Bộ GD&ĐT kiến nghị có giải pháp để học sinh sớm được tiêm vắc xin

GD&TĐ - Kết quả nổi bật năm học 2020-2021, phương hướng năm học 2021-2022 và các đề xuất, kiến nghị được Bộ GD&ĐT chia sẻ tại Hội nghị tổng kết năm học 2020 - 2021, triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022 sáng 28/8.

Hội nghị tổng kết năm học 2020 - 2021, triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022 tại điểm cầu Bộ GD&ĐT.
Hội nghị tổng kết năm học 2020 - 2021, triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022 tại điểm cầu Bộ GD&ĐT.

Hoàn thành mục tiêu kép

Năm học 2020-2021, ngành Giáo dục đã hoàn thành mục tiêu kép, vừa bảo đảm an toàn phòng chống dịch, vừa hoàn thành kế hoạch năm học và bảo đảm chất lượng giáo dục

Từ kinh nghiệm của năm học trước, Bộ GD&ĐT đã kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương và cơ sở giáo dục đại học triển khai nhiệm vụ trong điều kiện dịch bệnh. Các địa phương, các cơ sở giáo dục đã điều chỉnh linh hoạt kế hoạch dạy học, tổ chức dạy học qua Internet và trên truyền hình; điều chỉnh hình thức kiểm tra, đánh giá; bảo đảm an toàn cho HS, sinh viên.

Nhiều cơ sở giáo dục Đại học đã tích cực tham gia cùng địa phương và cả nước trong các hoạt động phòng chống dịch như: cung cấp địa điểm cách ly tập trung; quyên góp ủng hộ bằng tiền và hiện vật; cử cán bộ, giảng viên, sinh viên tình nguyện vào vùng dịch; phát triển các sản phẩm công nghệ phục vụ ngành y tế.

Nâng cao một bước hiệu quả quản lý nhà nước về GD-ĐT

Ngành Giáo dục tiếp tục hoàn thiện thể chế, tháo gỡ những “nút thắt”, tạo hành lang pháp lý cho đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT như chính sách phát triển GD Mầm non; đổi mới chương trình, sách giáo khoa; phát triển đội ngũ nhà giáo; khuyến khích phát triển trường tư thục không vì lợi nhuận; tự chủ đại học...

Bộ GD&ĐT đã tham mưu trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các nghị định, đề án, kế hoạch, trong đó đã phân công và tăng cường vai trò, trách nhiệm của các bộ, ngành, các cấp chính quyền địa phương trong quản lý và phát triển GD-ĐT.

Công tác thanh tra, kiểm tra được quan tâm thực hiện, trong đó tập trung vào những vấn đề nóng dư luận phản ánh; từng bước chấn chỉnh, duy trì kỷ cương, nề nếp trong các hoạt động GD-ĐT.

Sắp xếp, quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục, đào tạo hợp lý hơn

Bộ GD&ĐT tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn việc rà soát quy hoạch, sắp xếp các cơ sở giáo dục gắn với các điều kiện bảo đảm chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình. So với năm học trước, số cơ sở giáo dục mầm non (GDMN), giáo dục phổ thông (GDPT) giảm 0,59% trong khi số trường liên cấp tăng 12,25% . Số lượng giảm tập trung ở khu vực công lập, trong khi số cơ sở giáo dục ngoài công lập tăng so với năm học trước.

Bộ GD&ĐT tích cực triển khai nhiệm vụ lập quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục ĐH và sư phạm thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050; hướng tới một hệ thống giáo dục ĐH mở, công bằng, bình đẳng, chất lượng, hiệu quả và phục vụ học tập suốt đời; có quy mô và cơ cấu hợp lý, đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao, ứng dụng khoa học và đổi mới công nghệ phục vụ phát triển bền vững của cả nước và từng địa phương.

Học sinh học trực tuyến. Ảnh minh họa/ITN
Học sinh học trực tuyến. Ảnh minh họa/ITN

Chất lượng giáo dục các cấp học được nâng lên

Với GDMN, năm học 2020-2021 có 100% đơn vị cấp tỉnh và cấp huyện, 99,3% đơn vị cấp xã đạt chuẩn phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi. Tỉ lệ trẻ em mẫu giáo 5 tuổi đạt 99,78%, tỉ lệ trẻ em mẫu giáo 5 tuổi hoàn thành Chương trình GDMN 99,7%, tỉ lệ trẻ em mẫu giáo 5 tuổi được học 2 buổi/ngày đạt 99,9%.

Đối với GDPT: 63/63 tỉnh, thành phố duy trì và đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học, trong đó có 22/63 tỉnh, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, đạt tỷ lệ 35%  (tăng 5% so với năm học trước).

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 đã được tổ chức 2 đợt thành công, bảo đảm nghiêm túc, công bằng và an toàn. Tỉ lệ HS tốt nghiệp THPT đạt 98,6% (tăng 0,2% so với năm học trước), tỉ lệ HS tốt nghiệp THCS tiếp tục học lên THPT đạt 97,5% (tăng 1,5% so với năm học trước).

Qua các kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế năm 2021, thành tích cả 37/37 HS tham dự đều đoạt giải trong đó 12 Huy chương Vàng, 13 Huy chương Bạc, 10 Huy chương Đồng và 2 Bằng khen đã thể hiện sự cố gắng vượt bậc của HS, giáo viên và các nhà trường trong bối cảnh dịch bệnh; đồng thời tiếp tục khẳng định chất lượng GDPT và hướng đi đúng trong công tác phát hiện, tuyển chọn và bồi dưỡng HS giỏi.

Đối với giáo dục thường xuyên: Cả nước có gần 14 triệu lượt người tham gia học tập các chuyên đề tại các Trung tâm học tập cộng đồng và các Trung tâm giáo dục thường xuyên (tăng 10% so với năm học trước); gần 1,5 triệu lượt người học ngoại ngữ (tăng 3,6% so với năm học trước); hơn 3,3 triệu lượt người học kĩ năng sống (tăng 2,9%).

Đẩy mạnh thực hiện tự chủ đại học

Bộ GD&ĐT tiếp tục xây dựng, hoàn thiện nhiều văn bản quy phạm pháp luật và hướng dẫn các cơ sở giáo dục ĐH thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH. 143/175 cơ sở giáo dục ĐH công lập đã thành lập, kiện toàn Hội đồng trường theo Luật mới. Tự chủ đại học đã từng bước đi vào chiều sâu, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả các hoạt động đào tạo, nghiên cứu và phục vụ xã hội.

Các cơ sở giáo dục ĐH đã có nhiều đổi mới trong mô hình quản trị nhà trường, thực hiện quyền chủ động và trách nhiệm giải trình theo quy định của pháp luật; chủ động mở các ngành đào tạo mới, nhất là các chương trình chất lượng cao; tích cực đổi mới chương trình, phương pháp giảng dạy, tiếp cận với chuẩn mực quốc tế; chú trọng công tác bảo đảm chất lượng (160 cơ sở GDĐH và 10 trường cao đẳng sư phạm đã được công nhận đạt tiêu chuẩn kiểm định quốc gia hoặc quốc tế).

Nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ

Bộ GD&ĐT đã trình Chính phủ ban hành và hướng dẫn thực hiện Nghị định 71/2020/NĐ-CP quy định lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở; Nghị định 116/2020/NĐ-CP quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm; Nghị định 77/2021/NĐ-CP quy định chế độ phụ cấp thâm niên nhà giáo.

Bộ GD&ĐT cùng với các địa phương tiếp tục triển khai công tác bồi dưỡng thường xuyên, bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, đặc biệt là thực hiện Chương trình GDPT 2018 theo các đề án về đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục các cấp đã được phê duyệt.

Tỉ lệ giáo viên đạt chuẩn trình độ cấp mầm non là 77,8%, tiểu học là 69,4%, THCS là 83,3%, THPT là 99,9%. Tỉ lệ giảng viên đại học đạt chuẩn trình độ thạc sĩ đạt %, trình độ tiến sĩ đạt trên 31%.

Học sinh học trực tuyến. Ảnh minh họa/ITN
Học sinh học trực tuyến. Ảnh minh họa/ITN

Tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị dạy học

Bộ GD&ĐT đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan trình Chính phủ bố trí các nguồn vốn hỗ trợ các địa phương có điều kiện khó khăn, hướng dẫn các địa phương triển khai Đề án bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình GDMN và chương trình GDPT giai đoạn 2017–2025; ban hành các quy định về tiêu chuẩn, tạo cơ sở để các cấp chính quyền địa phương xây dựng kế hoạch đầu tư, từng bước nâng cao chất lượng, hiện đại hóa cơ sở vật chất và thiết bị dạy học.

Năm học 2020-2021, cả nước có 593.808 phòng học (tăng 3.504 phòng so với năm học trước), trong đó phòng học kiên cố chiếm tỉ lệ 70,5%. Tỉ lệ phòng học/lớp ở cấp mầm non là 1,01; cấp tiểu học là 0,98; cấp THCS là 0,89; cấp THPT là 0,93; các trường liên cấp là 0,95.

Tỉ lệ số phòng học bộ môn đáp ứng quy định ở THCS 69,9%; THPT là 76,6%. Số lượng thiết bị dạy học tối thiểu đáp ứng được khoảng 55,6% nhu cầu dạy học (tăng 1,3% so với năm học trước).

Đẩy mạnh ứng dụng CNTT, chuyển đổi số

Bộ đã ban hành các văn bản quy định việc dạy học và đánh giá kết quả học tập theo hình thức trực tuyến; tiếp tục tổ chức xây dựng Kho học liệu số toàn ngành và đóng góp vào Hệ tri thức Việt số hóa gần 5.000 bài giảng điện tử, hơn 2.000 bài giảng trên truyền hình, gần 30.000 bộ câu hỏi trắc nghiệm.

Hệ thống cơ sở dữ liệu ngành về GDMN, GDPT tiếp tục được nâng cấp và thu thập đầy đủ dữ liệu của gần 50.000 trường học; gần 23 triệu HS và hơn 1,4 triệu giáo viên.

Bên cạnh tổ chức dạy học trực tuyến, các cơ sở giáo dục và đào tạo đã chủ động, sáng tạo ứng dụng công nghệ thông tin trong quản trị nhà trường, quản lý người học và cả quá trình giáo dục, đào tạo, từng bước thực hiện chuyển đổi số một cách thực chất và có hiệu quả. 100% các cơ sở GD&ĐT đã kết nối internet tốc độ cao, 100% các trường THPT có tối thiểu 1 phòng máy tính phục vụ giảng dạy môn Tin học, 90% các trường sử dụng phần mềm quản lý.

Nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học

Các cơ sở giáo dục ĐH ngày càng chú trọng hoạt động nghiên cứu và đổi mới sáng tạo, phục vụ cộng đồng. Số lượng công bố khoa học của các trường đại học Việt Nam trên các tạp chí trong danh mục Scopus năm 2020 tăng 1,45 lần so với năm trước và đóng góp hơn 92% tổng số của cả nước. Nhiều công trình, sản phẩm nghiên cứu được chuyển giao, ứng dụng hiệu quả trong thực tiễn, đặc biệt cho ngành Y tế.

Năm 2021, 5 cơ sở giáo dục ĐH lọt vào danh sách đại học tốt nhất thế giới theo các bảng xếp hạng quốc tế có uy tín, vượt mục tiêu năm 2025 của Đề án nâng cao chất lượng giáo dục đại học giai đoạn 2019 - 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Những vấn đề còn tn tại hạn chế

Bên cạnh các kết quả đạt được, năm học 2020-2021 cũng còn một số tồn tại, hạn chế. 

Theo đó, chất lượng, hiệu quả dạy và học trực tuyến còn hạn chế, nhất là ở bậc tiểu học và ở những địa phương chưa có điều kiện. Hạ tầng công nghệ, đường truyền, trang thiết bị và nguồn học liệu chưa đáp ứng được yêu cầu. Giáo viên nhiều nơi chưa được tập huấn kỹ cả về công nghệ và phương pháp. Gia đình chưa tham gia phối hợp hỗ trợ trẻ một cách hiệu quả.

Việc sắp xếp lại cơ sở GDMN, GDPT ở một số địa phương chưa phù hợp, còn thiếu trường, lớp ở một số khu đô thị, khu công nghiệp, vùng sâu, vùng xa. Mạng lưới cơ sở giáo dục ĐH chưa được quy hoạch tổng thể và sắp xếp hợp lý. Thiếu quỹ đất cho xây dựng trường học, đặc biệt là ở các thành phố lớn và các tỉnh có nhiều khu công nghiệp; trong khi một số nơi có quỹ đất nhưng gặp khó khăn cả về vốn và cơ chế đầu tư.

Tình trạng thừa, thiếu cục bộ giáo viên ở một số địa phương chậm được giải quyết. Chất lượng đội ngũ không đồng đều giữa các vùng miền và địa phương. Nhiều địa phương chưa quan tâm triển khai đặt hàng, giao nhiệm vụ đào tạo giáo viên theo Nghị định 116. Việc giao chỉ tiêu biên chế chưa đi đôi với nhu cầu tuyển dụng, sử dụng giáo viên.

Chi ngân sách nhà nước cho toàn ngành Giáo dục năm 2021 chỉ đạt khoảng 17,3% chi ngân sách cả nước, chưa đạt tỉ lệ 20% theo luật định. Nhiều địa phương chưa bảo đảm tỉ lệ chi tối thiểu 18% theo quy định tại Quyết định số 46/2016/QĐ-TTg. Việc mua sắm bổ sung thiết bị theo yêu cầu của Chương trình GDPT 2018 còn chậm.

Giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng làm việc chưa được chú trọng đúng mức; sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường chưa hiệu quả. Tình trạng HS, sinh viên vi phạm đạo đức, lối sống, an toàn trường học, vi phạm pháp luật, bạo lực học đường còn xảy ra gây bức xúc trong dư luận xã hội. Một số giáo viên thiếu năng lực ứng xử và giải quyết tình huống, thậm chí có trường hợp vi phạm đạo đức nhà giáo.

Giáo dục đại học chưa đáp ứng được yêu cầu nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao cho phát triển kinh tế - xã hội. Một số trường có quy mô rất nhỏ, hoạt động kém hiệu quả. Đầu tư cho giáo dục đại học còn rất thấp so với khu vực và thế giới. Việc triển khai tự chủ đại học nhiều nơi còn lúng túng do hệ thống văn bản pháp luật chưa đồng bộ, nhận thức về tự chủ đại học chưa đầy đủ và toàn diện.

Ảnh minh họa/ITN
Ảnh  minh họa/ITN

Phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm học 2021-2022

Về phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm học 2021-2022, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho biết:

Năm học 2021-2022 là năm học đầu tiên ngành Giáo dục thực hiện các chủ trương, đường lối chính sách lớn của Đảng, Quốc hội, Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026. Căn cứ các nghị quyết, kết luận của Đảng, Quốc hội, các văn bản chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về GDĐT; thực hiện phương châm hành động của Chính phủ trong năm 2021 “Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, sáng tạo, khát vọng phát triển”; đồng thời trên cơ sở phát huy những kết quả đạt được và khắc phục những hạn chế, tồn tại trong năm học trước, ngành Giáo dục xác định phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm học 2021-2022 như sau:

Thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển GD-ĐT. Đổi mới quản lý nhà nước trong lĩnh vực GD-ĐT theo hướng tăng phân cấp, phân quyền, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, bảo đảm vai trò kiến tạo để phát triển giáo dục. Tập trung xây dựng, phê duyệt và tổ chức triển khai các nhiệm vụ, đề án, chương trình theo từng năm và cho cả giai đoạn, bảo đảm tính hiệu quả, khả thi để thực hiện các chỉ tiêu được Đảng, Quốc hội, Chính phủ giao.

Chuyển đổi trạng thái hoạt động của ngành Giáo dục thích ứng với tình hình mới, gắn với đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý giáo dục, nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động dạy học và kiểm tra, đánh giá theo hình thức trực tuyến. Chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch năm học 2021-2022 linh hoạt, phù hợp với thực tế địa phương. Phối hợp với ngành Y tế chủ động xây dựng các kịch bản, giải pháp cho tình huống dịch Covid-19 kéo dài và diễn biến phức tạp.

Tiếp tục triển khai Chương trình và SGK GDPT 2018 bảo đảm chất lượng và hiệu quả, đặc biệt với lớp 2, lớp 6 trong năm học mới. Tổ chức triển khai hiệu quả Chỉ thị số 14 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030 và Quyết định số 1373 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021 - 2030”.

Tiếp tục đẩy mạnh triển khai tự chủ đại học một cách toàn diện, thực chất, hiệu quả, đi vào chiều sâu; nâng cao năng lực quản trị nhà trường và phát huy dân chủ cơ sở; làm rõ và thực hiện tốt hơn cơ chế giải trình của cơ sở giáo dục ĐH. Hoàn thành Khung chiến lược phát triển giáo dục ĐH và Quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục ĐH và cao đẳng sư phạm; tập trung phát triển các cơ sở đào tạo giáo viên, các cơ sở giáo dục ĐH chất lượng cao và một số ngành ưu tiên, từng bước đáp ứng yêu cầu về nguồn nhân lực cho phát triển bền vững của đất nước.

Triển khai thực hiện hiệu quả công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, kỹ năng nghề nghiệp, việc làm cho HS, sinh viên. Tăng cường phối hợp giữa nhà trường và gia đình trong quản lý, hỗ trợ HS học trực tuyến tại nhà. Triển khai hiệu quả công tác giáo dục thể chất và y tế trường học.

Triển khai Kế hoạch thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên theo Nghị định số 71 của Chính phủ. Đổi mới mô hình, phương thức đào tạo giáo viên theo hướng phát triển năng lực nghề nghiệp, gắn liền việc đào tạo trong các trường sư phạm với hoạt động thực tiễn tại các trường học. Tiếp tục triển khai có hiệu quả việc đặt hàng, giao nhiệm vụ đào tạo giáo viên theo Nghị định 116 của Chính phủ.

Tiếp tục thực hiện Đề án bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình GDMN và GDPT giai đoạn 2017-2025; thực hiện lồng ghép có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 để đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học cho các cơ sở giáo dục, nhất là trong việc triển khai Chương trình GDPT mới.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong GD-ĐT. Triển khai các nền tảng dạy học trực tuyến, xây dựng và tích hợp kho học liệu dùng chung; kết nối nền tảng dạy học trực tuyến với hệ thống quản trị nhà trường. Thúc đẩy phát triển các mô hình lớp học thông minh, trường học thông minh và nghiên cứu, xây dựng mô hình các trường đại học số.

Tăng cường hội nhập quốc tế, tích cực tham gia các chương trình đánh giá chất lượng giáo dục quốc tế đối với GDPT và các bảng xếp hạng đại học có uy tín quốc tế. Thúc đẩy hợp tác với các trường, viện nghiên cứu có uy tín trên thế giới để hình thành nhóm nghiên cứu quốc tế; thu hút nguồn tài trợ quốc tế, chủ động tham gia mạng lưới nghiên cứu và trao đổi toàn cầu.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về giáo dục và đào tạo; khắc phục bệnh thành tích, ngăn ngừa và xử lý nghiêm các biểu hiện tiêu cực. Chủ động thông tin, truyền thông về các chủ trương, chính sách mới của ngành và việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT; tăng cường truyền thông về các vấn đề mà xã hội quan tâm.

Ảnh minh họa/ITN
Ảnh minh họa/ITN

Kiến nghị, đề xuất của Bộ GD&ĐT

Để triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ trên, , Bộ GD&ĐT xin kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo ngành Y tế có giải pháp để sớm thực hiện việc tiêm vắc xin cho HS, trước mắt là HS trung học phổ thông.

Chính phủ xem xét, bố trí kinh phí để ngành Giáo dục thực hiện các giải pháp chuyển trạng thái hoạt động thích ứng với dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp và có thể kéo dài, gắn với đẩy mạnh chuyển đổi số trong dạy và học; trước mắt tập trung xây dựng hệ thống bài giảng trên truyền hình, bài giảng điện tử, kho học liệu số dùng chung cho HS phổ thông cả nước; tập huấn giáo viên về kĩ năng dạy và quản lý lớp học trực tuyến; đầu tư trang thiết bị đáp ứng yêu cầu dạy và học trong năm học.

Chính phủ xem xét các phương án miễn giảm học phí cho HS mầm non, phổ thông trong năm học 2021-2022.

Chính phủ quan tâm, xem xét giao bổ sung biên chế để tuyển dụng giáo viên đảm bảo các quy định hiện hành về vị trí việc làm và định mức giáo viên; không áp dụng quy định giảm tối thiểu 10% đơn vị sự nghiệp công lập, 10% biên chế sự nghiệp, 10% chi trực tiếp từ ngân sách đối với các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo; UBND các tỉnh, thành phố quan tâm, tổ chức thực hiện việc đặt hàng, giao nhiệm vụ đào tạo giáo viên cho các cơ sở đào tạo giáo viên theo Nghị định số 116 của Chính phủ.

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các địa phương khi phân bổ ngân sách giai đoạn 2021-2025 cho lĩnh vực giáo dục và đào tạo bảo đảm tối thiểu 20% tổng chi ngân sách Nhà nước hằng năm theo Luật Giáo dục 2019; chỉ đạo các địa phương bố trí ngân sách phát triển giáo dục tại địa phương, đảm bảo tỉ lệ chi chuyên môn tối thiểu 18% trong tổng chi thường xuyên theo Quyết định 46/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ