Học tiếng Việt qua trò chơi

GD&TĐ - Thông qua các trò chơi, góc địa phương…, nhà trường giúp trẻ nghe, đọc, hiểu thành thạo tiếng Việt.

Trường Mầm non Vàng Anh tăng cường tiếng Việt cho học sinh thông qua hoạt động vui chơi, giải trí.
Trường Mầm non Vàng Anh tăng cường tiếng Việt cho học sinh thông qua hoạt động vui chơi, giải trí.

Cũng nhờ vậy giáo dục trẻ mầm non người dân tộc thiểu số biết và phát huy văn hoá truyền thống dân tộc.

Ôn luyện tiếng Việt cho trẻ

8 giờ sáng, trên những tấm xốp được trải sẵn dưới sân trường, hàng chục học sinh của điểm trường Kroong Klah - Trường Mầm non Vàng Anh (xã Kroong, thành phố Kon Tum) hào hứng tham gia hoạt động ngoại khoá.

Cô Lê Thị Hà Trang, giáo viên nhà trường hướng dẫn học sinh xếp thành một vòng tròn. Với 2 rổ nhựa đựng các loại rau, củ như cà rốt, khoai mì, quả cam, ổi, cà tím… và 1 chiếc giỏ nhỏ, cô Trang tổ chức trò chơi “Đi chợ”.

Từng học sinh đứng lên đi vòng tròn, hô lớn câu “Hôm nay tôi đi chợ” và nhặt củ hoặc quả bỏ vào giỏ. Sau khi trở về chỗ của mình, các em sẽ giơ cao và đọc to tên loại quả, củ mà mình mua về. Khi các em trả lời đúng sẽ được cô và các bạn khác vỗ tay khen.

Bên cạnh trò chơi ngoài trời, cô Trang còn cho học sinh xem những hình ảnh, clip về người nông dân đang cày bừa, trồng lúa, mì… để các em biết được ai là người tạo ra hạt lúa. Ngoài ra, hạt lúa được hình thành như thế nào và có thể chế biến những món ăn gì. Từ hoạt động, các em tăng cường vốn tiếng Việt và thấu hiểu công việc của người nông dân.

Trò chơi “Đi chợ” giúp trẻ dân tộc thiểu số mạnh dạn, tự tin và phát huy vốn tiếng Việt.

Trò chơi “Đi chợ” giúp trẻ dân tộc thiểu số mạnh dạn, tự tin và phát huy vốn tiếng Việt.

Cách đó không xa, hàng chục học sinh lớp mẫu giáo 5 - 6 tuổi của cô Trương Thị Thanh Thuỷ đang hào hứng tham gia trò chơi “Ai nhanh hơn”. Với nguyên vật liệu là lá cây, cành cây, hạt cao su, hạt bắp, nắp chai, ống hút… các em tạo hình theo ý thích.

Cô Thanh Thuỷ chia lớp thành 2 đội. Lần lượt trẻ ở từng đội sẽ lên chọn và gùi thực phẩm đi theo đường dích dắc về bỏ vào rổ của mình, sau đó nói được tên của sản phẩm vừa gùi về đích. Trong khi các bạn vận chuyển sản phẩm, những em còn lại trong đội đọc bài đồng dao “Đi cầu đi quán”. Được cô và bạn khen, em Y Hà hào hứng vì vừa được chơi, lại biết nhiều loại rau, củ quả.

“Thông qua trò chơi này, tôi muốn rèn luyện cho học sinh sự nhanh nhẹn, khéo léo và tinh thần đoàn kết. Bên cạnh đó giúp các em tăng cường khả năng sáng tạo và thể hiện được ý tưởng của bản thân. Đặc biệt giúp học sinh phát âm chuẩn, rõ chữ”, cô Thanh Thuỷ chia sẻ.

Góc chợ quê giúp học sinh thấu hiểu được khó khăn, vất vả của cha mẹ, từ đó biết quý trọng thực phẩm và ăn hết khẩu phần ăn của mình.

Góc chợ quê giúp học sinh thấu hiểu được khó khăn, vất vả của cha mẹ, từ đó biết quý trọng thực phẩm và ăn hết khẩu phần ăn của mình.

Giáo dục văn hoá truyền thống

Không chỉ tăng cường tiếng Việt cho học sinh thông qua các trò chơi, Trường Mầm non Vàng Anh còn xây dựng góc hoạt động cho trẻ trong và ngoài lớp học, như: Góc thiên nhiên, ngôn ngữ… Bên cạnh đó, các đồ dùng cá nhân của trẻ, thiết bị trong lớp, mảng tường hay khuôn viên trường lớp đều được dán ký hiệu bằng chữ cái. Tận dụng những nguyên vật liệu có sẵn và tái chế tại địa phương, giáo viên giao nhiệm vụ cho trẻ, khuyến khích các em giao tiếp, tương tác với nhau bằng tiếng Việt.

“Môi trường lớp học, không gian trường đóng vai trò quan trọng và quyết định phần lớn chất lượng dạy học. Đối với chương trình tăng cường tiếng Việt, việc tạo môi trường lớp học lại càng có ý nghĩa lớn lao đối với trẻ”, cô Nguyễn Thị Yến – Phó Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ.

Mong muốn học sinh biết và gìn giữ những giá trị truyền thống của dân tộc, Trường Mầm non Vàng Anh phối hợp với phụ huynh xây dựng góc địa phương. Tại đây, cồng chiêng, quần áo truyền thống, nia, gùi… được trưng bày gọn gàng trước cổng trường. Thông qua những câu chuyện văn hoá mà già làng kể, giáo viên biên tập lại để giáo dục cho học sinh. Qua đó, các em biết về ý nghĩa của cồng chiêng, trang phục truyền thống… và thấy yêu hơn nét đẹp văn hoá của dân tộc mình.

Cô Đoàn Thị Kim Oanh, Hiệu trưởng Trường Mầm non Vàng Anh cho biết, toàn trường có 329 học sinh theo học tại trường chính và 2 điểm lẻ là Kroong Klah và Kroong Ktu. Với 204 em người Bana, nhà trường luôn chú trọng tăng cường tiếng Việt thông qua lồng ghép giữa văn học và vui chơi. Bên cạnh đó, trường cũng bố trí góc chợ quê để các em biết đến nhiều loại rau, củ, quả và cha mẹ phải vất vả như thế nào để kiếm tiền mua các loại thực phẩm. Từ đó, giáo dục học sinh quý trọng, cố gắng ăn hết khẩu phần ăn của mình.

Ông Thái Khắc Hoà, Trưởng phòng GD&ĐT thành phố Kon Tum cho hay, trong những năm qua dưới sự hướng dẫn chuyên môn của sở GD&ĐT, đơn vị chỉ đạo các trường tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó lồng ghép nhiều hoạt động phát triển thẩm mỹ phù hợp thực tiễn địa phương. Thông qua những hoạt động này, giúp các em tự tin, giao lưu bằng tiếng Việt thành thạo. Từ đó, việc dạy - học ở cấp mầm non và tiểu học được tốt hơn. Ngoài ra, các trường có học sinh dân tộc thiểu số đều bố trí góc địa phương với những sản phẩm truyền thống… nhằm giáo dục các em hiểu và bảo tồn bản sắc văn hoá dân tộc ngay từ cấp học đầu đời

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ