Gỡ vướng mắc kiện toàn hội đồng trường

GD&TĐ - Một trong những điều kiện tiên quyết để các trường đại học thực hiện quyền tự chủ là phải thành lập, kiện toàn hội đồng trường (HĐT).

Đào tạo trực tuyến của Trường ĐH Mở Hà Nội. Ảnh: TG
Đào tạo trực tuyến của Trường ĐH Mở Hà Nội. Ảnh: TG

Tuy nhiên, đến cuối năm 2020, vẫn còn 50% cơ sở giáo dục đại học chưa hoàn thành việc thành lập hoặc kiện toàn HĐT theo luật mới. Thực tế cho thấy, còn một số vấn đề khó khăn, vướng mắc cần có giải pháp tháo gỡ.

Rào cản từ nội tại

Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, tính đến ngày 10/12/2020, có 31/35 cơ sở giáo dục đại học (GDĐH) trực thuộc Bộ đã kiện toàn HĐT theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH (Luật số 34), đạt hơn 90%. 22 đơn vị thực hiện đúng chủ trương Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch HĐT. 10 đơn vị xin thực hiện lộ trình muộn nhất đến năm 2023. Các đơn vị này cam kết thực hiện lộ trình Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch HĐT.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh: Luật số 34 và Nghị định số 99/2019/NĐ-CP của Chính phủ (Nghị định 99) quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật này là một bước tiến lớn về hành lang pháp lý để thúc đẩy phát triển hệ thống GDĐH, trong đó nội dung cốt lõi là tự chủ đại học. Theo đó, một trong những điều kiện tiên quyết để các trường thực hiện quyền tự chủ là phải thành lập, kiện toàn HĐT theo đúng quy định của Luật số 34 và Nghị định 99. Đó không chỉ là yêu cầu tuân thủ pháp luật, mà còn là sự đổi mới cần thiết về mặt nhận thức và tư duy trong quản trị đại học theo mô hình tiên tiến.

Thực tế, HĐT đại học là một thiết chế mới được thực thi tại một số trường đại học trong khoảng 5 - 7 năm gần đây. Tuy nhiên, theo GS.TS Phạm Hồng Quang – Giám đốc ĐH Thái Nguyên, một số khó khăn có thể thấy đó là, thành viên hội đồng bên ngoài với sự đóng góp không nhiều khi tham gia hội đồng như: Họp, tham gia góp ý tài liệu, biểu quyết nhân sự, trao đổi trực tiếp trong các phiên họp… vì thời gian hạn hẹp và 100% là kiêm nhiệm, gồm: Nhà lãnh đạo, nhà quản lý, nhà giáo dục, nhà văn hóa, nhà khoa học, doanh nhân, cựu sinh viên, đại diện đơn vị sử dụng lao động… không hoạt động trực tiếp tại cơ sở GDĐH. Tuy có khả năng đóng góp về trí tuệ lớn, nhiều kinh nghiệm hay nhưng không được thường xuyên và nhiều khi bị vướng bởi yêu cầu pháp chế của các quyết định cá nhân khi không có mặt, đặc biệt là khâu giám sát.

Mặt khác, tính chuyên nghiệp của thành viên chưa cao, chưa dành nhiều thời gian cho hội đồng, thông tin chưa được cung cấp đầy đủ, các quan hệ của nhà trường cũng như vấn đề nảy sinh chưa có điều kiện để thấu hiểu đầy đủ… Với các thành viên trong trường khó phân vai giữa vai Đảng ủy viên với giảng viên, vai lãnh đạo nhà trường với thành viên hội đồng. Với đại diện sinh viên có sự thay đổi liên tục vì chu kì của người học ngắn, khi chọn người học hiểu biết phải năm cuối khóa… Thời gian và thành phần triệu tập chủ chốt để bầu thành viên hội đồng khi có sự biến động liên tục như: Vị trí lãnh đạo thay đổi, giảng viên nghỉ hưu, thành phần ngoài phải thay đổi do vị trí lãnh đạo, nhà quản lý thay đổi, người học ra trường. “Ví dụ để triệu tập 1.500 giảng viên (50% giảng viên của ĐH vùng để bầu với thời gian diễn ra thường xuyên) sẽ thực hiện nhiều thủ tục, tốn kém mất nhiều thời gian” – GS.TS Phạm Hồng Quang viện dẫn.

Cũng theo GS.TS Phạm Hồng Quang, mối quan hệ giữa HĐT và Đảng ủy dù không xuất hiện mâu thuẫn lớn nhưng có 2 xu hướng: Các nghị quyết của Đảng ủy được hội đồng tuân thủ tuyệt đối! Do vậy, ý kiến khác của các thành viên khác sẽ khó được tiếp thu. Ngược lại, có nội dung của nghị quyết HĐT chưa “khớp” vào định hướng của Đảng, do vậy chưa có sự “đối thoại” trực tiếp giữa hội đồng và Đảng ủy. Ví dụ, cấp ủy cấp trên quản lý nhân sự đến cấp phó cơ sở (hồ sơ, quy hoạch, điều động, bổ nhiệm, miễn nhiệm…) theo quy định của Đảng, trong khi Luật quy định cấp phó hiệu trưởng do Chủ tịch HĐT bổ nhiệm…

Theo PGS.TS Nguyễn Mai Hương - Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch HĐT Trường Đại học Mở Hà Nội, quyền lực của HĐT được quy định rõ tại Luật số 34. Tuy nhiên, khi thực hiện có thể còn gặp lực cản ngay trong nội tại của nhà trường. Có quan điểm cho rằng, thể chế của HĐT là một sự dịch chuyển quyền lực, làm hạn chế quyền lực cá nhân của hiệu trưởng, làm chậm tiến độ các quyết định tức thời đang rất hiệu quả trước đây.

Mặt khác, trong giai đoạn quá độ, có Chủ tịch HĐT chưa đủ uy tín, kinh nghiệm trong quản trị đại học, thậm chí có người ở những vị trí quản lý do hiệu trưởng bổ nhiệm trước khi giữ chức danh chủ tịch. Trong cơ cấu thành viên HĐT, một số thành viên ngoài trường và thành viên đại diện sinh viên chưa phát huy hết vai trò trong một tổ chức quyền lực gắn với trách nhiệm thực sự. 

Giải pháp từ thực tiễn

Từ thực trạng trên, PGS.TS Nguyễn Mai Hương cho rằng: Cần bầu HĐT uy tín, chất lượng, tương xứng với yêu cầu của nhiệm vụ quan trọng này, đặc biệt là người đứng đầu. HĐT phải vận hành tròn chức năng một cách quyết liệt nhưng tinh tế. Nếu được như vậy, HĐT sẽ giúp hiệu trưởng và bộ máy của hiệu trưởng vượt qua các áp lực, cảm giác “an toàn” khi quản lý, điều hành, vì HĐT là chỗ dựa vững chắc cho hiệu trưởng; đồng thời, kịp thời giúp hiệu trưởng tránh những rủi ro, vi phạm khi phải tự quyết định những vấn đề chưa được thẩm định, phản biện và xem xét thấu đáo. Có như vậy, hiệu trưởng mới giải phóng mình để làm được những việc lớn hơn, ý nghĩa hơn cho nhà trường và xã hội. HĐT hoạt động tốt, hiệu quả đóng vai trò quan trọng, bảo đảm sự phát triển liên tục và bền vững của nhà trường, thực hiện đúng các cam kết xã hội và trách nhiệm giải trình với cơ quản quản lý và các bên liên quan.

Đề xuất một số giải pháp từ thực tiễn, GS.TS Phạm Hồng Quang nêu quan điểm: Cần thiết kế hội đồng đại học theo nhu cầu thực tiễn để đạt mục tiêu sử dụng nguồn lực chung về con người, cơ sở vật chất và tài chính. Việc thành lập HĐT tại các trường thành viên do hội đồng đại học quyết định phù hợp với thực tiễn hiện nay. HĐT đại học hoặc hội đồng đại học cần tinh gọn, người của trường; còn các thành phần khác (ngoài trường) là thành phần tham vấn, hội đồng khoa học, hội đồng chuyên gia… để hoạt động thực sự có hiệu quả.

Từ kinh nghiệm của hoạt động hội đồng nhân dân các cấp và hội đồng quản trị doanh nghiệp, mỗi trường đại học cần thiết chế chuyên nghiệp trong xây dựng hệ thống pháp chế cho nhà trường; kịp thời điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn và đúng quy định của pháp luật. Trong quá trình đó, cần một độ “trễ” khi được kiểm tra, kiểm toán, thanh tra các hoạt động của nhà trường, góp phần tạo động lực mạnh mẽ hơn trong quá trình tự chủ GDĐH.

Bộ GD&ĐT yêu cầu tất cả cơ sở GDĐH khẩn trương thực hiện các bước thành lập và kiện toàn HĐT theo đúng quy định của pháp luật, hoàn thành công nhận trước khi kết thúc năm học 2020 - 2021; xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy chế nội bộ, tăng cường phân cấp, phân quyền và công khai, minh bạch để thực hiện hiệu quả mô hình quản trị theo cơ chế tự chủ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ