Học trò hào hứng giờ học ngoài sách vở

GD&TĐ - Thực hiện nội dung giáo dục địa phương và giáo dục đạo đức, lối sống, nhiều trường học ở TP Cần Thơ cho học sinh trải nghiệm tại các di tích.

Học sinh Trường Tiểu học An Thới 2 (quận Bình Thủy, TP Cần Thơ) trải nghiệm tại Khu tưởng niệm Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa.
Học sinh Trường Tiểu học An Thới 2 (quận Bình Thủy, TP Cần Thơ) trải nghiệm tại Khu tưởng niệm Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa.

Mỗi trải nghiệm là bài học về kỹ năng sống, rèn học sinh vững kiến thức lịch sử địa phương.

Hào hứng trải nghiệm di tích lịch sử

Giáo dục địa phương là nội dung bắt buộc trong Chương trình giáo dục phổ thông mới, được triển khai thực hiện từ năm học 2020 - 2021 đối với lớp 1; năm học 2021 - 2022 đối với lớp 2 và 6. Tại TP Cần Thơ, một số trường trung học linh động triển khai giáo dục địa phương thông qua hoạt động trải nghiệm tại các khu di tích, lịch sử địa phương.

Trường THCS Trung An (huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ) bắt đầu triển khai thực hiện chương trình từ học kỳ II, năm học 2021 - 2022 đối với lớp 6. Không chỉ được học qua trang sách, học sinh còn được trải nghiệm thực tế văn hóa, lịch sử tại Khu di tích An Nam Cộng sản Đảng Cờ Đỏ. Qua đó giúp các em hiểu hơn bài học, thêm tình yêu, lòng tự hào dân tộc.

“Cần Thơ - vùng đất ẩn chứa báu vật của thời gian” là một trong những giờ học luôn được thầy, trò Trường THCS Trung An hào hứng tham gia. Đây là một trong các chủ đề trong Tài liệu Giáo dục địa phương lớp 6. Bên cạnh tiếp cận tài liệu môn học qua sách vở, mạng Internet, thầy trò nhà trường còn bố trí giờ trải nghiệm thực tế. Địa điểm là Khu di tích An Nam Cộng sản Đảng Cờ Đỏ. Đoạn đường từ trường (xã Trung An) đến khu di tích (thị trấn Cờ Đỏ) dài hơn 10 km nhưng tất cả đều đồng lòng tham gia với tinh thần phấn khởi.

Được tham gia trải nghiệm, em Lâm Minh Trí, học sinh lớp 6 Trường THCS Trung An, vui vẻ cho biết: “Em và các bạn rất thích giờ học giáo dục địa phương, nhất là được tham quan, trải nghiệm tại di tích lịch sử. Đến nơi, thầy trò cùng thắp nhang tri ân các vị anh hùng dân tộc tại khu di tích. Sau đó được lắng nghe lịch sử, sự tích hào hùng của dân tộc Việt Nam; lịch sử Chi bộ An Nam Cộng sản Đảng Cờ Đỏ. Học sinh đọc, tìm hiểu sách lịch sử, văn hóa - xã hội tại khu di tích... Được nghe, thấy và cảm nhận nên em và các bạn rất hào hứng, không còn ‘ngán’ môn Lịch sử và giáo dục địa phương”.

Tại các trường THCS, THPT ở Cần Thơ công tác giáo dục đạo đức, lối sống cũng được chú trọng. Các chương trình rèn luyện đoàn viên, tham quan di tích lịch sử, văn hóa địa phương đã góp phần giúp học sinh thêm yêu quê hương, nỗ lực trong học tập, rèn luyện. Một hoạt động ý nghĩa được Đoàn phường An Thới (quận Bình Thủy, TP Cần Thơ) là tổ chức kết nạp đoàn viên ở Khu tưởng niệm Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa nhằm giáo dục tuổi trẻ về danh nhân lịch sử, phát huy văn hóa truyền thống ở địa phương. Ðoàn phường thường xuyên tổ chức những chuyến về nguồn ở các di tích lịch sử, văn hóa.

Học sinh Trường THCS Trung An (huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ) trải nghiệm tại Khu di tích An Nam Cộng sản Đảng Cờ Đỏ.
Học sinh Trường THCS Trung An (huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ) trải nghiệm tại Khu di tích An Nam Cộng sản Đảng Cờ Đỏ. 

Những bài học bổ ích ngoài sách vở

Chị Lư Thị Ngọc Anh, Bí thư Thành đoàn TP Cần Thơ, cho biết: Ðoàn viên thanh niên, học sinh là lực lượng quan trọng thúc đẩy các phong trào, hoạt động tại các đơn vị, lực lượng then chốt trong xây dựng và phát triển thành phố. Vì vậy, công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho đoàn viên thanh niên, học sinh luôn là nhiệm vụ cốt lõi được tổ chức Ðoàn, Hội trên địa bàn thành phố quan tâm, triển khai thực hiện, được đông đảo đoàn viên thanh niên, học sinh tham gia.

Các cấp Ðoàn, Hội thành phố đã cụ thể hóa công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho đoàn viên thanh niên, học sinh bằng những mô hình, hoạt động cụ thể. Phối hợp cùng Hội Cựu thanh niên xung phong, Hội Cựu chiến binh, Hội Người tù kháng chiến các cấp tổ chức các chương trình giao lưu truyền thống. Các đơn vị còn tổ chức, nhân rộng nhiều mô hình hay, như: “Hành trình đến với các di tích lịch sử”; “Vì trường đẹp cho em”…

Theo Sở GD&ĐT TP Cần Thơ, ngành Giáo dục thành phố thực hiện nhiều giải pháp thiết thực nhằm tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên. Qua đó ghi nhận, nhân rộng những mô hình mới, cách làm hay; hướng dẫn những đơn vị làm chưa tốt.

Nhiều mô hình giảng dạy tích hợp và hoạt động giáo dục trải nghiệm tiêu biểu tại Cần Thơ như: Giáo dục đạo đức học sinh thông qua mô hình “Sinh hoạt các câu lạc bộ trong trường học” của Trường Tiểu học Võ Trường Toản; Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thông qua mô hình “Phòng tư liệu Hồ Chí Minh” của Trường THPT Thuận Hưng; Công tác phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong việc xây dựng “Văn hóa ứng xử” trong trường học của Trường THPT Trung An; Xây dựng trường học xanh - sạch - đẹp - an toàn của Trường THCS thị trấn Vĩnh Thạnh…

Đặc biệt, tại huyện Thới Lai, mỗi trường học có phương pháp phù hợp để tuyên truyền giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh. Như Trường THPT Thới Lai không chỉ tạo khuôn viên xanh, sạch, đẹp, mà còn xây dựng hai mô hình cột mốc Trường Sa - Hoàng Sa giữa sân trường và khu trải nghiệm dành cho học sinh. Thầy Nguyễn Hữu Ðịnh, Hiệu trưởng Trường THPT Thới Lai, cho biết: Khu trải nghiệm có nhiều hoạt động vui chơi, học tập phong phú. Tại đây, học sinh có thể tìm hiểu văn hóa lịch sử dân tộc, tham gia sáng tạo khoa học - kỹ thuật...

Bậc tiểu học, THCS cũng có cách thực hiện phù hợp. Như Trường THCS thị trấn Thới Lai có mô hình “Vườn Ðịa lý”, “Vườn Lịch sử”… trong khuôn viên. Các trường tiểu học xây dựng mô hình “Ngôi nhà yêu thương” để thu gom giấy vụn, chai nhựa... góp tiền lo cho các bạn học có hoàn cảnh khó khăn…

Theo chia sẻ của các thầy, cô giáo, để nâng cao hiệu quả giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng cần phát huy hơn nữa mô hình, sáng kiến hiệu quả trong các nhà trường. Tăng cường cơ sở vật chất, sân chơi bãi tập, các thiết chế văn hóa phục vụ hoạt động rèn luyện thể dục thể thao, vui chơi giải trí cho thanh, thiếu niên, nhi đồng trong trường học và tại nơi cư trú. Nhất là cho học sinh trải nghiệm để được học những kiến thức, kỹ năng ngoài sách vở...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ