Nhân rộng mô hình kinh tế
Chúng tôi cùng cán bộ hội phụ nữ xã Noong Hẹt, huyện Điện Biên (Điện Biên) đi thăm vườn trồng rau màu của chị Nguyễn Thị Biên ở thôn Sam Phương. Những luống rau bắp cải, dưa leo, ngô ngọt đang kỳ xanh tốt. Được biết, toàn bộ diện tích trồng rau màu của gia đình chị hơn 3.000m2.
Chị Biên cho biết: “Sau vụ thu hoạch của mỗi loại rau, tôi lại chuyển sang trồng cây khác. Như vậy, vừa tăng thêm nguồn thu nhập cho gia đình vừa thuận lợi cho việc lựa chọn giống cây trồng phù hợp với mùa vụ để thuận tiện chăm sóc”.
Ngoài phát triển rau màu, gia đình chị Biên còn làm dịch vụ máy xay xát chuyên thu mua thóc và xát gạo cung cấp ra thị trường. Với cách làm này đã giúp cho gia đình chị từ một hộ hội viên nghèo, cuộc sống khó khăn vươn lên thành một hộ khá giàu trong thôn.
Chị Nguyễn Thị Biên chăm sóc rau màu. |
Chị Biên chia sẻ: “Để phát triển kinh tế, tôi cũng đã đi học hỏi nhiều ở chị em về áp dụng vào thực tế của gia đình. Bây giờ nhà tôi chủ yếu là chăn nuôi, trồng trọt để tăng thêm thu nhập. Trung bình mỗi năm, trừ chi phí gia đình, tôi thu về hơn 100 triệu đồng”.
Gia đình bà Vũ Thị Hòa cũng ở thôn Sam Phương lại làm giàu bằng việc phát triển chăn nuôi và trồng cây ăn quả. Ấn tượng của chúng tôi khi đến thăm gia đình bà là ao cá rộng, trên bờ được đổ bê tông tạo chỗ cho chăn nuôi gia cầm. Những thức ăn cho gia cầm thừa được bà chuyển xuống ao cho cá.
Bà Hòa chia sẻ: “Khởi nghiệp với nguồn vốn ban đầu khá khiêm tốn, chăn nuôi nhỏ lẻ, kinh nghiệm còn thiếu, dịch bệnh nhiều nên thu nhập không cao, chỉ vừa đủ chi phí chứ chưa có lãi. Vợ chồng tôi tranh thủ đi tham quan, học hỏi, nghiên cứu đúc rút kinh nghiệm từ nhiều mô hình kinh tế trang trại của các chị em hội viên trong và ngoài thôn”.
Bên cạnh đó, được sự giúp đỡ của Hội Phụ nữ xã Noong Hẹt, gia đình bà Hòa được tiếp cận với các nguồn vốn vay và tham dự các lớp tập huấn chuyển giao về khoa học kỹ thuật, cách chăm sóc cây trồng, vật nuôi. Từ đó, bà đã áp dụng thành công vào mô hình kinh tế của gia đình. Đến nay, diện tích ao nuôi cá của gia đình bà gần 3.000m2, chủ yếu là cá rô phi, cá lăng, cá trắm. Mỗi năm gia đình bà xuất bán hơn 1 tấn cá thịt. Ngoài ra, bà còn trồng thêm bưởi diễn để tăng thêm thu nhập.
Mỗi năm, ao cá của bà Vũ Thị Hòa xuất ra thị trường trên 1 tấn cá thịt. |
Bà Nguyễn Thị Liên - Chi hội trưởng Hội phụ nữ thôn Sam Phương, xã Noong Hẹt chia sẻ: “Chi hội chúng tôi luôn vận động các hội viên làm ăn, chăn nuôi, trồng hoa màu. Để giúp đỡ hội viên có vốn làm ăn, chi hội chúng tôi có quỹ tiền tiết kiệm để cho vay phát triển chăn nuôi, sản xuất. Đến bây giờ, cuộc sống đa phần hội viên đều khấm khá, có của ăn của để”.
Phát huy hiệu quả nguồn vốn vay
Hàng năm, Hội phụ nữ xã Noong Hẹt đã xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể chỉ đạo 14/14 chi hội cơ sở thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm đề ra. Cùng đó, đưa công tác hội và phong trào phụ nữ ở địa phương ngày càng đi vào hoạt động có chiều sâu, thiết thực, gắn với việc bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng, thiết thực.
Đặc biệt, để giúp phụ nữ nghèo, Hội Phụ nữ xác định rõ hoàn cảnh và tâm tư, nguyện vọng của từng hội viên để đưa ra giải pháp trợ giúp hiệu quả. Hội đã phối hợp với các đoàn thể liên quan tổ chức, hướng dẫn về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hỗ trợ giống; áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi. Đồng thời, hướng dẫn hội viên sử dụng vốn vay đúng mục đích, đem lại hiệu quả.
Qua đó, nhiều hội viên đã khẳng định được vai trò làm chủ kinh tế gia đình, nhiều chị có hoàn cảnh khó khăn giờ đã có thu nhập ổn định và trở thành những hội viên tiêu biểu.
Mô hình chăn nuôi của bà Đỗ Thị Thêm. |
Điển hình là tấm gương vượt khó của gia đình bà Đỗ Thị Thêm ở thôn Tân Lập. Trước kia, gia đình bà là hộ nghèo, thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm sản xuất. Đến khi tham gia vào hội phụ nữ, được hỗ trợ vay vốn 100 triệu đồng từ nguồn vốn do Hội phụ nữ xã quản lý để đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi lợn và cải tạo ao cá. Làm ăn thuận lợi, kinh tế phát triển, đến nay đời sống gia đình bà đã thoát khỏi cuộc sống đói nghèo.
Bà Đỗ Thị Thêm phấn khởi: “Đến nay, kinh tế gia đình tôi đã ổn định hơn. Trong chăn nuôi, tôi cũng rất quan tâm đến việc tiêm phòng định kỳ, vì vậy đàn vật nuôi luôn phát triển tốt”.
Nhằm giúp hội viên tiếp cận với các nguồn vốn vay, Hội Phụ nữ xã Noong Hẹt đã huy động nguồn vốn tại chỗ bằng cách thành lập các tổ, nhóm tiết kiệm. Hiện nay, toàn Hội có 14 tổ tiết kiệm ở các chi hội cơ sở, với tổng số tiền tiết kiệm trên 1 tỷ đồng. Hội đã giúp cho hơn 200 lượt chị em vay vốn để phát triển chăn nuôi, trồng trọt, kinh doanh dịch vụ.
Từ những hoạt động cụ thể, thiết thực và sự chủ động của Hội Phụ nữ xã trong việc hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế, nhiều hội viên thay đổi cách nghĩ, cách làm và phát huy khả năng sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh.
Nhiều mô hình kinh tế đem lại hiệu quả được Hội Phụ nữ xã Noong Hẹt nhân rộng. |
Chị Lò Thị Lâm, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Noong Hẹt cho biết: “Được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền, sự hỗ trợ và chỉ đạo sâu sát của Hội cấp trên cùng với sự sáng tạo, biết phát huy nội lực, tận dụng điều kiện thực tế ở địa phương, nhiều hội viên đã xây dựng được mô hình kinh tế đem lại hiệu quả. Nhiều người vươn lên trở thành tấm gương tiêu biểu trong lao động sản xuất, phát triển kinh tế gia đình.
"Hiện các mô hình chăn nuôi, trồng trọt cho hiệu quả kinh tế cao ở các chi hội phụ nữ xã ngày càng nhiều. Từ những hiệu quả này, Hội Phụ nữ xã Noong Hẹt đã xây dựng kế hoạch gửi các chi hội thôn, bản tích cực nhân rộng mô hình điển hình đến hội viên. Bên cạnh đó, vận động chị em hỗ trợ nhau về vốn, giống để làm ăn, hướng tới xoá đói, giảm nghèo" - chị Lò Thị Lâm chia sẻ.