Học Tiếng Anh qua phim ảnh, bài hát, sở thích
Ở lứa tuổi THCS, học sinh hầu hết đều rất thích phim ảnh và ca nhạc. Thế nên, theo cô Mẫn Thị Dung, hãy tận dụng yếu tố này để học ngoại ngữ một cách tự nhiên nhất. Tiếng Anh THCS mở rộng nhiều vốn từ, nhiều cấu trúc đặc biệt. Trong khi đó, lời các bài hát luôn có các từ, cụm từ và cách diễn đạt gần gũi, phù hợp với Tiếng Anh giao tiếp.
Hơn nữa, việc sử dụng âm nhạc giúp tiếp thu ngữ pháp không khô cứng, cải thiện nghệ thuật phát âm. Với học sinh THCS, các bài hát dễ nghe dễ đọng lại trong tâm trí, nghe đi nghe lại một bài hát sẽ giúp nhớ từ, cụm từ mà không cần quá tập trung ghi nhớ.
Lứa tuổi 10-15, cô Dung gợi ý có thể học tiếng Anh qua phim ảnh với một số bộ phim nổi tiếng như Friends, Flash, How I met Your Mother… Đây là các bộ phim truyền hình nổi tiếng của Mỹ. Khi xem phim phụ đề Tiếng Anh cũng là cách từng từ ngữ được đặt trong các tình huống cụ thể, sinh động và dễ nhớ. Thêm vào đó các bộ phim này đều xoay quanh các vấn đề thường gặp trong cuộc sống.
“Thực tế cho thấy học sinh rất thích sáng tạo và thử sức mình qua việc thực hiện các dự án làm poster, lồng tiếng, tạo trailer cho một bộ phim ngắn mà nhóm học sinh tự làm. Tôi cảm thấy học sinh rất thích được thay đổi phần kết cho một bộ phim đã xem theo cách sáng tạo của bản thân.” - cô Mẫn Thị Dung cho hay.
Chia sẻ thêm về giải pháp mà Trường THCS Lý Thái Tổ đã thực hiện hiệu quả, cô Mẫn Thị Dũng cho biết, những học sinh yêu môn Sinh học đã từng có những buổi ngoại khóa đến Bảo tàng Thiên Nhiên và viết thu hoạch bằng Tiếng Anh sau buổi ngoại khóa đó. Những học sinh thích làm hướng dẫn viên du lịch đã có những buổi đi quanh hồ Hoàn Kiếm và chủ động giao tiếp, kể cho người nước ngoài nghe về lịch sử Hồ Gươm… Những học sinh yêu thích bóng đá được giáo viên nước ngoài huấn luyện cách chơi hoàn toàn bằng Tiếng Anh ngay trên sân bóng. Những học sinh yêu thích nấu ăn có cơ hội được quay clip thực tế vừa làm vừa hướng dẫn cách chế biến một món ăn mà ở đó học sinh hoàn toàn sử dụng tiếng Anh.
“Ưu điểm của học tiếng Anh qua phim ảnh, bài hát và qua các lĩnh vực mà mình yêu thích còn giúp các em học sinh học cách phát âm chuẩn, lĩnh hội được cả các vấn đề và văn hóa và con người. Do vậy, việc học Tiếng Anh trở nên thú vị hơn, không còn nặng nề nữa.” - cô Mẫn Thị Dung chia sẻ.
Cô Mẫn Thị Dung hướng dẫn học sinh hát Quan họ bằng tiếng Anh. |
Kết hợp học Tiếng Anh giao tiếp với người nước ngoài
Thực tế, ở bất kì bậc học nào, học ngoại ngữ nên gắn với những người bản xứ. Khi bước vào những năm đầu THCS, học sinh sẽ khá bỡ ngỡ với lượng kiến thức tiếp nhận nhiều hơn với nhiều ngữ pháp và từ mới. Đây cũng là khoảng thời gian các em hoàn thiện khả năng phát âm chuẩn, nâng cao kỹ năng giao tiếp.
Để có thể đạt được kết quả học tập môn tiếng Anh tốt, không thể thiếu được các giờ học với người nước ngoài. Khẳng định điều này, cô Mẫn Thị Dung cho rằng, với những học sinh đã xác định lộ trình học ôn thi IELTS sớm, thì giai đoạn Tiếng Anh THCS chính là để tích lũy cả bốn kĩ năng nghe-nói-đọc-viết. Khả năng nghe - nói sẽ vượt trội và tốt hơn rất nhiều khi được thành hành trực tiếp với giáo viên bản ngữ.
Khi học với người nước ngoài, học sinh đương nhiên phải giao tiếp hoàn toàn bằng tiếng Anh, giáo viên truyền đạt tất cả mọi thứ bằng tiếng Anh. Các học sinh cũng phải chủ động trong nắm kiến thức nội dung bài giảng, nhờ đó hình thành thói quen phản xạ nghe rất tốt.
Việc thực hành nhiều với giáo viên nước ngoài sẽ giúp học sinh có được sự tự tin trong giao tiếp. Đặc biệt, khi học với giáo viên nước ngoài, học sinh sẽ được lắng nghe cách phát âm của giáo viên để từ đó sửa chữa hoàn thiện các cách phát âm của riêng mình.
“Sở dĩ nhiều học sinh Trường THCS- THPT Lý Thái Tổ đạt được kết quả IELTS dễ dàng hơn các trường khác là vì học sinh có môi trường học tập với giáo viên bản ngữ rất tốt . Đối với các lớp mũi nhọn (Q1) học sinh được học 6 tiết/tuần với giáo viên bản ngữ đến từ các trung tâm uy tín: Language link và E- Connect. Ngoài ra, nhà trường còn chọn ra những học sinh thực sự có năng lực tham gia học lớp tiền IELTS để trang bị kiến thức cho các em vững vàng.” - cô Mẫn Thị Dung thông tin.
Cô Mẫn Thị Dung được nhận Giấy khen của Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy (Hà Nội). |
Học Tiếng Anh theo các chủ đề và dự án
Tiếng Anh THCS đã mở rộng ra nhiều chủ đề khác nhau, các chủ đề này rất đa dạng và phong phú. Phương pháp học theo chủ đề được đánh giá là lựa chọn tốt. Bằng phương pháp này sẽ giúp mở rộng vốn từ một cách hiệu quả. Khi học theo chủ đề, mỗi nhóm nội dung đều được tìm hiểu kĩ và mở rộng tới các chủ đề liên quan, do đó sẽ giúp các em nhớ lâu hơn, có phản xạ ngôn ngữ tốt hơn là các cách học dàn trải khác.
Để học tiếng Anh theo chủ đề, cô Mẫn Thị Dung lưu ý, học sinh có thể chia nhóm và chọn các chủ đề mình yêu thích trước. Hoặc ưu tiên học chủ để gần gũi với cuộc sống thường ngày, ví dụ chủ đề môi trường, tình bạn, nghề nghiệp, du lịch.
Thậm chí, với các kiến thức được học, các học sinh từ 10 tuổi trở lên đã hoàn toàn có thể tự tạo các chủ đề theo lĩnh vực mình ưa thích. Các em có thể sử dụng mạng internet tìm kiếm thông tin, tra cứu các từ vựng. Trong quá trình tìm kiếm thông tin như vậy cũng chính là một lần học giúp hiểu và nhớ từ. Khi học theo chủ đề, học sinh sẽ thấy giống như việc mình đang nghiên cứu, tìm hiểu các kiến thức cơ bản về chủ đề đó mà không cảm thấy bị căng thẳng, áp lực như học từng từ vựng một.
Tiếng Anh THCS không phải là khởi đầu mà là quá trình củng cố và tăng tốc hệ thống kiến thức tiếng Anh cho học sinh. Tuy nhiên để các em không bị áp lực, quá tải với lượng kiến thức khổng lồ, rất cần những phương pháp học tự nhiên, hiệu quả. Những phương pháp này có thể sử dụng được hằng ngày, để việc học tiếng Anh trở nên liên tục, không bị ngắt quãng. Có như vậy mới khơi gợi được cảm hứng học tập, sự yêu thích bộ môn này.
Trường THCS-THPT Lý Thái Tổ vinh danh học sinh đạt giải các Kỳ thi. |
Tạo hứng thú học bộ môn dưới nhiều hình thức
Để nâng cao chất lượng của tiết học Tiếng Anh, quan trọng nhất phải tạo cho các em sự hứng thú chứ không phải là bắt buộc. Chia sẻ kinh nghiệm của mình, cô Mẫn Thị Dung cho biết dành nhiều thời gian để tìm hiểu tâm lý của học trò, thấu hiểu những băn khoăn, e dè của học sinh khi tiếp cận với môn học.
Nhận ra học sinh thích các hoạt động sôi nổi, qua đó có thể tiếp nhận kiến thức một cách nhẹ nhàng, cô Dung tôi chú trọng tới việc thiết kế bài giảng theo kiểu học mà chơi - chơi mà học, như: Thông qua các trò chơi, qua các mẩu giấy dán trên đồ vật hay thông qua biển hàng cây biết nói… để trao cho học sinh thêm những từ vựng mới.
Để giúp học sinh hiểu bài nhanh và yêu thích môn học, cô tích cực tìm tòi, tiếp cận với các phương pháp mới, áp dụng vào giảng dạy; chuẩn bị bài giảng rất công phu bằng các tranh, ảnh, video liên quan đến bài học;... giúp HS có thể khắc sâu, nhớ lâu các từ mới.
“Tôi đã mạnh dạn đề xuất với ban giám hiệu nhà trường thành lập Câu lạc bộ tiếng Anh, tổ chức vào hè. Tôi khuyến khích học sinh hạn chế nói tiếng Việt trong giờ học môn tiếng Anh; hướng dẫn học sinh xây dựng môi trường Anh ngữ ở nhà: Viết các từ mới, tập đứng trước gương để luyện nói, hướng dẫn học sinh xem và nghe các chương trình bằng tiếng Anh trên tivi, máy vi tính, điện thoại. Ngoài ra, tôi còn thành lập các nhóm học tập theo từng lớp qua ứng dụng zalo, facebook, hướng dẫn phụ huynh cách học cùng con...” - cô Mẫn Thị Dung chia sẻ.