Hợp tác kinh tế Nga - Trung: Chỉ tuyên bố thôi, chưa đủ

GD&TĐ - Cuối tuần qua, trong khuôn khổ chuyến thăm Trung Quốc, Tổng thống Nga V.Putin đã có cuộc hội đàm với người đồng cấp Tập Cận Bình. Theo các nhà phân tích, trong khi quan hệ cá nhân giữa hai nhà lãnh đạo Nga - Trung ngày càng được củng cố thì quan hệ kinh tế - thương mại giữa hai nước chưa có cơ hội khởi sắc.

Hợp tác kinh tế Nga - Trung: Chỉ tuyên bố thôi, chưa đủ

Ký kết nhiều, thực hiện chậm

Theo các cơ quan truyền thông Trung Quốc, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là người tiếp xúc với Tổng thống Nga V.Putin thường xuyên hơn với bất cứ nhà lãnh đạo của một quốc gia nào khác.

Theo “Rossiyskaya Gazeta”, năm ngoái họ đã gặp nhau tới 5 lần. Họ tôn trọng nhau, tin tưởng nhau. Họ đã ký với nhau 3 tuyên bố: Tuyên bố chung của Nga và Trung Quốc, Tuyên bố về tăng cường ổn định chiến lược toàn cầu và tuyên bố về hợp tác trong lĩnh vực không gian thông tin. Tuy nhiên, theo “Kommersant”, cuộc hành hương của Tổng thống Nga đến Tử Cấm Thành, một biểu tượng của quyền lực trong nhiều thế kỷ đã không giúp Moskva tăng tốc trong “hành trình về phương Đông”.

Vào đêm trước của cuộc gặp gỡ giữa V.Putin và Tập Cận Bình tại Bắc Kinh, cuộc họp của ủy ban liên chính phủ giữa Nga và Trung Quốc về đầu tư với sự tham gia của Phó Thủ tướng Nga Igor Shuvalov và Phó Thủ tướng Trung Quốc Trương Cao Lệ đã diễn ra. Hàng loạt các dự án trên các lĩnh vực khác nhau đã được ký kết, trong đó có thỏa thuận bắt đầu đàm phán về hợp tác kinh tế - thương mại giữa Liên minh Á - Âu và Trung Quốc.

Vào thời điểm hiện tại, trong chương trình nghị sự giữa hai nước đã có tới 58 dự án với tổng trị giá lên tới 50 tỷ USD, nhưng chỉ có 12 dự án là đang được triển khai. Đặc biệt, dự án được coi là lớn nhất - xây dựng tuyến đường sắt cao tốc Moskva - Kazan với tổng trị giá lên tới 19 tỷ USD đã không được ký kết trong chuyến đi lần này của V.Putin. Thứ nữa, “Rosneft” đã đạt được thỏa thuận với ChemChina về phân bổ cổ phiếu và thảo luận với CNPC về xây dựng nhà máy lọc dầu ở Thiên Tân nhưng đến nay ngay cả cơ sở kinh tế của dự án này vẫn chưa được phê duyệt. Theo lời V.Putin, dự án xây dựng tuyến đường vận chuyển khí đốt phía Tây mới đang ở giai đoạn “thảo luận về các điều khoản”.

Tại sao lại như vậy?

Theo Nadine Godehardt, một nhà phân tích của Viện các vấn đề quốc tế và an ninh ở Berlin thì Putin và Tập Cận Bình có quan điểm giống nhau về nhiều điều, nhưng lại có những tính toán khác nhau. Tập Cận Bình cần Nga để thực hiện dự án “Con đường tơ lụa”. Tuy nhiên, V.Putin lại muốn coi quan hệ hợp tác Nga - Trung như một thế lực đối trọng với Mỹ. Trong khi đó, Bắc Kinh không muốn bị lôi kéo vào cuộc đối đầu với phương Tây. Ngoài ra, trong bối cảnh cấm vận từ phương Tây ngày càng siết chặt, Moskva cần tiền và công nghệ của Bắc Kinh. Tuy nhiên, Bắc Kinh không mấy mặn mà với điều này và trên hết là không muốn kéo Nga ra khỏi suy thoái kinh tế hiện tại.

Thái độ thận trọng của Trung Quốc trong chuyện làm ăn với Nga còn thể hiện ở ngay cả những dự án dầu khí vốn được coi là truyền thống giữa hai nước. Đặc biệt, trong lĩnh vực ngân hàng, các đối tác Trung Quốc không muốn đầu tư vào Nga vì họ sợ làm tổn hại đến quan hệ với các ngân hàng Mỹ vốn luôn tuân thủ nghiêm ngặt các đòn trừng phạt - Alexander Larin, nhà nghiên cứu hàng đầu ở Viện Nghiên cứu Viễn Đông nhận định.

Như vậy, chuyến công du Trung Quốc của V.Putin diễn ra trong bối cảnh không mấy thuận lợi cho nước Nga. Nói như nhà nghiên cứu cao cấp của Trung tâm Carnegie Moskva Alexander Gabuev, rằng “Nga đang tiến tới một sự phụ thuộc bất đối xứng, trong đó Nga cần Trung Quốc hơn là Trung Quốc cần Nga”. Ấy là chưa kể chuyến công du này rơi đúng vào thời điểm Bắc Kinh đang rất khó khăn trên mặt trận ngoại giao, khi phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế về hành động bồi đắp phi pháp các đảo ở biển Đông của họ đang đến gần. Bắc Kinh rất cần sự ủng hộ của Moskva. Giữ được quan hệ tốt đẹp với cả Trung Quốc và các nước ASEAN là bài toán quá khó với Putin trong thời điểm hiện tại.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ