Học thật, thi thật

GD&TĐ - Năm nay, nhiều cơ sở giáo dục đại học tiếp tục sử dụng phương thức xét tuyển bằng kết quả học tập THPT (học bạ) để tuyển sinh hệ đại học chính quy.

Học thật, thi thật

Tuy nhiên, kết quả học bạ THPT liệu có mang lại chất lượng đầu vào như mong muốn cho trường đại học?

Thực tế cho thấy, với những cơ sở giáo dục đại học có điểm chuẩn đầu vào không quá cao, xét tuyển học bạ được coi là tấm vé an toàn để thí sinh có thể chắc suất bước chân vào giảng đường đại học. Chẳng thế mà, nhiều năm gần đây, phương thức này trở thành một trong những hình thức tuyển sinh chính của nhiều trường đại học.

Đơn cử, năm 2022, các trường dành khoảng 90% chỉ tiêu để xét tuyển theo phương thức học bạ và điểm thi tốt nghiệp THPT. Có gần 160 nghìn thí sinh xác nhận nhập học bằng kết quả xét tuyển học bạ, đạt gần 76% (tính theo tỷ lệ nhập học/chỉ tiêu) và trên 36% (tính theo tỷ lệ nhập học theo các phương thức). Kết quả trên cao thứ 2, sau kết quả xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT.

Năm nay, xét học bạ vẫn được nhiều cơ sở đào tạo “tin dùng”. Tính đến ngày 20/2, có khoảng 120 trường đại học chính thức công bố sử dụng phương thức này để xét tuyển đầu vào hệ đại học chính quy. Dự báo, con số này tiếp tục tăng trong thời gian tới. Điều này cho thấy, các trường đại học vẫn tin tưởng vào chất lượng dạy – học, kiểm tra đánh giá của các trường THPT.

Hơn lúc nào hết, trách nhiệm của trường THPT, địa phương cần được phát huy. Làm sao để niềm tin trên tiếp tục nhân lên gấp bội. Muốn vậy, trường THPT cần nâng cao chất lượng dạy - học; trên hết là thực hiện liêm chính trong học tập, kiểm tra đánh giá học sinh. Tránh hiện tượng coi nhẹ, xuê xoa, nâng đỡ, “làm đẹp” hồ sơ cho học sinh, dẫn đến kết quả “ảo”.

Bởi, nếu kiểm tra, đánh giá không thực chất, cố ý nâng điểm cho học sinh, không sớm thì muộn, các trường đại học nói riêng và xã hội nói chung sẽ giảm lòng tin với trường phổ thông. Nguy hại hơn, việc này còn làm mất tính khách quan, công bằng trong tuyển sinh, đào tạo. Chất lượng nguồn lao động, nhất lao động bậc cao vì thế cũng bị ảnh hưởng.

Vẫn biết, chất lượng dạy - học ở bậc phổ thông chưa đồng đều trên cả nước, bởi mỗi địa phương, nhà trường sử dụng các “thước đo” khác nhau. Tuy nhiên, nếu mỗi thầy, cô và học sinh, nhà trường, địa phương thực sự “liêm chính” trong học tập, giảng dạy thì những hoài nghi về chất lượng học bạ sẽ được giải mã.

Thứ nữa, theo quy định của Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, cơ sở giáo dục đại học được tự chủ trong tuyển sinh và quyết định phương thức tuyển sinh. Vì vậy, để tuyển sinh được người học phù hợp, các trường đại học không nên đơn thuần sử dụng điểm học bạ THPT để xét tuyển. Thay vào đó, có thể xem đây là điều kiện ban đầu và kèm theo hình thức kiểm tra khác.

Ngoài ra, có thể sử dụng kết quả kỳ thi riêng của một số cơ sở giáo dục đại học tổ chức, hoặc áp dụng phương thức khác nhau nhằm đảm bảo chất lượng đầu vào và tạo sự công bằng cho tất cả người học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ