Hội nghị Giám đốc Sở GD&ĐT toàn quốc 2019: Những tín hiệu vui

GD&TĐ - Năm học 2018 – 2019 để lại ấn tượng tốt với phụ huynh học sinh và xã hội trên mọi phương diện. Trường lớp không ngừng được đầu tư, xây mới. Đội ngũ nhà giáo chủ động hòa mình với công cuộc đổi mới phương pháp dạy và học của toàn ngành, từng bước tiếp cận yêu cầu của Chương trình GDPT mới. Các em học sinh được học tập trong môi trường thân thiện, đầy sáng tạo.

Giờ thực hành của cô và trò Trường THCS Hùng Vương (Thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ). Ảnh: Thế Đại
Giờ thực hành của cô và trò Trường THCS Hùng Vương (Thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ). Ảnh: Thế Đại

Đầu tư trọng điểm

Ông Chử Xuân Dũng - Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết: Toàn thành phố có gần 95% số học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày, vừa đáp ứng nhu cầu chăm sóc, quản lý con em của các bậc phụ huynh, vừa giúp học sinh có thêm cơ hội phát triển toàn diện. Đây cũng là cơ sở để khuyến khích các nhà trường không ngừng hoàn thiện cơ sở vật chất khang trang, đồng bộ và đạt chuẩn.

Trở thành địa phương đi đầu cả nước thực hiện mô hình học 2 buổi/ngày, Hà Nội đã vận dụng linh hoạt nguồn ngân sách đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, đa dạng hóa loại hình trường học. Tùy theo điều kiện, học sinh có thể học văn hóa, học nghề hoặc lựa chọn phương thức học giáo dục thường xuyên với số môn ít hơn, thời gian học tập linh hoạt.

Phát triển hệ thống trường đạt chuẩn quốc gia là trọng tâm ngành GD Thủ đô hướng tới, trở thành mục tiêu xuyên suốt của thành phố Hà Nội trong hai thập niên qua, góp phần tạo nên bước chuyển biến mạnh về chất lượng giáo dục. Năm 2018, công tác xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia của Hà Nội đạt 151% kế hoạch, nâng tổng số trường đạt chuẩn quốc gia của toàn thành phố lên gần 1.500 trường, chiếm tỷ lệ 67%. So với năm 2008, số trường được công nhận đạt chuẩn tăng hơn 900 trường. 

Trong khi đó, ngành GD-ĐT Bắc Kạn lại chọn đội ngũ nhà giáo là yếu tố then chốt bởi đây là lực lượng quyết định sự thành bại trong việc đổi mới, nâng cao chất lượng GD.

Theo ông Ma Thế Quyên, Giám đốc Sở GD&ĐT Bắc Kạn, ngành xác định phải xây dựng được đội ngũ nhà giáo và CBQL các cấp đủ về số lượng, có năng lực, trình độ chuyên môn đạt chuẩn, phẩm chất đạo đức tốt, tinh thần trách nhiệm cao, tâm huyết và tận tụy với nghề, thực sự là tấm gương sáng cho học sinh noi theo. Đặc biệt phải đề cao vai trò của người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Người đứng đầu phải gương mẫu, thường xuyên học tập để nâng cao trình độ, năng lực và phẩm chất. 

Chủ động tiếp cận với chương trình mới

Năm học 2018 - 2019, ngành GD-ĐT Đắk Nông chỉ đạo các cơ sở giáo dục chủ động xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục nhà trường linh hoạt, phù hợp với địa phương và theo định hướng phát triển năng lực học sinh.

Đặc biệt, nhằm tăng cường năng lực của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện Chương trình GDPT mới, ngành GD-ĐT Đắk Nông đã có kế hoạch, chương trình cho việc đào tạo, bồi dưỡng giáo viên.

Theo ông Nguyễn Văn Toàn – Giám đốc Sở GD&ĐT Đắk Nông, ngành GD-ĐT Đắk Nông chuẩn bị chu đáo các điều kiện về tài chính, cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên cốt cán cho công tác đào tạo, bồi dưỡng theo lộ trình hằng năm. Sở chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện công tác bồi dưỡng cho giáo viên cốt cán cấp tỉnh theo lộ trình; Chỉ đạo cho các phòng GD&ĐT, các cơ sở giáo dục thực hiện công tác chuẩn bị và bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên từng trường, bố trí, sắp xếp đội ngũ giáo viên dạy các lớp học, môn học, cấp học hợp lý, khoa học để thực hiện tốt việc bồi dưỡng giáo viên Chương trình GDPT mới hằng năm đạt hiệu quả cao.

Năm học 2018 - 2019, Hà Nội tiếp tục khẳng định vị trí dẫn đầu cả nước về chất lượng giáo dục, với 134 giải cấp quốc gia. Tại Kỳ thi THPT quốc gia vừa qua, Hà Nội có lượng thí sinh đạt 27 điểm trở lên nhiều nhất cả nước. Tại các kỳ thi cấp quốc tế, học sinh Thủ đô đã giành 197 giải và huy chương. Hà Nội cũng đã tổ chức thành công kỳ thi Toán học Hà Nội mở rộng, giới thiệu những thành tựu giáo dục của Thủ đô đến bạn bè quốc tế. 

Còn tại TPHCM, năm học vừa qua thành phố chủ động đổi mới dạy học và kiểm tra đánh giá, giao quyền tự chủ cho các trường trong việc xây dựng kế hoạch dạy học và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong dạy học và quản lý đã góp phần nâng cao chất lượng dạy học.

Một trong những nội dung quan trọng cho việc chuẩn bị cho thực hiện Chương trình GDPT tổng thể là tăng cường các điều kiện cơ sở vật chất để có thể tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, Giám đốc Sở GD&ĐT Lê Hồng Sơn nhấn mạnh. Do vậy, Sở GD&ĐT đã và đang tích cực phối hợp với các sở, ban, ngành và chính quyền các quận, huyện rà soát quy hoạch GD, tiến độ xây dựng trường lớp nhằm thực hiện chỉ tiêu đến năm 2020 đạt 300 phòng học/10.000 dân số trong độ tuổi đi học để tăng tỷ lệ học sinh được học 2 buổi/ngày, hoạt động cả ngày trong nhà trường. 

Giúp học sinh phát triển toàn diện

Thực hiện mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, đồng thời triển khai nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng dạy và học, ngành GD-ĐT tỉnh Bình Phước có bước chuyển biến tích cực trong năm học vừa qua, đặc biệt là môn học Tiếng Anh. 

Năm học 2019 - 2020, được coi là năm bản lề để thực hiện Chương trình GDPT tổng thể. Nhằm tạo chuyển biến căn bản, toàn diện về chất lượng và hiệu quả GD-ĐT, thành phố tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và sự sẵn sàng của các cơ sở GD thông qua việc chỉ đạo các trường học chủ động trong việc thực hiện công tác bồi dưỡng, xây dựng kế hoạch giáo dục, phát triển các chương trình GD nhà trường, tổ chức dạy học tích hợp, trải nghiệm, áp dụng giáo dục STEM trong dạy học. Bên cạnh đó, tiến hành đổi mới kiểm tra, đánh giá nhằm tạo hiệu ứng tích cực trong người dạy, người học. Hy vọng, với sự vào cuộc cả đội ngũ cùng việc đầu tư cơ sở vật chất, chương trình, SGK, chương trình GD địa phương và các điều kiện đảm bảo khác đi kèm, việc đổi mới dạy học sẽ mang lại kết quả tốt đẹp đáp ứng phần nào yêu cầu xã hội.

Ông Lê Hồng Sơn - Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM

Nhờ giải pháp đồng bộ, chất lượng dạy, học tiếng Anh tại các trường THCS, THPT trong tỉnh có sự cải thiện đáng kể. Ông Lý Thanh Tâm – Phó Giám đốc phụ trách Sở GD&ĐT Bình Phước vui vẻ cho biết: Năm học 2018 - 2019, toàn tỉnh có 355 giáo viên môn Tiếng Anh THCS đạt chuẩn (tỉ lệ 91,7%) và 182 giáo viên môn Tiếng Anh THPT đạt chuẩn (tỉ lệ 76,2%). Số HS được học theo chương trình tiếng Anh thí điểm ở cấp THCS: 7.122 HS (tăng 5.055 học sinh so với cùng kì năm học trước, chiếm tỉ lệ 7,8%); Cấp THPT: 2.691 HS (tăng 1.412 học sinh so với cùng kì năm học trước, chiếm tỉ lệ 9,3%).

Cũng như Bình Phước, ngành GD-ĐT Hậu Giang đạt nhiều thành tích trong năm học 2018 - 2019. Theo Giám đốc Sở GD&ĐT Hậu Giang Nguyễn Hoài Thúy Hằng, để nâng cao chất lượng giáo dục, ngành đã triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp để hoàn thành các mục tiêu của kế hoạch năm học.

Niềm vui đến với thầy và trò khi Cuộc thi KHKT toàn quốc tổ chức tại TPHCM, học sinh tỉnh đã đạt 1 giải Nhất, 2 giải Tư, các sản phẩm được công nhận 14 giải đặc biệt, đứng thứ Nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.