Hội đồng trường - khâu đột phá trong tự chủ đại học

GD&TĐ - Trao quyền tự chủ đại học là việc đương nhiên trên thế giới, hợp với lẽ tự nhiên và hợp với xu thế quốc tế. Việc trao quyền tự chủ cho các cơ sở GD đại học phải gắn liền với sự hình thành hội đồng trường và xóa bỏ cơ chế bộ chủ quản. Đây là một đột phá trong đổi mới GD đại học theo hướng hội nhập. Đó là chia sẻ của TS Dương Đức Hùng , Phó Hiệu trưởng, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Hải Phòng tại Hội nghị góp ý Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật GD đại học.

Sinh viên Hải Phòng. Ảnh minh hoạ/Internet
Sinh viên Hải Phòng. Ảnh minh hoạ/Internet

Tiếp cận xu hướng quốc tế

Theo ông Dương Đức Hùng, sửa đổi Luật GD là khâu đột phá để GD đại học Việt Nam hòa nhập thế giới. Phải khẳng định tự chủ là câu chuyện vốn thuộc thuộc tính của đại học, việc này hợp với lẽ tự nhiên.

Từ thời xa xưa, bản chất đại học đã tự chủ. Chính vì sự tự chủ về học thuật và tự chủ về nhân sự thì đại học mới phát triển như hiện nay. Nếu không có tự chủ thì GD đại học ở các nước không thể phát triển như hiện nay.

TS Dương Đức Hùng phát biểu góp ý cho dự thảo Luật GD
 TS Dương Đức Hùng phát biểu góp ý cho dự thảo Luật GD

Ông Dương Đức Hùng cho rằng, trao quyền tự chủ đại học là việc đương nhiên trên thế giới, hợp với lẽ tự nhiên và hợp với xu thế quốc tế. Ông đưa ra so sánh tự chủ cũng giống như trong gia đình, nếu như trong gia đình bố mẹ bao cấp hết thì con không thể lớn được.

Tuy nhiên, khi tự chủ, nghĩa là chủ quản cả hình thức và nội dung. Ở nước ngoài, trường đại học là một thực thể độc lập, nó đứng trên danh nghĩa là trường đại học và chịu trách nhiệm trước pháp luật. Luật sửa đổi GD đại học của chúng ta đang tiếp cận gần với việc đó.

Nâng cao thực quyền hội đồng trường

So với bản dự thảo trước đây, dự thảo Luật GDĐH sửa đổi lần này có nhiều bổ sung: Mở rộng phạm vi và nâng cao hiệu quả vấn đề tự chủ; đổi mới quản trị ĐH (nâng cao thực quyền hội đồng trường - HĐT).

Theo ông Dương Đức Hùng, trong đổi mới quản trị có nói đến thực quyền của HĐT. HĐT là người đại diện cho chủ sở hữu cộng đồng nên phải là tổ chức quyền lực cao nhất của trường đại học, phải có nhiều thành viên đại diện cho các nhóm lợi ích liên quan và làm việc theo nguyên tắc đưa ra các nghị quyết tập thể. Khi tự chủ thì vai trò của bộ chủ quản rất quan trọng.

Ông Hùng cho biết, quy định về thành viên của HĐT (điều 16 mục 3) là một đột phá trong đổi mới GD theo hướng hội nhập. HĐT của các trường đại học trong thời gian vừa qua rất hình thức. Các HĐT đang thành lập hiện nay là bộ máy quản lý mở rộng, bản chất là cánh tay nối dài của hiệu trưởng nên làm cho việc quản trị chồng chéo khiến cho sự tồn tại HĐT là hữu danh vô thực. Nếu một tổ chức sinh ra không có thực quyền thì sẽ cản trở sự phát triển. Cần tách quản lý ra khỏi quản trị để đảm bảo tính thực quyền của trường ĐH.

Theo quy định hiện nay, hiệu trưởng là người đứng ra thành lập HĐT. Vậy thì, “hiệu trưởng sẽ tìm những người là người của mình, đưa toàn bộ bộ phận quản lý của mình vào, biến HĐT thành một bộ máy quản lý mở rộng”.

Do đó, ông Hùng đề xuất, Chủ tịch HĐT cần phải là do cơ quan cấp trên thành lập, đưa ra tranh cử và bầu trực tiếp.

Đối với HĐT của các nước trên thế giới, nếu có thành phần của người học tham gia thì cấp trên mà ra quyết định công nhận HĐT thì sẽ không công nhận thành viên là người học, vì thành viên là người học được bầu chọn hàng năm. Thành phần này cần thay đổi hàng năm đảm bảo HĐT hoạt động liên tục, không thể thiếu vai trò của người học.

Đưa tín dụng sinh viên vào Luật là việc làm cần thiết

Góp ý cho dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, ông Dương Đức Hùng cho rằng, khi tự chủ đại học, học phí sẽ tăng. Nếu với học phí như hiện nay rất khó nâng cao chất lượng một cách rõ rệt. Vì thế, đưa vay vốn tín dụng sinh viên là rất quan trọng.

"Có thể nói, đưa tín dụng sinh viên trong Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học là việc làm cần thiết đảm bảo tiếp cận giáo dục đại học cho tất cả mọi đối tượng." 
TS Dương Đức Hùng chia sẻ

Vấn đề miễn học phí cho sinh viên không còn phù hợp nữa. Chẳng hạn như miễn học phí cho sinh viên sư phạm, nhưng khi ra trường họ đều không tìm được việc làm. Vì thế, việc thu hút người giỏi hay người không giỏi chủ yếu phụ thuộc vào việc làm, vị trí việc làm sau tốt nghiệp. Học phí chiếm một vị trí rất nhỏ trong tổng chi phí của quá trình học. Với những sinh viên nghèo được vay vốn tín dụng, đại học là một kênh đầu tư hiệu quả cho tương lai.

Tín dụng sinh viên cho vay một mức độ nào đó để đảm bảo khi ra trường sinh viên có thể hoàn trả. Nếu cảm thấy đây là kênh đầu tư để sau này ra trường họ có một vị trí việc làm tốt thì họ phải đầu tư vay tín dụng. Các nước trên thế giới đã giải quyết vấn đề này bằng cách phát triển quỹ tín dụng sinh viên, tăng tỷ lệ đại học tư thục. Sinh viên có thể vay tiền đi học đến 10 - 20 năm sau trả dần.

Tin tiêu điểm

Minh họa/INT

Chính thức hóa thực tế

Thế giới
GD&TĐ - Đúng 5 ngày sau khi ông Vladimir Putin tái đắc cử Tổng thống lần thứ 5, Chính phủ Nga chính thức coi đất nước đang ở trong tình trạng chiến tranh.

Đừng bỏ lỡ