Hỏi - Đáp về kỳ thi THPT quốc gia 2015

Vừa qua, tại buổi giao lưu trực tuyến tại báo Tuổi trẻ, lãnh đạo Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT), đại diện của ĐHQG Hà Nội và ĐHQG TP HCM đã giải đáp những băn khoăn về kỳ thi THPT quốc gia từ độc giả.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Hỏi: Em học tiếng Anh không giỏi, thi hay kiểm tra trong lớp chỉ 3,4 điểm. Kì thi quốc gia năm nay lại bắt buộc có môn tiếng Anh, em cảm thấy rất lo và áp lực.

Em sợ sẽ rớt tốt nghiệp dù cho ba môn thi ĐH (khối A) của em đủ điểm. Có cách nào có thể làm giảm bớt áp lực cho em cũng như có biện pháp nào giúp em có thể vượt qua môn này không ạ?

TS Nguyễn Đức Nghĩa - PGĐ ĐHQG TP HCM: Môn tiếng Anh là môn bắt buộc cho các thí sinh chưa tốt nghiệp và dự kỳ thi THPT Quốc gia.

Em dự kiến đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ theo khối thi A truyền thống (Toán, Lý, Hóa), như vậy em sẽ phải đăng ký thi 5 môn: 3 môn bắt buộc (Toán, Văn, Anh văn), 1 môn tự chọn để xét tốt nghiệp và 1 môn chọn thêm cho đủ 3 môn của khối thi A (nếu môn tự chọn để xét tốt nghiệp là Lý thì môn chọn thêm là Hóa và ngược lại).

Điểm xét tốt nghiệp gồm điểm 4 bài thi mà em đã đăng ký để xét công nhận tốt nghiệp, điểm ưu tiên, khuyến khích (nếu có) và điểm trung bình cả năm lớp 12.

Chỉ cần em không bị điểm liệt (1 điểm) của các môn thi dùng để xét tốt nghiệp và đạt điểm trung bình từ 5,0 điểm trở lên (theo công thức tính trong quy chế thi THPT QG 2015) thì em sẽ được công nhận tốt nghiệp.

Sau đó, để xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ theo khối A thì em chỉ cần dùng điểm của tổ hợp 3 môn Toán, Lý, Hóa chứ không cần dùng đến điểm của môn Anh văn nữa.

Hỏi: Xin cho hỏi thời gian bắt đầu đăng ký các môn thi cho ký thi quốc gia? Cần lưu ý điều gì khi làm hồ sơ để tránh sai sót? Có đăng ký môn xét tuyển ĐH luôn không? Ví dụ con tôi dự định thi khối A (Toán - Lý - Hóa) thì có thể xét ĐH khối A1 (Toán - Lý - Anh) được không?

TS Nguyễn Đức Nghĩa: Trong qui chế thi THPT quốc gia chỉ qui định ngày kết thúc đăng ký thi là 30-4 hàng năm.

Tuy nhiên, trong các phát biểu gần đây của Lãnh đạo Cục Khảo thí thì ngày bắt đầu nộp hồ sơ đăng ký dự thi THPT quốc gia dự kiến là ngày 15-3. Lịch nộp hồ sơ đăng ký dự thi (và kể cả chọn môn thi) sẽ được thông báo chính thức trong thời gian tới.

Điểm mới cơ bản của kỳ thi THPT QG năm 2015 là tách phần thi ra khỏi phần xét tuyển. Sau khi có kết quả thi (dự kiến vào cuối tháng 7 đầu tháng 8), thí sinh sẽ dùng kết quả này để đăng ký xét tuyển vào các ngành học của các trường ĐH, CĐ.

Nếu thí sinh có dự tính đăng ký xét tuyển các ngành theo khối thi A và A1 thì cần phải đăng ký 5 môn thi: 3 môn bắt buộc (Toán, Văn, Anh văn), 1 môn tự chọn để xét tốt nghiệp và 1 môn chọn thêm cho đủ 3 môn của khối thi A (nếu môn tự chọn để xét tốt nghiệp là Lý thì môn chọn thêm là Hóa và ngược lại), khi đó cũng đương nhiên đủ điều kiện để xét tuyển theo khối thi A1.

Hỏi: Xin cho hỏi thời gian bắt đầu đăng ký các môn thi cho kỳ thi quốc gia? Cần lưu ý điều gì khi làm hồ sơ để tránh sai sót? Có đăng ký môn xét tuyển đại học luôn không?

Ví dụ con tôi dự định thi khối A ( Toán - Lý - Hóa ) nhưng có thể xét ĐH khối A1 (Toán - Lý - Anh) được không ?

PGS TS Trần Văn Nghĩa - Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD&ĐT): Theo Quy chế thi THPT quốc gia thì thời gian kết thúc đăng ký dự thi là ngày 30-4. Dự kiến thời gian bắt đầu thí sinh đăng kí dự thi là ngày 1-4.

Khi làm hồ sơ, thí sinh cần lưu ý xác định mục đích tham dự kì thi (thi chỉ để xét tốt nghiệp THPT, chỉ để xét tuyển vào các trường ĐH-CĐ hay nhằm cả hai mục đích) và phải đánh dấu vào ô tương ứng trong phiếu đăng kí dự thi.

Thí sinh phải xác định chính xác môn thi: Để xét công nhận tốt nghiệp thì thí sinh phải đăng kí 4 môn thi, trong đó có các môn bắt buộc và môn tự chọn.

Để xét tuyển vào các trường ĐH- CĐ thí sinh cần căn cứ vào quy định xét tuyển của trường mà mình có nguyện vọng vào học để lựa chọn môn thi.

Các em có thể đăng kí tối đa 8 môn thi. Nếu đăng kí nhiều môn thi thì cơ hội xét tuyển nhiều hơn, Nhưng các em cần cân nhắc để lựa chọn số lượng môn thi phù hợp, đảm bảo cho việc ôn thi đạt kết quả cao nhất.

Trong khi đăng kí dự thi, các em cần phải điền thông tin cá nhân đặc biệt là thông tin liên quan tới chế độ ưu tiên trong tuyển sinh.

Các em cần phải điền đúng thông tin này, vì theo quy chế tuyển sinh ĐH-CĐ hệ chính quy, thí sinh phải chịu trách nhiệm về tính chính xác của các thông tin này. Các trường có quyền từ chối tiếp nhận hoặc buộc thôi học nếu do những sai sót khi khai chế độ ưu tiên dẫn đến việc thí sinh không đủ điểm trúng tuyển.

Hỏi: Cho em hỏi, trong kỳ thi này, em chọn 5 môn nhưng có bạn nói rằng một trong 5 môn đó dưới 5 điểm sẽ bị rớt tốt nghiệp, vậy cho em hỏi bạn em nói vậy có đúng không ạ?

PGS.TS Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng (Bộ GD&ĐT): Theo Quy chế thi THPT quốc gia, các thí sinh sẽ đăng ký thi các môn để xét tốt nghiệp THPT (gồm ba môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn, ngoại ngữ và một môn tự chọn) dùng để xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ.

Với bốn môn sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp thì mỗi môn phải đạt điểm lớn hơn 1 điểm, đồng thời tổng điểm các môn thi này cùng với điểm khuyến khích, ưu tiên (nếu có) và điểm trung bình cả năm lớp 12 thỏa mãn điều kiện xét tốt nghiệp (em xem thêm điều 37 Quy chế Thi THPT quốc gia).

Hỏi: Em đang học lớp 12 hệ giáo dục thường xuyên tại Kiên Giang, năm nay chỉ đăng ký thi để lấy bằng tốt nghiệp THPT thì em sẽ dự thi ở đâu? Thi tại Kiên Giang hay An Giang?

PGS-TS Trần Văn Nghĩa: Theo quy chế thi THPT quốc gia sẽ có hai loại cụm thi. Đối với thí sinh thi nhằm hai mục đích xét tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH-CĐ thì phải thi ở cụm thi liên tỉnh do trường ĐH chủ trì.

Còn thí sinh chỉ có nguyện vọng xét tốt nghiệp THPT thì có thể được thi tại cụm thi tại tỉnh, do sở GD-ĐT chủ trì, phối hợp với các trường ĐH-CĐ tổ chức.

Hỏi: Con gái tôi đang học ở trường PTTH chuyên ngữ - ĐH Quốc gia Hà Nội. Nay do gia đình chuyển vào TP.HCM nên muốn cháu học các trường đại học tại TP.HCM. Vậy trong trường hợp đó, cháu sẽ nộp hồ sơ đăng kí ở đâu và sẽ thi ở địa điểm thi nào?

PGS.TS Mai Văn Trinh: Cháu sẽ đăng ký dự thi tại cụm thi do Bộ GD-ĐT quy định đối với trường THPT cháu đang theo học.

Kết quả thi của cháu sẽ được sử dụng để xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ theo nguyện vọng của cháu. Cần lưu ý là khi đăng ký dự thi, cháu cần khai báo trong Phiếu đăng ký dự thi các môn thi và mục đích dự thi (trong đó có đăng ký lấy kết quả xét tuyển ĐH, CĐ).

Hỏi: 1. Cho em hỏi năm nay kì thi 2 trong 1 này sẽ tổ chức cụm thi như thế nào? Ví dụ như ở Đồng Nai và Vũng Tàu thì mình sẽ thi ở đâu và khi nào mình được biết nơi mình thì?

2. Mọi năm hình thức thi ĐH, CĐ thì em đã biết rõ và đã biết được số điểm mà mình nắm chắc rồi.

Nhưng năm nay hình thức thi thay đổi 1 cách hoàn toàn, thì làm thế nào để em có thể biết được mình nắm chắc được bao nhiêu phần trăm để thi ạ?

PGS.TS Mai Văn Trinh:

1. Bộ GD-ĐT sẽ sớm công bố các cụm thi do trường ĐH chủ trì để tổ chức thi cho thí sinh có nguyện vọng lấy kết quả xét tuyển ĐH, CĐ.

Các em sẽ được cung cấp thông tin đầy đủ, đồng thời được hướng dẫn chi tiết để làm thủ tục đăng ký dự thi.

Việc tổ chức cụm thi trong Kỳ thi THPT quốc gia sẽ tạo thuận lợi hơn cho các em dự thi so với những năm trước đây, nhất là với các thí sinh dự thi để xét tuyển ĐH, CĐ.

2. Năm nay, sau khi có kết quả thi, các em mới đăng ký xét tuyển vào ĐH, CĐ. Do đó, các em có cơ sở để lựa chọn ngành/ trường phù hợp với kết quả thi của mình.

Phần mềm tuyển sinh sẽ hỗ trợ các em trong việc lựa chọn nguyện vọng xét tuyển như đã nói ở trên. Tất cả những đổi mới này đều hướng tới tạo thuận lợi cho thí sinh.

Hỏi: Học sinh được đăng ký thi THPT theo các cụm thi liên tỉnh hay do Bộ GD&ĐT chỉ định? Việc rút, nộp hồ sơ của thí sinh đăng ký tuyển sinh đại học đối với thí sinh miền núi, vùng sâu chưa thuận lợi (khoảng cách rất xa: từ nhà tới trường đăng ký; từ trường ĐH này đến trường ĐH kia), Bộ GD&ĐT đã tính đến phương án nào cho thí sinh chưa?

PGS.TS Mai Văn Trinh: Đối với thí sinh dự thi chỉ để xét tốt nghiệp THPT sẽ thi tại trường hoặc liên trường THPT của tỉnh do sở GD-ĐT chủ trì, có sự phối hợp của các trường ĐH.

Đối với thí sinh dự thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ sẽ thi tại cụm thi do ĐH chủ trì.

So với những năm trước đây, các thí sinh dự thi để tuyển sinh ĐH, CĐ có nhiều thuận lợi hơn, thể hiện ở một số điểm cụ thể như sau:

- Chỉ dự thi một lần, nhưng kết quả được sử dụng tổ hợp thành các tổ hợp môn thi khác nhau để xét tuyển sinh ĐH, CĐ, chứ không phải thi thành các đợt khác nhau như các năm trước đây;

- Các thí sinh chỉ phải di chuyển trong khoảng cách ngắn hơn so với những năm trước đây khi các em dự thi tại trường ĐH, CĐ trong cả nước hoặc chỉ tại bốn cụm thi quốc gia ở Hải Phòng, Vinh, Quy Nhơn và Cần Thơ;

- Sau khi có kết quả thi, các em mới đăng ký xét tuyển, nên có cơ sở để lựa chọn ngành/ trường phù hợp;

- Ở đợt xét tuyển đầu tiên (đợt 1), trong thời gian cho phép, các em được phép thay đổi nguyện vọng xét tuyển (các năm trước, thí sinh không được quyền thay đổi).

Thay đổi này sẽ khó khăn hơn cho các trường, nhưng thuận lợi hơn cho thí sinh. Điều chỉnh này là sự cố gắng lớn của Bộ GD-ĐT và các cơ sở giáo dục ĐH, hướng tới tạo thuận lợi cho thí sinh.

Với các thí sinh ở các vùng khó khăn sẽ có những khó khăn hơn so với các vùng, miền thuận lợi khác trong cả nước. Các em cố gắng để tận dụng, khai thác những quyền lợi liên quan đến xét tuyển của mình.

Mọi chính sách ưu tiên vẫn được giữ ổn định trong Kỳ thi THPT quốc gia, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và ngành giáo dục- đào tạo đối với giáo dục ở các vùng khó khăn.

Hỏi: Em năm nay học lớp 12 trường THPT Phan Châu Trinh, Đà Nẵng. Năm 2015 có đổi mới về cơ chế ra đề thi. Đề thi tiếng Anh khối A1 có mức độ khó nhẹ hơn đề khối D (mọi năm tuyển sinh ĐH).

Nhưng năm nay đề thi tiếng Anh gộp chung cả khối A1 và D. Vậy không biết mức độ khó của đề thi hai khối này ra sao? Em có thể làm 8 điểm đề A1 nhưng chưa chắc đã làm được 6 điểm đề Khối D?

PGS.TS Mai Văn Trinh: Trong Kỳ thi THPT quốc gia sẽ tổ chức thi 8 môn, trong đó có môn ngoại ngữ (có môn tiếng Anh). Tất cả thí sinh tham dự kỳ thi này sẽ sử dụng chung cùng một đề thi cho mỗi môn.

Tùy theo năng lực, nguyện vọng mà các em đăng ký dự thi các môn phù hợp với mục đích dự thi của mình. Cần lưu ý là các em có thể lựa chọn thi các môn lấy kết quả vừa để xét tốt nghiệp THPT đồng thời để sử dụng vào các tổ hợp môn thi xét tuyển vào ĐH, CĐ.

Đề thi các môn nói chung, môn tiếng Anh nói riêng sẽ vừa có những câu ở mức độ cơ bản phù hợp với cả học sinh THPT và học viên giáo dục thường xuyên (thí sinh chỉ cần trả lời các câu hỏi này là có thể đáp ứng yêu cầu tốt nghiệp THPT) và các câu hỏi ở mức khó hơn nhằm phân hóa trình độ học sinh, phục vụ cho tuyển sinh ĐH, CĐ.

Như vậy, các em có nhiều thuận lợi và giảm được áp lực thi cử so với những năm trước đây.

Hỏi: Cho em xin hỏi thi môn Địa lí có được sử dụng Atlat Địa lí Việt Nam không?

PGS TS Trần Văn Nghĩa: Theo quy chế thi THPT quốc gia, khi dự thi môn Địa lí, thí sinh được phép sử dụng Atlat Địa lý Việt Nam do NXB Giáo dục VN phát hành, không được đánh dấu hoặc viết thêm bất cứ nội dung gì.

Hỏi: Theo quy chế thi THPT quốc gia, việc chấm thi sẽ chi tiết đến 0,25 và không làm tròn điểm. Vậy xin các thầy cho biết, việc không làm tròn điểm này chỉ áp dụng đối với mỗi bài thi hay với tổng điểm 3 môn thi?

PGS TS Trần Văn Nghĩa: Theo quy định trong kì thi tuyển sinh ĐH-CĐ trước đây, điểm từng bài thi không làm tròn, nhưng sau khi cộng tổng điểm ba môn sẽ được làm tròn đến điểm lẻ là 0,5 điểm.

Nhưng theo quy định của kì thi THPT quốc gia, để tạo điều kiện thuận lợi cho các trường xét tuyển thì điểm thi của từng môn không làm tròn và tổng điểm thi của các tổ hợp môn thi cũng không làm tròn.

Theo Tuổi Trẻ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ