Học sinh Việt Nam đoạt giải Ba Intel ISEF 2017

GD&TĐ - Sáng 20/5, tin từ sở GD&ĐT tỉnh Quảng Trị cho biết, em Phạm Huy là học sinh lớp 11, trường THPT thị xã Quảng Trị đã đạt giải Ba trong cuộc thi Khoa học kỹ thuật quốc tế (Intel ISEF 2017) tại California, Mỹ. 

Phạm Huy nghiên cứu để chế tạo "cánh tay robot" dành cho người khuyết tật
Phạm Huy nghiên cứu để chế tạo "cánh tay robot" dành cho người khuyết tật
Sau 2 lần phỏng vấn xin visa không thành, sáng 13/5, Phạm Huy lần thứ 3 phỏng vấn xin visa tại Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam. Sau khoảng 10 phút trả lời phỏng vấn, Phạm Huy đã được cấp visa và tối 13/5 lên đường sang Mỹ dự cuộc thi Khoa học kỹ thuật quốc tế (Intel ISEF 2017

Sản phẩm cánh tay robot của Phạm Huy là một trong 5 dự án giành giải Nhất tại cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp Quốc gia khu vực phía Bắc, được Bộ Giáo dục và Đào tạo cử đại diện Việt Nam dự cuộc thi Khoa học Kỹ thuật quốc tế (Intel ISEF 2017) tại California, Mỹ.

Nảy ý tưởng thiết kế cánh tay robot trợ giúp cho người khuyết tật, Huy tìm hiểu kiến thức trên internet và bắt đầu chế tạo cánh tay robot điều khiển từ bộ cảm ứng lắp đặt ở giày và cổ chân người khuyết tật, các ngón chân điều khiển bốn nút ở đầu mũi giày, tương ứng với cử động co duỗi 5 ngón tay.

Cảm ứng chuyển động và cảm ứng nghiêng lắp ở cổ chân điều khiển cánh tay co duỗi, xoay các hướng. Cánh tay có thể cầm nắm được vật nhẹ như thìa nhôm, ly nước, nâng tạ co duỗi nặng 2 kg, xách được vật nặng 11 kg. Sản phẩm có thể thiết kế cho người mất hoàn toàn hay một phần cánh tay.

Em Phạm Huy (phải) chụp ảnh cùng cán bộ Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Trị trước khi bay sang Mỹ tham dự cuộc thi Khoa học kỹ thuật quốc tế (Intel ISEF 2017) tại California.
 Em Phạm Huy (phải) chụp ảnh cùng cán bộ Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Trị trước khi bay sang Mỹ tham dự cuộc thi Khoa học kỹ thuật quốc tế (Intel ISEF 2017) tại California. 

Quá trình hoàn thiện sản phẩm, Huy nhờ một người khuyết tật sử dụng thử và nhận được đánh giá tích cực.

Năm lớp 10, sản phẩm đầu tay của Huy ra đời, dự cuộc thi của cộng đồng thiết kế trên mạng Internet và giành giải khuyến khích.

Một năm sau, em cải tiến sản phẩm, trình bày ý tưởng với nhà trường và dự các cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật cấp tỉnh, cấp quốc gia.

Việc làm cánh tay hỗ trợ cho người khuyết tật có nhiều trên thế giới, nhưng hỗ trợ cho người mất đi hoàn toàn cánh tay thì chưa có nhiều, nhất là ở Việt Nam.

Cánh tay robot của Huy sẽ tiếp tục được hoàn thiện, bước đầu giá thành sản phẩm chỉ 2,8 triệu đồng, hy vọng được ứng dụng trong cuộc sống, giúp đỡ nhiều người khuyết tật.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Những ký ức trong tim

Những ký ức trong tim

GD&TĐ - Những năm tháng học trò là quãng thời gian đáng nhớ nhất, là lúc ta được trải nghiệm những giây phút vui buồn, với bao nhiêu khoảnh khắc không thể phai nhạt.