Để bảo đảm an toàn cho lớp học online đòi hỏi giáo viên, nhà trường phải có biện pháp cụ thể để kiểm soát. Bên cạnh đó, cần hướng dẫn học sinh kỹ năng tham gia môi trường mạng.
Lớp học online và sự cố bất ngờ
Theo phản ánh của một số giáo viên, thời gian đầu khi học trực tuyến, một số học sinh chưa ý thức nên cho bạn bè pass, ID để đăng nhập vào… gây ồn ào mất trật tự lớp học. Các em còn “tám” chuyện riêng, ăn mặc chưa thực sự gọn gàng, thậm chí có hiện tượng, cố tình để khuất hai tay trước camera nhằm chơi game, đọc truyện… Điều đó ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả dạy học online.
Bên cạnh đó, nhiều phụ huynh cho rằng, việc học trực tuyến là giải pháp tối ưu ở thời điểm này, nhưng họ cũng trăn trở việc làm sao để kiểm soát con em sử dụng máy tính, điện thoại thông minh vào mục đích học tập, giải trí lành mạnh. Bởi trên môi trường mạng, các em liệu có bị sa vào những trang web nhạy cảm, quảng cáo, clip có hại hay thậm chí bị tống tiền, lừa đảo…
Về những nguy cơ có thể xảy ra với trẻ khi tham gia học online, gần đây nhất, trên trang fanpage của Tổng đài quốc gia Bảo vệ trẻ em đưa ra cảnh bảo: Thời gian gần đây tổng đài 111 nhận được phản ánh của một số cha mẹ học sinh cho biết phát hiện loạt tin nhắn nhảy vào smartphone của con họ trong khi học online để dụ dỗ và lấy hình ảnh nhạy cảm của các em. Vì vậy, tổng đài 111 gửi tới quý phụ huynh, thầy cô thông tin để nâng cao cảnh giác, bảo vệ trẻ trong quá trình học tập trực tuyến trên các ứng dụng điện thoại thông minh.
Làm chủ công nghệ, đưa ra quy định nghiêm
Thầy Phạm Thư Tùng, giáo viên Trường THPT Ten Lơ Man (quận 1) cho biết: Dạy học online ngoài yếu tố chất lượng của mạng Internet, thiết bị hỗ trợ (máy tính, điện thoại thông minh), ý thức của học sinh là điều quan trọng. Bên cạnh đó, một yếu tố không thể thiếu chính là giáo viên phải làm chủ công nghệ.
“Khi sử dụng phần mềm nào, mình phải tìm hiểu kĩ, từ cách cài đặt chi tiết cho ứng dụng, đến kiểm soát nó. Ví như, cài chế độ phòng chờ, giáo viên phê duyệt, các thành viên mới được vào; cài chế độ chỉ giáo viên điều khiển lớp học; lập mã code cho từng lớp học…
Ngoài ra, giáo viên cũng quy định học sinh phải đặt tên trên lớp học online theo đúng họ tên, mã số học sinh, số thứ tự trong danh sách lớp và quy định: Không gây ồn ào, tắt míc, yêu cầu các em chọn chỗ yên tĩnh để học… Đồng thời yêu cầu học sinh không được cung cấp tài khoản, pass cho bất cứ ai. Nếu vi phạm sẽ có hình thức xử lý ở nhiều mức độ khác nhau”.
Lường trước những rủi ro trong quá trình dạy học trực tuyến, ngoài tập huấn kĩ cho giáo viên, thầy Trần Minh, Trường THCS - THPT Đào Duy Anh (quận 6) chia sẻ một số giải pháp để bảo đảm an toàn cho lớp học trực tuyến qua Zoom đang được nhiều giáo viên thực hiện.
Cụ thể: Cho học sinh vẽ lên bài giảng khi share screeen, khóa mute, khóa chức năng chat, khóa phòng học sau giờ dạy 15 phút, học sinh đăng nhập khai tên và mã số học sinh, điểm danh bắt đầu dạy và gọi học sinh phát biểu cộng điểm khuyến khích. Trường còn lập nhóm quản trị khi dạy ở đơn vị lớp gồm lớp trưởng và bí thư. Sắp tới, trường dự kiến sẽ chuyển qua sử dụng dạy học trực tuyến qua Office 365.
“Ngoài hướng dẫn học sinh tham gia lớp học trực tuyến theo quy định. Thầy cô thường xuyên nhắc nhở các em trong thời gian này tăng cường tập thể dục, không thức khuya, xem máy tính, điện thoại, chơi game… và giới thiệu thêm kênh học tập, trang thư viện, nguồn tài liệu hiệu quả. Trước đó, trường cũng tổ chức chuyên đề giáo dục học sinh dùng mạng xã hội an toàn, văn minh…”, thầy Minh cho hay.
Liên quan đến việc hướng dẫn học sinh tham gia môi trường học tập trực tuyến an toàn, thầy Vũ Hoàng Sơn, Trường Tiểu học Bình Hoà (quận Bình Thạnh) cho rằng: Với bậc tiểu học, do lứa tuổi các em còn nhỏ nên phụ huynh cần theo sát các con trong quá trình học online, nắm thời khoá biểu mà giáo viên cung cấp. Tránh “mặc kệ” các con vì lứa tuổi này chưa có kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin, chưa ý thức được việc vào các trang độc hại… Nhiều khi các con tò mò, tự do “lang thang” trên mạng rất nguy hiểm.
“Nhiều em học online qua điện thoại thông minh, iPad của bố mẹ… nên tôi đều căn dặn các con hết giờ, rời lớp học phải gửi lại ba mẹ ngay, không được mở bất cứ trang nào kể cả YouTube, trò chơi… nếu như không có sự đồng ý của người lớn. Tôi cũng trao đổi với phụ huynh để họ kiểm soát và dạy cho trẻ cách vào mạng đúng, an toàn”, thầy Sơn cho hay.
Thạc sĩ CNTT Lê Quang Song, điều hành hệ thống đào tạo lập trình tại TPHCM chia sẻ, thời điểm này khi học sinh thường xuyên vào mạng để phục vụ cho việc học online, phụ huynh cần kiểm soát chặt chẽ việc con em mình thông qua nắm thời khóa biểu của nhà trường. Một số phụ huynh có chuyên môn về CNTT có thể cài đặt các phần mềm như hẹn giờ tắt máy tính, cài đặt password khi con muốn mở một số trang… hoặc hiện nay một số nhà mạng Viettel, VNPT… đã có sử dụng “tường lửa” để chặn một số web đen, độc hại… nên họ có thể tham khảo.
Đối với trẻ nhỏ, thường các con mượn máy iPad, điện thoại thông minh của bố mẹ, còn ở cấp 3 thường các con có điện thoại riêng thì vấn đề khó kiểm soát hơn. Vì vậy, việc dạy con kỹ năng, giáo dục con biết cách tham gia vào môi trường mạng Internet an toàn, có chọn lọc là điều vô cùng quan trọng.
Đặc biệt là định hướng, hướng dẫn cho các con sử dụng máy tính với mục đích học tập, giải trí lành mạnh. Bởi mạng Internet có quá nhiều thông tin các lĩnh vực, nếu trẻ em, thanh thiếu niên, không biết cách chọn lọc nội dung phù hợp sẽ gây tác hại khó lường. Để giúp trẻ học hỏi được kiến thức thông qua giải trí, ba mẹ nên giới thiệu những trang web chứa nhiều thông tin bổ ích, phim ảnh, trò chơi… phù hợp từng độ tuổi.