Học sinh theo cha mẹ về quê tránh dịch: Khẩn trương lo chuyện học cho trò

GD&TĐ - Từ đầu tháng 10, hàng trăm nghìn người từ TPHCM, tỉnh miền Đông Nam Bộ trở về các tỉnh miền Tây để tránh dịch. Trong đó, có nhiều học sinh đành bỏ dở chuyện học để theo cha mẹ về quê.

Hàng trăm nghìn người từ TPHCM, Đông Nam Bộ trở về các tỉnh miền Tây, trong đó có nhiều HS đành bỏ dở chuyện học để theo cha mẹ về quê.
Hàng trăm nghìn người từ TPHCM, Đông Nam Bộ trở về các tỉnh miền Tây, trong đó có nhiều HS đành bỏ dở chuyện học để theo cha mẹ về quê.

Hiện, ngành Giáo dục các địa phương đang khẩn trương tạo điều kiện để các em được đến trường.

Cho học trước, thủ tục tính sau

Sau khi TPHCM, Đông Nam Bộ nới lỏng giãn cách, hàng trăm nghìn người lao động trở về miền Tây để tránh dịch. Các tỉnh Sóc Trăng, An Giang, Trà Vinh, Cà Mau, Đồng Tháp… đón hàng chục nghìn người về quê, trong đó có nhiều trẻ em  trong độ tuổi đi học. Các tỉnh vừa đón người dân, vừa sàng lọc, cách ly để đảm bảo công tác phòng dịch. Ngành Giáo dục địa phương cũng khẩn trương tạo điều kiện để con em theo cha mẹ trở về quê được đến trường.

Trao đổi với Báo GD&TĐ, bà Trần Thị Ngọc Diễm, Giám đốc Sở GD&ĐT An Giang, cho biết: Ngành Giáo dục đã chỉ đạo các trường phối hợp cùng địa phương thực hiện rà soát, thống kê số lượng học sinh theo cha mẹ về quê tránh dịch, đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho các em nhập học tại nơi đang cư trú.

Do ảnh hưởng dịch bệnh, học sinh phải học tập theo hình thức trực tuyến nên nhiều em ở xa vẫn có thể tham gia học tập. Tuy nhiên, ngành Giáo dục cũng quan tâm đến việc sau khi trở lại trường học tập, các em chưa thể về lại trường cũ. Vì thế, ngành Giáo dục An Giang khuyến khích phụ huynh chủ động đăng ký cho học sinh học tại trường gần nơi ở hiện tại…

“Với những học sinh đang học tập ở địa phương khác theo gia đình về tránh dịch và mong muốn được học tập tại địa phương, ngành Giáo dục sẽ hướng dẫn gia đình đến đăng ký và nhập học tại các trường gần nơi cư trú nhất, hồ sơ sẽ bổ sung sau”, bà Diễm cho biết.

Theo ông Nguyễn Phúc Tăng, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP Cần Thơ, khi gia đình có nhu cầu cho học sinh nhập học tại địa phương, nhà trường sẽ tiếp nhận để các em ổn định việc học trước, sau đó sẽ phối hợp cùng gia đình làm thủ tục hồ sơ nhập học.

Ở địa phương đón nhiều người dân trở về từ TPHCM, Bình Dương, cô Nguyễn Thị Kim Thương, Hiệu trưởng Trường THCS Thới Xuân (huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ) cùng nhà trường có những bước chuẩn bị. Theo cô Thương, học sinh ở xa trở về địa phương phải thực hiện cách ly tập trung và học sinh ở địa phương khác kẹt lại đều được nhà trường tiếp nhận để học tập trực tuyến.

“Nhà trường sẽ tạo mọi điều kiện cho các em ổn định việc học để theo kịp chương trình. Những học sinh này, nhà trường sẽ lập danh sách riêng để giáo viên trong quá trình giảng dạy điểm danh, đánh giá kết quả học tập của các em. Sau này, các em có nhu cầu chuyển trường hay tiếp tục học tại địa phương, nhà trường có cơ sở, kết quả để chuyển đến nơi học sinh, gia đình có nhu cầu”, cô Thương thông tin.

Thầy cô ở quận Bình Thủy (TP Cần Thơ) dọn trường lớp chuẩn bị đón HS trở lại.
Thầy cô ở quận Bình Thủy (TP Cần Thơ) dọn trường lớp chuẩn bị đón HS trở lại.

Mong con không bị đứt đoạn chuyện học

Dịch bệnh bùng phát, vợ chồng anh Từ Tùng Anh làm công nhân ở TPHCM bị mất việc. Trụ lại nhà trọ mấy tháng nay, tiền tích cóp đã hết sạch nên anh cùng vợ và 3 con quyết định trở về Cà Mau.

Về đến TP Cần Thơ, anh Tùng Anh ghé điểm tiếp tế để nhận đồ ăn, nước uống. Mệt lừ vì vượt đường xa, anh Tùng Anh chia sẻ: “Gia đình tôi lên TPHCM tìm đường mưu sinh, nhưng mất việc hơn 3 tháng, tiền dành dụm cũng hết sạch. Mình đói thì không sao, tội cho 3 đứa con nhỏ nên đành rời thành phố để về quê. Tôi cũng lo chuyện học 3 đứa con sẽ bị dang dở. Rất mong khi về địa phương, các con sẽ được tạo điều kiện đến trường”.

Anh Lý Kha (42 tuổi), dân tộc Khmer ngụ thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) vừa cùng vợ con từ Bình Dương trở về quê. Anh Kha chia sẻ: “Hơn 3 tháng qua, không việc làm, tiền tích lũy cũng xài hết, con năm nay vào lớp 1, cũng phải tạm dừng để cùng về quê. Khi hay tin địa phương tạo điều kiện được nhập học tại nơi cư trú tôi cũng an tâm. Gia đình dự định không đi Bình Dương nữa mà tìm công việc tại quê hương để ổn định cuộc sống. Sau khi hoàn thành thời gian cách ly, tôi sẽ làm thủ tục cho con nhập học tại địa phương”.

Bà Phạm Thị Cẩm Tú, Trưởng phòng GD&ĐT thị xã Vĩnh Châu, cho biết: Người dân cùng con em từ các nơi trở về địa phương tránh dịch, ngành Giáo dục rất lo lắng vấn đề học tập. Tuy nhiên, người dân đang thực hiện cách ly tập trung, có người huyện này, có người huyện khác, ngành cũng chưa thể thống kê hết được. Trước mắt, phòng chỉ đạo các trường chủ động thực hiện dạy học trực tuyến cho học sinh. Đồng thời phối hợp chính quyền địa phương rà soát và thông tin với phụ huynh về việc hỗ trợ, tiếp nhận học sinh có nhu cầu học tập tại địa phương.

Tại tỉnh Vĩnh Long, bà Trương Thanh Nhuận, Giám đốc Sở GD&ĐT, cho hay: Từ đầu năm học, Sở GD&ĐT Vĩnh Long đã chỉ đạo phòng GD&ĐT và trường học tiếp nhận, tạo điều kiện cho học sinh ngoài địa phương bị kẹt lại vì dịch bệnh được học tại nơi cư trú. Thời gian tới, ngành tiếp tục chỉ đạo các đơn vị tiếp nhận học sinh ngoài địa bàn có nguyện vọng học tại trường. Hiệu trưởng nhà trường phải phối hợp với chính quyền địa phương, nắm thông tin về các trường hợp học sinh có nguyện vọng học tại trường để tạo điều kiện thuận lợi, kịp thời.

Người dân và học sinh ngoài tỉnh trở về đang cách ly tại các điểm cách ly tập trung. Ngay sau khi hoàn thành cách ly, nhà trường sẽ phối hợp với địa phương rà soát, tạo điều kiện tốt nhất để các em ổn định học tập tại nơi cư trú. Sau khi trở lại bình thường mới, các em có nguyện vọng xin tiếp tục học tại nơi cư trú hay chuyển trường về lại địa phương, các trường sẽ phối hợp cùng gia đình làm hồ sơ, trên cơ sở bảo đảm thuận lợi và đúng quy định. - Bà Trương Thanh Nhuận

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

PGS.TS Đỗ Duy Cường thăm khám cho bệnh nhân mắc sởi. Ảnh: BVCC

Gia tăng bệnh sởi ở người lớn

GD&TĐ - Gần đây, số ca mắc sởi có xu hướng gia tăng trên phạm vi nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt ở những nơi đông dân cư.