Những giờ học ngoài sách vở

GD&TĐ - Nhằm triển khai chương trình GD nhà trường gắn với thực tiễn địa phương, thầy trò Trường THPT Nguyễn Việt Hồng (TP Cần Thơ) đã tổ chức nhiều hình thức trải nghiệm, hướng nghiệp hết sức ý nghĩa. 

Những giờ học ngoài sách vở

Với lợi thế địa phương có chợ nổi Cái Răng, nhà trường đã cho học trò trải nghiệm làm hướng dẫn viên du lịch, làm thương lái và tham gia mua bán như một khách thương hồ thực thụ…

Trải nghiệm bằng hoạt động thực tế

Trong thời gian qua, có nhiều trường học trong cả nước đã triển khai thí điểm chương trình GD nhà trường gắn với thực tiễn địa phương. Từ đó đã xuất hiện nhiều mô hình trường học gắn liền với sản xuất kinh doanh của địa phương như: “Trường học đồi chè”; “Trường học mía đường” ở Tuyên Quang; “Trường học du lịch” ở Lào Cai hay “Trường học cam” ở Cao Phong, Hòa Bình...

Ở TP Cần Thơ, vốn có chợ nổi Cái Răng nức tiếng gần xa nên Trường THPT Nguyễn Việt Hồng đã tận dụng lợi thế này để GD trải nghiệm và hướng nghiệp cho học sinh.

Trường THPT Nguyễn Việt Hồng chỉ cách chợ nổi Cái Răng khoảng 2km nên việc tổ chức cho học sinh trải nghiệm rất thuận tiện. Sau khi được hướng dẫn viên chuyên nghiệp giới thiệu một số kỹ năng, các em học sinh sẽ vận dụng vốn ngoại ngữ, văn học, lịch sử để tham gia làm hướng dẫn viên du lịch.

Đây chỉ là một trong 4 dự án nghề cho học sinh của Trường THPT Nguyễn Việt Hồng. Vào các giờ ngoại khóa, các em tham gia kinh doanh rau màu trên chợ nổi, bán rau màu trên bờ, nuôi trồng và bán thủy sản... Theo chia sẻ của thầy Võ Đức Chỉnh - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Việt Hồng:

“Hiện nay, trên cả nước đã xuất hiện nhiều mô hình GD phổ thông kết hợp giữa GD nhà trường và đặc thù sản xuất kinh doanh của địa phương. Việc cho học sinh trải nghiệm, tập làm hướng dẫn viên, mua bán trên chợ nổi giúp các em được tiếp cận thực tiễn, sớm có những định hướng nghề nghiệp cho mình…”.

Chia sẻ về hiệu quả của việc cho học trò đi trải nghiệm trên chợ nổi, thầy Võ Đức Chỉnh không giấu được niềm vui: “Hiện nay các em học sinh rất thông minh và nhanh nhạy, để chuẩn bị cho việc trải nghiệm, nhà trường tổ chức dạy lý thuyết với thời gian hơn một tuần để các em làm quen.

Các em hào hứng tham gia, khi ra chợ nổi rất mạnh dạn, xung phong làm hướng dẫn viên du lịch rất rành rọt, hướng dẫn từ khách trong nước đến khách nước ngoài… Chúng tôi luôn khuyên các em học sinh đã làm thì phải làm đến nơi đến chốn. Trường đã mời hẳn một hướng dẫn viên chuyên hướng dẫn khách quốc tế về dạy cho các em”.

Theo thầy Võ Đức Chỉnh, hiện nay, việc GD kỹ năng sống và hướng nghiệp cho học sinh là vấn đề “nóng” được xã hội quan tâm. Đến nay, chương trình GD nhà trường gắn với sản xuất, kinh doanh và dịch vụ tại địa phương là một trong những bước đi của lộ trình đổi mới GD.

Đây là bước chuẩn bị cho việc triển khai Chương trình GD phổ thông mới. Những mô hình như vậy giúp học sinh không chỉ tăng cường kiến thức thực tế mà còn hiểu hơn về thế mạnh kinh tế địa phương, từ đó sẽ có định hướng phù hợp cho tương lai của mình.

Những bài học thú vị

Đối với học sinh ở thành phố, sân chơi dành cho các em vẫn còn thiếu thì những chuyến trải nghiệm, hướng nghiệp thông qua các hoạt động đặc thù của địa phương là hoạt động rất thú vị. Được lênh đênh trên chợ nổi Cái Răng tập tành làm hướng dẫn viên du lịch hoặc học cách mua bán từ những thương hồ bán trái cây trên sông sẽ để lại cho các em nhiều ấn tượng và các em sẽ học được nhiều điều ngoài sách vở.

Là một hướng dẫn viên chuyên nghiệp, anh Phạm Hoàng Nghĩa được Trường THPT Nguyễn Việt Hồng mời về dạy cho các em học sinh trước khi trải nghiệm chợ nổi. Chia sẻ về các học trò “nhí” đặc biệt của mình, anh Nghĩa, cho biết: “Được nhà trường mời giảng dạy cho các em học sinh tôi cảm thấy rất thú vị, tuy chỉ có mấy buổi học nhưng em nào cũng nghiêm túc và tiếp thu bài nhanh.

Ban đầu tôi lo các em sẽ lúng túng khi tổ chức chuyến tham quan chợ nổi nhưng cuối cùng các em làm rất tốt. Các hoạt động chuẩn bị, tổ chức, hướng dẫn, thuyết trình đều được thực hiện tốt, rất tự nhiên và dễ thương”.

Theo chia sẻ của thầy Võ Đức Chỉnh, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Việt Hồng: Ngoài việc tổ chức cho các em học sinh trải nghiệm chợ nổi thì trường còn tổ chức nhiều hoạt động trải nghiệm thú vị khác.

Nhất là dịp hè, thay vì các em phải tập trung cả ngày đi học thêm hay lao vào chơi game thì nhà trường sẽ “hút” các em vào các hoạt động rèn luyện kỹ năng sống, hướng nghiệp và rèn luyện sức khỏe. Theo đó, nhà trường đứng ra liên hệ các nơi như trại nuôi cá, nhà vườn trồng rau, ngay cả những tiểu thương buôn bán trên sông cũng hỗ trợ hết mình để học sinh được làm nông dân thực thụ…

Theo Sở GD&ĐT TP Cần Thơ, trong thời gian qua, việc tổ chức hoạt động GD gắn với sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của địa phương được nhiều trường học ủng hộ. Trong đó, học sinh Trường THPT Nguyễn Việt Hồng đã được tham gia các dự án hữu ích giúp các em định hướng nghề nghiệp trong tương lai và rèn luyện kỹ năng sống, đặc biệt là kỹ năng giao tiếp bằng tiếng Việt và tiếng Anh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỷ lệ sinh tại Nam Á bắt đầu giảm.

Phụ nữ Nam Á ngại… sinh con

GD&TĐ - Ngày càng nhiều phụ nữ tại Nam Á không muốn sinh con vì những lý do như tài chính, trách nhiệm gia đình, thậm chí là lo sợ về ngày 'tận thế'.