Đó là dự án “Chế tạo máy phát điện dựa trên hiệu ứng điện ma sát” của nhóm học sinh Trường THPT chuyên Hạ Long gồm 5 em: Nguyễn Bá, lớp 10 C1; Đỗ Thành Hưng, lớp 10 Anh; Trần Thanh Huyền, lớp 11 Anh; Nguyễn Phương Anh, lớp 11C2; Vũ Tuấn Anh Khoa, lớp 10 Tin.
Dự án này còn được nhận giải đặc biệt của Kỳ thi do Hiệp hội các nhà khoa học trẻ Singapore trao tặng.
Đại diện nhóm nghiên cứu, Nguyễn Phương Anh cho biết: Từ khi thương mại hóa năng lượng điện, con người luôn muốn chế tạo ra những máy phát điện cỡ lớn để có thể sản xuất ra nhiều điện phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày.
Các nước đều có hệ thống điện lưới quốc gia của riêng mình. Sau đó, nhà máy phát điện mọc lên khắp nơi, sản xuất điện năng nhiều nhất có thể và hòa vào hệ thống quốc gia. Tuy nhiên, bài toán xử lý ô nhiễm môi trường do các nhà máy phát điện gây ra luôn là vấn đề cần giải quyết.
Mục đích của đề tài này là chế tạo ra hệ máy phát điện ma sát nano, từ đó ứng dụng cho một số thiết bị điện đơn giản. Nghiên cứu tập trung tìm hiểu nguyên lý hoạt động, tối ưu hóa cấu tạo, giá thành và hướng tới việc sản xuất bán ra thị trường.
Nhóm học sinh Trường THPT chuyên Hạ Long (từ trái qua phải) gồm: Vũ Tuấn Anh Khoa, Nguyễn Phương Anh, Đỗ Thành Hưng, Trần Thanh Huyền, và Nguyễn Bá. |
"Chúng em rất vui khi được tham dự kỳ thi này. Chúng em được học hỏi nhiều điều từ thầy cô, các bạn đến từ nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới; được trải nghiệm những nét văn hoá đặc trưng của người dân bản địa" - Nguyễn Phương Anh chia sẻ thêm.
Kỳ thi Khoa học và sáng chế quốc tế (International Science and Invention Fair – ISIF 2022) được tổ chức trực tiếp từ ngày 1/11 - 5/11/2022 tại Bali, Indonesia.
Kỳ thi năm nay thu hút 32 quốc gia trên toàn thế giới với 507 đề tài, khoảng 1.800 học sinh (độ tuổi từ 11-18) và giáo viên tham gia. Kỳ thi do Hiệp hội các nhà khoa học trẻ Indonesia tổ chức, nhằm truyền cảm hứng khoa học và sáng tạo cho học sinh trên thế giới, tạo cơ hội để các em chia sẻ ý tưởng, học hỏi, giao lưu văn hoá.