Tính nhân văn cao đẹp của Chương trình Sữa học đường

GD&TĐ - Vì tính nhân văn cao đẹp của Chương trình Sữa học đường, các thầy cô cần cố gắng tìm mọi biện pháp khắc phục, vượt qua những khó khăn vất vả.

Tính nhân văn cao đẹp của Chương trình Sữa học đường

Đó là đề nghị của lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội với các đơn vị trường học trên địa bàn thành phố tại Hội nghị trực tuyến triển khai thực hiện Đề án chương trình sữa học đường giai đoạn 2018 – 2020.

Đề án thực hiện Chương trình Sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ mẫu giáo và học sinh tiểu học trên địa bàn TP Hà Nội đặt ra mục tiêu cụ thể.

Theo đó, đến năm 2020 trên 90% trẻ mẫu giáo và học sinh tiểu học trên toàn TP được uống sữa theo Đề án Chương trình Sữa học đường, đồng thời đáp ứng nhu cầu năng lượng của trẻ mẫu giáo và tiểu học đạt 95%.

Thông qua Đề án Chương trình Sữa học đường, sẽ góp phần giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở trẻ em mẫu giáo và tiểu học xuống dưới 5,5%.

Trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học đang theo học tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn TP Hà Nội được thụ hưởng trong thời gian theo năm học, từ năm học 2018-2019 đến hết năm 2020.

Trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học được uống sữa tươi 5 lần/tuần của 9 tháng đi học (mỗi ngày uống một lần), mỗi lần 1 hộp 180ml. Sẽ có khoảng 1.541.833 trẻ mẫu giáo và 2.364.832 học sinh tiểu học của 3 năm học sẽ được hưởng thụ từ chương trình Sữa học đường.

Học sinh diện nghèo, cận nghèo, học sinh là người dân tộc thiểu số, học sinh thuộc diện chính sách được uống sữa miễn phí.

Kinh phí dự kiến thực hiện Đề án Chương trình Sữa học đường giai đoạn 2018 – 2020 là 4.188.120 triệu đồng, trong đó ngân sách hỗ trợ là 1.293.207 triệu đồng, doanh nghiệp cung cấp sữa hỗ trợ 891.122 triệu đồng và phụ huynh đóng góp 2.003.791 triệu đồng.

Hội nghị trực tuyến triển khai thực hiện Đề án chương trình sữa học đường giai đoạn 2018 – 2020 của Sở GD&ĐT Hà Nội

Đa số ý kiến của các quận, huyện, thị xã, các phòng GD&ĐT, trường tiểu học và mầm non đều đồng tình với ý nghĩa và mục tiêu của Chương trình Sữa học đường.

Đến nay, một số phòng GD&ĐT sau khi nhận được đề án đã tham mưu với UBND quận, huyện xây dựng kế hoạch triển khai và phân công thực hiện để đạt mục tiêu.

Tuy nhiên, các địa phương cũng có băn khoăn và nêu ra một số khó khăn khi thực hiện như: một số đơn vị trường học có diện tích đất chật khó có thể bố trí được kho và đầu tư thiết bị bảo quản sữa, việc thu gom vỏ hộp sữa sau khi trẻ uống xong để đảm bảo vệ sinh môi trường...

Có trường lo lắng về việc lấy đâu ra kinh phí để trả cho lao công thu gom vỏ hộp, nhân viên bưng bê hộp sữa đến từng phòng cho học sinh… Không chỉ thế, về mùa đông, trẻ uống sữa tươi tiệt trùng không ấm liệu có ảnh hưởng đến sức khỏe; hay trẻ mầm non uống 180ml/1 hộp thì hơi nhiều...

Kết luận tại hội nghị, Giám đốc Sở GD&ĐT Chử Xuân Dũng yêu cầu các phòng GD&ĐT quán triệt và phổ biến mục đích, ý nghĩa của Chương trình sữa học đường đến toàn thể cán bộ, giáo viên; làm tốt công tác tuyên truyền, vận động phụ huynh hiểu rõ và đồng thuận.

Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết, sắp tới UBND thành phố sẽ ký hợp đồng khung với đơn vị cung ứng sữa, trên cơ sở này, các nhà trường có trách nhiệm xây dựng phương án triển khai cụ thể. Sở GD&ĐT sẽ tổ chức tập huấn, hỗ trợ cho các đơn vị về việc triển khai Chương trình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ