Tổng kết năm học 2020 - 2021 và triển khai nhiệm vụ năm học mới: Thêm niềm tin và quyết tâm

GD&TĐ - Mặc dù chịu tác động sâu rộng của dịch Covid-19, nhưng năm học 2020 - 2021 toàn ngành Giáo dục đã hoàn thành mục tiêu kép:

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn trò chuyện với học sinh Trường PTDTBT TH Bản Phố, huyện Bắc Hà (Lào Cai). Ảnh: Thế Đại
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn trò chuyện với học sinh Trường PTDTBT TH Bản Phố, huyện Bắc Hà (Lào Cai). Ảnh: Thế Đại

Vừa tham gia tích cực trong phòng, chống dịch, bảo đảm an toàn cho HS, GV; vừa hoàn thành kế hoạch năm học, bảo đảm chất lượng giáo dục.

Nhìn lại một năm học đặc biệt

Năm học 2020 - 2021, dịch Covid-19 xuất hiện trở lại và bùng phát ở hầu hết tỉnh, thành phố, tác động tiêu cực đến nền kinh tế, an sinh xã hội, trong đó có GD-ĐT.

Ngành Giáo dục đã chủ động, kịp thời điều chỉnh kế hoạch năm học, hướng dẫn cha mẹ nuôi dưỡng, chăm sóc giáo dục trẻ trong thời gian trẻ ở nhà; hướng dẫn tinh giản nội dung chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) học kỳ II bảo đảm những nội dung cốt lõi, nền tảng; vận dụng linh hoạt hình thức dạy học trực tuyến, điều chỉnh quy định đánh giá cuối năm học.

Điều này thể hiện sự nỗ lực, cố gắng khắc phục khó khăn của toàn ngành, nhằm thực hiện tốt phương châm “tạm dừng đến trường, không dừng học”, hoàn thành mục tiêu kép: Tham gia tích cực trong phòng, chống dịch bảo đảm an toàn cho học sinh (HS), giáo viên (GV); hoàn thành kế hoạch năm học, bảo đảm chất lượng giáo dục.

Sự đồng lòng của cả hệ thống giáo dục trong thực hiện mục tiêu kép và tính nhân văn của Kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa diễn ra cũng là điều cô Nguyễn Thị Phương Nga, Trường THPT Minh Châu (Hưng Yên) tâm đắc nhất trong năm học vừa qua. Trực tiếp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, 235 HS lớp 12 của Trường THPT Minh Châu đã phải thi tốt nghiệp THPT đợt 2.

Cô Nga cho biết: Có những thầy cô dù vào khu cách ly nhưng không muốn HS bị lỡ kiến thức, cố gắng tận dụng mọi phương pháp duy trì dạy học trực tuyến cho đến hết chương trình. Sự cố gắng, tình yêu thương dành cho học trò “kết trái” bằng kết quả tốt đẹp của Kỳ thi tốt nghiệp THPT; đặc biệt là thành tích vô cùng ấn tượng của HS Việt Nam tham gia Olympic quốc tế.

Cùng chung nhận định, GS.TS Thái Văn Thành, Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An, Đại biểu Quốc hội khóa XV chia sẻ thêm: Bộ GD&ĐT đã có những quyết định nhanh, hợp lòng dân, bảo đảm quyền lợi của HS, tạo được đồng thuận xã hội, đặc biệt về Kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2021.

Bên cạnh đó, năm học vừa qua, ngành Giáo dục tiếp tục hoàn thiện thể chế, nhằm tháo gỡ những “nút thắt”, tạo hành lang pháp lý cho đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT theo yêu cầu của Nghị quyết số 29-NQ/TW của Trung ương. Các văn bản quy phạm pháp luật, thông tư được rà soát, nhanh chóng điều chỉnh để phù hợp với bối cảnh mới; đồng thời có văn bản chỉ đạo kịp thời cho địa phương triển khai thực hiện trong các tình huống khác nhau.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 diễn ra trong 2 đợt bảo đảm chất lượng với mục tiêu kép và an toàn cho thí sinh. Ảnh minh họa: Thế Đại
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 diễn ra trong 2 đợt bảo đảm chất lượng với mục tiêu kép và an toàn cho thí sinh. Ảnh minh họa: Thế Đại

“Chúng ta cũng đạt những kết quả đáng ghi nhận sau một năm triển khai Chương trình GDPT mới với lớp 1. Dù bước đầu có khó khăn, nhưng Bộ GD&ĐT đã có những chỉ đạo nhanh chóng, kịp thời, giúp việc triển khai đi đúng hướng. Nhiều địa phương, trong đó có Nghệ An đánh giá HS hoàn thành Chương trình GDPT 2018 ở lớp 1 có được những kỹ năng vượt trội hơn so với chương trình trước đây. Điều này củng cố niềm tin, động lực để chúng ta tiếp tục thực hiện Chương trình mới lớp 2, lớp 6 ở năm học này” - GS Thái Văn Thành đánh giá.

Là địa phương chịu nhiều ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, năm học 2020 - 2021 cũng ghi nhận nhiều kết quả của giáo dục Đồng Tháp. Chia sẻ từ Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Thúy Hà, tỉnh Đồng Tháp đã cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm của năm học.

Toàn tỉnh sắp xếp giảm 20 cơ sở giáo dục nhưng tăng trên 3.200 HS, bình quân HS/lớp tăng cao so với các năm học trước (bình quân HS/lớp với mầm non là 29,91, tiểu học là 27,64, THCS là 38,46 và THPT là 38,72); triển khai Chương trình, SGK mới với lớp 1 đúng hướng dẫn của Trung ương; chất lượng giáo dục các ngành học, cấp học tương đương năm học trước.

Đồng Tháp xếp thứ 2/12 khu vực Đồng bằng sông Cửu Long về kết quả thi chọn HS giỏi THPT quốc gia. Tỷ lệ nhà giáo đạt trình độ đào tạo chuẩn theo Luật Giáo dục 2019 cao hơn mặt bằng chung khu vực và quy định của Chính phủ đến năm 2025...

“Đối với Kỳ thi tốt nghiệp THPT, tuy gặp nhiều khó khăn, trên 4.600 thí sinh phải xét đặc cách tốt nghiệp, nhưng địa phương đã hoàn thành. Điểm bình quân các môn thi tốt nghiệp tương đương năm học trước” - bà Nguyễn Thúy Hà chia sẻ.

Về giáo dục ĐH, trong năm học 2020 - 2021, tự chủ ĐH đã mở ra nhiều cơ hội cho các cơ sở giáo dục, đặc biệt là trong thu hút nhân lực chất lượng cao trong và ngoài nước; đầu tư điều kiện thực hiện chương trình đào tạo, hợp tác quốc tế trong trao đổi sinh viên, liên kết đào tạo, nghiên cứu khoa học…

Chất lượng giáo dục ĐH có những cải thiện rõ rệt. Năm 2021, có 5 cơ sở giáo dục ĐH lọt vào tốp ĐH tốt nhất thế giới theo bảng xếp hạng quốc tế có uy tín, vượt mục tiêu năm 2025 của Đề án nâng cao chất lượng giáo dục ĐH giai đoạn 2019 - 2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Số lượng công bố quốc tế của các cơ sở giáo dục ĐH gia tăng nhanh chóng. Văn hóa kiểm định gắn với chất lượng đào tạo bước đầu hình thành ở các cơ sở giáo dục từ mầm non đến ĐH. 

Dạy và học trực tuyến trong bối cảnh giãn cách xã hội để phòng tránh dịch Covid-19 đã được ngành Giáo dục cả nước triển khai hiệu quả theo điều kiện thực tế địa phương.
Dạy và học trực tuyến trong bối cảnh giãn cách xã hội để phòng tránh dịch Covid-19 đã được ngành Giáo dục cả nước triển khai hiệu quả theo điều kiện thực tế địa phương.

Thích ứng với dịch Covid-19, kiên trì mục tiêu chất lượng

Năm học 2021 - 2022 là năm học đầu tiên ngành Giáo dục thực hiện các chủ trương, đường lối chính sách lớn của Đảng, Quốc hội, Chính phủ của nhiệm kỳ 2021 - 2026. Trên cơ sở kết quả đạt được và khắc phục những hạn chế, tồn tại trong năm học trước, ngành Giáo dục xác định phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm học 2021 - 2022.

Theo đó, thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển GD-ĐT; rà soát và hoàn thiện các quy định về chức năng quản lý Nhà nước quy định trong Luật Giáo dục và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan. Đổi mới quản lý nhà nước trong lĩnh vực GD-ĐT theo hướng phân cấp phân quyền mạnh, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, bảo đảm vai trò kiến tạo để phát triển giáo dục…

Chuyển đổi trạng thái hoạt động của ngành Giáo dục thích ứng với dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp và có thể kéo dài, gắn với đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý giáo dục, tổ chức các hoạt động dạy học và kiểm tra, đánh giá.

Năm học tới cũng tiếp tục quan tâm đến giáo dục mầm non, giáo dục thường xuyên; tiếp tục triển khai Chương trình GDPT 2018 bảo đảm chất lượng và hiệu quả, đặc biệt với lớp 2, lớp 6 trong năm học 2021 - 2022. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các quy định của pháp luật về triển khai tự chủ ĐH một cách toàn diện, thực chất, hiệu quả, đi vào chiều sâu.

Triển khai hiệu quả công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, kỹ năng nghề nghiệp, việc làm cho HS, sinh viên. Triển khai kế hoạch thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của GV mầm non, tiểu học, THCS theo quy định.

Ưu tiên cân đối ngân sách để đầu tư tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tối thiểu bảo đảm thực hiện chương trình mới đối với lớp 1, lớp 2, lớp 6 và Chương trình GDPT 2018. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) và chuyển đổi số trong GD-ĐT, trước hết là để thích ứng với tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, có thể còn kéo dài. Tăng cường hội nhập quốc tế trong GD-ĐT. Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách pháp luật về GD-ĐT…

Bày tỏ đồng tình với những nhiệm vụ này, dưới góc nhìn chuyên gia giáo dục, ông Đặng Tự Ân, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT), Giám đốc Quỹ hỗ trợ đổi mới GDPT Việt Nam, nhấn mạnh đến những nhiệm vụ giao thoa giữa năm học cũ và mới.

Theo đó, dạy học trực tuyến cần kết hợp dạy học trực tiếp. Các trường có kế hoạch cụ thể, chi tiết để duy trì hình thức dạy học lồng ghép này, thậm chí còn dài lâu, cho những năm học tới. Tiếp tục triển khai Chương trình GDPT 2018 bảo đảm chất lượng, hiệu quả. Triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.

Triển khai lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của GV mầm non, tiểu học, THCS. Tiếp tục hoàn thiện thể chế, rà soát sửa đổi, bổ sung thay thế các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý không còn phù hợp, chồng chéo. Tăng cường phân cấp cho cơ sở. Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng “lạm thu” đầu năm. Rà soát cắt giảm và tiết kiệm tối đa các chi phí để giữ ổn định, không tăng học phí so với năm học 2020 - 2021.

Tiết học Tiếng Việt của HS lớp 1/5 Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai, TP Vũng Tàu. Ảnh minh họa
Tiết học Tiếng Việt của HS lớp 1/5 Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai, TP Vũng Tàu. Ảnh minh họa

Về những nhiệm vụ mới trong năm học 2021 - 2022, ông Đặng Tự Ân cho rằng: Nhiệm vụ quan trọng đầu tiên là chủ động xây dựng, triển khai kế hoạch năm học linh hoạt, phù hợp với tình hình dịch tại địa phương. Xây dựng các kịch bản, giải pháp ứng phó với tình huống dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Tận dụng tối đa thời gian tổ chức dạy học trực tiếp khi dịch bệnh được kiểm soát. Đối với giáo dục mầm non, không áp dụng hình thức dạy học trực tuyến mà tập trung phối hợp, hướng dẫn, hỗ trợ phụ huynh nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ ở nhà theo các kênh phù hợp.

Cùng với đó, quan tâm đặc biệt việc triển khai SGK lớp 2, lớp 6. Chuẩn bị đủ các điều kiện thực hiện dạy học môn Tin học, Ngoại ngữ để bắt đầu triển khai với lớp 3 từ năm học 2022 - 2023. Tổ chức thẩm định, phê duyệt SGK các môn học và hoạt động giáo dục lớp 3, lớp 7, lớp 10 và tài liệu giáo dục địa phương thực hiện theo lộ trình.

Triển khai đồng bộ, hiệu quả đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021 - 2030” của Thủ tướng Chính phủ. Thực hiện hiệu quả giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng cho HS. Coi trọng công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, kỹ năng nghề nghiệp, việc làm cho HS, sinh viên. Xây dựng văn hóa học đường; cung cấp, trau dồi các kỹ năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, kinh tế số cho HSSV.

“Tham mưu cấp có thẩm quyền bổ sung biên chế, tuyển dụng GV, bảo đảm “có HS phải có GV đứng lớp”, là nhiệm vụ lớn được đặt ra cho các địa phương. Cùng với đó, có giải pháp phù hợp để hỗ trợ GV, người lao động trong ngành bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhất là GV, người lao động làm việc trong các cơ sở giáo dục ngoài công lập. Hỗ trợ HSSV có hoàn cảnh khó khăn để không em nào vì điều kiện kinh tế mà không thể đến trường” - ông Đặng Tự Ân nhấn mạnh thêm.

Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An Thái Văn Thành thì cho rằng, nhiệm vụ quan trọng nhất trong năm học tới là tiếp tục rà soát các văn bản, điều chỉnh cho phù hợp với bối cảnh phòng chống dịch. Phát huy kết quả đạt được của năm học trước, để làm sao vừa phòng chống dịch, vừa hoàn thành nhiệm vụ năm học, bảo đảm chất lượng.

Năm học mới cũng tập trung triển khai thực hiện tốt Chương trình GDPT, rà soát xem địa phương chuẩn bị đội ngũ thế nào, tập huấn bồi dưỡng cho thầy cô ra sao, thiết bị dạy học tối thiểu đáp ứng được hay không? Trong đó, đặc biêt chú trọng tới lớp 6 để làm tiền đề triển khai tốt chương trình mới các lớp tiếp theo ở bậc trung học.

“Năm học 2021 - 2022, Nghệ An không chỉ triển khai sổ điểm, học bạ, sổ liên lạc điện tử, mà còn thí điểm cả giáo án điện tử, bài giảng điện tử; vừa phục vụ dạy học trực tuyến, đồng thời tạo điều kiện để HS vùng sâu, vùng xa cũng được học các thầy cô giáo giỏi. Về bảo đảm chất lượng GDPT, năm học này, Nghệ An sẽ tập trung giám sát chất lượng đầu vào, chất lượng quá trình và chất lượng đầu ra; có tiêu chuẩn, tiêu chí rõ ràng áp dụng cho nhà trường; tập trung đánh giá chất lượng của nhà trường để thực hiện dạy thật, học thật, chất lượng thật” - GS Thái Văn Thành chia sẻ.

Nhận rõ thách thức, giải pháp phù hợp

Dịch Covid-19 đặt ra cho ngành Giáo dục phải có các giải pháp thích ứng, chuyển trạng thái hoạt động một cách linh hoạt để phù hợp với các diễn biến phức tạp, khó lường và kéo dài.

Theo bà Nguyễn Thúy Hà, Giám đốc Sở GD&ĐT Đồng Tháp, địa phương tiếp tục giãn cách xã hội đến hết ngày 5/9. Dự kiến các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh tựu trường ngày 15/9, khai giảng ngày 20/9.

Điều này sẽ ảnh hưởng đến việc kết thúc chương trình, nội dung dạy học cho HS, học viên lớp 9 thi tuyển sinh vào lớp 10 và học viên, HS lớp 12 thi tốt nghiệp THPT; tổ chức các hoạt động chuyên môn của ngành... Chưa tính đến trường hợp trong năm học, dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, các cơ sở giáo dục phải tạm dừng hoạt động dạy học, việc hoàn thành nội dung, chương trình dạy học của các cơ sở giáo dục sẽ rất khó khăn.

Nhận diện những thách thức trên, với HS, học viên lớp 9, lớp 12, Sở GD&ĐT Đồng Tháp chỉ đạo các cơ sở giáo dục THCS, THPT ứng dụng CNTT để dạy học online hoặc linh hoạt các hình thức dạy học khác từ 6/9. Cụ thể, dạy học online đối với các cơ sở giáo dục có điều kiện. HS, học viên chưa có máy tính, linh hoạt bố trí học online theo nhóm (không quá 3 HS/nhóm) trên địa bàn cư trú, bảo đảm các biện pháp phòng chống dịch Covid-19.

Đối với cơ sở giáo dục chưa bảo đảm điều kiện dạy học online sẽ sử dụng ứng dụng Google Meet, Zoom,… trên điện thoại thông minh để dạy học (do hầu hết HS, học viên đều có điện thoại thông minh). Sử dụng mạng xã hội, ứng dụng OTT (Viber, Zalo,…) để hỗ trợ dạy học. Tổ chức dạy học trực tiếp tùy diễn biến dịch Covid-19 và mức độ thực hiện các biện pháp phòng, chống theo các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ.

Từ góc nhìn giáo dục ĐH, TS Trần Ái Cầm, Hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành (TP Hồ Chí Minh), cũng nhận thấy thách thức lớn khi dịch bệnh kéo dài. Lo ngại nhất là trường sẽ phải đóng cửa và chuyển đổi hoàn toàn từ hình thức đào tạo trực tiếp sang trực tuyến nếu dịch bệnh vẫn phức tạp.

Đây là phương án phù hợp trong thời điểm này, nhưng nghỉ học tập trung dài ngày và phải giảng dạy, học tập trực tuyến chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch học tập, tốt nghiệp những năm tiếp theo. Sinh viên các ngành với đặc thù về kỹ năng lâm sàng, thực nghiệm, điều chế, phải triển khai thực hành, dạy học trực tiếp mới bảo đảm chất lượng, nên không thể áp dụng E-learning thay thế hoàn toàn học trực tiếp. Chưa kể sinh viên chuyên ngành khác cũng gặp khó khăn, thời gian thực tập bị rút ngắn, hoặc bị hoãn lại nếu các cơ quan, đơn vị đối tác dừng làm việc trực tiếp trong thời gian thực hiện cách ly xã hội kéo dài, gây ảnh hưởng đến tiến độ tốt nghiệp.

Trong số nhiều giải pháp đưa ra, TS Nguyễn Ái Cầm nhấn mạnh cần đẩy mạnh điều chỉnh, lập kế hoạch giảng dạy phù hợp để vượt qua những khó khăn và thích nghi trong điều kiện dịch bệnh có thể còn kéo dài. Thực hiện chuyển đổi từ đào tạo trực tiếp sang đào tạo trực tiếp kết hợp trực tuyến, đầu tư cơ sở hạ tầng trong bối cảnh ứng dụng công nghệ số, sử dụng công nghệ trong phương pháp dạy và học, xem chuyển đổi số là nhiệm vụ chiến lược để phát triển.

Xây dựng môi trường học tập số. Tiếp tục đổi mới mô hình quản trị ĐH theo hướng tăng cường quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Phát huy mô hình quản trị tài chính hiệu quả và bền vững, phù hợp với tự chủ ĐH; hoàn thiện chính sách và các văn bản đào tạo đảm bảo tính tự chủ về hoạt động học thuật…

GS.TS Nguyễn Quý Thanh, Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục (ĐHQG Hà Nội), thành viên Hội đồng Quốc gia Giáo dục & Phát triển nhân lực giai đoạn 2016 - 2021 thì đặc biệt quan tâm đến làm sao để từng cán bộ quản lý, từng GV, HS, phụ huynh và các thành phần liên quan khác có tâm thế phù hợp, thích ứng với bối cảnh mới, chấp nhận nó như một hiện thực chưa có tiền lệ.
“Chỉ khi chuyển đổi được tâm thế, thích ứng với thực tế hiện nay, người ta mới có đủ động lực để tìm giải pháp. Bởi vì, “khi không muốn sẽ có lý do, còn khi muốn sẽ có giải pháp”. Mọi việc khác sẽ từ đó mà chuyển động theo. Còn khi vẫn coi các giải pháp thực hiện trong bối cảnh dịch bệnh chỉ là tạm thời, thì thật khó có hiệu quả” - GS Nguyễn Quý Thanh nêu quan điểm. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Cảnh giác với dòng rip

GD&TĐ - Dòng rip là luồng nước mạnh chảy vuông góc từ bờ ra biển. Hiểu nôm na, đó là một dòng nước chảy xiết nhưng bằng mắt thường rất khó phát hiện.
Học sinh Trường THPT Đức Hợp (Kim Động, Hưng Yên) tham gia trò chơi tại chương trình “Hành trình khởi nghiệp từ THPT” năm 2024. Ảnh: TG

Cách làm mới hỗ trợ khởi nghiệp từ THPT

GD&TĐ - “Hành trình khởi nghiệp từ THPT” là cách làm mới mà nhiều địa phương đã và đang kết hợp với cơ sở GD đại học nhằm hỗ trợ học sinh THPT khởi nghiệp...
Thực phẩm chống đột quỵ giả được bày bán trong cửa hàng nằm bên trong siêu thị Coopmart Thanh Hóa.

Ai chịu trách nhiệm?

GD&TĐ - Công an TP Thanh Hóa vừa phát hiện bắt giữ nhiều sản phẩm là thuốc chống đột quỵ giả bày bán trong siêu thị Coopmart Thanh Hóa.
Hệ thống HIMARS của Ukraine sẽ được sử dụng để phóng ATACMS.

Canh bạc nguy hiểm với ATACMS

GD&TĐ - Theo chuyên gia quân sự kỳ cựu Nga, Andrey Koshkin, hệ thống phòng thủ nhiều tầng của Moscow luôn sẵn sàng đánh chặn mọi tên lửa, kể cả ATACMS tầm xa.
Xe tăng rùa với thiết bị gây nhiễu đặc biệt.

Clip UAV FPV chịu thua xe tăng rùa

GD&TĐ - Máy bay không người lái kamikaze góc nhìn thứ nhất (FPV) của Ukraine đã không hiệu quả khi tấn công những xe tăng rùa của Nga trên chiến trường.