Khi Nga phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine, Mỹ và các đồng minh châu Âu quyết định áp loạt lệnh trừng phạt lên nước này như đóng băng khoảng 60% dự trữ quốc tế của Ngân hàng Trung ương Nga, loại bỏ Nga khỏi hệ thống SWIFT hay trừng phạt nhiều doanh nghiệp, tổ chức của Nga…
Điều này lập tức khiến đồng ruble của Nga giảm 1/3 giá trị so với đồng USD. Ngày 7/3, đồng ruble giảm xuống mức thấp nhất khi 150 ruble bằng 1 USD.
Tuy nhiên, đến ngày 30/3, đồng ruble của Nga đã tăng trở lại. Hiện, 85 đồng ruble bằng 1 USD, mức giao dịch gần bằng trước khi Nga mở chiến dịch tại Ukraine một tháng trước. Có được kết quả này nhờ đến một loại chính sách do Tổng thống Nga Vladimir Putin tung ra giúp bình ổn thị trường.
Ngân hàng Trung ương Nga đã tăng lãi suất từ 9,5% lên 20%. Điện Kremlin cũng áp dụng nhiều biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt với những trường hợp muốn đổi đồng ruble lấy USD hoặc euro. Chính phủ yêu cầu các nhà xuất khẩu chuyển đổi 80% số ngoại tệ thu được thành đồng ruble. Khi có thông tin Điện Kremlin đã “cởi mở hơn” trong các cuộc đàm phán ngừng bắn với Ukraine, đồng ruble lập tức tăng giá.
Ngoài ra, Nga đã tận dụng lợi thế là xuất khẩu khí đốt để lật ngược ván bài. Dù bị áp lệnh trừng phạt, Nga vẫn tiếp tục xuất khẩu dầu và khí đốt sang châu Âu cũng như Trung Quốc, Ấn Độ. Những mặt hàng xuất khẩu này đóng vai trò quan trọng như một nền tảng cho nền kinh tế Nga. Nếu EU, Anh và Mỹ cấm khai thác dầu khí của Nga, các nhà kinh tế dự đoán nền kinh tế Nga có thể suy giảm 20% trong năm nay.
Hiểu rõ điều này, ông Putin đã tận dụng sự phụ thuộc của châu Âu vào xuất khẩu năng lượng từ Nga làm lợi thế cho nước này. Ngân hàng Trung ương Nga yêu cầu các nhà nhập khẩu khí đốt nước ngoài giao dịch qua đồng ruble, một biện pháp để lấy lại giá trị cho đồng tiền của Nga.
Ước tính, Nga vẫn bán khoảng 10 tỷ USD dầu cho nước ngoài, tương đương 1/4 lượng xuất khẩu trước xung đột. Số tiền thu về giúp Nga mua một số hàng tiêu dùng, hàng nhập khẩu từ các quốc gia độc lập.
Bên cạnh đó, Chính phủ Nga thông qua nhiều chính sách để hỗ trợ các nhà sản xuất địa phương như cho vay ưu đãi, trợ cấp, giảm thuế cho hàng hóa nhập khẩu từ các quốc gia không áp lệnh trừng phạt với Nga. Các doanh nghiệp vẫn tiếp tục vận hành và xoay xở khi Nga bị cấm vận bởi họ đã quen với việc bị trừng phạt nhiều năm qua.
Tuy nhiên, ông Ulrich Leuchtmann, nhà phân tích tại Ngân hàng Commerzbank, Đức, nhận định sự phục hồi của đồng ruble không thể đánh giá được triển vọng phục hồi trung và dài hạn của nền kinh tế Nga. Bởi lẽ đồng tiền này có thể dẫn tới lạm phát khi GDP của Nga được dự đoán giảm 10 - 15% trong năm 2022. Người Nga sẽ trở nên nghèo hơn khi lạm phát tăng cao và “nuốt chửng” thu nhập của họ.
Giới quan sát Nga vẫn tỏ ra thận trọng với những hậu quả tiềm tàng từ lệnh trừng phạt từ phương Tây. Đặc biệt trong bối cảnh Mỹ và các đồng minh sẽ tiếp tục áp loạt biện pháp gay gắt hơn chống lại Nga sau cáo buộc thảm sát dân thường ở các thị trấn của Ukraine.