Hỏi: Em đã tốt nghiệp THPT năm 2013 tại Bình Thuận, đang theo học cao đẳng tại TP.HCM nhưng năm nay em muốn thi lại ĐH. Em dự định thi Văn, Anh, Sử, Địa. Vậy em phải thi tại cụm địa phương của mình hay thi tại cụm TPHCM?
TS Nguyễn Đức Nghĩa - PGĐ ĐHQG TP HCM: Đối với các thí sinh đã tốt nghiệp THPT từ những năm trước (thường được gọi là thí sinh tự do), thí sinh chỉ cần đăng ký thi các môn dùng để xét tuyển vào các ngành của các trường ĐH, CĐ.
Hiện phần lớn các trường ĐH chỉ xét tuyển các thí sinh dự thi ở các cụm thi liên tỉnh do các trường ĐH chủ trì, do vậy em cần đăng ký thi tại các cụm thi liên tỉnh thuận tiện cho việc dự thi của em.
Việc có thể dùng 4 môn thi Văn, Anh, Sử, Địa để xét tuyển vào ngành nào của trường ĐH hoặc CĐ nào thì em phải xem thông tin tuyển sinh của trường đó.
Ví dụ một số ngành của trường ĐH Khoa học Xã hội Nhân văn mà em có thể đăng ký xét tuyển với tổ hợp 3 trong 4 môn thi của em là: Văn - Sử - Địa (hầu hết các ngành của trường, trừ các ngành Quy hoạch vùng & đô thị, Nhật Bản học, Đông phương học, Hàn quốc học và các ngành ngôn ngữ tiếng Anh, Nga, Pháp, Trung, Đức, Ý, Tây Ban Nha); Văn - Sử - Anh (hầu hết các ngành của trường, trừ các ngành ngôn ngữ tiếng Anh, Nga, Pháp, Trung, Đức, Ý, Tây Ban Nha).
Hỏi: Các năm trước, tôi thấy ĐHQG HN thông báo có chế độ riêng ưu đãi cho ngành khó tuyển bằng việc nếu thí sinh trúng tuyển vào các ngành này sẽ được hỗ trợ chi phí tối thiểu bằng mức học phí.
14 ngành được lựa chọn thực hiện gồm: Máy tính và khoa học thông tin, Khoa học vật liệu, Địa lý tự nhiên, Kỹ thuật địa chất, Hải dương học, Thủy văn học, Quản lý tài nguyên và môi trường, Khoa học đất, Triết học Lịch sử, Văn học, Hán Nôm, Nhân học, Việt Nam học.
Năm 2015 trường có tiếp tục thực hiện chính sách này không? Có mở rộng sang các ngành khác không? Nếu không áp dụng nữa thì lý do vì sao?
Tiến sĩ Vũ Viết Bình - Phó Trưởng ban Đào tạo ĐH Quốc gia Hà Nội: Năm 2015, ĐHQG HN vẫn tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ kinh phí đào tạo cho 14 ngành khoa học cơ bản như các năm trước.
Hỏi: HS đang học lớp 12 năm học 2014-2015 thi vào trường ĐH Cảnh sát nhân dân và các trường Quân đội thi ở cụm địa phương hay thi tại trường ĐH Cảnh sát nhân dân? HS tốt nghiệp năm 2014 thi lại ĐH cảnh sát nhân dân thi ở đâu?
PGS.TS Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD&ĐT): Trong Kỳ thi THPT quốc gia, các thí sinh dự thi vừa lấy kết quả để xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ sẽ thi tại các cụm thi do trường ĐH chủ trì (dành cho thí sinh từ ít nhất 2 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương).
Bộ GD&ĐT sẽ thành lập các cụm thi, tạo điều kiện cho các thí sinh đi lại thuận lợi, giảm chi phí. Như vậy, học sinh đang học lớp 12 có nguyện vọng thi vào Trường ĐH Cảnh sát nhân dân hay các trường quân đội sẽ dự thi ở cụm thi theo quy định của Bộ GD-ĐT.
Với các thí sinh tự do, các em có thể đăng ký dự thi tại cụm thi do ĐH chủ trì phù hợp với điều kiện cá nhân của các em.
Hỏi: Theo các báo đưa tin trường đại học Y dược TP.HCM năm nay ngành y đa khoa, răng hàm mặt và dược, chỉ tuyển thẳng thí sinh đạt giải nhất kỳ thi học sinh giỏi quốc gia môn hóa (tuyển vào ngành dược) và sinh (tuyển vào ngành y đa khoa và răng hàm mặt). Như vậy có phù hợp với qui chế tuyển thẳng của Bộ Giáo Dục đã đặt ra?
PGS TS Trần Văn Nghĩa: Theo quy chế thì các trường ĐH-CĐ căn cứ vào quy chế tuyển sinh ĐH-CĐ chính quy và văn bản hướng dẫn do Bộ GD-ĐT ban hành để quy định cụ thể và công bố công khai điều kiện tuyển thẳng, điều kiện ưu tiên xét tuyển vào từng ngành học của trường. Hiện nay Bộ GD-ĐT đang hoàn thiện văn bản hướng dẫn để các trường triển khai.
Hỏi: ĐH QG Hà Nội thi riêng thì chúng em có phải đi xa để thi hơn so với việc thi tại kỳ thi THPT quốc gia không? ĐH QG HN bố trí cụm thi thế nào?
Tiến sĩ Vũ Viết Bình: Kỳ thi tuyển sinh ĐH chính quy 2015, ĐH QG HN tổ chức theo phương thức đánh giá năng lực tại 7 cụm thi: ĐH QG HN, trường ĐH Kiến trúc Đà Nẵng (TP Đà Nẵng), trường ĐH Vinh (TP Vinh), trường ĐH Hồng Đức (Thanh Hóa), trường ĐH Hàng Hải Việt Nam (Hải Phòng), trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Nam Định (Tp Nam Định), trường Cao Đẳng Kinh tế Tài chính Thái Nguyên (TP Thái Nguyên).
Hỏi: Trường hợp em đạt điểm vào một ngành của ĐHQG HN tại kỳ thi tháng 5, nhưng lại không đủ điểm tốt nghiệp THPT vào tháng 7 thì kết quả của em có được bao lưu không? Thời gian bảo lưu trong bao lâu?
Tiến sĩ Vũ Viết Bình: Năm 2015 ĐH QG HN tổ chức hai đợt thi đánh giá năng lực để xét tuyển vào các ngành học của ĐH QG HN.
Đợt 1 vào 30 và 31-5, Đợt 2 vào 1 và 2-8. Kết quả thi đánh giá năng lực có giá trị để đăng ký xét tuyển vào ĐH QG HN là 24 tháng kể từ ngày dự thi.
Hỏi: Sau khi có kết quả thi THPT quốc gia rồi mới đăng ký xét tuyển, nhưng thí sinh chưa biết điểm chuẩn của các trường, vậy làm sao để dự đoán được xác suất đậu ạ?
TS Nguyễn Đức Nghĩa: Theo qui chế tuyển sinh ĐH, CĐ chính qui, sau khi có kết quả thi THPT QG, căn cứ ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào do Bộ GD-ĐT quy định, các trường công bố điều kiện xét tuyển vào các ngành của trường và tổ chức xét tuyển theo lịch của Bộ GDĐT.
Căn cứ chỉ tiêu tuyển sinh của trường, Hội đồng tuyển sinh trường xem xét, quyết định phương án điểm trúng tuyển.
Cập nhật dữ liệu đăng ký xét tuyển vào trường lên hệ thống quản lý dữ liệu tuyển sinh quốc gia; 3 ngày một lần công bố trên trang thông tin điện tử của trường danh sách các thí sinh đăng ký xét tuyển xếp theo kết quả thi từ cao xuống thấp.
Như vậy trước khi kết thúc mỗi đợt xét tuyển, thí sinh có thể dự đoán xác xuất đậu của mình và trong qui chế cũng cho phép trong thời gian quy định của đợt xét tuyển này, thí sinh được quyền thay đổi ngành học đã đăng ký hoặc rút hồ sơ đăng ký xét tuyển để nộp vào trường khác.
Hỏi:Thí sinh có được chuyển nguyện vọng giữa các ngành trong hệ thống trường ĐH Quốc gia Hà Nội hay không?
Tiến sĩ Vũ Viết Bình: ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức xét tuyển 2 đợt. Trong đợt 1, thí sinh được phép đăng ký dự tuyển tối đa 3 ngành của một đơn vị đào tạo thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội theo thứ tự ưu tiên.
Đợt 2 xét tuyển bổ sung vào những ngành còn chỉ tiêu của đợt 1. Nếu thí sinh không trúng tuyển đợt 1, được phép đăng ký dự tuyển đợt 2.
Hỏi: Việc xét tuyển nguyện vọng bổ sung tại ĐHQGHN năm nay sẽ được thực hiện thế nào khi trường chỉ chấp nhận kết quả thi theo cách riêng vào trường?
Tiến sĩ Vũ Viết Bình: Nếu thí sinh không trúng tuyển đợt 1, sẽ được đăng ký xét tuyển đợt bổ sung vào các ngành còn chỉ tiêu của các đơn vị đào tạo thuộc ĐH QG HN.
Chi tiết sẽ được công bố trên website của ĐH QG HN và của các đơn vị đào tạo.
Hỏi: Thi vào ĐH Ngoại ngữ - ĐHQGHN thì ngoài bài thi đánh gia năng lực chung em có phải làm thêm bài thi nào khác không? Cấu trúc đề thi riêng vào trường có thể tham khảo ở đâu?
Tiến sĩ Vũ Viết Bình: Nếu em có nguyện vọng dự tuyển vào ĐH Ngoại ngữ thuộc ĐH QG HN, em cần hoàn thành bài thi đánh giá năng lực và bài thi ngoại ngữ (1 trong 6 ngoại ngữ: Anh, Nga, Pháp, Đức, Trung, Nhật).
Cấu trúc đề thi của bài thi đánh giá năng lực và bài thi ngoại ngữ được công bố trên website của ĐH QG HN, website của trường ĐH Ngoại ngữ thuộc ĐH QG HN, website của Trung tâm khảo thí ĐH QG HN.
Hỏi: Trường ĐH Công nghệ ĐHQG Hà Nội tuyển sinh một điểm chuẩn chung có đúng không? Trường tuyển những ngành nào, khối thi nào?
Tiến sĩ Vũ Viết Bình: Trường ĐH Công nghệ thuộc ĐH QG HN căn cứ vào kết quả bài thi đánh giá năng lực để xét tuyển. Điểm trúng tuyển được xác định theo nhóm ngành.
Thí sinh trúng tuyển sẽ được phân vào ngành cụ thể trong nhóm ngành trên cơ sở nguyện vọng đăng ký của thí sinh, điểm thi và chỉ tiêu của từng ngành.
Hỏi: Cho em hỏi năm nay Bộ Giáo dục nói qui định về điểm ngưỡng tối thiểu cho từng môn, khác hẳn với mọi năm là tính điểm sàn theo khối thi là như thế nào?
Điều này quả thực gây khó khăn cho tụi em, vì như nhưng năm trước để đạt điểm sàn xét tuyển ĐH, tụi em chỉ cần tổng điểm 3 môn đạt bằng hoặc trên sàn vì trong 1 khối có môn không thuộc sở trường (các môn điểm cao hơn có thể bù trừ cho nhau).
PGS-TS Trần Văn Nghĩa: Các ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào sẽ được tính toán trên việc phân tích phổ điểm trên toàn quốc của các thí sinh đã đăng kí sử dụng kết quả của kì thi để xét tuyển ĐH-CĐ.
Và ngưỡng đảm bảo chất lượng dự kiến sẽ được quy định theo tổng điểm ba môn của từng tổ hợp xét tuyển.
Hỏi: Em làm bài thi thử vào trường và thường làm được khoảng 50% số câu hỏi. Liệu em có cơ hội trúng tuyển vào ngành công nghệ thông tin? Mức điểm đó em nên chọn ngành nào thì phù hợp?)
Tiến sĩ Vũ Viết Bình: Đề thi mẫu theo phương thức đánh giá năng lực đã được công bố trên website của ĐHQG HN với mục đích để thí sinh làm quen với dạng thức và cấu trúc đề thi.
Tuy nhiên nếu em chỉ làm được khoảng 50% đề thi mẫu, em nên tích cực học tập nhiều hơn nữa thì khả năng trúng tuyển vào ĐH QG HN sẽ cao hơn.
Hỏi: Em có thể vừa dùng học bạ xét tuyển vào trường tư và đồng thời dùng điểm kì thi quốc gia xét tuyển vào các trường công lập khác được không?
PGS-TS Trần Văn Nghĩa: Để sử dụng học bạ xét tuyển vào các trường có đề án tuyển sinh riêng, em cần đọc kĩ quy định xét tuyển của trường đó để đăng kí xét tuyển.
Còn nếu sử dụng kết quả thi THPT quốc gia để xét tuyển thì em phải đọc kĩ quy định tại điều 13 của quy chế tuyển sinh ĐH-CĐ. Em có thể đồng thời thực hiện cả hai việc này.
Hỏi: Các trường đại học có công bố điểm xét tuyển trước để thí sinh biết khi nộp hồ sơ vào không?
PGS.TS Mai Văn Trinh: Sau khi có kết quả Kỳ thi THPT quốc gia, Bộ GD-ĐT sẽ căn cứ vào kết quả thi, chỉ tiêu tuyển sinh, các đối tượng ưu tiên... để xây dựng và công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào ĐH, CĐ.
Trên cơ sở đó, các trường ĐH, CĐ xây dựng phương án xét tuyển sao cho điểm trúng tuyển không được thấp hơn ngưỡng đảm bảo chất lượng nói trên.
Để tạo thuận lợi cho thí sinh, khác với những năm trước đây, năm nay, mỗi thí sinh sẽ nhận được 4 giấy chứng nhận kết quả thi.
Với mỗi giấy chứng nhận kết quả, các em được đăng ký tối đa 4 nguyện vọng vào 4 ngành/ nhóm ngành khác nhau của một trường.
Trong đó:
- 1 giấy chứng nhận kết quả thi dùng để xét tuyển sinh đợt 1. Trong thời gian 20 ngày của đợt xét tuyển này, thí sinh được phép rút hồ sơ đã đăng ký để đăng ký xét tuyển vào một trường ĐH, CĐ khác.
Đồng thời, cứ 3 ngày 1 lần, các trường phải công bố tình hình xét tuyển của trường sau khi đã cập nhật và sắp xếp danh sách thí sinh theo điểm từ cao xuống thấp, để thí sinh theo dõi và lựa chọn. Thí sinh đã trúng tuyển đợt 1 sẽ không được tham gia xét tuyển các đợt tiếp theo.
-3 giấy chứng nhận kết quả còn lại các em sử dụng để xét tuyển nguyện vọng bổ sung.
Trong mỗi đợt (từ đợt 2 trở đi), các em có thể sử dụng cả ba giấy chứng nhận kết quả này. Điểm xét tuyển đợt sau không được thấp hơn điểm trúng tuyển đợt trước.
Hỏi: Em là thí sinh tự do, hộ khẩu ở Long An. Năm nay em muốn thi vào 1 trường đại học ở TP.HCM, vậy khi nộp hồ sơ đăng ký dự thi thì em nộp hồ sơ ở đâu và em có được dự thi ở cụm do các trường đại học ở TP.HCM chủ trì hay không? Hiện tại em đang sống ở TP.HCM.
TS Nguyễn Đức Nghĩa: Thí sinh tự do đăng ký thi THPT quốc gia tại địa điểm do Sở GD-ĐT quy định. Hồ sơ đăng ký dự thi đối với thí sinh tự do đã tốt nghiệp THPT:
a) 2 Phiếu đăng ký dự thi giống nhau;
b) Bằng tốt nghiệp THPT hoặc trung cấp (bản sao);
c) 2 ảnh cỡ 4x6 cm và 2 phong bì đã dán sẵn tem và ghi rõ địa chỉ liên lạc của thí sinh.
Để xét tuyển sinh ĐH, CĐ, thí sinh đã tốt nghiệp THPT phải đăng ký dự thi tại các cụm thi do các trường ĐH chủ trì và chỉ cần đăng ký dự thi các môn thi theo quy định của trường ĐH, CĐ đối với ngành đào tạo mà thí sinh có nguyện vọng (tối thiểu 3 môn).
Hỏi: Cho em hỏi các chương trình đào tạo đặc biệt của ĐHQG HN năm nay có gì đặc biệt?
Tiến sĩ Vũ Viết Bình: Năm 2015, ngoài các chương trình đào tạo chuẩn, ĐH QG HN vẫn tiếp tục tuyển sinh các chương trình đào tạo tài năng, chất lượng cao, chuẩn quốc tế của một số ngành học.
Thí sinh trúng tuyển nhập học, nếu đủ điều kiện theo quy định của các đơn vị đào tạo thì sẽ được tham gia kỳ thi xét tuyển vào các chương trình đào tạo này.
Hỏi: Em là học sinh tự do. Năm trước thi không đậu năm nay ôn thi lại. Trường cấp 3 em học là tại Đắk Lắk nhưng giờ lại đang ôn thi ở TP.HCM. Vậy em có thể đăng kí thi ở TP.HCM không?
TS Nguyễn Đức Nghĩa: Thí sinh tự do đăng ký thi THPT QG tại địa điểm do Sở GDĐT quy định. Hồ sơ đăng ký dự thi đối với thí sinh tự do đã tốt nghiệp THPT:
a) 02 Phiếu đăng ký dự thi giống nhau;
b) Bằng tốt nghiệp THPT hoặc trung cấp (bản sao);
c) 02 ảnh cỡ 4x6 cm và 02 phong bì đã dán sẵn tem và ghi rõ địa chỉ liên lạc của thí sinh.
Để xét tuyển sinh ĐH, CĐ, thí sinh đã tốt nghiệp THPT phải đăng ký dự thi tại các cụm thi do các trường ĐH chủ trì và chỉ cần phải đăng ký dự thi các môn thi theo quy định của trường ĐH, CĐ đối với ngành đào tạo mà thí sinh có nguyện vọng (tối thiểu 3 môn).
Hỏi: Về việc đăng ký xét tuyển vào ĐH, CĐ chia làm 4 đợt, chúng tôi còn rất mù mờ về cách thức này cũng như nguyện vọng 1 và xét tuyển bổ sung.
Vui lòng cho 1 ví dụ cụ thể, chẳng hạn con tôi đăng ký thi khối A1 và D1 vào ĐH Quốc gia TP.HCM thì chúng tôi phải đăng ký như thế nào, sao cho khả năng được vào đại học cao nhất ngay từ đợt xét tuyển đầu tiên, cũng như nếu không đạt thì phải làm sao để đạt trong các kỳ xét bổ sung.
PGS TS Trần Văn Nghĩa: Nếu cháu đã thi các môn của khối A1 và D1, sau khi có kết quả thi, trước hết bác phải cân nhắc chọn một trường mà gia đình và cháu mong muốn được vào học nhất, nhưng lại phù hợp với kết quả thi của khối A1 hoặc D1 (gia đình có thể tham khảo điểm trúng tuyển các năm trước của các trường để đưa ra quyết định).
Tiếp theo, gia đình và cháu phải cân nhắc để lựa chọn tối đa 4 ngành của trường đó để đăng kí theo thứ tự ưu tiên từ 1 đến 4 ( lưu ý không nên chọn ngành mà mình không muốn học, vì nếu đã trúng tuyển nguyện vọng 1 thì sẽ không được quyền đăng kí nguyện vọng bổ sung).
Trong thời gian 20 ngày của đợt xét tuyển nguyện vọng 1, ba ngày một lần, các trường sẽ côcông bố ng khai danh sách thí sinh đăng kí xét tuyển vào trường và xếp thứ tự điểm thi từ cao tới thấp.
Gia đình và cháu phải theo dõi thông tin này, để nếu cần thiết thì điều chỉnh lại nguyện vọng đã đăng kí hoặc rút hồ sơ để đăng kí sang trường khác.
Về cơ bản, nếu có sự cân nhắc kĩ càng thì khả năng trúng tuyển nguyện vọng 1 rất lớn. Trường hợp không trúng tuyển thì mới dùng đến các đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung.
Việc đăng kí xét tuyển nguyện vọng bổ sung giống hoàn toàn với các đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung của năm 2014, nhưng sẽ có nhiều cơ hội hơn, vì tối đa các em có 12 nguyện vọng (3 giấy xác nhận kết quả thi, mỗi giấy có thể đăng kí tối đa 4 nguyện vọng).
Hỏi: Năm nay ĐHQG Hà Nội có tuyển thẳng học sinh giỏi quốc gia hay không? Trường tuyển sinh riêng như vậy có ưu tiên xét tuyển cho thí sinh đạt giải học sinh giỏi quốc gia tham gia thi hay không?
Tiến sĩ Vũ Viết Bình: ĐH QG HN thực hiện chính sách ưu tiên trong tuyển sinh theo quy chế tuyển sinh hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Hỏi : Em học CĐ ngành tài chính ngân hàng và muốn liên thông ĐH tại ĐHQG Hà Nội. Cho em hỏi ĐHQGHN có tuyển sinh liên thông ngành này không? Nếu liên thông thì em dự thi thế nào bởi năm nay trường tuyển sinh riêng?
Tiến sĩ Vũ Viết Bình: ĐH QG HN không tổ chức đào tạo liên thông ngành Tài chính Ngân hàng.
Hỏi: Em chọn thi 4 môn: Toán, Lý, Văn, Anh. Vậy em được chọn 2 tổ hợp khác nhau (A1 và D1 cũ ) cho 2 ngành khác nhau trong cùng một trường không? Hay chỉ xét một tổ hợp môn cho 2 ngành?
PGS-TS Trần Văn Nghĩa: Nếu em có kết quả thi của hai khối thi, em có thể sử dụng kết quả của cả hai khối thi để đăng kí vào 4 ngành của trường đó (nếu như các ngành của trường đó có sử dụng kết quả thi của hai khối thi đó để xét tuyển).
Hỏi: Em là 1 học sinh của TT giáo dục thường xuyên Q.10, TP.HCM. Với kỳ thi quốc gia năm nay, theo em được biết là hệ giáo dục thường xuyên sẽ miễn thi Anh văn và được chọn môn khác.
Trong khi đó môn Anh văn lại là sở trường của em, và em cũng đã lấy được chứng chỉ IELTS 6.0. Vậy cho em hỏi liệu em có được chọn môn Anh văn để xét tốt nghiệp nếu như em muốn chọn?
PGS-TS Trần Văn Nghĩa: Mặc dù hệ GD thường xuyên không bắt buộc phải thi môn Ngoại ngữ, nhưng nếu em có chứng chỉ ngoại ngữ theo đúng quy định của Bộ GD-ĐT thì em vẫn được miễn thi Ngoại ngữ và sử dụng kết quả miễn thi đó để xét tốt nghiệp.
Hỏi: Khi đăng ký xét tuyển đợt 1 vào ĐH Quốc gia TP.HCM, có thể đăng ký 4 nguyện vọng: ngành Báo chí, ngành Ngôn ngữ Anh (ĐH khoa học xã hội và nhân văn), ngành Kinh doanh quốc tế và ngành Marketing (ĐH Kinh tế Luật) được không?
Khi xét tuyển, nếu điểm thi cao đủ để vào 4 nguyện vọng đã chọn thì thí sinh có được quyền lựa chọn ngành hay không? Hay là xét theo kiểu thứ tự không đạt NV1 mới xét NV2, NV3, NV4?
- TS Nguyễn Đức Nghĩa: Đại học Quốc gia TP.HCM tuyển sinh ĐH tại 7 đơn vị bao gồm: Trường ĐHBK (QSB), Trường ĐHKHTN (QST), Trường ĐHKHXHNV (QSX), Trường ĐHQT (QSQ), Trường ĐH KTL (QSK), Trường ĐHCNTT (QSC) và Khoa Y (QSY).
Theo dự kiến, đối với các trường thành viên ĐHQGHCM:
Ở đợt xét tuyển thứ nhất (NV1): mỗi phiếu đăng ký xét tuyển có thể đăng ký các ngành/nhóm ngành thuộc 2 đơn vị thành viên. Cụ thể như sau:
+ 3 nguyện vọng đầu tiên dành cho các ngành/nhóm ngành của đơn vị thứ nhất
+ nguyện vọng thứ 4 dành cho 1 ngành/nhóm ngành của đơn vị thứ hai.
Các nguyện vọng được xét theo thứ tự ưu tiên lần lượt từ 1 đến 4. Thí sinh đã trúng tuyển NV trước sẽ không được xét NV sau.
Ở các đợt xét tuyển bổ sung (sử dụng các phiếu đăng ký số 2, 3, 4): Mỗi phiếu đăng ký xét tuyển chỉ đăng ký cho các ngành/nhóm ngành của 1 đơn vị.
Với trường hợp cụ thể nêu trong câu hỏi này thì thí sinh có thể đăng ký như sau:
Phương án 1:
NVIa: ngành Báo chí (ĐH khoa học xã hội và nhân văn)
NVIb: ngành Ngôn ngữ Anh (ĐH khoa học xã hội và nhân văn)
NVIc: một ngành nào đó phù hợp với các môn đã thi hoặc có thể không đăng ký
NVId: chọn 1 trong hai ngành (ngành Kinh doanh quốc tế hoặc ngành Marketing) (ĐH Kinh tế Luật )
Phương án 2:
NVIa: ngành Kinh doanh quốc tế (ĐH Kinh tế Luật )
NVIb: ngành Marketing (ĐH Kinh tế Luật )
NVIc: (có thể không đăng ký)
NVId: chọn 1 trong hai ngành (ngành Báo chí hoặc ngành Ngôn ngữ Anh) (ĐH khoa học xã hội và nhân văn).
Thông tin chính thức về xét tuyển của ĐHQGHCM sẽ được sớm công bố trong thời gian sắp tới.
Hỏi: Năm nay tôi có con học 12 và có thắc mắc như sau: tôi có đọc quy chế tuyển sinh thì thấy thí sinh sau khi thi sẽ được cấp 4 phiếu báo kết quả. 1 phiếu NV1 và 3 phiếu xét tuyển NVBS.
Tôi có đọc trên báo thì mỗi báo nói 1 kiểu làm tôi càng thêm hoang mang. vtv.vn trong chương trình chuyển động 24h thì nêu "Mỗi thí sinh được phép nộp tối đa 3 trường cho mỗi phiếu điểm thay vì một trường như trước đây".
Trong khi đó các báo khác thì nêu là mỗi phiếu chỉ được nộp 1 trường.
PGS.TS Mai Văn Trinh: Sau khi có kết quả Kỳ thi THPT quốc gia, Bộ GD-ĐT sẽ căn cứ vào kết quả thi, chỉ tiêu tuyển sinh, các đối tượng ưu tiên... để xây dựng và công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào ĐH, CĐ.
Trên cơ sở đó, các trường ĐH, CĐ xây dựng phương án xét tuyển sao cho điểm trúng tuyển không được thấp hơn ngưỡng đảm bảo chất lượng nói trên.
Để tạo thuận lợi cho thí sinh, khác với những năm trước đây, năm nay, mỗi thí sinh sẽ nhận được 4 giấy chứng nhận kết quả thi.
Với mỗi giấy chứng nhận kết quả, các em được đăng ký tối đa 4 nguyện vọng vào 4 ngành/ nhóm ngành khác nhau của một trường.
Trong đó:
- 1 giấy chứng nhận kết quả thi dùng để xét tuyển sinh đợt 1. Trong thời gian 20 ngày của đợt xét tuyển này, thí sinh được phép rút hồ sơ đã đăng ký để đăng ký xét tuyển vào một trường ĐH, CĐ khác.
Đồng thời, cứ 3 ngày 1 lần, các trường phải công bố tình hình xét tuyển của trường sau khi đã cập nhật và sắp xếp danh sách thí sinh theo điểm từ cao xuống thấp, để thí sinh theo dõi và lựa chọn. Thí sinh đã trúng tuyển đợt 1 sẽ không được tham gia xét tuyển các đợt tiếp theo.
-3 giấy chứng nhận kết quả còn lại các em sử dụng để xét tuyển nguyện vọng bổ sung. Trong mỗi đợt (từ đợt 2 trở đi), các em có thể sử dụng cả ba giấy chứng nhận kết quả này. Điểm xét tuyển đợt sau không được thấp hơn điểm trúng tuyển đợt trước.
Hỏi: Về việc đăng ký xét tuyển vào ĐHCĐ chia làm 4 đợt, chúng tôi còn rất mù mờ về cách thức này cũng như nguyện vọng 1 và xét tuyển bổ sung. Vui lòng cho 1 ví dụ cụ thể, chẳng hạn con tôi đăng ký thi khối A1 và D1 vào ĐHQG TP.HCM thì chúng tôi phải đăng ký như thế nào để khả năng được vào ĐH cao nhất ngay từ đợt xét tuyển đầu tiên, cũng như nếu không đạt thì phải làm sao để đạt trong các kỳ xét bổ sung.
TS Nguyễn Đức Nghĩa: Theo quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2015, sau khi có kết quả thi, mỗi thí sinh được cấp 4 Giấy chứng nhận kết quả thi (GCNKQT); trong đó có 1 GCNKQT dùng để xét tuyển sinh nguyện vọng I (NVI) và 3 GCNKQT dùng để xét nguyện vọng bổ sung (NVBS).
Căn cứ ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào do Bộ GDĐT quy định, các trường công bố điều kiện xét tuyển vào các ngành của trường và tổ chức xét tuyển theo lịch của Bộ GDĐT.
Trong thời gian do Bộ Giáo dục đào tạo qui định, thí sinh dùng bản chính GCNKQT dùng cho xét tuyển NVI để đăng ký xét tuyển NV1.
Trong thời gian quy định của đợt xét tuyển này, thí sinh được quyền thay đổi ngành học đã đăng ký hoặc rút hồ sơ đăng ký xét tuyển (ĐKXT) để nộp vào trường khác. Căn cứ chỉ tiêu tuyển sinh của trường, HĐTS trường xem xét, quyết định phương án điểm trúng tuyển.
Thí sinh đã trúng tuyển NV1, không được ĐKXT ở các đợt xét tuyển tiếp theo. Nếu không trúng tuyển theo NV1, thí sinh dùng 3 bản chính GCNKQT dùng để xét NVBS để ĐKXT NVBS.
Kết thúc mỗi đợt xét tuyển NVBS, thí sinh không trúng tuyển được quyền rút hồ sơ ĐKXT để ĐKXT đợt tiếp theo. Điểm xét tuyển đợt sau không thấp hơn điểm trúng tuyển đợt trước.
Cũng theo quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ, các trường xét tuyển phải cập nhật dữ liệu ĐKXT vào trường lên hệ thống quản lý dữ liệu tuyển sinh quốc gia; 3 ngày một lần công bố trên trang thông tin điện tử của trường danh sách các thí sinh ĐKXT xếp theo kết quả thi từ cao xuống thấp.
Điều này rất có lợi cho thí sinh vì thí sinh có thể dự đoán được phần nào khả năng trúng tuyển của mình nếu theo dõi sát các thông tin xét tuyển của ngành mà mình đã đăng ký.
Cần lưu ý là chỉ khi nào không trúng tuyển NV1 thí sinh mới được quyền sử dụng các GCNKQT còn lại để ĐKXT NVBS. Tất nhiên chẳng có thí sinh nào “mong muốn” rớt NV1 để có được 3 NVBS tiếp theo.
Dẫu có qui định là kết thúc mỗi đợt xét tuyển NVBS, thí sinh không trúng tuyển được quyền rút hồ sơ ĐKXT để ĐKXT đợt tiếp theo, nhưng, trên thực tế việc rút - nộp hồ sơ ĐKXT chưa chắc là thuận tiện cho thí sinh, nhất là các thí sinh ở xa.
Và hơn nữa, thật ra cơ hội cho NVBS của thí sinh đã bị thu hẹp về chỉ tiêu, về số lượng trường và ngành có thể ĐKXT NVBS. Điều này một lần nữa khẳng định thí sinh cần phải cân nhắc thận trọng khi ĐKXT ngay từ NV1.
Hỏi: Nếu em không đủ điểm vào ngành đã đăng kí thì có thể được xét để chuyển sang các ngành khác trong cùng 1 trường không? Và chỉ một số trường hay tất cả các trường có thể áp dụng việc chuyển như vậy? Có áp dụng đối với trường ĐHQGHN và ĐHNN-ĐHQGHN không?
Tiến sĩ Vũ Viết Bình: ĐHQG HN tổ chức xét tuyển 2 đợt. Trong đợt 1, thí sinh được phép đăng ký dự tuyển tối đa 3 ngành của một đơn vị đào tạo thuộc ĐH QG HN theo thứ tự ưu tiên. Đợt 2 xét tuyển bổ sung vào những ngành còn chỉ tiêu của đợt 1.
Nếu thí sinh không trúng tuyển đợt 1, được phép đăng ký dự tuyển đợt 2.
Quy định về xét tuyển áp dụng cho tất cả các đơn vị đào tạo thuộc ĐHQG HN, trong đó có trường ĐH Ngoại ngữ thuộc ĐHQG HN.
Hỏi: Đại học Quốc gia khoa Y TP.HCM có đào tạo ngành Y học cổ truyền hệ ĐH chính quy không? Cơ hội việc làm trong các bệnh viện nhà nước là như thế nào
TS Nguyễn Đức Nghĩa: Khoa Y, ĐHQG-HCM đào tạo ngành y đa khoa, không đào tạo ngành y học cổ truyền. Cơ hội làm việc trong các bệnh viện phụ thuộc vào nhiều yếu tố như chỉ tiêu biên chế của bệnh viện, năng lực của sinh viên sau khi tốt nghiệp… Các bệnh viện luôn có nhu cầu tuyển nhân sự có năng lực giỏi.
Hỏi: Tôi ở tỉnh Đắk Lắk, có cháu đang học ôn thi ĐH tại một trung tâm ở Nha Trang, Khánh Hòa. Cháu có thể đăng ký dự thi (tốt nghiệp THPT xét tuyển sinh ĐH) tại Nha Trang, nhưng đến ngày thi thì về Đắk Lắk thi được không?
PGS-- - TS Trần Văn Nghĩa: Nếu là thí sinh tự do thì cháu có thể đăng kí dự thi tại Khánh Hòa hoặc Đắk Lắk đều được. Tuy nhiên, đăng kí dự thi ở đâu thì phải thi ở cụm thi đó.
Hỏi: Em muốn thi vào ngành kiến trúc Trường ĐH Bách khoa. Cho hỏi khi nào trường tổ chức thi năng khiếu? ĐH Quốc gia TP.HCM có xét nguyện vọng liên thông giữa các trường không hay cả 4 nguyện vọng trong mỗi đợt đều chỉ xét ở 1 trường?
TS Nguyễn Đức Nghĩa: Môn năng khiếu (vẽ) dành cho thí sinh xét tuyển vào ngành Kiến trúc thuộc trường ĐH Bách Khoa dự kiến được tổ chức vào ngày 11/7/2015 (một tuần sau kỳ thi THPT QG).
Theo dự kiến, trong số 4 nguyện vọng của NVI, 3 nguyện vọng đầu được sử dụng để xét tuyển liên thông giữa các nhóm ngành trong cùng một trường, nguyện vọng số 4 sẽ được sử dụng để xét tuyển liên thông giữa các trường thành viên trong hệ thống ĐHQG-HCM.
Hỏi: Cho em hỏi một bằng chứng nhận học sinh giỏi quốc gia được làm hồ sơ tuyển thẳng vào mấy trường ĐH? Nếu nộp vào trường ưu tiên xét tuyển học sinh đạt giải quốc gia có tính là một nguyện vọng không?
PGS TS Trần Văn Nghĩa: Việc tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển được quy định trong hướng dẫn tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển của Bộ GD-ĐT. Văn bản này sẽ sớm ban hành, các em có thể căn cứ vào quy định của văn bản này để thực hiện.
Hỏi: Đề thi riêng của ĐHQG Hà Nội có dạng thức như thế nào? Có giống với đề thi ĐH mọi năm hay không và thí sinh có cần ôn thi hay không? Em ở Quảng Bình thì có thể dự thi ở đâu là tiện nhất ạ?
Tiến sĩ Vũ Viết Bình: ĐH QG HN đã công bố đề thi mẫu . Em có thể vào Website để theo dõi.
Hỏi: Tôi có đứa cháu năm 2014 thi trượt vào Đại học. Vậy năm nay (2015), cách thức thi như thế nào. Có phải thi chung với kỳ thi quốc gia năm 2015 không?
PGS-TS Trần Văn Nghĩa: Nếu cháu trượt ĐH năm 2014 thì vẫn phải dự kì thi THPT quốc gia năm nay. Nhưng cháu sẽ không phải đăng kí các môn thi tối thiểu để xét tốt nghiệp mà chỉ đăng kí nhưng môn thi để xét tuyển ĐH-CĐ.
Hỏi: Xin các thầy giải đáp giùm em thắc mắc như sau: Phiếu điểm đầu tiên dùng để xét tuyển Đại học lần 1, vậy 3 phiếu điềm còn lại em có thể nộp cùng một lúc vào 3 trường đại học ở kỳ xét tuyển nguyện vọng bổ sung lần 2 được không ?
PGS TS Trần Văn Nghĩa: Khác với việc đăng kí xét tuyển nguyện vọng 1, khi đăng kí xét tuyển nguyện vọng bổ sung, các em có thể đồng thời sử dụng cả ba giấy xác nhận kết quả thi để đăng kí vào 3 trường khác nhau. Mỗi trường có thể đăng kí tối đa 4 nguyện vọng.
Hỏi: Em năm nay đang học THPT tại Cần Thơ và có nguyện vọng thi vào trường Đại học Kinh Tế TP.HCM. Vậy năm nay địa điểm thi và thời gian thi của em sẽ là: 1.
Tại trường THPT ở Cần Thơ và thời gian thi là 1, 2, 3 và 4/7 sau đó lấy kết quả đăng ký vào trường đại học Kinh tế? 2. Hay tại trường Đại học Kinh tế và thời gian thi là 1, 2 ,3 và 4/7?
Và nếu em có nguyện vọng thứ 2 thi vào trường Đại học Mỹ thuật TP.HCM thì thời gian thi và địa điểm thi sẽ như thế nào, do trường Đại học mỹ thuật sẽ thi môn vẽ?
PGS.TS Trần Văn Nghĩa: Với trường hợp của em, em sẽ dự Kỳ thi THPT quốc gia tại cụm thi do Bộ GD-ĐT quy định với trường THPT cháu đang theo học tại Cần Thơ theo thời gian thi do Bộ GD-ĐT quy định. Dự kiến Kỳ thi THPT quốc gia sẽ tổ chức ngày 1,2,3 và 4-7.
Nếu thi vào Trường ĐH Mỹ thuật TP HCM thì các em phải theo dõi thông tin tuyển sinh của trường để biết thời gian, cách thức đăng ký hồ sơ dự thi vào trường và thời gian thi cụ thể.
Hỏi: Con trai tôi đã có chứng chỉ IELTS 7.0 (tháng 1/2015). Theo qui định, cháu sẽ được miễn thi và được điểm 10 môn Ngoại ngữ để xét tốt nghiệp THPT.
Nhưng do dự định xét tuyển khối D trường ĐH Quốc Tế - ĐH Quốc gia nên cháu vẫn phải dự thi môn tiếng Anh. Vậy điểm xét tốt nghiệp sẽ là 10 hay lấy điểm Anh văn cháu thi?
PGS TS Trần Văn Nghĩa: Nếu cháu được miễn thi môn Ngoại ngữ thì cháu sẽ được lấy điểm 10 để xét tốt nghiệp THPT, còn để xét tuyển vào các trường ĐH-CĐ có môn Ngoại ngữ thì cháu phải thi môn Ngoại ngữ và sử dụng kết quả thi môn Ngoại ngữ để xét tuyển theo quy định của trường.
Hỏi: Theo quy chế thi THPT quốc gia, việc chấm thi sẽ chi tiết đến 0,25 và không làm tròn điểm. Vậy xin các thầy cho biết, việc không làm tròn điểm này chỉ áp dụng đối với mỗi bài thi hay với tổng điểm 3 môn thi?
PGS TS Trần Văn Nghĩa: Theo quy định trong kì thi tuyển sinh ĐH-CĐ trước đây, điểm từng bài thi không làm tròn, nhưng sau khi cộng tổng điểm ba môn sẽ được làm tròn đến điểm lẻ là 0,5 điểm.
Nhưng theo quy định của kì thi THPT quốc gia, để tạo điều kiện thuận lợi cho các trường xét tuyển thì điểm thi của từng môn không làm tròn và tổng điểm thi của các tổ hợp môn thi cũng không làm tròn.
Hỏi: Con tôi học giỏi tương đối đều các môn, năm nay dự định thi 02 khối A và B. Cháu thích khối A, nộp đơn xét vào khối này nhưng không đậu.
Ở khối B, điểm cháu cao, cháu rút hồ sơ xét tuyển lần 2 vào khối này nhưng bị rớt lý do đã hết chỉ tiêu (vì đã nhận hết lần 1). Vậy so năm ngoái con tôi học giỏi thì có bị thiệt hơn không?
Tiến sĩ Vũ Viết Bình: Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm 2015, sau khi có kết quả của kỳ thi THPT Quốc gia, thí sinh mới đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH và CĐ trên cơ sở các phương thức tuyển sinh mà các trường công bố (thi tách khỏi tuyển).
Vì vậy, thí sinh có nhiều cơ hội hơn để trúng tuyển vào các trường. Tất nhiên thí sinh cần phải có kết quả thi THPT quốc gia tốt.
Ngoài 4 môn thi bắt buộc (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, một môn tự chọn trong số 5 môn Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học) để đủ kiện xét tốt nghiệp THPT, thí sinh có thể đăng ký dự thi các môn thi còn lại để có nhiều cơ hội đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ.
Như vậy, với những thí sinh có kiến thức giỏi toàn diện, cơ hội trúng tuyển vào trường ĐH, CĐ sẽ cao hơn. Với cơ chế tuyển sinh mới, sẽ không có tình trạng học sinh giỏi thực sự lại không có cơ hội để trúng tuyển vào ĐH như các năm trước.