Học tiếng Việt qua đồ vật tại 'Góc địa phương'

GD&TĐ - Xây dựng “Góc địa phương”, nhiều trường mầm non vùng cao Thanh Hóa vừa giúp trẻ phát triển ngôn ngữ, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa địa phương.

Cô giáo Trường Mầm non Thiết Ống (Bá Thước) đang giới thiệu cho trẻ về những vật dụng trưng bày tại “Góc địa phương” của nhà trường. Ảnh: L. Toán
Cô giáo Trường Mầm non Thiết Ống (Bá Thước) đang giới thiệu cho trẻ về những vật dụng trưng bày tại “Góc địa phương” của nhà trường. Ảnh: L. Toán

Phát triển ngôn ngữ

Đây là phương pháp giáo dục kỹ năng cho trẻ kết hợp với bảo tồn bản sắc văn hóa địa phương của cô, trò Trường Mầm non Thiết Ống (Bá Thước, Thanh Hóa). Năm học này, ngôi trường huyện vùng cao xứ Thanh đang nuôi dạy và chăm sóc 420 trẻ, với 18 nhóm lớp.

Theo cô Trịnh Thị Tân, Hiệu trưởng nhà trường, “Góc địa phương” được nhà trường xây dựng từ nhiều năm trước. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, hoạt động này được triển khai mạnh mẽ, với sự ủng hộ nhiệt tình của phụ huynh.

“Các nhóm lớp của nhà trường đều xây dựng “Góc địa phương” với những vật dụng, đồ dùng quen thuộc trong đời sống hàng ngày của bà con dân tộc Mường, Thái”, cô Tân nói.

Tại “Góc địa phương”, các loại đồ dùng, vật dụng như rìu, giỏ, cồng chiêng, nhà sàn... được sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp. Đặc biệt, ở mỗi đồ vật, giáo viên sẽ dán nhãn ghi chú để trẻ dễ dàng làm quen và phân biệt. Ngoài ra, các cô còn giới thiệu cho trẻ về tác dụng của đồ vật, dụng cụ đó trong đời sống hàng ngày. ““Góc địa phương” không chỉ giúp trẻ trau dồi kỹ năng nhận biết đồ vật, mà còn phát triển ngôn ngữ, tăng cường Tiếng Việt, tạo tiền đề trước khi bước vào lớp 1”, cô Tân chia sẻ.

Tại Trường Mầm non Thành Sơn (Bá Thước, Thanh Hóa), năm học này nhà trường cũng trưng bày hàng chục vật dụng, đồ dùng của đồng bào Thái ở “Góc địa phương”.

Các vật dụng, đồ dùng được ghi chú đầy đủ và sắp xếp theo chủ đề tạo sự sinh động và đa sắc màu cho lớp học. Chẳng hạn, với chủ đề thời trang sẽ bao gồm khăn, vải, trang phục truyền thống. Trong khi đó, ở chủ đề gia đình, gồm: Mô hình nhà sàn, hộp đựng cơm, đĩa cánh sen, rổ đựng trầu, cối chày giã gạo, ống đựng nước, đôi quang gánh…

Ngoài ra, ở “Góc địa phương” của mỗi nhóm lớp còn trưng bày cả cồng chiêng, khua luống, vốn là vật đặc trưng của đồng bào Thái.

Thầy Trịnh Hồng Quân, Hiệu trưởng Trường Mầm non Thành Sơn, cho biết: Xây dựng “Góc địa phương”, nhà trường mong muốn tái hiện chân thực bản sắc văn hóa vùng miền cũng như cuộc sống thường ngày của người Thái – dân tộc chiếm phần lớn ở Thành Sơn.

“Mỗi dụng cụ, hiện vật đều được ghi chú bằng tiếng Việt. Vì vậy, trẻ có thể tìm những chữ cái đã học thông qua hiện vật được trưng bày ở “Góc địa phương”. Bên cạnh đó, “Góc địa phương” còn tạo môi trường để trẻ làm quen với trang phục truyền thống, dụng cụ sinh hoạt hàng ngày của dân tộc mình. Từ đó, kích thích hứng thú học tập, khả năng tìm tòi và khám phá môi trường xung quanh của trẻ”, thầy Quân chia sẻ.

Trẻ Trường Mầm non Thành Sơn (Bá Thước) học làm quen với vật dụng truyền thống tại “Góc địa phương”.Ảnh: L. Toán

Trẻ Trường Mầm non Thành Sơn (Bá Thước) học làm quen với vật dụng truyền thống tại “Góc địa phương”.Ảnh: L. Toán

Giữ gìn bản sắc

Không chỉ giúp trẻ trau dồi kỹ năng quan trọng trước khi bước vào lớp 1, “Góc địa phương” còn góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa địa phương ở vùng cao Thanh Hóa.

“Xây dựng “Góc địa phương”, Trường Mầm non Thành Sơn muốn tạo ra không gian học tập mới mẻ và thú vị. Đồng thời, giúp trẻ hiểu hơn về nét đẹp truyền thống dân tộc, từ trang phục cho đến dụng cụ sinh hoạt hàng ngày. Từ đó, góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc địa phương – nơi trẻ đang sinh sống”, Hiệu trưởng Trịnh Hồng Quân chia sẻ thêm.

Là người Mường, cô Bùi Thị Loan, Trường Mầm non Thiết Ống rất ấn tượng khi nhà trường xây dựng “Góc địa phương”. Theo cô Loan, Góc địa phương không chỉ kích thích sự hứng thú cho trẻ, mà cha mẹ khi đến trường cũng cảm thấy môi trường học tập của con em mình sinh động, gần gũi với cuộc sống thường ngày.

“Mỗi đồ vật đều được ghi chú bằng tiếng Việt, giúp trẻ phát triển ngôn ngữ, kỹ năng nhận biết. Bên cạnh đó, trẻ còn hiểu biết thêm về ngành nghề truyền thống ở quê hương mình. Từ đó, biết yêu quý các sản phẩm mà cha, ông mình đã làm ra. Ngoài ra, xây dựng Góc địa phương còn góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc từ thế hệ này qua thế hệ khác”, cô Loan bộc bạch.

Ông Hà Tự Nhiên, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Bá Thước, cho biết, xuất phát từ mong muốn giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc địa phương, phòng đã chỉ đạo các trường mầm non xây dựng “Góc địa phương”. Các trường mầm non trên địa bàn huyện Bá Thước đã và đang triển khai nội dung này vô cùng hiệu quả.

“Giáo dục truyền thống địa phương đòi hỏi phải có lộ trình và sự quan tâm, hưởng ứng của gia đình, nhà trường và xã hội. Đưa góc truyền thống địa phương vào lớp học có ý nghĩa quan trọng giúp trẻ hiểu được truyền thống, cội nguồn dân tộc mình thông qua hình ảnh, lời kể của thầy, cô. Từ đó, hình thành nhân cách và hiểu được giá trị truyền thống quê hương”, ông Nhiên cho hay.

Theo cô Trịnh Thị Tân, xây dựng “Góc địa phương” không tốn nhiều chi phí. Bởi, các vật dụng, đồ dùng chủ yếu do giáo viên phối kết hợp cùng phụ huynh thực hiện, nguyên liệu chủ yếu làm từ tre, luồng. “Không chỉ ủng hộ nhiệt tình, nhiều cha mẹ trẻ còn góp công, góp sức, nguyên vật liệu cùng giáo viên làm vật dụng để trưng bày. Hiện nay, “Góc địa phương” của nhà trường có khoảng 20 loại đồ vật khác nhau. Các cô giáo cũng dự tính bổ sung thêm một số đồ vật và thay mới đồ đã cũ”, cô Tân thông tin.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ