Hội đồng trường: Vì sao chưa kiện toàn?

GD&TĐ - Dù đã được cụ thể hóa trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (Luật số 34) và Nghị định 99/2019, nhưng đến nay một số cơ sở giáo dục ĐH công lập vẫn chưa thể kiện toàn hội đồng trường.

Trường ĐH Công nghiệp TPHCM hiện chưa có HĐT. Ảnh: TG
Trường ĐH Công nghiệp TPHCM hiện chưa có HĐT. Ảnh: TG

Thành viên tham gia có sự dịch chuyển

Đến thời điểm này, Trường ĐH Công nghiệp TPHCM (IUH) chưa có HĐT. Nói về lý do chậm trễ, TS Nguyễn Xuân Hồng - Phó Hiệu trưởng IUH cho biết: Nhà trường căn cứ vào Điều 16, Luật số 34/2018/QH14 của Quốc hội, Điều 7 của Nghị định số 99/2019/NĐ-CP của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, Bộ Công Thương để tiến hành quy trình thành lập HĐT.

Việc thành lập Hội đồng trường (HĐT) được nhà trường triển khai thực hiện từ năm 2017. Tuy nhiên, trong quá trình xác định danh sách nhân sự tham gia HĐT, một số thành viên thay đổi vị trí công tác, chuyển công tác, nghỉ hưu, hoặc quá tuổi theo quy định, dẫn đến sự biến động về cơ cấu thành viên tham gia.

“Nhà trường đang kiện toàn lại danh sách thành viên HĐT, bảo đảm về tiêu chuẩn, cơ cấu và độ tuổi để trình Bộ chủ quản xem xét, phê duyệt…” - Phó Hiệu trưởng IUH chia sẻ.

TS Nguyễn Xuân Hồng cũng cho hay: Việc chưa kiện toàn HĐT ảnh hưởng đến một số hoạt động của nhà trường. Trong đó có việc triển khai xây dựng và thông qua định hướng chiến lược, kế hoạch phát triển; thực hiện hoạt động và giám sát hoạt động của nhà trường cho phù hợp với xu hướng phát triển của thời đại. “Trong thời gian chưa kiện toàn HĐT, nhà trường chủ động xin ý kiến chỉ đạo từ Bộ chủ quản và nhận được sự chỉ đạo trực tiếp, kịp thời, sát sao từ lãnh đạo Bộ cũng như sự giúp đỡ, hỗ trợ, hướng dẫn nhiệt tình của lãnh đạo các cục, vụ thuộc Bộ nên mọi hoạt động của trường diễn ra suôn sẻ, thuận lợi…” - TS Nguyễn Xuân Hồng thông tin thêm.

Bên cạnh đó, cũng có tình trạng một số HĐT được thành lập nhưng hoạt động chưa đi vào nền nếp. Trong đó, HĐT Trường ĐH Đồng Nai (ĐNU, trực thuộc UBND tỉnh Đồng Nai) thành lập từ 6/2020 đến giữa tháng 6/2021 vẫn không tiến hành bổ nhiệm lại các thành viên của Ban Giám hiệu. Trong luật quy định, nhiệm kỳ của hiệu trưởng theo nhiệm kỳ của HĐT. Thậm chí, đến nay HĐT trường này cũng không có thư ký. Một thành viên HĐT ĐNU cho biết, đợt bầu HĐT dự kiến có thư ký nhưng người này bị rớt do không đạt phiếu theo yêu cầu.

Trong khi đó, Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM (HUFI, thuộc Bộ Công Thương) được Bộ chủ quản “duyệt” danh sách thành viên HĐT nhưng chưa “duyệt” vị trí chủ tịch. 

Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM được Bộ chủ quản “duyệt” danh sách thành viên HĐT nhưng chưa “duyệt” vị trí chủ tịch.
Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM được Bộ chủ quản “duyệt” danh sách thành viên HĐT nhưng chưa “duyệt” vị trí chủ tịch.

Khoảng trống trong điều hành

Theo Tiến sĩ Bùi Kim Hiếu - Trưởng khoa Luật, Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TPHCM (HUFLIT): Luật số 34/2018 và Nghị định 99/2019 có hiệu lực gần 2 năm. Bộ GD&ĐT cũng tổ chức nhiều hội nghị tập huấn, văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện. Do đó, có thể nói, đã qua thời gian để các trường tìm hiểu, tổ chức, triển khai... Thế nên, trường ĐH nào còn chưa có HĐT, chưa ban hành quy chế tổ chức hoạt động và các quy chế nội bộ khác, chưa bổ nhiệm hiệu trưởng và bộ máy hành chính theo quy định mới là chậm trễ.

“Các trường còn chậm trong việc kiện toàn HĐT cần phải nỗ lực trong việc hoàn thiện bộ máy lãnh đạo, quản lý để thực hiện đúng Luật GD đại học và thể hiện năng lực tự chủ của trường. Về lâu dài, các vấn đề như thẩm quyền, tiêu chuẩn, quy trình, quy định đối với hoạt động mà trường được tự chủ đều phải quy chế hóa trong các văn bản nội bộ của trường để giảm thiểu sự tùy tiện và những việc làm vì lợi ích nhóm. Bên cạnh đó, các công việc phải được kế hoạch hóa trong kế hoạch hàng năm, kế hoạch trung hạn… do HĐT ban hành. Nếu việc phát sinh ngoài kế hoạch, hiệu trưởng phải báo cáo HĐT trước khi thực hiện. Khi đó, những việc lớn như công tác quy hoạch, bồi dưỡng cán bộ quản lý nói chung và bổ nhiệm hiệu trưởng nói riêng không thể bị động như ở một số đơn vị hiện nay…” -  TS Bùi Kim Hiếu chia sẻ.

Một cán bộ Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM cho rằng: Nhà trường đã bầu chọn HĐT nhiều lần và cũng đã bầu chọn chủ tịch HĐT nhưng Bộ chủ quản vẫn cho rằng chưa được, cần phải thẩm định lại mà chưa cho biết lý do thẩm định lại.

“Về bằng cấp, kinh nghiệm giảng dạy và quản lý, chủ tịch HĐT cũng giống hiệu trưởng. HĐT chưa có chủ tịch vẫn hoạt động bình thường nhưng tính pháp lý của nó chưa ổn vì tất cả chủ trương vẫn để hiệu trưởng ký duyệt. Điều này trái với pháp luật. Tôi hy vọng sớm có chủ tịch HĐT để trường được làm việc bình thường như các trường thuộc Bộ GD&ĐT”, vị cán bộ Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM chia sẻ.

Nói về những dự định kiện toàn HĐT, TS Nguyễn Xuân Hồng cho biết: Dịch Covid-19 tạm lắng, nhà trường sẽ sớm kiện toàn danh sách thành viên HĐT theo đúng hướng dẫn của Luật, Nghị định của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, Bộ Công Thương, chú trọng bảo đảm về tiêu chuẩn, cơ cấu, tỷ lệ, độ tuổi, đồng thời báo cáo Bộ chủ quản xem xét, phê duyệt danh sách thành viên. Sau đó, nhà trường sẽ tiến hành bầu chủ tịch HĐT gửi hồ sơ thành lập HĐT cho Bộ chủ quản để được công nhận.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà ga xe lửa ở thành phố Dnipro, một trong những trung tâm hậu cần lớn nhất của quân đội Ukraine bị tấn công tên lửa ngày 19/4/2024

Phòng không Ukraine suy yếu

GD&TĐ - Ngày 19/4/2024, Nga đã tiến hành một cuộc tấn công quy mô lớn vào nhiều khu vực quân sự quan trọng của lực lượng Kiev.