Về nội dung này, Bộ GD&ĐT cho biết: Ngày 26/12/2018, Bộ ban hành Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT về Chương trình giáo dục phổ thông (Chương trình giáo dục phổ thông 2018). Theo đó, ở cấp tiểu học, đặc biệt là lớp 1 và lớp 2, tiếng Việt được tăng cường để tạo nền tảng cơ bản về năng lực ngôn ngữ. Cụ thể lớp 1 tăng 70 tiết, lớp 2 tăng 35 tiết so với Chương trình giáo dục phổ thông trước đây. Mặt khác, định hướng của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 nêu rõ: “Giáo dục ngôn ngữ được thực hiện ở tất cả môn học và hoạt động giáo dục”. Do đó, năng lực tiếng Việt không chỉ được hình thành ở môn Tiếng Việt và môn Ngữ văn, mà còn được phát triển từ các môn học, hoạt động giáo dục khác.
Để chỉ đạo thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Bộ GD&ĐT đã ban hành Công văn số 2345/BGDĐT-GDTH ngày 7/6/2021 và Công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH ngày 18/12/2020 về việc hướng dẫn xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường. Theo đó, các nhà trường hoàn toàn chủ động, linh hoạt trong việc xây dựng kế hoạch giáo dục đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ năm học, khung kế hoạch thời gian năm học, phù hợp với thực tế của địa phương và điều kiện thực hiện của nhà trường.
Việc tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số luôn được Bộ GD&ĐT quan tâm. Ngày 2/6/2016, Bộ đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1008/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến 2025”. Theo đó thực hiện nhiều giải pháp tăng cường tiếng Việt cho học sinh như: Dạy học tăng thời lượng, chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ trước tuổi đến trường, xây dựng môi trường giao tiếp tiếng Việt, lồng ghép tăng cường tiếng Việt trong các hoạt động giáo dục.
Năm 2020, Bộ GD&ĐT đã tổng kết giai đoạn 1 và Ban hành Quyết định số 5006/QĐ-BGDĐT ngày 31/12/2021 về Kế hoạch giai đoạn 2 thực hiện Đề án nhằm tiếp tục thực hiện các giải pháp tăng cường tiếng Việt giúp học sinh dân tộc thiểu số tiếp thu kiến thức thuận lợi hơn.