Hội họa kể chuyện học thời kháng chiến

GD&TĐ - Những bức tranh về lớp Bình dân học vụ… của các họa sĩ danh tiếng là minh chứng sinh động về tinh thần hiếu học của dân tộc Việt giữa mọi hoàn cảnh.

Tác phẩm 'Bình dân học vụ', Lưu Công Nhân, sơn dầu - 1955.
Tác phẩm 'Bình dân học vụ', Lưu Công Nhân, sơn dầu - 1955.

Cảm xúc lạc quan

Không khí học tập sôi nổi của phong trào Bình dân học vụ ngay sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 dù được lưu lại trong khá nhiều bức ảnh nhưng không dễ tìm thấy tranh vẽ về thời kỳ ấy. Có lẽ, bức tranh nổi tiếng có tên “Bình dân học vụ” được danh họa Lưu Công Nhân vẽ năm 1955 khi ông 26 tuổi là một trong những tác phẩm hiếm hoi.

hoi hoa ke chuyen hoc thoi khang chien (3).jpg
Tác phẩm 'Vườn trường', Nguyễn Doãn Tuân, khắc gỗ - 1961 trong Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Ảnh: Bình Thanh

Tác phẩm “Vườn trường” (khắc gỗ) của họa sĩ Nguyễn Doãn Tuân cũng được vẽ trong những năm kháng chiến. Bức tranh khắc gỗ được sáng tác năm 1961 này đem đến không gian học tập thật yên bình, thơ mộng trong vườn trường rợp mát bóng cây xanh của các sinh viên đang theo học hội họa.

Bên giá vẽ, người đứng, kẻ ngồi say mê với từng nét phác thảo. Sà xuống bên là đàn bồ câu hay bóng dáng chim công, đôi gà ngó nghiêng và cả người phụ nữ đẩy xe chở những em nhỏ đi qua…

Phong trào Bình dân học vụ là thể hiện cụ thể của việc toàn Đảng, toàn dân thực hiện một trong những nhiệm vụ cấp bách: Diệt giặc dốt ngay khi Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam giành độc lập.

Nha Bình dân học vụ được thành lập, các lớp học xóa mù chữ được mở khắp nơi, người người, nhà nhà học tập theo “Lời kêu gọi chống nạn thất học” của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Nay chúng ta đã giành được quyền độc lập. Một trong những công việc phải thực hiện cấp tốc trong lúc này là nâng cao dân trí…

Mọi người Việt Nam phải hiểu biết quyền lợi của mình, bổn phận của mình, phải có kiến thức mới để có thể tham gia vào công cuộc xây dựng nước nhà, và trước hết phải biết đọc, biết viết chữ Quốc ngữ. Những người đã biết chữ hãy dạy cho những người chưa biết chữ, hãy góp sức vào Bình dân học vụ. Những người chưa biết chữ hãy gắng sức mà học cho biết...”.

Có thể thấy, tinh thần đó được họa sĩ Lưu Công Nhân thể hiện rất đặc biệt ở tác phẩm “Bình dân học vụ”, khi cả nước vừa tích cực diệt giặc dốt vừa bước vào kháng chiến chống thực dân Pháp.

Đó là, một sắc nền đỏ cam rạng rỡ, tươi tắn có thể truyền đến người xem nguồn năng lượng đầy hân hoan của một tinh thần học tập hăng say vượt lên hoàn cảnh thực tế. Trên nền tranh hiển hiện “lớp học” có đủ bàn ghế ngay ngắn cùng người học có cả già - trẻ, nam - nữ, ai nấy đều ngời sáng gương mặt, ánh nhìn với quyển sách, trang vở, cây bút...

Cụ già tóc bạc phơ ngồi ngay bàn đầu, nối sau đó là cậu thanh niên trẻ tuổi. Cả hai chăm chú hướng về phía trước. Bên cạnh, ba phụ nữ cũng chăm chú cùng bài học, trong đó nổi bật nhất là cô gái chống cằm với ánh mắt tập trung suy nghĩ.

“Lớp học” ấy được mở dưới tán cây. Thật tài tình, chỉ bằng vài nét cọ điểm tô sắc nâu, xanh, họa sĩ đã tạo hình bóng dáng 2 cây đua tán rộng và kết lại tạo thành mái che mát dịu cho mọi người học bài.

Điều thú vị nữa là dù họa sĩ không tạo hình phấn, bảng hay người dạy nhưng người xem vẫn hình dung đó là lớp học. Và, giữa hoàn cảnh cả đất nước cùng ra trận, đánh đuổi giặc xâm lăng ra khỏi bờ cõi đầy khó khăn, gian khổ nhưng sau những nhọc nhằn, mất mát, hy sinh đó luôn là phút giây thanh bình, yên ả dưới tán cây hay bên sườn đồi, chiến hào…; người người, nhà nhà cùng chuyên cần học tập để lĩnh hội tri thức vươn mình bảo vệ quê hương, đất nước.

Bởi vậy, dù mang cái tên: “Bình dân học vụ” và có tạo hình rất hiện thực qua những bộ quần áo mang nhiều mụn vá, những bàn chân không mang dép hay chiếc nón đặt dưới nền nhà… nhưng bức tranh lại đem đến cho người thưởng lãm thật nhiều ấn tượng, cảm xúc từ sắc màu, tạo hình đầy thơ mộng, lãng mạn và lạc quan. Cảnh và người ở đây thật hài hòa, lung linh như thể cổ tích giữa đời thường.

Bức tranh “Bình dân học vụ” (sơn dầu khổ 160x130cm, vẽ năm 1955) xuất hiện trước công chúng yêu hội họa hôm nay cách đây 7 năm khi triển lãm cá nhân “Nét” của Lưu Công Nhân lần đầu được tổ chức tại Hà Nội nhằm tưởng nhớ 10 năm danh họa rời cõi tạm.

Đó là một trong hàng trăm bức tranh thuộc quyền sở hữu của nhà sưu tập Nguyễn Phúc Hưởng. Tác phẩm này đem đến cho nhiều người, kể cả người thân của danh họa và người trong giới bao cảm xúc của sự ngưỡng mộ, thán phục.

Họa sĩ Lê Thiết Cương – giám tuyển của triển lãm còn thể hiện sự ngạc nhiên về tầm vóc của tác phẩm nên từng đưa ra thử thách: “Đố ai tìm ra bức nào vẽ năm 1955 mà lớn hơn?!”.

Người bạn học cùng Lưu Công Nhân là họa sĩ Mai Long thì thông tin thêm, tác phẩm này được tác giả vẽ nhiều bản cùng nhân vật, bố cục nhưng kích cỡ khác nhau. Bản màu nước hiện gia đình giữ.

Còn anh Lưu Quốc Bình, con trai họa sĩ không khỏi xúc động nhớ lại khoảng thời gian cha mình sáng tác. Đó là khi: “Lưu Công Nhân mới ở Điện Biên Phủ về và trực tiếp tham gia dạy Bình dân học vụ theo kêu gọi của Hồ Chủ tịch”.

Nâng niu búp măng non

Cũng nổi tiếng không kém “Bình dân học vụ” là bức tranh “Em nào cũng được đi học” của họa sĩ Nguyễn Sỹ Tốt, vẽ năm 1957, chất liệu bột màu.

Theo nhà nghiên cứu mỹ thuật Hải Yến, tác phẩm được trao giải Nhì Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc (1958) và là một trong những tác phẩm tham dự triển lãm tại các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu và Liên Xô.

Khi đó, bức tranh nhận được sự quan tâm của các bình luận viên mỹ thuật của Báo Sự thật (Liên Xô) cùng nhận xét: “Phải có lòng yêu tha thiết đối với các em, tác giả mới có thể vẽ thành công đến như vậy”.

Có thể thấy, tác phẩm “Em nào cũng được đi học” đã kể một câu chuyện thật sinh động, đáng yêu về những đứa trẻ ngoan ngoãn tự học trong căn nhà tranh tre vách đất, phía trên có ghi dòng chữ “Nhớ ơn Bác Hồ”. Chõng tre được kê làm bàn, đặt trên đó 2 lọ mực là điểm nhấn của tranh.

hoi hoa ke chuyen hoc thoi khang chien (2).jpg
Tác phẩm 'Em nào cũng được đi học', Nguyễn Sỹ Tốt, bột màu – 1957 trong Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Ảnh: Bình Thanh.

Nhóm học tập có 7 đứa, trong đó một bạn trai có lẽ là tổ trưởng ngồi gác chân phía đầu chõng tre nhìn rất “oách”, tay cầm sách và miệng cất tiếng như thể đang đọc bài cho các bạn tập viết. Dù mặc chiếc áo bị bung cúc hở cả bụng nhưng vẻ mặt của cậu ta rất nghiêm túc, trách nhiệm và tập trung.

Trong đám “học sinh” 6 đứa còn lại chỉ có một bé gái. Chúng đi chân đất và ngồi chia đều mỗi bên chõng tre 3 đứa, cùng trật tự thực hiện nhiệm vụ chép bài với dáng vẻ rất cần mẫn bằng chiếc bút sắt có quản dài. Dường như chúng cùng chấm chung một lọ mực đặt phía trước.

Nhìn chúng thật ngộ nghĩnh với các kiểu ngồi học bài: Từ kê mông trên chiếc chiếu hay quỳ gối lên tấm gỗ dài kê cao bằng gạch mà vẫn không vừa nên có đứa phải đứng lom khom để viết. Nếu như 5 bạn kia đang tập trung nắn nót từng chữ thì anh chàng ngồi phía ngoài có vẻ đủng đỉnh hơn khi đưa bút chấm mực…

Để có thể tái hiện lại buổi học nhóm của đám trẻ nhỏ một cách sống động, thú vị qua nét cọ, bảng màu như thế, cùng với tài năng về tạo hình và khả năng quan sát tỉ mỉ, tinh tế thì quả đúng như nhận xét của các nhà bình luận (tờ Sự thật Liên Xô), họa sĩ phải có niềm say mê và lòng yêu thương vô bờ với trẻ thơ. Từ dáng dấp đến nét mặt, cử chỉ của các em đều được thể hiện vô cùng chân thực trong những cảm xúc của nét cọ luôn nâng niu búp măng non.

Là người con của làng Cổ Đô (Ba Vì, Hà Tây cũ, nay thuộc ngoại thành Hà Nội), họa sĩ Nguyễn Sỹ Tốt (1920 - 2002) từng tham gia kháng chiến chống Pháp khi tình nguyện vào Vệ quốc quân, được biên chế tại Sư đoàn 316 và có mặt tại các chiến dịch Biên giới, Trung du, Tây Bắc, Điện Biên Phủ.

“Cảm hứng nghệ thuật của ông bắt nguồn từ cuộc sống lam lũ của nông dân, tinh thần yêu nước nồng nàn của anh bộ đội, chị dân công, anh thương binh và các em nhỏ đáng yêu. (…) Xem tranh ông ta không thấy có sự phô trương, tình cảm giả tạo.

Đó là những tác phẩm có trình độ nghệ thuật cao, có sức gợi cảm, gây ấn tượng mạnh mẽ. Ông sáng tác với một tấm lòng nhân hậu, bởi thế tác phẩm của ông đầy tính nâng niu và trân trọng đối với cuộc sống”, như nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Hải Yến từng nhớ về danh họa.

Thưởng lãm các tác phẩm “Bình dân học vụ” và “Em nào cũng được đi học” được các họa sĩ Lưu Công Nhân, Nguyễn Sỹ Tốt sáng tác trong kháng chiến công chúng hôm nay thấy được không khí học tập lúc bấy giờ.

Ở bất cứ hoàn cảnh nào, ngay cả khi thiếu thốn, khó khăn và mất mát bởi chiến tranh nhưng ai ai cũng thể hiện tinh thần học tập thật hăng say. Đây là một trong những minh chứng sinh động về truyền thống hiếu học và khát khao vươn tới đỉnh cao tri thức của dân tộc Việt.

Và qua những nét cọ, bảng màu cùng tài năng, tâm huyết của các họa sĩ, mỹ thuật hiện đại cũng góp phần thể hiện, lưu giữ những câu chuyện thể hiện truyền thống ấy một cách chân thực, sinh động.

hoi hoa ke chuyen hoc thoi khang chien (1).png
Tác phẩm 'Bình dân học vụ', tranh dân gian Đông Hồ.

Theo họa sĩ Phan Cẩm Thượng, trong kho tranh dân gian Đông Hồ, cụ thể là tư liệu nghệ nhân Nguyễn Đăng Khiêm để lại có bức họa in khắc gỗ “Bình dân học vụ”. Từ khẩu hiệu: “Huấn luyện bình dân học vụ” được ghi trong bức họa, ông Thượng cho rằng, đây là lớp dạy cho các cán bộ cốt cán - đào tạo giáo viên để họ xuống nông thôn đi dạy học chữ cho bà con.

“Trong lớp học, nam nữ chia thành hai hàng ngồi đối diện nhau, có giáo viên giảng bài. Nghệ nhân tranh dân gian Đông Hồ vốn không quen vẽ không gian ba chiều, nên diễn tả cảnh lớp học họ vẽ chiếc bàn có hai hàng người ngồi như dựng đứng lên. Một phụ nữ còn bế cả con đến lớp”, ông Thượng bình luận.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam đã có bước phát triển đáng kể những năm gần đây. Ảnh minh họa: INT

Tích hợp hệ thống năng lượng hỗn hợp

GD&TĐ - Kết hợp năng lượng mặt trời và gió giúp hệ thống điện ổn định hơn, hiệu suất cao hơn. Hệ thống phù hợp để ứng dụng vào điện mặt trời mái nhà.