây là đạo diễn xử lý không gian và kết hợp các nghệ thuật phụ trợ phục vụ cảnh diễn sân khấu giỏi nhất hiện giờ. Bởi vậy, “Bản tình ca trên núi” đã vượt ra khỏi cái gọi là thử nghiệm”, tác giả Hoàng Thanh Du bày tỏ.

Sau 60 năm, vở rối cạn 'Bản tình ca trên núi' trở lại với khán giả và xuất sắc giành giải Vàng tại Liên hoan Quốc tế sân khấu thử nghiệm lần thứ V - 2022. Ảnh: Bình Thanh.

Sau 60 năm, vở rối cạn 'Bản tình ca trên núi' trở lại với khán giả và xuất sắc giành giải Vàng tại Liên hoan Quốc tế sân khấu thử nghiệm lần thứ V - 2022. Ảnh: Bình Thanh.

Làm mới để tri ân

“Một kịch bản cũ hay mới là do suy nghĩ, nhãn quan của thế hệ hôm nay, từ đó có cách làm mới như thế nào để góp phần đưa vở diễn sau 60 năm tiếp tục có nhịp đập hòa trong nhịp đập của khán giả hôm nay. Từ đây, tôi cũng như các nghệ sĩ muốn làm một việc ý nghĩa để tri ân thế hệ đi trước, nhất là với những người đã dành cả cuộc đời cống hiến cho nghệ thuật múa rối nước nhà như NSƯT Đặng Lợi. Cùng với đó, khi tham gia liên hoan, chúng tôi muốn góp một tiếng nói ngành nghề của nghệ thuật múa rối với sân khấu Việt Nam, với bạn bè trong nước và quốc tế một cách nghiêm túc và chuyên nghiệp nhất”, đạo diễn, NSND Nguyễn Tiến Dũng.

Vở rối cạn “Bản tình ca trên núi” được dàn dựng từ kịch bản không mới của cố NSƯT Đặng Lợi và từng là tiết mục biểu diễn của Đoàn Múa rối Trung ương (nay là Nhà hát Múa rối Việt Nam), từ năm 1962.

Theo đạo diễn, NSND Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam, NSƯT Đặng Lợi là một trong những người có công lớn trong việc xây dựng và phát triển nghệ thuật múa rối Việt Nam nói chung và đặt nền móng xây dựng nên Nhà hát Múa rối Việt Nam nói riêng.

Là kịch bản được một nghệ sĩ đam mê múa rối như NSƯT Đặng Lợi viết, “Bản tình ca trên núi” có nhiều chất liệu mang những yếu tố biến hóa, huyền ảo và sử dụng được kỹ thuật rối trong trò diễn để khai thác hiệu quả.

Khi đọc kịch bản, đạo diễn, NSND Nguyễn Tiến Dũng thấy những trang viết này mang giá trị nhân văn và thể hiện vấn đề con người có tính triết lý riêng, có một tiếng nói xã hội và thông điệp với cuộc sống không chỉ hôm qua mà cả hôm nay.

Bên cạnh đó, chất liệu vùng miền cũng đem đến cho đạo diễn sự thích thú vì được gắn liền với văn hóa, phong tục, tập quán của người H’Mông; âm nhạc qua tiếng sáo, tiếng khèn đầy sức gợi.

Chuyện tình mà “Bản tình ca trên núi” kể xuất phát từ tập tục sinh hoạt văn hóa rất độc đáo: Chợ tình Khâu Vai. Trang phục của nhân vật cũng rất bắt mắt, lạ…

Từ chất liệu ấy, ê-kíp sáng tạo đã khoác cho “Bản tình ca trên núi” một tấm áo mới. Nếu như ở bản dựng năm 1962 sử dụng rối que thì bản này sử dụng rối đen – diễn viên mặc quần áo đen đứng biểu diễn cùng con rối. Việc tạo hình con rối cũng được đầu tư kỹ lưỡng, sinh động.

Qua bàn tay điều khiển linh hoạt của diễn viên, những nhân vật rối ấy có thể chớp mi, đảo mắt, máy miệng, cử động ngón tay… Cùng với đó, đạo diễn luôn cầu kỳ trong từng bản nhạc, thiết kế sân khấu, âm thanh, ánh sáng; nội dung của vở diễn được biên tập và khắc họa thêm hình tượng hổ dữ để gửi gắm thêm thông điệp mới.

Tất cả các thành phần sáng tạo cùng tổng hòa, tạo nên một sự chuyển động của câu chuyện, dệt nên tấm vải đẹp nhất của “Bản tình ca trên núi”. Vì thế, thật xứng đáng khi vở diễn này xuất sắc giành giải Vàng vở diễn, giải đạo diễn xuất sắc và nhiều giải Vàng, giải Bạc cá nhân tại Liên hoan Quốc tế sân khấu thử nghiệm lần thứ 5 - 2022.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhiều hòn đảo xa xỉ ở Tây Ban Nha thu hút người giàu có và nổi tiếng.

3 hòn đảo đỉnh cao xa hoa ở Tây Ban Nha

GD&TĐ -Nhiều hòn đảo tư nhân của Tây Ban Nha, một số thuộc sở hữu của các nhà tài phiệt Nga, được những người giàu có và nổi tiếng lui tới.

Năng lực sản xuất vũ khí của Nga tăng đáng kể kể từ khi Moscow bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Cảnh báo gây sốc khi kho vũ khí EU tụt hậu

GD&TĐ -Tổ hợp công nghiệp quân sự của Nga đã tăng cường sản xuất vũ khí kể từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine, xóa bỏ mọi dấu hiệu thiếu hụt.