Đầu tuần này, tranh chấp thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã trở nên tồi tệ hơn khi Trung Quốc áp thêm thuế vào hàng Mỹ nhằm đáp trả quyết định tăng thuế của Mỹ với hàng Trung Quốc vào tuần trước. Đơn đặt hàng máy bay Boeing từ Trung Quốc trước đó đã thoát được thuế mới mà Trung Quốc đánh vào hàng Mỹ. Do đó, tác động tức thời lên các máy bay Boeing từ vòng thuế này chưa rõ ràng.
Boeing là hãng xuất khẩu hàng đầu của Mỹ do đó công ty này được xem là quan trọng trong các cuộc đàm phán thương mại. Boeing không thể để mất các đơn hàng của Trung Quốc, tuy nhiên, tổng biên tập một hãng truyền thông nhà nước Trung Quốc cho rằng điều này có thể xảy ra.
“Trung Quốc có thể dừng mua các sản phẩm nông nghiệp, năng lượng của Mỹ, giảm đơn đặt hàng Boeing và giới hạn Mỹ giao thương với Trung Quốc” – Tổng biên tập hãng tin Global Times cho biết.
Thị trường một ngàn tỉ
Trung Quốc, cùng với nhu cầu đi lại tăng lên, đã trở thành thị trường mua máy bay quan trọng. Boeing dự đoán Trung Quốc sẽ sớm trở thành thị trường 1 nghìn tỉ đầu tiên trên thế giới về máy bay. Đến năm 2037, Boeing ước tính Trung Quốc sẽ cần đến 7.690 máy bay thương mại để đáp ứng nhu cầu đi lại.
Nhà sản xuất máy bay Airbus và Comac của Trung Quốc đang cạnh tranh với Boeing trong thị trường Trung Quốc rộng lớn và phát triển nhanh chóng. Máy bay đầu tiên của Comac, được thiết kế để cạnh tranh với Boeing 737 Max và Airbus A320, đã có chuyến bay thử đầu tiên năm 2017. Tuy máy bay này chưa sẵn sàng cho dịch vụ thương mại nhưng Boeing không thể mắc bất kỳ sai lầm nào nữa.
Về phần mình, Boeing đang cố gắng duy trì một cái nhìn tích cực trong cuộc chiến thương mại đang diễn ra.
“Chúng tôi tin tưởng Mỹ và Trung Quốc sẽ tiếp tục các cuộc đàm phán thương mại và đạt tới một thỏa thuận, mang lại lợi ích cho cả nhà sản xuất và tiêu dùng ở Mỹ và Trung Quốc” – một tuyên bố của công ty cho biết.
Boeing không có nhà máy ở Trung Quốc. Tuy nhiên, họ đã mở một trung tâm hoàn thiện 737 ở đó vào năm ngoái nhằm hoàn chỉnh các máy bay đã được chế tạo ở khu vực Seattle.
Đầu năm nay, các giám đốc điều hành của công ty đã có tin hiệu rằng đơn đặt hàng từ Trung Quốc sẽ giảm xuống khi đàm phán thương mại diễn ra, tuy nhiên, họ không lo về nhu cầu lâu dài về máy bay của khách hàng Trung Quốc.
“Chúng tôi cho rằng Trung Quốc là một thị trường phát triển lâu dài đối với chúng tôi, tuy nhiên, những nỗ lực sẽ diễn ra chính xác như thế nào trong vòng 1 hay 2 quý nữa vẫn là một câu hỏi mở khi chúng ta đang có các cuộc đàm phán thương mại” – Giám đốc điều hành Dennis Muilenburg nói hồi tháng 1.
Các hãng hàng không Trung Quốc đã quen mua máy bay Boeing và thấy khó khăn khi chuyển sang máy bay Airbus. Chi phí của cả việc đào tạo phi công và cho các linh kiện thay thế sẽ tăng cao hơn nếu họ dùng 2 nhà cung cấp máy bay. Việc chuyển sang dùng Airbus sẽ khiến các hãng hàng không Trung Quốc phải đứng cuối cùng khi xếp hàng đặt mua máy bay.
Chiến thuật trong đàm phán thương mại
Thậm chí nếu Trung Quốc tiếp tục mua máy bay Boeing, họ vẫn có thể tạo đòn bẩy trong cuộc chiến thương mại bằng cách không loại bỏ lệnh cấm bay đối với máy bay 737 Max mới gây tai nạn.
Boeing đang phải vận lộn để loại máy bay bán chạy nhất 737 Max được phép trở lại bầu trời. Loại máy bay này đã bị đình chỉ sau vụ tai nạn ở Ethiopia. Trung Quốc là một trong những nước đầu tiên cấm máy bay này sau tai nạn ngày 10/3 vừa qua. Chưa biết Cục Hàng không dân dụng Trung Quốc (CAAC) có cho phép máy bay này hoạt động trở lại hay không mặc dù Boeing đã đưa ra bản sửa lỗi được Cục Hàng không Liên bang Mỹ phê chuẩn.
CAAC nói rằng họ quyết định cấm máy bay 737 Max vì không chấp nhận sự an toàn bị đe dọa. Tuy nhiên, một số chuyên gia tin rằng việc đình chỉ máy bay được thực hiện ít nhất có một phần lý do liên quan tới các cuộc đàm phán thương mại đang diễn ra giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới.
“Có thể hành động của Trung Quốc chỉ vì thận trọng và sự an toàn của hành khách, tuy nhiên CAAC cơ bản là một chi nhánh của chính phủ và không độc lập về chính trị” – nhà phân tích hàng không Richard Aboulafia của tập đoàn Teal nói – “Vì vậy, động thái của CAAC khi đình chỉ máy bay trên.. tốt nhất được xem là một chiến thuật khác trong cuộc đàm phán thương mại của Trung Quốc”.