Học sinh về quê tránh dịch: Cánh cửa trường học luôn rộng mở

GD&TĐ - Con em lao động trở về từ các tỉnh, thành phía Nam được các trường học tại Nghệ An tạo điều kiện học tập cả trực tuyến lẫn trực tiếp sau khi hoàn thành cách ly.

Học sinh trở về quê được bố trí học tập phù hợp với điều kiện địa phương trong thời gian dịch bệnh. Ảnh minh họa: Đăng Chung
Học sinh trở về quê được bố trí học tập phù hợp với điều kiện địa phương trong thời gian dịch bệnh. Ảnh minh họa: Đăng Chung

Bên cạnh đó, Nghệ An còn hỗ trợ cho hàng nghìn học sinh của tỉnh đang mắc kẹt tại vùng dịch.

Hỗ trợ tối đa

Xồng Bá Sênh vốn học hết lớp 1 tại Trường Tiểu học Tam Hợp, huyện Tương Dương, Nghệ An. Nhà Sênh ở bản Huồi Sơn, vùng biên giới giáp Lào, nơi 100% bà con là người dân tộc Mông. Rừng cấm, rẫy bạc màu, những năm qua, nhiều bà con ở đây kéo nhau vào miền Nam kiếm việc làm ở các khu công nghiệp. Bố mẹ của Sênh cũng theo họ hàng vào Tây Nguyên làm việc trong rẫy cà phê, mang theo con cái đi cùng.

Sau hơn 1 năm, đại dịch Covid-19 khiến những người lao động lũ lượt hồi hương. Sênh cùng với bố mẹ lại quay về Huồi Sơn. Sau thời gian cách ly theo quy định, cậu học trò người Mông được nhận lại vào trường cũ học tập. Nhưng thay vì học tiếp lớp 3 theo đúng độ tuổi, Sênh được xếp vào lớp 2, ngoài ra còn được dạy lại chương trình tiếng Việt lớp 1.

Thầy Nguyễn Đình Mận – Hiệu trưởng nhà trường - cho biết: “Qua kiểm tra, khảo sát năng lực trước khi vào học, em Xồng Bá Sênh hầu như đã “tái mù chữ”. Vì vậy, nhà trường xếp em vào lớp 2, đồng thời giao cho giáo viên chủ nhiệm phụ đạo thêm để Sênh có thể nắm lại kiến thức cũ”.

Thực tế, vào mỗi dịp hè hoặc ra tết, một số học sinh của trường nghỉ học theo bố mẹ vào miền Nam hoặc Tây Nguyên làm ăn. Bố mẹ nhận thức còn hạn chế, điều kiện sinh sống nơi làm thuê cũng khó khăn, thậm chí ở trong các rẫy cà phê, cao su. Qua nắm bắt, thậm chí con em cũng không được tiếp tục đi học theo chương trình. Do đó, theo thầy Nguyễn Đình Mận, nhà trường đã tăng cường vận động, tuyên truyền nên những năm gần đây, số lượng học sinh rời bản giảm hẳn. Đợt dịch bệnh này, số lượng bà con từ vùng dịch trở về khá lớn, nhưng số trẻ theo bố mẹ hồi hương chủ yếu ở bậc mầm non.

Học sinh Trường Tiểu học Tam Hợp, huyện Tương Dương, Nghệ An đã đi học trực tiếp trở lại ở cả trường chính lẫn điểm lẻ.
Học sinh Trường Tiểu học Tam Hợp, huyện Tương Dương, Nghệ An đã đi học trực tiếp trở lại ở cả trường chính lẫn điểm lẻ.

Trường Tiểu học Long Thành (huyện Yên Thành, Nghệ An) đến nay đã tiếp nhận 6 học sinh từ miền Nam trở về quê và mắc kẹt lại, rải đều từ lớp 1 - 5. Mới nhất là trường hợp 2 anh em Nguyễn Trọng Đức (lớp 5) và Nguyễn Ngọc Bình An (lớp 3) vừa hoàn thành cách ly tập trung. Trước đó, dịp nghỉ hè, anh em Trọng Đức và Bình An được bố mẹ gửi về quê ở xã Long Thành chơi với ông bà. Tuy nhiên, dịch bệnh bùng phát rồi kéo dài tới tận năm học mới 2021 - 2022. Chưa thể quay trở lại Bình Dương, và cũng không để gián đoạn việc học, gia đình đã xin cho 2 con chuyển trường về quê.

Thầy Nguyễn Văn Hải – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Long Thành - cho biết: “Trước đó, ảnh hưởng dịch bệnh, nhà trường chưa dạy học trực tiếp, hồ sơ chuyển trường của 6 học sinh này cũng chưa hoàn thành, nhưng nhà trường vẫn tạo điều kiện để các em học trực tuyến. Dù có khác biệt về giọng nói, bạn bè, thầy cô mới nhưng về cơ bản, cả 6 em đều hòa nhập nhanh. Đến khi dạy học trực tiếp, các em không gặp nhiều khó khăn ở ngôi trường mới, có em qua khảo sát thấy học lực tốt, tiếp thu bài hiệu quả”.

Hỗ trợ học sinh đang mắc kẹt tại vùng dịch

Bên cạnh tiếp nhận con em lao động từ miền Nam trở về, Trường Tiểu học Long Thành cũng có  nhiều học sinh mắc kẹt ở vùng dịch. Cụ thể, những em này trong dịp hè vào miền Nam thăm bố mẹ, sau đó do dịch bệnh mà không kịp trở về trước năm học mới. Khi được bố mẹ đưa trở về nhà,  phải thực hiện cách ly tập trung ít nhất 14 ngày để đảm bảo phòng dịch.

Ngày 8/10, em Phan Ngọc Nhi (lớp 2G) mới chính thức được đi học trở lại cùng thầy cô và các bạn do trước đó đang ở trong khu cách ly tập trung theo quy định. Để bảo đảm an toàn, nhà trường yêu cầu các trường hợp này phải có giấy xác nhận hoàn thành cách ly và đảm bảo sức khỏe của địa phương và trạm y tế. Được đi học học trực tiếp, gặp lại bạn bè, cô bé rất háo hức, phấn khởi dù kiến thức bị chậm hơn so với cả lớp.

Hiện, Trường Tiểu học Long Thành vẫn còn 2 học sinh chưa hoàn thành cách ly và chỉ có thể tham gia giờ học trực tuyến vào buổi tối. Hiệu trưởng nhà trường cũng cho biết: Khi các em quay trở lại trường, thầy cô sẽ dành thời gian phụ đạo, để bù đắp lại kiến thức, không để học sinh thiệt thòi.

Trường THPT Bắc Yên Thành (huyện Yên Thành) không tiếp nhận trường hợp học sinh nào trở về từ miền Nam, nhưng có tới 36 em đang mắc kẹt tại các vùng dịch của cả nước. Trong đó, nhiều nhất là khối 12 với 22 em, khối 11 có 10 em và khối 10 có 2 em.

Học sinh tiểu học tại huyện Yên Thành hoạt động nhóm trong giờ học trực tiếp.
Học sinh tiểu học tại huyện Yên Thành hoạt động nhóm trong giờ học trực tiếp.

Em Tạ Thành Phú (học sinh lớp 12A3) có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Bố mẹ ly dị từ khi 3 tuổi, em ở với bố đến năm lớp 2 thì bố qua đời. Từ đó, cậu bé sống bằng sự cưu mang của ông bà nội, nhưng không lâu sau, ông cũng qua đời. Gia đình thuộc diện hộ nghèo, bà già yếu.

Hè vừa qua, Phú quyết định vào làm thêm trong thành phố Nha Trang (Khánh Hòa) để kiếm tiền chuẩn bị cho năm học mới. Nhưng vừa làm được thời gian ngắn, dịch bệnh bùng phát, Phú lại tránh lên Đắk Lắk ở với chị gái. Hiện giờ, Đắk Lắk đang là vùng dịch, cậu học trò cuối cấp mắc kẹt lại tại thôn Hà Bắc, xã Ea Wer, huyện Buôn Đôn.

“Hoàn cảnh của Phú rất khó khăn, những năm qua, nhà trường luôn quan tâm động viên cả về tinh thần và vật chất. Ngoài hưởng các chế độ của Nhà nước đối với học sinh diện hộ nghèo, Phú còn được miễn tiền học thêm, trao học bổng, quà tết... Nhà trường cũng đã kết nối để cựu học sinh nhận đỡ đầu cho Phú với mức quà mỗi kỳ 1 triệu đồng”, thầy Thủy thông tin.

Thầy Nguyễn Bá Thủy – Hiệu trưởng Trường THPT Bắc Yên Thành - cho biết: Sau khi nắm thông tin từ gia đình và giáo viên chủ nhiệm, nhà trường đã liên hệ với ngành Giáo dục Đắk Lắk để tạo điều kiện cho em được học tạm tại huyện Buôn Đôn.

Những học sinh khác đang mắc kẹt tại vùng dịch cũng được nhà trường tìm cách liên lạc, hỗ trợ. Theo thầy Nguyễn Bá Thủy, một số em đi làm và mắc kẹt trong khu công nghiệp, không có điều kiện nhập học tạm tại trường THPT ở địa phương đó, thì giải pháp tình thế là dạy online, kèm giao bài tập, đề cương qua email, nhóm Zalo, Facebook. Sau khi dịch bệnh được kiểm soát, trở về trường cũ, thầy cô sẽ có giải pháp bổ sung, phụ đạo kiến thức cho các em, đặc biệt là học sinh lớp 12.

Nghệ An hiện có hơn 1.600 học sinh từ bậc tiểu học đến THPT đang bị mắc kẹt ở các vùng dịch của cả nước, chưa thể quay về để đi học. Trong đó có khoảng 1.000 em tiểu học và gần 650 học sinh từ lớp 6 - 12.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ