Chia sẻ giải pháp cải thiện điểm thi tốt nghiệp THPT môn Tiếng Anh

GD&TĐ -  Từ thực tế Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022, cô Đinh Thị Ngọc Hân - Tổ trưởng tổ Ngoại ngữ, Trường THPT Trần Đại Nghĩa (Cần Thơ) chia sẻ giải pháp giúp cải thiện điểm thi tốt nghiệp THPT môn Tiếng Anh ở các Kỳ thi tiếp theo.

Cô trò Trường THPT Trần Đại Nghĩa (Cần Thơ) trong giờ ôn thi tốt nghiệp THPT năm 2022.
Cô trò Trường THPT Trần Đại Nghĩa (Cần Thơ) trong giờ ôn thi tốt nghiệp THPT năm 2022.

Nguyên nhân điểm Tiếng Anh chưa như kỳ vọng

Phân tích nguyên nhân điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2022 môn Tiếng Anh của nhà trường chưa được như kỳ vọng, cô Đinh Thị Ngọc Hân cho rằng, đầu tiên phải kể đến những ảnh hưởng do dịch bệnh, học sinh học trực tuyến trong thời gian dài. Với Trường THPT Trần Đại Nghĩa, cả học kỳ I năm học 2021-2022 học sinh đều phải học trực tuyến, nên ảnh hưởng đến chất lượng dạy học, nhiều lúc mạng yếu học sinh không nghe rõ, giáo viên không thể quản hết được việc học của học trò.

Từ học kỳ 2 trở đi, thầy trò được học trực tiếp. Trong 6 tháng tính từ học kỳ II đến ngày thi tốt nghiệp THPT, nhà trường và giáo viên đều nỗ lực tranh thủ “thời gian vàng” này ôn tập kiến thức cơ bản cho học sinh trong chương trình 12. Tuy nhiên, suốt thời gian học trực tiếp, có khoảng 50% giáo viên của tổ mắc Covid-19 và học sinh cũng bị mắc bệnh nhiều, ảnh hưởng đến sức khỏe và sức học.

Đề thi THPT 2022 có những câu hỏi khó nhằm mục tiêu phân loại thí sinh, đề cũng theo ma trận như đề tham khảo đã công bố, nhưng từ vựng, thành ngữ nhiều, bài đọc dài nên học sinh với vốn từ vựng ít sẽ không làm tốt.

Bên cạnh đó, một số học sinh chỉ tập trung học các môn để xét vào tổ hợp thi đại học, cao đẳng, không chú trọng nhiều đến môn Tiếng Anh trong giai đoạn ôn tập.

“Một yếu tố khách quan nhưng ảnh hưởng rất nhiều tới chất lượng học là Trường THPT Trần Đại Nghĩa có nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Trong giai đoạn dịch bệnh 2 năm nay cũng đã ảnh hưởng đến kinh tế gia đình, một số em phải làm thêm để phụ giúp gia đình nên các em không có điều kiện tập trung nhiều vào việc ôn tập.

Chất lượng đầu vào lớp 10 của nhà trường rất thấp, đặc biệt là môn tiếng Anh, những kiến thức rất cơ bản các em không nhớ nên giáo viên vừa dạy mới vừa ôn cũ. Ngoài ra, cũng phải nói đến việc giáo viên chưa có nhiều phương pháp gây hứng thú cho học sinh học tốt, đặc biệt đối với những học sinh chưa có động lực học môn tiếng Anh.” - cô Đinh Thị Ngọc Hân chia sẻ.

Giải pháp nâng chất lượng

Ở góc độ người trực tiếp giảng dạy, một trong những giải pháp cô Đinh Thị Ngọc Hân đưa ra là tổ, nhóm thường xuyên thống nhất những phương pháp và tài liệu ôn tập phù hợp với tình hình và năng lực hiện tại của học sinh. Đội ngũ giáo viên cố gắng trau dồi kiến thức để nâng cao trình độ chuyên môn nhằm góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy của tổ.

Khi tổ chức dạy học, nên phân loại những học sinh để lựa chọn phương pháp giảng dạy phù hợp với từng đối tượng. Tổ chức phụ đạo cho các học sinh yếu kém ngay từ đầu năm học để lấy lại kiến thức nền. Phân công học sinh khá giỏi cùng với giáo viên bộ môn theo dõi và giúp đỡ học sinh yếu kém ở lớp học.

Giáo viên dạy chắc cho học sinh nhận dạng được những câu kiến thức cơ bản để lấy điểm. Riêng câu từ vựng khó và 3 bài đọc do không biết nhiều từ vựng, định hướng sắp tới là dành nhiều thời gian trả bài và ôn từ vựng cho các em từ năm lớp 10.

Cô Đinh Thị Ngọc Hân cũng bày tỏ mong muốn có nhà trường có giải pháp để nâng cao chất lượng đầu vào môn Tiếng Anh; môn tiếng Anh được tính cùng hệ số với môn Ngữ văn và Toán.

“Có thể nói, học sinh Trường THPT Trần Đại Nghĩa chất lượng đầu vào môn Tiếng Anh thấp so với các trường bạn trong quận Cái Răng. Nhưng qua 3 năm học tại trường, tất cả giáo viên trong tổ Ngoại ngữ đã cố gắng hết sức để nâng dần chất lượng đầu ra. Mặc dù không bằng với tỷ lệ của thành phố, nhưng nhà trường cũng đã nâng dần kết quả đạt được qua các năm. Đó là sự nỗ lực học tập 3 năm THPT của học sinh và công sức, tâm huyết của các thầy cô giáo.” - cô Đinh Thị Ngọc Hân chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.