Học trò vùng khó Hà Nội được tặng tivi, điện thoại nhân dịp khai giảng

GD&TĐ - Với đa số học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số còn khó khăn, nhiều trường học vùng xa của Hà Nội đã mua tặng tivi và điện thoại cho các em để hỗ trợ học trực tuyến.

Niềm vui không nhỏ đầu năm học

Ngay sau lễ khai giảng năm học mới theo hình thức trực tuyến trong buổi sáng, chiều 5/9, đại diện Ban giám hiệu Trường PTCS Hợp Nhất (Ba Vì, Hà Nội) cùng các ban ngành địa phương đã đi mua và tặng điện thoại thông minh cho một số học sinh nghèo trên địa bàn.

Thầy Đinh Hồng Trường – Hiệu trưởng nhà trường cho biết, năm học này toàn trường có tổng số 32 cán bộ, giáo viên; 233 học sinh từ lớp 1 – lớp 9. Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo các cấp, công tác tổ chức cho học sinh khai giảng năm học mới 2021 – 2022 bằng hình thức trực tuyến đã được nhà trường hoàn thành trong sáng 5/9.

Trước đó, các giáo viên chủ nhiệm đã tiến hành họp phụ huynh để tuyên truyền về việc cho học sinh học trực tuyến trong bối cảnh dịch bệnh.

Qua rà soát, học sinh của trường chủ yếu học bằng điện thoại, số em được trang bị máy tính là rất ít. Do đặc thù trên 90% học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số như Dao, Mường nên kinh tế gặp rất nhiều khó khăn. Một số em gia đình không có điều kiện để sắm điện thoại cho con nên không thể dự lễ khai giảng trực tuyến.

Sáng 5/9, lễ khai giảng trực tuyến được tổ chức với 1 điểm cầu tại trường và kết nối với học sinh qua các phòng học zoom của các lớp. Ảnh: Nhà trường cung cấp.
Sáng 5/9, lễ khai giảng trực tuyến được tổ chức với 1 điểm cầu tại trường và kết nối với học sinh qua các phòng học zoom của các lớp. Ảnh: Nhà trường cung cấp.

“Nắm bắt được thực tế đó, chúng tôi cùng với ban ngành của xã và các nhà hảo tâm chung tay mua những chiếc điện thoại thông minh tặng cho các em thực sự khó khăn. Ngay chiều 5/9, đoàn đã tới tận nhà 4 học sinh hộ nghèo để trao tặng 4 chiếc điện thoại cho các em có thêm công cụ phục vụ việc học trực tuyến trong năm học mới. Gia đình cũng như các em cảm thấy rất phấn khởi trước sự quan tâm của địa phương trên tinh thần sẻ chia, tương thân tương ái”, thầy Trường tâm sự.

Cầm trên tay món quà ý nghĩa, chị Lê Thị Hồng – một phụ huynh lớp 4 của trường xúc động nói: “Chúng tôi vô cùng cảm ơn sự quan tâm của lãnh đạo các cấp đã luôn tạo điều kiện tốt nhất để các cháu khó khăn có cơ hội được học trực tuyến tốt hơn. Có chiếc điện thoại này rồi, từ nay con tôi không phải chạy sang nhà bạn học nhờ nữa. Nhà chỉ làm ruộng nên thu nhập bấp bênh, tôi chỉ mong các cháu chịu khó học để lớn lên có thể thoát nghèo”.

Ông Dương Trung Xuân (thứ 2 từ trái qua) bày tỏ xúc động và cảm ơn sự quan tâm của nhà trường để cho cháu của ông có điện thoại học zoom trong năm học mới. Ảnh: Nhà trường cung cấp.
Ông Dương Trung Xuân (thứ 2 từ trái qua) bày tỏ xúc động và cảm ơn sự quan tâm của nhà trường để cho cháu của ông có điện thoại học zoom trong năm học mới. Ảnh: Nhà trường cung cấp. 

Cô giáo Nguyễn Thu Huyền – giáo viên Trường PTCS Hợp Nhất chia sẻ, đã hơn 10 năm gắn bó với trường nên cô thấu hiểu sự thiệt thòi của các em học sinh nơi đây. Đặc điểm dân cư nơi đây xa trung tâm, bà con chủ yếu làm nông nghiệp, thu nhập không đáng kể nên việc quan tâm chuyện học hành cho con có những hạn chế nhất định.

Chứng kiến cảnh một số em nhà nghèo không có tiền mua điện thoại, các em phải chạy sang nhà bạn để học chung nên ảnh hưởng ít nhiều tới chất lượng học trực tuyến, cô rất đồng cảm. Được sự quan tâm của chính quyền cùng các nhà hảo tâm, các em đã có được công cụ học trực tuyến khiến cô giáo cũng rất vui và nguyện đem hết tâm huyết của mình vào từng bài giảng.  

Vì hoàn cảnh khó khăn mà một số em phải sang nhà bạn học trực tuyến chung nhau bằng 1 chiếc điện thoại. Ảnh: Nhà trường cung cấp.
Vì hoàn cảnh khó khăn mà một số em phải sang nhà bạn học trực tuyến chung nhau bằng 1 chiếc điện thoại. Ảnh: Nhà trường cung cấp.

Tất cả vì học sinh

Cũng là một trường còn nhiều khó khăn của huyện Thạch Thất, Trường Tiểu học Yên Bình A hiện có 441 học sinh, 60% là con em đồng bào dân tộc Mường. Người dân chủ yếu làm ruộng nên điều kiện kinh tế còn hạn chế. Thầy Nguyễn Viết Thắng – hiệu trưởng nhà trường cho biết, ngay trước thời điểm khai giảng năm học, nhà trường cùng với UBND xã Yên Bình đã tiến hành tặng tivi, điện thoại thông minh cho 10 em có hoàn cảnh khó khăn.

Chính quyền xã Yên Bình cùng các ban ngành tặng tivi cho các gia đình học sinh có hoàn cảnh khó khăn để phục vụ học tập trên truyền hình. Ảnh: Nhà trường cung cấp.
Chính quyền xã Yên Bình cùng các ban ngành tặng tivi cho các gia đình học sinh có hoàn cảnh khó khăn để phục vụ học tập trên truyền hình. Ảnh: Nhà trường cung cấp.

“Năm học diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 còn phức tạp, trường chúng tôi luôn bám sát các chỉ đạo từ Phòng GD&ĐT, Sở GD&ĐT thành phố trong công tác dạy – học trực tuyến cho học sinh. Với những trường hợp gia đình không có đủ điều kiện sắm điện thoại cho con, chúng tôi báo cáo xã để huy động thêm các tấm lòng hảo tâm chung sức ủng hộ để các em có được công cụ học tập tối thiểu khi học trực tuyến. Khi điều kiện học tập cho các em được đảm bảo, chúng tôi cảm thấy rất vui vì đã làm được những việc ý nghĩa”, thầy Thắng nói.

Còn theo thầy Nguyễn Đức Bình – Hiệu trưởng Trường THCS Khánh Thượng, huyện Ba Vì, tỷ lệ học sinh là dân tộc thiểu số (Mường, Dao, Thổ…) chiếm trên 50%. Người dân định cư rải rác ở ven núi, ven sông, điều kiện kinh tế còn không ít khó khăn, chất lượng đường truyền internet đôi khi vẫn chập chờn. Trường cũng lập kế hoạch để triển khai hoạt động dạy – học trực tuyến ngay sau khi nhận được các văn bản chỉ đạo.

Thực tế cho thấy, tại địa bàn vẫn còn một số em gia đình khó khăn nên để mua được chiếc điện thoại thông minh cũng rất khó. Để khắc phục tình trạng trên, nhà trường phải cho các em học ghép theo từng thôn xóm. Ví dụ, gia đình hai con mà bố mẹ chỉ có 1 chiếc điện thoại, cháu lớn lớp 8 sẽ sang nhà bạn học cùng còn điện thoại để cho cháu bé học zoom.

"Tuy công tác ở khu vực xa trung tâm Thủ đô với nhiều khó khăn, nhưng tình yêu thương con trẻ và niềm khao khát được cống hiến với nghề giáo luôn tràn đầy trong tim của các thầy cô giáo nơi đây. Cho dù gian khó đến đâu, mọi người tâm niệm đó chỉ là thử thách, cả xã hội sẽ đồng lòng chung sức để chiến thắng đại dịch. Một mai dịch bệnh qua đi, thầy trò lại tiếp tục tới lớp học bên bảng đen, phấn trắng để viết tiếp nên những ước mơ tươi đẹp của tuổi học trò...", cô giáo Nguyễn Thị Lý - giáo viên Trường PTCS Hợp Nhất chia sẻ. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.