Rèn tâm lý trường thi

GD&TĐ - Còn hơn 1 tháng nữa, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2025 - 2026 sẽ lần lượt diễn ra tại các địa phương trên cả nước.

Học sinh thành phố Phúc Yên (Vĩnh Phúc) thi thử vào lớp 10.
Học sinh thành phố Phúc Yên (Vĩnh Phúc) thi thử vào lớp 10.

Ở giai đoạn này, các trường không chỉ chú trọng ôn tập, củng cố kiến thức, mà còn đẩy mạnh tổ chức khảo sát, thi thử nhằm giúp học sinh nắm rõ cấu trúc đề thi, vững vàng tâm thế bước vào kỳ thi chính thức.

Vững vàng tâm lý

Trước mỗi kỳ thi, tâm lý lo lắng, căng thẳng là điều thường gặp ở nhiều học sinh. Áp lực từ kỳ vọng của gia đình, nỗi sợ thất bại hay tâm lý thiếu chuẩn bị có thể ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả thi, đặc biệt với học sinh lớp 9, lứa tuổi sắp trải qua kỳ thi chuyển cấp quan trọng.

Trên cơ sở các quy định mới tại Thông tư 29/2024 của Bộ GD&ĐT (Thông tư 29), các trường đã xây dựng kế hoạch ôn tập theo hướng giảm tải, tăng hiệu quả. Thay vì tăng tiết, học tăng giờ, nhiều trường chuyển sang hình thức ôn tập theo chuyên đề, chú trọng các dạng bài bám sát cấu trúc đề thi, giúp học sinh nắm chắc kiến thức trọng tâm và thành thạo kỹ năng làm bài.

Ngoài việc ôn tập, củng cố kiến thức, các trường THCS còn tăng cường công tác khảo sát, thi thử đối với học sinh. Đây được xác định là một trong những giải pháp thiết thực giúp rèn luyện bản lĩnh trường thi, hình thành kỹ năng làm bài và giảm bớt sự bỡ ngỡ, lúng túng ở kỳ thi chính thức.

Ông Phạm Kiều Hưng - Hiệu trưởng Trường THCS Yên Lạc (Yên Lạc, Vĩnh Phúc) cho biết: Sau khi Thông tư 29 có hiệu lực, nhà trường thực hiện việc ôn tập cho học sinh lớp 9 theo đúng quy định 2 tiết/môn/tuần. Tuy nhiên, để có kết quả tốt hơn cho học sinh, giáo viên nhà trường đã triển khai giao bài tập và hướng dẫn học sinh tự ôn tại nhà sau đó sửa trên lớp.

“Hướng tới kỳ thi chính thức được tổ chức vào ngày 1 và 2/6, Phòng GD&ĐT huyện Yên Lạc có kế hoạch khảo sát 4 lần với học sinh lớp 9 kể từ khi có thông báo môn thi thứ 3 đến trước thời điểm thi chính thức.

Xét thấy thời gian tổ chức khảo sát của phòng phù hợp nên nhà trường không tổ chức thêm các buổi khảo sát riêng. Qua các lần khảo sát, tôi nhận thấy học sinh tự tin hơn và khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quá trình làm bài”, ông Phạm Kiều Hưng nhấn mạnh.

Bên cạnh hoạt động khảo sát chất lượng, nhiều nhà trường, trung tâm giáo dục còn tổ chức các đợt thi thử cho học sinh. Các buổi thi thử được tiến hành nghiêm túc, mô phỏng đúng quy trình: Có số báo danh, phòng thi, giám thị, thời gian làm bài… giúp học sinh trải nghiệm đầy đủ không khí, cảm giác như trong kỳ thi chính thức.

Tại Trường THPT chuyên Hùng Vương (Việt Trì, Phú Thọ), trong đợt 1 thi thử vào lớp 10 năm học 2025 - 2026 có khoảng hơn 500 học sinh lớp 9 đăng ký dự thi gồm cả lớp chuyên và phổ thông thì đến đợt thi thứ 2 có gần 1.200 học sinh đăng ký bao gồm cả học sinh trong và ngoài tỉnh.

Sau khi thi thử lớp chuyên Tin lần 1, em Trần Trí Dũng (Vĩnh Phúc) hài lòng với kết quả và tiếp tục đăng ký thi lần 2. Trí Dũng chia sẻ: Qua lần thi thử thứ nhất, em thấy cấu trúc đề môn Ngữ văn, Tiếng Anh có phần khác so với các dạng đề chúng em ôn tập. Qua lần thi này, em dành nhiều thời gian hơn để ôn tập, bổ sung kiến thức còn thiếu để hướng tới kết quả tốt trong kỳ thi chính thức.

“Công tác tổ chức thi được nhà trường làm rất chuyên nghiệp, giống như thi thật nên qua các đợt thi này, em thấy tâm lý vững vàng hơn và đặc biệt có thêm các bạn mới để trao đổi, chia sẻ thông tin trước kỳ thi chính thức. Ngoài ra, em đăng ký thi chuyên Tin nên việc được làm quen với phòng máy hết sức quan trọng. Qua buổi thi, em không còn bỡ ngỡ khi sử dụng để làm bài”, Trí Dũng chia sẻ thêm.

ren-tam-ly-truong-thi-1.jpg
Trường THPT chuyên Vĩnh Phúc tư vấn và cho học sinh đăng ký dự thi vào trường được tham quan miễn phí.

Đồng hành vượt vũ môn

Tại Vĩnh Phúc, cuối tháng 4/2025, Trung tâm Giáo dục ICG phối hợp với Trường THPT chuyên Vĩnh Phúc tổ chức kỳ thi thử vào lớp 10 chuyên cho học sinh trên địa bàn và các tỉnh lân cận. Đây là năm đầu tiên hoạt động thi thử vào chuyên Vĩnh Phúc được tổ chức giống thi thật gồm các bài thi môn chung và chuyên.

Ông Hoàng Hiệp - Giám đốc Trung tâm Giáo dục ICG cho biết: Đề thi thử được xây dựng bám sát cấu trúc, định hướng của đề thi chính thức do Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc công bố. Qua đó, giúp học sinh hiểu rõ cấu trúc đề thi, luyện tập kỹ năng phân bổ thời gian, xử lý tình huống và tăng dần sự tự tin.

Kết quả thi thử cũng giúp giáo viên nhận diện rõ trình độ học sinh để phân loại, điều chỉnh nội dung ôn tập phù hợp. Từ đó, việc dạy học trở nên linh hoạt, cá thể hóa hơn, thay vì dạy dàn trải hoặc chạy theo số lượng đề.

“Song hành với các buổi thi thử, Trường THPT chuyên Vĩnh Phúc cũng đồng ý để học sinh có nguyện vọng thi vào lớp 10 của nhà trường năm học 2025 - 2026 được tham quan, gặp mặt và chia sẻ kinh nghiệm làm bài thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT chuyên; được giải đáp, tư vấn và cung cấp thông tin về kỳ thi tuyển sinh chính thức… hoàn toàn miễn phí”, ông Hoàng Hiệp nêu rõ.

Ngoài yếu tố chuyên môn, việc đồng hành, động viên học sinh trong giai đoạn nước rút được các nhà trường và phụ huynh đặc biệt quan tâm. Nhiều trường THCS trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ… duy trì mô hình “góc chia sẻ”, “nhật ký ôn thi” hay hoạt động tư vấn học đường để học sinh giãi bày tâm sự, lắng nghe và đồng hành.

Chị Trần Thị Loan có con học lớp 9 tại huyện Phù Ninh (Phú Thọ) chia sẻ: “Sau khi được nhà trường và giáo viên chủ nhiệm tư vấn, trong giai đoạn này, gia đình luôn tạo điều kiện về thời gian, chế độ dinh dưỡng để con yên tâm ôn tập.

Tôi nghĩ, sự đồng hành đúng cách từ gia đình có vai trò quan trọng giúp các con cảm thấy an tâm, tự tin, tránh rơi vào trạng thái căng thẳng, mất thăng bằng. Chính vì vậy, quan điểm của cá nhân là nên tạo môi trường học tập nhẹ nhàng, gần gũi hơn đặt nặng kỳ vọng lên vai các con”.

Có thể thấy, việc ôn tập đúng cách và tích cực rèn tâm lý trường thi cho học sinh là những bước chuẩn bị quan trọng, góp phần vào thành công của kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 tới đây.

Bà Nguyễn Thị Hương Nhị - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Lâm Thao (Phú Thọ) cho biết: “Hơn 24.000 học sinh lớp 9 của tỉnh Phú Thọ vừa tham gia khảo sát chất lượng. Riêng ở huyện Lâm Thao có 1.715 học sinh tham gia. Tôi nhận thấy qua các đợt khảo sát chất lượng nhà trường tổ chức, cũng như khảo sát chung của phòng/sở GD&ĐT, học sinh trên địa bàn đã nắm chắc cấu trúc đề thi, nhận diện được những khoảng trống kiến thức cần bù đắp. Từ đó, các nhà trường và giáo viên có cơ sở xây dựng kế hoạch ôn tập sát với năng lực học sinh, giúp việc dạy và học trở nên chủ động, hiệu quả hơn. Ngoài ra, khi được tiếp xúc nhiều lần với các đề thi giống như thi thật, học sinh dần giảm bớt lo lắng, bối rối; tinh thần ổn định, tự tin hơn khi bước vào kỳ thi chính thức”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bạn có bao giờ nhận thấy một số người bạn chỉ xuất hiện khi họ cần giúp đỡ? (Ảnh: ITN).

4 dấu hiệu bạn đang bị lợi dụng

GD&TĐ - Bị gia đình hoặc bạn bè lợi dụng là điều rất khó chấp nhận. Nó khiến bạn nghi ngờ tính xác thực của cả hai mối quan hệ.