Điều này đòi hỏi các trường phổ thông, sở GD&ĐT cần tăng cường quản lý việc theo dõi đánh giá kết quả học tập, không để xảy ra hiện tượng xin điểm, sửa chữa học bạ… dẫn tới làm sai lệch hồ sơ.
Tăng cường kiểm tra, giám sát
Theo bà Bùi Thị Kim Tuyến, Giám đốc Sở GD&ĐT Hòa Bình, năm 2022, bên cạnh việc sử dụng kết quả của Kỳ thi tốt nghiệp THPT, nhiều trường đại học đã xây dựng phương án tuyển sinh theo hướng giảm tỷ lệ sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT; sử dụng nhiều hình thức xét tuyển khác nhau như: Tuyển thẳng, tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực, tư duy riêng, sử dụng các chứng chỉ quốc tế (Ielts, SAT, ACT…), xét tuyển kết hợp giữa kết quả học bạ với kết quả thi tốt nghiệp THPT...
Các hình thức tuyển sinh này tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tiêu cực, gian lận, “chạy điểm”, “chạy học bạ”, “chạy chứng chỉ ngoại ngữ” hoặc thiếu sự công bằng khi xét tuyển giữa các thí sinh thuộc khu vực, vùng miền khác nhau. Đáng chú ý, nhiều cơ quan chức năng đã phát hiện đường dây tổ chức thi lấy chứng chỉ tiếng Anh IETS có thủ đoạn rất tinh vi, qua mặt được sự kiểm tra của nhiều cơ sở giáo dục đại học.
Để chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý gian lận trong việc tuyển sinh đại học, dạy nghề năm 2022 bằng hình thức sử dụng văn bằng, chứng chỉ, học bạ, bà Bùi Thị Kim Tuyến cho biết đã yêu cầu các nhà trường tăng cường công tác quản lý Nhà nước về giáo dục, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, tự kiểm tra góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Đồng thời, đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá tích cực theo định hướng phát triển năng lực học sinh; đa dạng hóa hình thức giáo dục; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học.
Đặc biệt, chú trọng thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đại trà và kết quả thi tuyển sinh vào lớp đầu cấp, thi tốt nghiệp THPT. Tránh “bệnh thành tích” trong chất lượng giáo dục đại trà, không tương xứng với kết quả thi tuyển sinh, thi tốt nghiệp THPT. Các nhà trường cũng được yêu cầu tăng cường công tác quản lý chặt chẽ hồ sơ theo dõi đánh giá kết quả học tập của học sinh, học bạ theo đúng quy định của Bộ GD&ĐT, không để lợi dụng để xảy ra hiện tượng “xin điểm”, “chạy điểm”, “sửa chữa học bạ” trái quy định dẫn tới làm sai lệch hồ sơ đánh giá xếp loại học sinh để xét tuyển vào đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Quản lý chặt hồ sơ
Tại Trường THPT Phú Bài (Thừa Thiên - Huế), thầy Hiệu trưởng Hoàng Minh cho biết đã thực hiện nhiều giải pháp để tăng cường quản lý hồ sơ theo dõi đánh giá kết quả học tập của học sinh. Cụ thể, đầu năm Hiệu trưởng duyệt chương trình các môn học theo văn bản hướng dẫn của Bộ/sở GD&ĐT để thống nhất toàn trường thực hiện; đó là cơ sở để kiểm tra, thanh tra giáo viên trong dạy và học.
Trường tổ chức kiểm tra định kỳ, học kỳ theo phương thức chung cho tất cả khối lớp, toàn trường (chung đề kiểm tra). Nội dung đề kiểm tra được các tổ tham mưu trên cơ sở ma trận đặc tả kiến thức từng môn học theo yêu cầu chung của Bộ. Thành lập Ban tổ hợp, in sao, bảo đảm bảo mật, an toàn trước và trong quá trình kiểm tra. Tổ chức cắt phách, chấm chung, chấm theo hai vòng độc lập; ban hành Quyết định coi kiểm tra bảo đảm công bằng, khách quan, nghiêm túc. Kết quả được thông báo công khai trên website của trường, bảng thông báo, qua hệ thống tin nhắn của cổng thông tin ngành và app Hue-S…
Thầy Trịnh Nguyễn Thi Bằng, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Đại Nghĩa (Cần Thơ) chia sẻ: Ngay từ năm 2017, lãnh đạo nhà trường đã thống nhất với tập thể giáo viên quan điểm rằng học sinh đầu vào hàng năm của trường thuộc tốp dưới của thành phố; chất lượng giáo dục chung toàn trường xếp mức trung bình nên việc đòi hỏi kết quả giáo dục toàn diện nằm vào tốp trên là điều vô lý, thiếu thực tế và chạy theo thành tích.
Do đó, nhà trường xác định phải đánh giá trung thực, công bằng, khách quan năng lực thật sự của học sinh; chấp nhận kết quả thực để từng bước phấn đấu đi lên bền vững. Với năng lực học sinh như vậy, trường cũng ưu tiên định hướng tốt nghiệp THPT, sau đó tham gia thị trường lao động, hoặc học tiếp ở các trường nghề bậc trung cấp, cao đẳng (chỉ định hướng cho số ít học sinh thi đại học) để tăng cơ hội nghề nghiệp, cuộc sống ổn định trong tương lai.
“Với quan điểm, định hướng chung như vậy, việc “chạy điểm”, “xin điểm” để làm đẹp hồ sơ là không cần thiết và không diễn ra”, khẳng định điều này, thầy Trịnh Nguyễn Thi Bằng chia sẻ: Nhà trường cũng thực hiện một số giải pháp cụ thể để không xảy ra hiện tượng “xin điểm”, “sửa chữa học bạ” dẫn tới làm sai lệch hồ sơ đánh giá xếp loại học sinh.
Theo đó, tất cả giáo viên bộ môn đều vào điểm hàng tháng trên hệ thống quản lý nhà trường SMAS với thời gian cụ thể. Phân công giáo viên quản trị khóa cột điểm ngay khi hết thời gian nhập điểm và tiến hành ghi nhận tình hình thực hiện, báo cáo lãnh đạo. Do đó giáo viên bộ môn không thể tùy ý sửa điểm.
Khi giáo viên bộ môn muốn chỉnh sửa điểm phải có đơn gửi Phó Hiệu trưởng phụ trách phê duyệt (với lý do rõ ràng, minh chứng cụ thể). Phó Hiệu trưởng phụ trách trực tiếp điều chỉnh hoặc chỉ đạo giáo viên phụ trách SMAS điều chỉnh. Việc chỉnh sửa điểm trên SMAS đều được hệ thống tự đông ghi nhận và được lãnh đạo trường giám sát thường xuyên.
Nhà trường yêu cầu giáo viên công bố công khai những nội dung: Điểm số sau mỗi lần kiểm tra; những em chưa kiểm tra và được kiểm tra bổ sung; học sinh đăng ký kiểm tra cải thiện điểm và điểm số sau kiểm tra; điểm kiểm tra sau phúc khảo;... Đồng thời quy định giáo viên bộ môn chịu trách nhiệm nếu làm trái quy định, gây ảnh hưởng đến uy tín nhà trường.