Học sinh vùng biên mạnh dạn, tự tin hơn khi học Chương trình phổ thông mới

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Sau khi kiểm tra cuối học kì I, năm học 2022-2023, trường học tại huyện vùng biên Kon Tum nhận xét học sinh mạnh dạn, chủ động hơn trong học tập.

Học sinh lớp 7, Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Hai Bà Trưng.
Học sinh lớp 7, Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Hai Bà Trưng.

Linh hoạt kiểm tra, đánh giá

Trải qua một học kì triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018 đối với lớp 3, 7 và 10, ngành Giáo dục tỉnh Kon Tum linh hoạt trong phương pháp kiểm tra, đánh giá để học sinh phát huy một cách tốt nhất.

Cô Đặng Thị Thu Thuỷ, Phó hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Hai Bà Trưng (huyện Sa Thầy, Kon Tum) cho biết, năm học 2022-2023 toàn trường có 405 học sinh, trong đó 257 em là người dân tộc thiểu số. Riêng khối lớp 7 có 98 em.

Theo cô Thuỷ, đây là năm đầu tiên thực hiện Chương trình GDPT 2028 đối với lớp 7, tuy nhiên, các em đã được làm quen với chương trình mới từ năm lớp 6 nên không có quá nhiều bỡ ngỡ. Vừa qua, nhà trường tổ chức kiểm tra học kì I đối với học sinh lớp 7 và có những kết quả đáng khích lệ.

“Đối với chương trình mới, phương pháp kiểm tra chủ yếu là định hướng, nâng cao phẩm chất của học sinh. Theo đó, trong quá trình giảng dạy, giáo viên đánh giá kết quả học tập của học sinh thông qua dự án, sản phẩm và khả năng làm việc nhóm. Cuối học kì I các lớp vẫn triển khai kiểm tra viết, lồng ghép giữa trắc nghiệm và tự luận nhằm đánh giá học sinh một cách toàn diện”, cô Thuỷ chia sẻ.

Cũng theo Phó hiệu trưởng, qua kiểm tra giữa và cuối học kì I học sinh lớp 7 đã tiếp cận với kĩ năng học tập bằng hình thức mới với lượng kiến thức linh hoạt. Tuy nhiên kĩ năng khai thác thông tin, hợp tác nhóm và làm việc độc lập của học sinh DTTS còn hạn chế. Chính vì vậy trong học kì II nhà trường tiếp tục dạy phụ đạo cho các em. Qua đó giúp bổ sung kiến thức, kĩ năng cho học sinh dân tộc thiểu số. Ngoài ra tích cực duy trì phát triển tốt hoạt động ngoại khoá. Đồng thời, chỉ đạo giáo viên đổi mới phương pháp dạy học Chương trình GDPT 2018 phù hợp với học sinh dân tộc thiểu số.

Em A Thao Dương - học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Hai Bà Trưng cho biết, năm học này em được tiếp cận với chương trình, SGK mới nên rất vui và thích thú. Tuy em vẫn còn gặp khó khi tìm hiểu một số kiến thức, nhưng được thầy cô hỗ trợ, giúp đỡ nên cũng đỡ bỡ ngỡ.

“Trong quá trình học tập, ngoài kiến thức thầy cô dạy trên trường lớp chúng em được tìm hiểu, tiếp cận nhiều kĩ năng có thể ứng dụng vào thực tế’, em A Thao Dương bộc bạch.

Giáo viên Tin học "chạy sô"


Chương trình GDPT 2018 giúp học sinh tự tin, mạnh dạn hơn trong học tập.
Chương trình GDPT 2018 giúp học sinh tự tin, mạnh dạn hơn trong học tập.

Thầy Trần Quốc Vương, Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học – THCS xã Sa Nghĩa (huyện Sa Thầy, Kon Tum) cho hay, đối với Chương trình SGK mới vẫn còn một số bỡ ngỡ, đặc biệt đối với học sinh lớp 6 - năm học 2022-2023. Tuy nhiên, Ban giám hiệu nhà trường và giáo viên luôn tích cực, linh hoạt để hỗ trợ, giúp các em tiếp cận chương trình một cách tốt nhất.

Tuy nhiên, theo thầy Vương khi thực hiện Chương trình GDPT 2018, khó khăn nhất của nhà trường là thiếu máy tính và giáo viên Tin học. Bởi hiện nay toàn trường có 31 máy tính phục vụ cho cấp Tiểu học và THCS. Toàn trường có 3 điểm trường, nhưng hiện tại điểm trường Đăk Tăng thiết bị chưa được phân bổ về. Do đó, các em học lý thuyết tại điểm trường, mỗi khi đến tiết thực hành thì học sinh sẽ ra trường chính học tập. Thế nhưng, khoảng cách giữa 2 nơi khá xa nên vất vả cho phụ huynh, học sinh khi di chuyển.

Theo thầy Vương, để đáp ứng thực hiện tốt Chương trình GDPT 2018 đơn vị cần thêm khoảng 30 máy tính và ít nhất 1 giáo viên Tin học. Bởi hiện nay, bộ môn này chỉ có 1 giáo viên giảng dạy ở cả 3 điểm trường. Chính vì vậy, giáo viên phải dạy liên cấp, điểm xa nhất cách trường chính 12km nên khó khăn trong việc sắp xếp thời khoá biểu và di chuyển.

Vị Phó hiệu trưởng cho rằng, Chương trình GDPT 2018 có nhiều đổi mới, tích cực trong quá trình giảng dạy của giáo viên và tiếp cận kiến thức của học sinh. Nếu ở Chương trình cũ các em học thụ động thì chương trình mới này học sinh năng nổ, tự tin và mạnh dạn hơn. Từ đó giúp học sinh phát triển năng lực, phẩm chất…

“Sa Thầy là huyện biên giới của tỉnh Kon Tum nên vẫn còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Không những thế, khi tiếp cận Chương trình mới một số học sinh dân tộc thiểu số vẫn còn nhút nhát và chưa chủ động. Do đó nhà trường và giáo viên luôn quan tâm, động viên để các em học tập, phát huy khả năng - sở trường một cách tốt nhất”, thầy Vương bộc bạch.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cô trò Trường Mầm non Khong Hin (huyện Tuần Giáo, Điện Biên). Ảnh: NTCC

Ngăn chặn từ gốc bạo hành trẻ mầm non

GD&TĐ - Từ các vụ bạo hành trẻ mầm non ở một số cơ sở, nhóm lớp ngoài công lập gần đây, giải pháp ngăn chặn tình trạng bạo hành được ngành Giáo dục tăng cường.