Hội đồng trường: Làm sao thoát bóng ban giám hiệu?

GD&TĐ - Các chuyên gia cho rằng, để bảo đảm sự phát triển bền vững của một cơ sở GD đại học tự chủ, việc hình thành cơ chế quản trị của hội đồng trường là yêu cầu tất yếu, bước tiến quan trọng trong thể chế quản lý GD.

Hội đồng trường là tổ chức quyền lực, đại diện của chủ sở hữu và các bên có lợi ích liên quan. Ảnh minh họa: TG
Hội đồng trường là tổ chức quyền lực, đại diện của chủ sở hữu và các bên có lợi ích liên quan. Ảnh minh họa: TG

Tuy nhiên, Hội đồng trường phải thực quyền và không phải là “cái bóng” của ban giám hiệu.

Tự chủ đại học gắn với hội đồng trường

Đặt vấn đề về việc, khi cơ sở GDĐH được trao thẩm quyền và mức tự chủ lớn, cơ chế nào, và ai là người kiểm soát “thực thi quyền lực”, giám sát kết quả - chất lượng hoạt động của nhà trường? TS Trần Đình Lý – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP Hồ Chí Minh cho rằng: Tính chất đặc thù của hệ thống GDĐH chính là đổi mới quản lý Nhà nước và sự tham gia giám sát của xã hội, gắn với trách nhiệm giải trình của các trường. Khi đó, trách nhiệm giải trình là vấn đề mang tính pháp lý quan trọng để kiểm soát việc thực thi quyền lực và giám sát hoạt động của nhà trường.

“Tự chủ đại học gắn với hội đồng trường như sự đương nhiên, hội đồng trường đã được chế định trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH (Luật số 34). Nhưng trên thực tế, có rất ít trường đại học có hội đồng trường đúng nghĩa, đặc biệt, uy tín, tầm ảnh hưởng của người đứng đầu cũng như các thành viên sẽ tác động lớn đến vai trò của hội đồng trường” - TS Trần Đình Lý trao đổi, đồng thời viện dẫn:

Hiện nay, hiệu lực, hiệu quả của một số hội đồng trường chưa cao, có nơi có thực quyền nhưng không có thực lực, sẽ khó thuyết phục cả hệ thống chính quyền. Thậm chí, trong thời gian quá độ, có không ít ý kiến cho rằng, không cần thiết có hội đồng trường, vì có những nhiệm vụ trùng lắp, không rõ ràng, thậm chí có nơi còn xem như là sự cản trở việc thực thi nhiệm vụ của ban giám hiệu.

Theo PGS.TS Nguyễn Mai Hương – Chủ tịch Hội đồng trường Trường ĐH Mở Hà Nội, cần xác định rõ cơ chế quản trị của hội đồng trường. Cần có mối quan hệ mạch lạc, nhịp nhàng, hiệu quả để phát huy vai trò quản trị của hội đồng trường, vai trò quản lý của ban giám hiệu…. 

Sinh viên Học viện Phụ nữ Việt Nam nhập học năm 2020. Ảnh: TG
Sinh viên Học viện Phụ nữ Việt Nam nhập học năm 2020. Ảnh: TG 

Thực quyền và thực lực

PGS.TS Nguyễn Mai Hương nhấn mạnh: Hội đồng trường là tổ chức quyền lực, quản trị nhà trường, đại diện của chủ sở hữu và các bên có lợi ích liên quan. Hội đồng trường ra quyết định theo chức năng, thẩm quyền được Luật quy định bằng các nghị quyết phù hợp với chủ trương của Đảng ủy, được tập thể hội đồng trường thông qua. Vì vậy, các nghị quyết này có những ưu thế nhất định.

Trong cơ sở GDĐH, hội đồng trường là tổ chức có quyền lực, làm nhiệm vụ lãnh đạo, quản trị nhà trường, còn ban giám hiệu có nhiệm vụ điều hành, quản lý. Hội đồng trường quyết định bổ nhiệm, bãi nhiệm, miễn nhiệm hiệu trưởng và đề nghị cơ quan quản lý có thẩm quyền công nhận. Hội đồng trường quyết định bổ nhiệm, bãi nhiệm, miễn nhiệm phó hiệu trưởng do hiệu trưởng đề xuất theo chủ trương và các tiêu chuẩn do Đảng ủy thông qua. Hội đồng trường lãnh đạo và quản trị cơ sở GDĐH thông qua hiệu trưởng.

Sự lãnh đạo và quản trị của hội đồng trường được thực hiện bằng nghị quyết của tập thể. Đồng thời, hội đồng trường có nhiệm vụ giám sát và đánh giá việc thực thi của hiệu trưởng với các chính sách và kế hoạch tổng thể đã được hội đồng trường thông qua các tiêu chí được xác định.

Theo Chủ tịch Hội đồng trường Trường ĐH Mở Hà Nội, hiệu trưởng chịu trách nhiệm giải trình trước hội đồng trường về các hoạt động của nhà trường, bảo đảm thành tựu của các chính sách được đề ra và không vi phạm những giới hạn điều hành đã được quy định.

Trách nhiệm giải trình của hiệu trưởng là trách nhiệm của người đứng đầu, trách nhiệm đối với cả hệ thống, mọi cấp điều hành của bộ máy chứ không chỉ là trách nhiệm cá nhân.

Mặt khác, trách nhiệm giải trình của hiệu trưởng là trách nhiệm trước toàn bộ hội đồng trường như là một tổ chức chứ không phải trước từng tiểu ban của hội đồng hoặc trước từng cá nhân thành viên hội đồng.

Vì vậy, để các thiết chế, tổ chức của nhà trường phối hợp tốt trong việc lãnh đạo và triển khai nhiệm vụ, góp phần phát triển nhà trường bền vững, cần xác định rõ ràng và nhất quán các nguyên tắc lãnh đạo.

Cụ thể: Đảng lãnh đạo toàn diện hoạt động của nhà trường. Theo đó, chủ trương của Đảng ủy được “chuyển hóa” thành nghị quyết của hội đồng trường thông qua Bí thư Đảng ủy.

Nhất trí với quan điểm, để thực hiện cơ chế tự chủ đại học phải có hội đồng trường, PGS.TS Lê Văn Học - Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội khẳng định: Đây là tổ chức đại diện cho quyền sở hữu Nhà nước tại trường. Việc thành lập hội đồng trường có ý nghĩa quan trọng để tự chủ đại học đi vào thực tiễn.

Các trường cần xây dựng mối quan hệ giữa Đảng ủy, hội đồng trường và ban giám hiệu. Trong đó, Đảng ủy là cơ quan lãnh đạo về chính trị tư tưởng, chỉ đại diện cho tổ chức Đảng bên trong nhà trường. Hội đồng trường là đại diện của chủ sở hữu và các bên có lợi ích liên quan cả bên trong và bên ngoài trường đại học.

Hội đồng trường thực hiện chức năng quản trị, hoạch định chiến lược, kế hoạch và giám sát thực hiện. Hội đồng trường không can thiệp vào việc điều hành, quản lý của ban giám hiệu.

Ban giám hiệu đứng đầu là hiệu trưởng ra các quyết định quản lý cụ thể. Quyết định quản lý của hiệu trưởng hoặc phó hiệu trưởng được ủy quyền có tính cá nhân cao. Đôi khi người ra quyết định mong muốn “ổn định” và “an toàn” cho bản thân, do đó, có thể xảy ra các yếu tố độc đoán, thiên vị, bảo thủ, trì trệ và lệch chuẩn. Vì vậy, hội đồng trường vận hành bên cạnh cơ chế hành chính, còn có giá trị phòng ngừa các yếu tố cá nhân hay “lợi ích nhóm” có thể xảy ra. -  PGS.TS Nguyễn Mai Hương

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ