Học sinh yêu sớm và những hệ lụy buồn

Học sinh yêu sớm và những hệ lụy buồn

(GD&TĐ) - Thay vì những lớp cuối cấp THPT, hiện có không ít học sinh đang học ở bậc THCS cũng phát sinh tình cảm yêu đương với bạn khác giới. Do chưa đủ độ “chín” về nhận thức, tình cảm cộng với tâm lý hiếu kỳ, tò mò, thích khám phá những cảm xúc mới lạ, không ít em đã ngộ nhận về những cảm xúc, rung động của mình và cho đó là tình yêu. Với bản tính dễ bồng bột, nông nổi và quan niệm “thoáng” cho rằng: đã yêu là phải “cho”, phải biết “dâng hiến”, nhiều mối tình tuổi học trò đã phải đón nhận những kết cục buồn.

Những hệ lụy buồn

Do chưa có những nhận thức thực sự đầy đủ, chín chắn về tình yêu, lại chưa được trang bị những kỹ năng sống cơ bản nên tình trạng học sinh yêu sớm và có những quan hệ gần gũi về thể xác đã gây ra những hệ lụy buồn. Trước hết, việc sớm sa vào “chuyện yêu đương” có thể ảnh hưởng xấu tới việc học tập của học sinh. Do phải dành thời gian để “chat”, gọi điện, nhắn tin hay đi chơi với “người yêu”, thời gian học tập thực tế trên lớp cũng như ở nhà bị cắt xén nhiều. Cùng với đó, việc thường xuyên sống trong trạng thái nhớ nhung, mất ăn mất ngủ khiến cho lực học của học sinh trở nên sa sút do kiến thức “rơi rụng” dần. 

Không chỉ ảnh hưởng trực tiếp tới việc học hành, tình trạng học sinh yêu sớm và có những quan hệ thân mật, gần gũi, đi quá giới hạn cho phép còn có thể gây ra những tổn thương lớn cả về thể chất lẫn tinh thần đối với những “người trong cuộc”. Trong trường hợp này, chịu nhiều thiệt thòi nhất thường thuộc về các nữ sinh. Trên thực tế, nhiều nữ sinh tỏ ra bối rối, không biết xử trí ra sao khi lỡ ăn “trái cấm” và kết quả là, cái thai trong bụng cứ lớn dần lên trong khi các em chưa đủ các điều kiện để làm mẹ. Khi đối mặt với hoàn cảnh này, đa số nữ sinh đã phải “nhắm mắt đưa chân” chấp nhận đi nạo hút thai để được tiếp tục đến trường. Trong số đó, không ít em do mặc cảm, xấu hổ, sợ gia đình, thầy cô và bạn bè biết chuyện sẽ gièm pha, đàm tiếu, nhiều em đã tự tìm đến các cơ sở phá thai tư nhân để giải quyết hậu quả bất chấp những nguy hiểm có thể xảy ra. Sau khi phá thai, nhiều em rơi vào tình trạng hụt hẫng, suy sụp tinh thần, ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống sinh hoạt và học tập. Trong một số trường hợp, do phát hiện muộn, cái thai trong bụng đã quá lớn, không thể phá bỏ, bản thân nữ sinh phải bỏ dở việc học còn gia đình phải chạy đôn chạy đáo tìn cách “hợp lý hóa” đứa trẻ sắp chào đời. 

Yêu sớm và nỗi buồn hệ lụy Ảnh minh họa: Hàn Long
Yêu sớm và nỗi buồn hệ lụy                  Ảnh minh họa: Hàn Long

Không chỉ yêu sớm, thể hiện tình yêu một cách bạo dạn, quá trớn ngay cả trong lớp học hay ở nơi công cộng gây phản cảm, sở thích muốn ghi lại những “khoảnh khắc đáng nhớ” bằng các thiết bị chụp ảnh, ghi hình đã gây ra những tác động xấu. Nhất là khi những hình ảnh, clip “riêng tư” ấy được phát tán rộng rãi trên mạng. Do suy nghĩ nông nổi, hầu hết những tấm ảnh “nóng”, clip “nóng” được tạo ra đều do sự đồng ý của cả hai. Tuy vậy, khi những hình ảnh “riêng tư” ấy bị nhiều người chú ý do vô tình hay bị kẻ khác phát tán với ý đồ xấu, những “người trong cuộc” thường phải đối mặt với sự phản ứng từ dư luận xã hội, sự chỉ trích, phê phán từ phía bạn bè, gia đình và người thân. Mọi chuyện có thể đi quá đà, thậm chí dẫn tới những bi kịch khi nạn nhân của những tấm ảnh, clip “nóng” vì cùng quẫn, bế tắc mà tìm đến cái chết như một lối thoát duy nhất. 

Cần có sự định hướng từ phía gia đình và nhà trường

Nhiều bậc phụ huynh khi nhận thấy ở con những biểu hiện bất thường như: Thường xuyên đi học về muộn, lơ là, chểnh mảng trong việc học, thường xuyên gọi điện, nhắn tin cho ai đó… Sau khi tìm hiểu, biết con mình đã phát sinh tình cảm với bạn khác giới, thì cảm thấy lúng túng, không biết xử lý như thế nào cho phù hợp. 

Một số phụ huynh chọn giải pháp đe nạt, cấm đoán, tìm cách kiểm soát để con mình không tiếp tục vướng vào chuyện yêu đương. Mặc dầu vậy, giải pháp trên không phải lúc nào cũng phát huy tác dụng. Ở tuổi dậy thì, việc các nam sinh và nữ sinh xuất hiện những tình cảm “lạ” với bạn khác giới là điều tự nhiên. 

Vấn đề là người lớn cần có những cách xử trí linh hoạt, phù hợp. Mọi sự cấm đoán cực đoan, can thiệp thô bạo vào chuyện tình cảm của con trẻ ở độ tuổi mới lớn có thể gây ra những phản ứng tiêu cực, dẫn tới những hậu quả đáng tiếc. Nên chăng, khi phát hiện trẻ yêu sớm, cần gần gũi, tìm hiểu, chia sẻ từ đó định hướng cho các em nhận thức về tình bạn, tình yêu trong sáng. Làm sao để chúng thấy được rằng, ở tuổi học sinh, việc quan trọng nhất, ảnh hưởng đến tương lai là việc học. 

Bằng nhiều cách thức khác nhau, gia đình và nhà trường cần trang bị cho các em những kỹ năng sống cơ bản ở tuổi mới lớn. Trong đó, bao gồm cả việc trao đổi, cung cấp những kiến thức cơ bản, cần thiết về giới tính, sức khỏe sinh sản. Điều quan trọng là gia đình và các thầy, cô giáo trong nhà trường phải là chỗ dựa tinh thần quan trọng để giúp học sinh đang ở lứa tuổi dậy thì vượt qua được giai đoạn tâm lý có nhiều thay đổi, xáo trộn này. Trước tình trạng xuất hiện ngày càng nhiều những tấm ảnh, clip “nóng” ghi lại “cảnh riêng tư” mà nhân vật chính là học sinh, bên cạnh việc mạnh tay xử lý nghiêm đối với những kẻ phát tán với mục đích xấu, cần có biện pháp giáo dục, định hướng để những “người trong cuộc” nhận rõ những hậu quả khôn lường có thể xảy ra từ sở thích ghi lại “cảnh riêng tư” của chính mình. Việc tạo ra ngày càng nhiều những không gian vui chơi, giải trí lành mạnh, thiết thực để giới trẻ thể hiện sức khỏe, vẻ đẹp, cá tính, hiểu biết của bản thân có thể xem là giải pháp hữu hiệu góp phần giảm thiểu những hệ lụy buồn từ tình trạng yêu sớm của học sinh.

Bùi MInh Tuấn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhu cầu tuyển dụng lao động vào dịp cuối năm luôn “nóng” tại các doanh nghiệp. Ảnh minh họa: INT

Doanh nghiệp 'khát' lao động

GD&TĐ - Những tháng cuối năm luôn là thời điểm sôi động nhất của thị trường lao động, bởi hầu hết các doanh nghiệp phải chạy đua với thời gian

Minh họa/INT

Thưởng Tết - động lực để cống hiến

GD&TĐ - Ý nghĩa của thưởng Tết dù ít hay nhiều nhằm ghi nhận công lao, đóng góp của người lao động, đồng thời chính là thành quả mà người lao động tạo ra...

Minh họa/INT

Cảnh báo người mới

GD&TĐ - Trung Quốc vừa quyết định cấm xuất khẩu kim loại và vật liệu có chứa những nguyên tố hoá học nhất định, trong đó có Gallium và Germanium sang Mỹ.