Từ xa xưa, con rồng đã có trong tâm thức người Việt với nhiều truyền thuyết linh thiêng mang ý nghĩa lớn lao về vũ trụ và nhân sinh. Cũng chính vì đó mà màn trình diễn “Múa rồng” trong múa rối nước được coi là tiết mục đặc sắc và ngoạn mục nhất.
Biểu tượng linh thiêng
Trong văn hóa Việt Nam, linh vật là những con vật linh thiêng, có thể là sinh vật huyền thoại hoặc con vật có thật nhưng được linh hóa, nhằm biểu trưng cho một niềm tin tâm linh nào đó.
Nhắc đến linh vật, đa phần mọi người đều tin rằng đây là hiện thân của các hiện tượng siêu nhiên huyền bí, đồng thời cũng phản ánh lực lượng tự nhiên có sức ảnh hưởng mạnh mẽ tới vũ trụ và nhân sinh. Vì tính chất linh thiêng, linh vật thường được đặt tại những nơi như đền, chùa, miếu, cổng làng, bàn thờ… với mong muốn mang lại cuộc sống an bình cho người dân.
Theo dòng lịch sử, văn hóa Việt đã phát triển cũng như chịu ảnh hưởng của nhiều nền văn hóa lớn lân cận, sinh ra nhiều linh vật phong phú, mang nhiều nét độc đáo riêng. Hình tượng linh vật xuất hiện trên nhiều hiện vật lịch sử của Việt Nam.
Đến nay, vẫn còn tồn tại nhiều giả thuyết về nguồn gốc của rồng. Có ý kiến cho rằng: Tiền kiếp của rồng qua những hình tượng được diễn tả trong mỹ thuật cổ, như ngày nay chúng ta thường nhìn thấy, chính là quá trình phát triển và hoàn thiện hoá từ loài cá sấu – một sinh vật có từ thời cổ đại, sống trong các vùng đầm lầy ở vùng nhiệt đới Đông Nam Á, hay có gốc gác từ con thuỷ quái Makara, hoặc từ hình tượng rắn thần trong truyền thuyết Ấn Độ.
Song dù lý giải như nào về nguồn gốc rồng thì trong tâm thức của người Việt, rồng là bản mệnh của thần, là biểu tượng của nhất nguyên vũ trụ, hội tụ cả âm – dương, trời – đất, có ảnh hưởng và chi phối mạnh mẽ tới nông nghiệp lúa nước.
Rồng của dân gian biểu trưng cho sự tốt đẹp, may mắn và thịnh vượng, là sức mạnh của sự sống. Hình ảnh của rồng là hình ảnh vị thần phun nước làm mưa để dân cày ruộng, mang lại lúa gạo nuôi sống con người.
Đã từ lâu, rồng được mệnh danh là một linh vật với nhiều quyền năng và sức mạnh. Trong dân gian, rồng chính là con vật tượng trưng cho linh thiêng và điềm lành. Trong số 12 con giáp thì năm rồng (tức là năm Thìn ứng với các năm như Giáp Thìn, Bính Thìn, Mậu Thìn, Canh Thìn và Nhâm Thìn) là năm đại cát. Dân gian cũng có câu “mả táng hàm rồng” có nghĩa chỉ một ai đó có hồng phúc.
Hình tượng về rồng muôn mình dáng vẻ, màu sắc rực rỡ, không chỉ xuất hiện trong thơ ca, tiểu thuyết, hội họa, điêu khắc, kiến trúc đền chùa… mà còn đi sâu vào phong tục tập quán dân gian. Đơn cử là bộ môn nghệ thuật múa rối nước.
Các nghệ nhân rối đứng trong buồng trò, thao tác bằng cây sào hoặc giật quân rối bằng hệ thống dây giấu trong lòng nước, lợi dụng sức nước để điều khiển quân rối. |
Một phần của di sản văn hóa Việt
Múa rối nước là một loại hình nghệ thuật sân khấu dân gian truyền thống độc đáo, ra đời từ nền văn hóa lúa nước và chỉ có duy nhất ở Việt Nam. Từ một nghệ thuật mang yếu tố dân gian, múa rối nước đã trở thành một nghệ thuật truyền thống, một sáng tạo đặc biệt của người Việt.
Rối nước thường được diễn vào những ngày nông nhàn, ngày xuân, trong các lễ hội, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc gắn liền với những phong tục tập quán và đời sống sinh hoạt của người dân Đồng bằng Bắc Bộ.
“Chưa xem biểu diễn rối nước nghĩa là chưa tới thăm Việt Nam”. Đó là lời khuyên thiết thực xuất hiện trong nhiều cuốn sách hướng dẫn du lịch tại Việt Nam. Và điều đó hoàn toàn đúng khi phần lớn khách du lịch tới Việt Nam xem trình diễn múa rối nước ít nhất một lần.
Những buổi biểu diễn múa rối nước không chỉ mang lại một sự hài lòng lớn mà còn là ánh hào quang của lịch sử văn hóa đời sống lâu năm của người Việt. Vì vậy, nhiều người nói rằng: “Để có thể thấu hiểu hoàn toàn lịch sử, văn hóa và đời sống truyền thống của người Việt trong một giờ đồng hồ, cách tốt nhất là thưởng thức một buổi trình diễn múa rối nước”.
Nên nhớ, Việt Nam là đất nước duy nhất trên thế giới có nghệ thuật múa rối nước. Rối nước Việt Nam có mặt ở hầu khắp các tỉnh, thành, vùng Đồng bằng sông Hồng, gắn bó mật thiết với đời sống vật chất tinh thần của cư dân trồng lúa nước Đồng bằng Bắc Bộ.
So với múa rối thông thường, múa rối nước mang nhiều đặc điểm khác như: Dùng mặt nước làm sân khấu; buồng rối nước hay còn gọi là thủy đình với cấu trúc cân đối, tượng trưng cho mái đình của vùng nông thôn Việt Nam là sân khấu biểu diễn trò rối nước.
Do tính đặc sắc nên từ nghệ thuật mang yếu tố dân gian, múa rối nước đã nhanh chóng trở thành nghệ thuật truyền thống có vị trí cao trong nền sân khấu dân tộc. Có thể thấy, múa rối nước là “đặc sản văn hóa Việt”.
Tại Trung tâm Múa rối nước Bông Sen trực thuộc Nhà hát Nghệ thuật Đương đại Việt Nam, đơn vị nghệ thuật hàng đầu của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Với gần 40 năm thành lập, nhà hát đã cho ra đời rất nhiều chương trình mang ý nghĩa cả về mặt văn hóa, chính trị và xã hội.
Tòa nhà “Không gian Văn hóa Việt” tại Hà Nội nhằm tạo sự đa dạng trong các loại hình nghệ thuật và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về thưởng thức nghệ thuật dân tộc, đưa văn hóa đặc sắc Việt Nam đến du khách bạn bè quốc tế và đông đảo người dân Việt Nam, “Không gian Văn hóa Việt” là nơi biểu diễn các chương trình múa rối nước đặc sắc với tên gọi chính thức “Múa rối nước Bông Sen”.
Ngoài ra, ở đây còn là không gian biểu diễn nhiều chương trình nghệ thuật ca múa nhạc đương đại, các chương trình trưng bày, triển lãm về hội họa, thời trang, ẩm thực…
Màn trình diễn rối nước 'Vũ điệu Tứ linh' do nghệ sĩ Công ty TNHH nghệ thuật biểu diễn múa rối nước Hà Nội - Việt Nam biểu diễn. Ảnh minh họa: INT. |
Những chú rồng quyền năng
Phần trình diễn sắc màu và ngoạn mục nhất trong múa rối nước là phần trình diễn về những con rồng: Hai con rồng chơi đùa cùng nhau, rồng phun nước, rồng phun lửa... hùng dũng nhưng thân thiện.
Rồng là một hình tượng có vị trí đặc biệt trong văn hóa, tín ngưỡng của dân tộc Việt Nam, tượng trưng cho quyền uy tuyệt đối của các đấng Thiên Tử, là linh vật đứng vào hàng bậc nhất trong tứ linh “Long, Ly, Quy, Phụng”.
Không những là biểu tượng cho xuất xứ nòi giống dân tộc Việt Nam, rồng còn là thần linh, chủ của nguồn nước, mang lại sức sống mãnh liệt, làm cho mùa màng tốt tươi. Âm nhạc trống sôi động cùng màn kết hợp tài tình giữa lửa - nước cùng vũ đạo mạnh mẽ của đôi rồng là sự cầu mong sức khỏe, bình an và sự trường tồn.
Tất cả người Việt đều thuộc lòng sự tích Con Rồng - Cháu Tiên từ lâu đời. Câu chuyện Cha Rồng lấy Mẹ Tiên và sinh ra trăm trứng. Trăm trứng nở ra một trăm người con trai. Sau đó, 50 người con theo Cha Rồng xuống biển, 50 người con theo Mẹ Tiên lên núi. Họ trở thành tổ tiên của 54 dân tộc anh em Việt Nam. Bởi vậy người Việt gọi 2 tiếng “Đồng bào” nghĩa là anh em ruột thịt cùng chung một nguồn gốc.
Trong các phần trình diễn, thú vị nhất là những trò diễn về rồng phun nước và lửa. Đó là những kỹ thuật của múa rối nước thật sự rất hấp dẫn khán giả. Lửa phun ra từ miệng rồng không phải là lửa thật mà là đó là ánh sáng của pháo hoa - một trò chơi dân gian của Việt Nam.
Làm thế nào để nước có thể phun ra từ cơ thể nhiều khúc của rồng? Làm thể nào để sử dụng pháo hoa khi rồng ở trong nước? Đó là những bí quyết tuyệt vời từ hàng trăm năm kinh nghiệm của múa rối nước Việt Nam.
Tiết mục 'Múa rồng' do các nghệ nhân Trung tâm Múa rối nước Bông Sen điều khiển kết hợp hiệu ứng pháo hoa, nước và âm nhạc tạo nên một màn biểu diễn độc đáo thu hút mọi ánh nhìn. |
Ở tiết mục khép màn, sẽ có sự kết hợp của bốn con vật linh thiêng gọi là Tứ linh. Các đức tính tốt đẹp của những con vật linh thiêng được phản chiếu trong Tứ linh: Long, Lân, Quy, Phượng - ca ngợi thiên nhiên đất trời, mong cho quốc thái dân an, đời sống người dân ấm no, hạnh phúc.
Bên cạnh việc diễn lại những câu chuyện truyền thống ngày xưa, để thu hút giới trẻ hiện nay, theo nghệ nhân Phan Thanh Liêm, múa rối nước còn cần tìm tòi những đề tài mới, mang tính thời sự, hấp dẫn, cùng với đó là phát triển những tích trò mới để khán giả không bị nhàm chán.
Cốt truyện là một yếu tố vô cùng quan trọng để múa rối nước không chỉ dừng lại ở yếu tố giải trí mà được nâng tầm lên thành những giá trị tư tưởng và nhân văn đọng lại trong lòng khán giả.
Nói về việc tạo cơ chế để thu hút khán giả trẻ đến với nghệ thuật múa rối nước, ông Liêm cho rằng, cơ chế cũng chỉ góp phần tạo động lực cho các nghệ nhân yên tâm. Điều quan trọng nhất vẫn là những người làm nghề phải thật sự tâm huyết, yêu nghề và giữ lửa đam mê với nghề thì mới níu chân được khán giả, đặc biệt là các khán giả trẻ.
Trong 12 con giáp, rồng đứng vị trí thứ năm. 11 con giáp khác là những con vật có thực và gần gũi trong cuộc sống con người. Chỉ có con rồng là không có thực. Nhưng nhắc đến rồng, người ta nghĩ đến một con vật linh thiêng, cao quý, có vóc dáng to lớn, là sự kết hợp các yếu tố mạnh mẽ của các loài vật mạnh mẽ nhất. Do đó, rồng gắn liền với biểu tượng quyền uy của vua chúa.